Đoàn TNCS Hồ Chí Minh là một tổ chức chính trị – xã hội của nước Việt Nam, do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện. Mục đích, lý tưởng của Đoàn là xây dựng một nước Việt Nam độc lập, giàu mạnh, xã hội công bằng dân chủ, văn minh theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đảng cộng sản Việt Nam xác định: “Đoàn TNCS Hồ Chí Minh là đội dự bị tin cậy của Đảng, thường xuyên bổ sung lực lượng trẻ cho Đảng, kế tục sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh; là lực lượng nòng cốt trong phong trào thanh niên; là trường học xã hội chủ nghĩa; đại diện quyền lợi của thanh niên; phụ trách đội thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh” (trích Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam).
I. NHỮNG HIỂU BIẾT CƠ BẢN VỀ TỔ CHỨC ĐOÀN TNCS HỒ CHÍ MINH 1. Đoàn TNCS Hồ Chí Minh là gì? Đoàn TNCS Hồ Chí Minh là một tổ chức chính trị – xã hội của nước Việt Nam, do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện. Mục đích, lý tưởng của Đoàn là xây dựng một nước Việt Nam độc lập, giàu mạnh, xã hội công bằng dân chủ, văn minh theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đảng cộng sản Việt Nam xác định: “Đoàn TNCS Hồ Chí Minh là đội dự bị tin cậy của Đảng, thường xuyên bổ sung lực lượng trẻ cho Đảng, kế tục sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh; là lực lượng nòng cốt trong phong trào thanh niên; là trường học xã hội chủ nghĩa; đại diện quyền lợi của thanh niên; phụ trách đội thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh” (trích Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam) Đoàn TNCS Hồ Chí Minh là thành viên của hệ thống chính trị, hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và Pháp luật của Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Đoàn phối hợp với các cơ quan Nhà nước, các đoàn thể và tổ chức xã hội, các tập thể lao động và gia đình chăm lo giáo dục, đào tạo và bảo vệ thanh, thiếu nhi; tổ chức cho đoàn viên, thanh niên tích cực tham gia vào việc quản lý Nhà nước và xã hội. Đoàn TNCS Hồ Chí Minh được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ. 2. Tên gọi của tổ chức Đoàn qua các thời kỳ: – Từ 1931 đến 1937: Đoàn Thanh niên Cộng sản Đông Dương – Từ 1937 đến 1939: Đoàn Thanh niên Dân chủ Đông Dương.
– Từ 1939 đến 1941: Đoàn Thanh niên Phản đế Đông Dương.
– Từ 1941 đến 1955: Đoàn Thanh niên Cứu quốc Đông Dương.
* Sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết:
+ Ở Miền bắc:
– Từ 1955 đến 1970: Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam.
– Từ 1970 đến 1976: Đoàn Thanh niên Lao động Hồ Chí Minh.
+ Ở Miền nam:
– Từ 1955 đến 1961: Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam.
– Từ 1962 đến 1973: Đoàn Thanh niên Nhân dân Cách mạng Miền Nam.
– Từ 1973 đến 1976: Đoàn Thanh niên Nhân dân Cách mạng Hồ Chí Minh.
* Sau ngày Miền Nam hoàn toàn giải phóng:
– Từ 1976 đến 1977: Đoàn Thanh niên Lao động Hồ Chí Minh.
– Từ 1977 đến nay: Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh
II. SỰ RA ĐỜI CỦA ĐOÀN TNCS HỒ CHÍ MINH.
Sau khi dự Đại hội Quốc tế TNCS lần thứ tư (1924), đồng chí Nguyễn Ái Quốc sang Quảng Châu (Trung Quốc), quan hệ chặt chẽ với nhóm thanh niện yêu nước trong Tâm Tâm Xã. Tháng 6/1925, Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội – tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam đã chính thức ra đời. Hội tích cực chăm lo chuẩn bị xây dựng Đoàn TNCS – tổ chức của thanh niên sau này. Ngày 03/02/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời mở ra một thời kỳ mới trong lịch sử Cách mạng Việt Nam. Tháng 10/1930, Trung ương Đảng đề ra nghị quyết về công tác vận động thanh niên. Đến đầu năm 1931, các cơ sở Đoàn được xây dựng trên hầu hết khắp cả nước. Tuy nhiên, hệ thống tổ chức của Đoàn vẫn chưa được thống nhất và Đoàn chưa có sinh hoạt riêng.
Từ thực tế đó, Hội nghị Trung ương Đảng lần 2 họp tại Sài Gòn từ ngày 20 đến ngày 26/3/1931 ra Nghị quyết về công tác thanh niên và xác định nhiệm vụ “cần kíp tổ chức ra Thanh niên Cộng sản Đoàn”. Vì thế, ngày 26/3/1931 được coi là ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Ở thời điểm này trên toàn quốc đã có nhiều tổ chức Đoàn cơ sở với khoảng 1.500 đoàn viên, một số địa phương đã hình thành hệ thống tổ chức Đoàn từ xã, huyện đến tỉnh.
Như vậy, quá trình hình thành tổ chức Đoàn TNCS ở việt Nam gắn liền với vai trò sáng lập, lãnh đạo, rèn luyện của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngày 26/3 hàng năm trở thành ngày kỷ niệm thiêng liêng của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh quang vinh và của tuổi trẻ Việt Nam nói chung.
III. TRUYỀN THỐNG CỦA ĐOÀN TNCS HỒ CHÍ MINH
Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng đã không ngừng lớn mạnh, trưởng thành về mọi mặt và xây dựng cho mình những truyền thống tốt đẹp từ thực tiễn đấu tranh và hành động của Cách mạng. Đó là:
– Truyền thống yêu nước nồng nàn, gắn bó thiết tha, trung thành tuyệt đối với nhân dân và chế độ XHCN. Truyền thống của đội quân xung kích cách mạng, dám đón lấy những nhiệm vụ nặng nề, dám đi đến những nơi khó khăn, gian khổ, dám suy nghĩ, sáng tạo để hoàn thành nhiệm vụ được giao, thực hiện lời dạy của Bác Hồ “Đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên”.
– Truyền thống gắn bó đoàn kết trong lớp người cùng lứa tuổi, trong các tổ chức Đoàn và Hội; Đoàn kết gắn bó với nhân dân, thương yêu giúp đỡ nhau trong hoạn nạn.
– Truyền thống hiếu học, ham hiểu biết để tự mình nâng cao trình độ chính trị, văn hóa, khoa học – kỷ thuật, quản lý và quân sự… Say mê, sáng tạo trong hoạt động thực tiễn, để cống hiến cho sự nghiệp của dân tộc và của Đảng.
Những truyền thống vẻ vang của Đoàn và tuổi trẻ Việt Nam được thể hiện cụ thể trong từng giai đoạn cách mạng như sau: 1. Tuổi trẻ Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giành chính quyền (1930 – 1945)
Cao trào cách mạng 1930 – 1931 mà đỉnh cao là Xô Viết – Nghị Tĩnh được xem là trận thử lửa đầu tiên đối với lớp thanh niên đầu tiên giác ngộ lý tưởng Cộng sản. Trong trận thử lửa đó, có biết bao đoàn viên có khí phách anh hùng, quyết tâm một lòng một dạ đi theo Đảng làm cách mạng. Phối hợp với tuổi trẻ chống đế quốc, phong kiến. Biết bao đoàn viên thanh niên cộng sản đã hy sinh anh dũng với tư thế hiên ngang trước họng súng quân thù. Trong số đó, tên tuổi Lý Tự Trọng, người đoàn viên TNCS thuộc lớp đầu tiên được đồng chí Nguyễn Ái Quốc trực tiếp đào tạo, giáo dục từ lúc còn thiếu niên đã được nhiều thanh niên Việt Nam cũng như tuổi trẻ nhiều nước trên thế giới biết đến như một biểu tượng rực rỡ của tinh thần bất khuất và lạc quan cách mạng tuyệt vời. Trước mọi cực hình tra tấn của kẻ thù, Lý Tự Trọng vẫn một lòng trung thành với con đường, với lý tưởng cao đẹp mà anh đã chọn, như lời anh đã nói “Con đường của thanh niên chỉ có thể là con đường cách mạng, không thể có con đường nào khác”. Lời anh đã trở thành bản tuyên ngôn của thế hệ thanh niên đầu tiên được giác ngộ lý tưởng của Đảng và cho tất cả thế hệ thanh niên sau này.
Tháng 2/1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam. Tháng 5/1941, Hội nghị TW Đảng lần 8 quyết định thành lập Việt Nam độc lập đồng minh hội (tức Mặt trận Việt Minh) và các hội cứu quốc, trong đó có Đoàn Thanh niên Cứu quốc Việt Nam. Hoạt động đấu tranh chủ yếu của đoàn viên thanh niên trong những năm 1941 – 1944 gắn liền với phong trào cách mạng toàn dân, tập trung vào các mục tiêu chống chính sách bóc lột đàn áp, đòi quyền dân chủ, chống lại các thủ đoạn lừa bịp, mị dân, lôi kéo quần chúng của phát xít Nhật, chống lại những luận điệu tư tưởng và văn hóa độc hại mà kẻ thù ra sức gieo rắc. 2. Đoàn trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp tái xâm lược (1945 - 1954):
2.1. Giai đoạn 1945 – 1946:
Ngay trong phiên họp đầu tiên của chính phủ lâm thời ngày 3/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ 3 nhiệm vụ chính mà toàn dân tộc phải tập trung giải quyết : chống giặc đói, chống giặc dốt và chống giặc ngoại xâm.
Để góp phần đẩy lùi nạn đói, Đoàn Thanh niên Cứu quốc đã động viên thanh niên cả nước thực hiện mọi biện pháp: Tổ chức những đội sản xuất đi khai hoang phục hóa ruộng đất, bảo vệ đê điều, trồng nông sản thu hoạch ngắn ngày, lập những đội quyên góp quần áo, thuốc men, lương thực,… Đoàn viên thanh niên còn đi đầu tuyên truyền, vận động xây dựng “Quỹ độc lập” và “Tuần lễ vàng”. Kết quả quyên góp được 370kg vàng và 20.000.000đ (hai mươi triệu đồng) vào Quỹ độc lập.
Đoàn viên thanh niên cũng là lực lượng nồng cốt trong chiến dịch chống nạn mù chữ như lời Bác Hồ dạy “Công việc này, mong anh chị em sốt sắng giúp sức”. Ở Hà Nội, hơn 2000 đoàn viên thanh niên phần lớn là học sinh – sinh viên tình nguyện làm giáo viên các lớp bình dân học vụ. Trong một thời gian ngắn, có 74.957 lớp học được tổ chức với 95.665 người tham gia làm “chiến sĩ diệt dốt”. Chỉ sau 1 năm, đã có 2,5 triệu người thoát nạn mù chữ.
Ở Nam Bộ ngày 23/9/1945, tiếng súng kháng chiến chống Pháp tái xâm lược đã bùng nổ. Thanh niên nhanh chóng gia nhập đội cảm tử và các đơn vị vũ trang, làm nhiệm vụ bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền, ngăn chặn bước tiến của địch. Nhiều trận đánh làm địch hoảng sợ như trận phục kích khu quân sự ở vùng ngoại ô khu Tân Định ngày 24/9/1945, diệt 200 tên địch; trận tấn công bất ngờ trại lính Pháp trên đường Duvuê (nay là đường Hùng Vương) diệt 100 tên
2.2. Giai đoạn 1947 – 1950:
Trước dã tâm xâm lược ngày càng trắng trợn của thực dân Pháp, HN Thường vụ TW Đảng họp ngày 18 và 19/12/1946 đã quyết định phát động toàn dân đứng lên cầm vũ khí chống thực dân Pháp tái xâm lược. Ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi :Toàn quốc kháng chiến”. Hưởng ứng lời kêu gọi thiêng liêng của Bác Hồ và thực hiện chủ trương của Đảng, từ cuối 1946, phong trào thi đua yêu nước, góp phần đẩy mạnh cuộc kháng chiến “toàn dân, toàn diện, lâu dài, tự lực cánh sinh” đã thu hút đông đảo ĐVTN cả nước trên tất cả các mặt trận quân sự, chính trị, kinh tế và văn hóa. Thu đông năm 1950, TW Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh mở chiến dịch Biên Giới, khai thông đường liên lạc giữa ta với hệ thống XHCN , mở rộng và củng cố vùng căn cứ địa Việt Bắc, thu hẹp phạm vi chiếm đóng của địch. Đêm 16/9/1950, bộ đội ta tiến vào cứ điểm Đông Khê, mở màn chiến dịch biên giới lịch sử. Trong suốt chiến dịch, tuổi trẻ trong các lực lượng vũ trang, lực lượng TNXP, dân công hỏa tuyến đã nêu cao gương chiến đấu và phục vụ chiến đấu dũng cảm tuyệt vời. La Văn Cầu nhờ đồng đội chặt cánh tay bị thương để tiếp tục chiến đấu. Ngô Mây ôm bom ba càng lao vào đội hình giặc, đánh bom phủ đầu tạo điều kiện cho đơn vị tiêu diệt giặc. Trần Văn Ơn hy sinh trong cuộc biểu tình của hơn 2000 HS – SV – giáo viên và 7000 nhân dân đòi đảm bảo an ninh cho HS – SV đang học và trả tự do cho HS – SV bị bắt.
2.3. Giai đoạn 1951 – 1954:
Chiến thắng Biên giới (1950) đã cổ vũ mạnh mẽ tuổi trẻ cả nước xông lên giết giặc lập công. Đã có biết bao tấm gương chiến đấu ngoan cường, đầy mưu trí, anh dũng của thanh niên cả nước vì sự nghiệp kháng chiến thắng lợi, đất nước được giải phóng. Đó là Võ Thị Sáu, người con gái Đất đỏ. Trong khi thi hành nhiệm vụ diệt tên cai Tổng Tòng khét tiếng man rợ, chị bị sa vào tay giặc. Chị bị tra khảo dã man, chết đi sống lại nhiều lần nhưng chị vẫn một mực không khai báo. Không khai thác được gì, bọn chúng kết án tử hình và đem chị ra Côn Đảo xử bắn. Chị là người phụ nữ đầu tiên và duy nhất thực dân Pháp xử bắn tại Côn Đảo.
Tháng 12/1953, Trung ương Đảng quyết định mở cuộc tấn công vào cứ điểm Điện Biên Phủ. Với tinh thần “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, tuổi trẻ lại một lần nữa để lại những tấm gương quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh.
Đó là hình ảnh thanh niên cùng toàn dân tạo nên kỳ tích về vận tải; 628 xe ô tô lăn bánh liên tục suốt ngày đêm. Bộ đội vận tải nêu cao tinh thần dũng cảm, khắc phục khó khăn, xe chạy không bật đèn trong đêm, vượt qua bom nổ chậm , bảo đảm một khối lượng vũ khí, đạn dược cho chiến dịch. Đó là hình ảnh PhanĐình Giót lấy thân mình lấp lo châu mai cho đồng đội tiến lên. Đó là hình ảnh Bế Văn Đàn lấy thân mình làm giá súng.
Kéo pháo ra trận địa là kỳ công của “anh bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ chống Pháp. Những cỗ pháo nặng hàng chục tấn được các chiến sĩ kéo qua đèo cao, dốc thẳm vào trận địa an toàn. Tô Vĩnh Diện lấy thân mình cứu pháo để pháo khỏi phải lao xuống vực. Ngày 13/3/1954, chiến dịch Điện Biên Phủ bắt đầu. Sau 55 ngày đêm “khoét núi, mưa dầm, cơm vắt”, chiến dịch đã kết thúc thắng lợi.
3. Đoàn trong thời kỳ cả nước tiến hành xây dựng CNXH ở miền Bắc, hoàn thành Cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam và kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954 – 1975).
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, miền Bắc bước vào thời kỳ quá độ đi lên CNXH, miền Nam tạm thời là vùng tập kết lực lượng của quân đội Liên hiệp Pháp. Thực tế đó của đất nước dẫn đến nhiệm vụ của thanh niên 2 miền Nam Bắc cũng khác nhau.
3.1. Giai đoạn 1954 -1960:
Ở miền Bắc, đây là giai đoạn khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế – văn hóa – xã hội. Sau khi Hiệp định Giơneve được ký kết (20/7/1954), Trung ương Đoàn đã chỉ đạo các tỉnh – thành Đoàn tổ chức lực lượng làm công tác tiếp quản các địa phương, tuyên truyền vận động nhân dân chống lại âm mưu dụ dỗ, cưỡng ép đồng bào di cư vào Nam, giúp đỡ đồng bào và thanh niên miền Nam di cư ra Bắc.
Trong khi đó tại Miền Nam, nhân dân phải sống trong hoàn cảnh hết sức khốc liệt, gian nan do những chiến dịch Tố cộng, diệt Cộng của Mỹ – Diệm. Đế quốc Mỹ và Ngô Đình Diệm đã biến Miền Nam thành căn cứ quân sự và thuộc địa kiểu mới để chia cắt đất nước ta. Nhân dân và thanh niên Miền Nam đoàn kết đấu tranh chống lại luật 10/1959 lê máy chém đi sát hại đồng bào và thanh niên yêu nước. Phong trào đấu tranh của đồng bào và thanh niên Miền Nam tiếp tục giữ vững và phát triển mạnh mẽ dưới nhiều hình thức như đòi hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất Tổ quốc, đấu tranh chống khủng bố.
Đến những năm 1958 – 1959, nhiều nhóm vũ trang tự vệ với lực lượng nòng cốt là đoàn viên thanh niên đã bí mật hình thành không chỉ ở vùng tự do mà còn ngay trong lòng địch, thậm chí còn biến những “khu Trù Mật”, “khu Dinh Điền” do địch lập ra thành làng chiến đấu, thành khu vực kiểm soát của ta.
3.2. Giai đoạn 1961 – 1965:
Đây là giai đoạn tuổi trẻ Miền Bắc bắt tay vào cuộc đua “xung phong tình nguyện vượt kế hoạch 5 năm lần thứ nhất”. Không chỉ là để xây dựng miền Bắc mà phong trào xung phong vượt kế hoạch còn là hành động cụ thể nhất của tuổi trẻ đáp lời kêu gọi của Tổ quốc “Mỗi người phải làm bằng hai để đền đáp công ơn của đồng bào Miền Nam ruột thịt” (Hồ Chí Minh). Phong trào được phát động đã khơi dậy một phong trào thi đua sôi nổi. Tuổi trẻ đã phải trãi qua muôn ngàn khó khăn, gian khổ và lập được nhiều thành tích xuất sắc.
Tại Miền Nam, để dập tan âm mưu của địch, yêu cầu xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng miền Nam lớn mạnh vượt bậc, có tầm quan trọng đặc biệt. Phong trào tòng quân tham gia bộ đội, đi TNXP, tham gia quân du kích các đội biệt động… thu hút đông đảo thanh niên tham gia. Giữa lúc phong trào đấu tranh của thanh niên Sài Gòn dâng cao, Mỹ – Ngụy đưa đồng chí đoàn viên chiến sĩ biệt động Sài Gòn Nguyễn Văn Trỗi, người đặt mìn trên cầu Công Lý giết hụt tên bộ trưởng Bộ quốc phòng Mỹ Mac Namara ra xử bắn, làm dư luận cả nước và thế giới phẫn nộ.
3.3. Giai đoạn 1965 – 1975:
Những cống hiến xuất sắc của tuổi trẻ Việt Nam đưa sự nghiệp chống Mỹ cứu nước đi đến toàn thắng.
Khí thế của phong trào “3 sẵn sàng” trong đoàn viên thanh niên Miền Bắc thể hiện trong chiến đấu, sản xuất, học tập, rèn luyện nâng lên thành sức mạnh vật chất to lớn. Phong trào được lan rộng khắp nơi và thu hút đông đảo đoàn viên thanh niên tham gia. Hàng triệu thanh niên “3 sẵn sàng” mong muốn trực tiếp cầm súng để bảo vệ Tổ quốc. Phong trào tập luyện “Vai trăm cân, chân nghìn dặm” để “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” được thanh niên hưởng ứng rầm rộ. Con đường Trường Sơn và chiếc gậy Trường Sơn đã trở thành vinh dự và tự hào của tuổi trẻ. Quân đội là trường học vĩ đại để tuổi trẻ rèn luyện và lập công.
Đây cũng là thời kỳ tại miền Nam, Đại hội lần thứ nhất Đoàn TNND cách mạng miền Nam được triệu tập vào tháng 3/1965 đã quyết định phát động phong trào “5 xung phong” trong toàn thể ĐVTN:
1. Xung phong tiêu diệt thật nhiều sinh lực địch.
2. Xung phong tòng quân giết giặc.
3. Xung phong trong các cuộc đấu tranh chính trị ở nông thôn cũng như ở đô thị.
4. Xung phong phục vụ tiền tuyến, vào các đội TNXP công tác phục chiến trường.
5. Xung phong sản xuất nông nghiệp trong nông thôn.
TNXP với tinh thần “không tiền tuyến, không hậu phương, đâu Đảng cần TNXP có mặt” và “đánh địch mà đi, mở đường mà tiến” đã lập nên nhiều kỳ tích phi thường trong nhiệm vụ bảo vệ giao thông vận tải thông suốt, kịp thời. Giai đoạn này TNXP được thành lập trên mảnh đất thành đồng chiến đấu. Đặc biệt trong giai đoạn này có tới 60 – 70% TNXP là nữ vì với các chị “Nam thanh niên được tham gia bộ đội, tham gia các ngành đã nhiều rồi, nay phải nhường phần cho nữ thanh niên”. Giai đoạn này, tiêu biểu là hình ảnh của 10 cô gái ở ngã ba Đồng Lộc.
Cuối năm 1974 và đầu năm 1975, cục diện chiến trường và tình hình so sánh lực lượng ở miền Nam nhanh chóng thay đổi có lợi cho cách mạng, củng cố thêm quyết tâm chiến lược giải phóng hoàn toàn miền Nam. Cuối cùng, chỉ trong 55 ngày đêm chiến đấu với khí thế “thần tốc, táo bạo, bất ngờ, quyết thắng”, ĐVTN và quân dân cả nước đã làm nên những chiến thắng tung bừng trong các chiến dịch Tây Nguyên, Huế – Đà Nẵng và chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Thành phố Sài Gòn, nơi 64 năm trước Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước nay đã vĩnh viễn trở về với nhân dân nước Việt Nam độc lập thống nhất.
4. Giai đoạn từ năm 1975 đến nay :
4.1. Giai đoạn 1975 – 1986:
Hăng hái tham gia xây dựng và kiên cường bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN:
Đất nước ta từ khi thống nhất đã đứng trước nhiều khó khăn thử thách do chính sách cấm vận, bao vây cô lập của Mỹ và những hoạt động khống chế, phá hoại của các thế lực thù địch. Chính vì vậy, tuổi trẻ và nhân dân cả nước cùng một lúc phải thực hiện song song hai nhiệm vụ: xây dựng đất nước và đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Hướng về Đảng, được sự cổ vũ mạnh mẽ bởi những Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ IV, tuổi trẻ Việt Nam đã lập công xuất sắc trên các trận tuyến xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN thông qua phong trào “3 xung kích làm chủ tập thể”:
+ Tuổi trẻ tham gia khắc phục những hậu quả chiến tranh, khai hoang phục hóa, phục hồi những hecta ruộng đất dày đặc bom mìn. Tại TP . Hồ Chí Minh, hàng vạn thanh niên đã gia nhập LL. TNXP đi xây dựng các vùng đất mới tại những nơi bị bom Mỹ hủy diệt.
+ Hàng vạn ĐVTN nông thôn tham gia các hoạt động thâm canh tăng vụ, khai hoang phục hóa và cải tạo XHCN đối với nông nghiệp với khẩu hiệu “Tấc đất tấc vàng”. Trong giai đoạn này, TNXP TP. Hồ Chí Minh còn thực hiện một mục tiêu nữa là tổ chức giáo dục và rèn luyện con người thanh niên mới. Hàng vạn TN nạn nhân của chủ nghĩa thực dân (nghiện ma túy, mại dâm…) đã trở thành những người lao động có ích.
+ Trong công nghiệp, lực lượng thanh niên công nhân tích cực hưởng ứng phong trào lao động tình nguyện vượt mức kế hoạch; tuổi trẻ sáng tạo; luyện tay nghề; thi thợ giỏi, tiết kiệm với những chỉ tiêu: kỷ luật lao động, năng suất lao động, sáng kiến chất lượng, nâng cao trình độ kỹ thuật nghiệp vụ tay nghề.
Năm 1978, đất nước ta đứng trước những thử thách đặc biệt nghiêm trọng. Thiên tai ác liệt mấy năm liền làm cho sản xuất nông nghiêp bị tổn thất, đời sống nhân dân trở nên khó khăn. Thêm vào đó là những hành động chống phá, uy hiếp, đe dọa của các thế lực thù địch gây ra ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc. Nêu cao ý chí “Không có gì quí hơn độc lập tự do”, tuổi trẻ Việt Nam, trong đó có thanh niên xung phong thành phố, đã không ngại hy sinh, gian khổ lại một lần nữa hăn hái lên đường đem máu xương, công sức, trí tuệ của mình đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến đấu ở biên giới Tây Nam, giáng trả đích đán âm mưu xâm lược và chống phá cách mạng của tập đoàn Pônpốt – Iêng Sari, bảo vệ vững chắt chủ quyền lãnh thổ đất nước và góp phần cứu nhân dân Campuchia anh em thoát khỏi họa diệt chủng. Ngày 5/3/1979, Trung Quốc buộc phải tuyên bố rút quân, chấm dứt cuộc xung đột.
4.2. Giai đoạn 1986 đến nay:
Đổi mới tổ chức, hoạt động của Đoàn phát triển mạnh mẻ phong trào thanh niên, góp phần xứng đáng vào thắng lợi của công cuộc đổi mới đất nước.
Đại hội Đại biểu toàn quốc lần V của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (1987) đã quyết định tiếp tục phát triển phong trào “tuổi trẻ xung kích, sáng tạo và xây dựng bảo vệ Tổ quốc”.
Để có thể đáp ứng yêu cầu của Đảng và cả dân tộc trong giai đoạn mới, hầu hết các tỉnh thành và nhiều quận, huyện Đoàn đã xây dựng lực lượng TNXP làm nhiệm vụ kinh tế, nhiều cơ sở Đoàn tham gia làm kinh tế nhằm xây dựng quỹ Đoàn bằng cách lập các công ty, xí nghiệp sản xuất, các cơ sở dịch vụ tự trang trải, hoạt động theo đúng pháp luật. Các phong trào như: “Thanh niên nông thôn sản xuất – Kinh doanh giỏi”, Phong trào CKT (chất lượng – kiểu dáng – tiết kiệm, tiếp thị)… đã thu hút đông đảo ĐVTN tham gia.
Năm 1992, Đại hội Đại biểu toàn quốc Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã được tổ chức tại Hà Nội. Sau Đại hội, hai phong trào lớn được xem là phong trào hành động của thanh niên cả nước là “thanh niên lập nghiệp và tuổi trẻ giữ nước”.
– Phong trào thanh niên lập nghiệp:
Phong trào ra đời nhằm vận động, cổ vũ, tạo mọi điều kiện giúp đỡ và hướng dẫn thanh niên lập thân, lập nghiệp với những nội dung, cách làm phù hợp với từng đối tượng thanh niên. Nhiều cuộc thi tay nghề giỏi các cấp đã được tổ chức. Các nguồn quỹ: Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm, quỹ xóa đói giảm nghèo, quỹ trợ vốn thanh niên sản xuất… đã góp phần giúp thanh niên vượt khó, làm giàu chính đáng.
– Phong trào tuổi trẻ giữ nước:
Đây là phong trào thể hiện trách nhiệm của Đoàn trong việc giáo dục tuổi trẻ Việt Nam kế thừa và phát huy truyền thống vẻ vang của dân tộc trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Các phong trào, các cuộc vận động như: “Vì các chiến sĩ nơi biên giới hải đảo”, “Vì Trường sa thân yêu”, “Vì người bạn tòng quân”… đã thu hút đông đảo ĐVTN tham gia. Trong thanh niên các lực lượng vũ trang là phong trào “Xứng danh anh Bộ đội Cụ Hồ”, “Thực hiện 6 điều Bác Hồ Dạy” từng bước đi vào chiều sâu.
Không chỉ là hai phong trào lớn, tổ chức Đoàn ở từng địa phương đã đề ra các chương trình hành động phù hợp với thực tế như: Phong trào tình nguyện “Mùa hè xanh” từ Thành phố Hồ Chí Minh lan rộng ra các tỉnh, thành. Hội LHTN với giải thưởng “Sao đỏ” cho các doanh nhân trẻ xuất sắc. Hàng ngàn trí thức trẻ đã về các vùng sâu, vùng xa để phục vụ tổ quốc. Các phong trào tình nguyện của thanh niên Tp. Hồ Chí Minh như hướng dẫn học sinh lớp 12 thi đại học, các ngày chủ nhật xanh và các chương trình khác đã thể hiện tính xung kích của tuổi trẻ trong giai đoạn mới.
IV. TRUYỀN THỐNG ĐOÀN LỰC LƯỢNG TNXP.
Đoàn TNCS Lực lượng TNXP là đơn vị trực thuộc Thành Đoàn Tp. Hồ Chí Minh. Từ ngày thành lập đến nay, Đoàn TNCS Lực lượng TNXP đã trải qua 7 nhiệm kỳ Đại hội.
Trong thời gian qua, Đoàn TNCS Lực lượng đã tổ chức rất nhiều các hoạt động thiết thực chăm lo cho đoàn viên, thanh niên như tổ chức hội thi “Tôi người đội viên TNXP”, Hội trại truyền thống “Sống như Anh”, Liên hoan “Thanh niên tiến tiến – Gương mặt trẻ TNXP”, Hội thao học viên, liên hoan văn nghệ “Niềm tin cuộc sống”, “Kỳ nghỉ hồng”,… Ngoài ra, Đoàn còn tham gia tốt hoạt động do Thành đoàn và Trung ương đoàn phát động như: Tham gia đóng góp xây dựng công trình trung tâm sinh hoạt dã ngoại thanh thiếu nhi thành phố tại Cần Giờ, chương trình “Mùa hè xanh”, chương trình “Vì Trường Sa thân yêu”…
Hiện nay, Đoàn TNCS Lực lượng TNXP gồm có 16 cơ sở Đoàn trực thuộc với 64 chi đoàn và 1.500 đoàn viên tham gia sinh hoạt. Là đơn vị xuất sắc nhiều năm liền, được các cấp chính quyền, đoàn thể thành phố và trung ương trao tặng bằng khen. Năm 2003, Đoàn TNCS Lực lượng TNXP đã vinh dự nhận bằng khen do Thủ tướng Chính phủ trao tặng. Năm 2007, được tặng Huân chương Lao động Hạng Ba.
V. KẾT LUẬN:
Đoàn TNCS Hồ Chí Minh là một tổ chức chính trị – xã hội của nước Việt Nam, do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện. Đoàn TNCS Hồ Chí Minh là thành viên của hệ thống chính trị, hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và Pháp luật của Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Trải qua 75 năm thành lập và phát triển, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã khẳng định vai trò to lớn của mình trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Đoàn phối hợp với các cơ quan Nhà nước, các đoàn thể và tổ chức xã hội, các tập thể lao động và gia đình chăm lo giáo dục, đào tạo và bảo vệ thanh, thiếu nhi; tổ chức cho đoàn viên, thanh niên tích cực tham gia vào việc quản lý Nhà nước và xã hội.
Thanh niên là người sau cai nghiện và người tái hòa nhập cộng đồng hiện nay chiếm tỷ lệ đa số. Như những thanh niên khác, là một thanh niên Việt Nam, việc tìm hiểu về truyền thống tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh là một quyền lợi chính đáng và cũng là nghĩa vụ của mình, từ đó ra sức rèn luyện, phấn đấu để trở thành người đoàn viên TNCS, góp phần vào công cuộc xây dựng một nước Việt Nam theo mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
|