Cách mạng Tháng Mười Nga 1917 mở ra con đường giải phóng cho các dân tộc và cả loài người, là một sự kiện lịch sử quan trọng, đánh dấu sự ra đời của Nhà nước Nga Xô Viết. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga đã tạo nên Nhà nước chuyên chính vô sản đầu tiên trên thế giới, đưa nước Nga đi theo con đường CNXH, mở ra một thời kỳ mới - thời kỳ quá độ từ CNTB tiến lên CNXH trên phạm vi toàn thế giới.
Gần một thế kỷ trôi qua, kể từ ngày 7-11-1917, trên thế giới đã diễn ra biết bao chấn động chính trị, Liên Xô tan rã và sự ra đời sau đó của Cộng đồng các quốc gia độc lập. Chế độ XHCN ở Liên Xô và một loạt nước châu Âu cũng không còn. Đây đó đã xuất hiện những tiếng nói phủ nhận ý nghĩa trọng đại của Cách mạng Tháng Mười Nga. Song, có thể khẳng định rằng, đa số người Nga vẫn giữ quan điểm tích cực về cuộc cách mạng này.
Tư tưởng và sức sống của Cách mạng Tháng Mười Nga đến nay vẫn còn giữ nguyên giá trị. Cách mạng Tháng Mười Nga mở ra cho nhân loại con đường xây dựng một xã hội không có chiến tranh, không có bạo lực và áp bức - điều mà các cuộc cách mạng xã hội trước đó không thực hiện được. Điều này cho thấy sức bền vững của những tư tưởng CNXH. CNXH - đó không phải là quá khứ, mà là tương lai của nhân loại. Thực tế cho thấy, nhiều nước đã áp dụng một cách sáng tạo kinh nghiệm của Liên Xô, rút ra những điều tinh túy nhất để áp dụng trong sự nghiệp cách mạng nước mình.
Ở Việt Nam, thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga đã góp phần soi sáng con đường tiến tới giải phóng dân tộc, thoát khỏi ách nô lệ. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Giống như mặt trời chói lọi, Cách mạng Tháng Mười Nga chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu, hàng triệu người bị áp bức, bóc lột trên trái đất. Trong lịch sử loài người chưa từng có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa như thế...
Việt Nam đã rút ra được những bài học giá trị của Cách mạng Tháng Mười Nga, áp dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin trong quá trình bảo vệ và xây dựng Tổ quốc theo định hướng XHCN vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng và văn minh”.
30 năm trôi qua, Công ty Cao su Dầu Tiếng, nay là Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng không ngừng lớn mạnh trên mọi phương diện. Nhưng có lẽ trong mỗi người công nhân cao su không quên được khi Hội đồng Bộ trưởng, Tổng cục Cao su chuẩn y quyết định thành lập Công ty Cao su Dầu Tiếng ngày 21-5-1981. Khi ấy, những người Liên Xô anh em không quản nhọc nhằn, kề vai sát cánh cùng những người công nhân cần mẫn, từng bước cụ thể hóa Hiệp định Việt - Xô trên đất Dầu Tiếng bằng thắng lợi của 5 năm đầu (1981-1985) đó là hoàn thành trồng mới 20.000 ha cao su.
Dấu ấn...
Chiếc MTZ của Liên Xô vẫn còn à! Chỉ vào chiếc máy cày còn mới toanh nằm trước Nông trường Cao su (NTCS) Long Hòa thuộc Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng, chúng tôi đặt câu hỏi. Không chần chừ, anh Bùi Văn Tài, Phó Giám đốc NTCS Long Hòa trả lời: “Chính chiếc đó! Ngày xưa, Liên Xô có một đội xe như vậy giúp công ty khai hoang”. Đã 30 năm trôi qua, nhưng chiếc máy cày ấy vẫn còn nguyên vẹn trong những lô cao su nặng trĩu với những dòng nhựa trắng ngọt ngào. Thế mới hiểu, công nhân cơ khí của nông trường khéo léo, chăm sóc cẩn thận chiếc máy cày đến cỡ nào.
Trưởng đoàn chuyên gia đưa dao khai dòng nhựa trắng đầu tiên tại NTCS Đoàn Văn Tiến
NTCS Long Hòa được thành lập ngày 2-5-1982. Sau 2 tháng triển khai công trình hợp tác với Liên Xô. Nhờ vào phương tiện cơ giới, xe máy của công trình hợp tác Việt - Xô, từ 477 ha khai hoang, trồng mới năm 1982 đã tăng lên 1.852 ha năm 1985 và đến nay, nông trường đã có trên 3.500 ha diện tích vườn cây cao su cho khai thác, luôn đi đầu về nâng cao sản lượng và đời sống công nhân. Cũng như NTCS Long Hòa, phần lớn diện tích cao su khai thác của NTCS Long Tân đều khởi nguồn từ những năm đầu thực hiện công trình hợp tác Việt - Xô trên đất Dầu Tiếng.
Từ những quyết tâm
Nhìn lại 30 năm, mới thấy sức lao động phi thường của công nhân cao su Dầu Tiếng. Ý nghĩa to lớn ở đây được nhấn mạnh đó là tình hữu nghị hợp tác cũng như cách nghĩ, cách làm của tập thể Anh hùng lao động Công ty Cao su Dầu Tiếng. Năm 1981, để tìm hướng đi mới, Ban Giám đốc công ty đã bàn bạc, đề ra phương án hành động cụ thể mang tính đột phá, đó là tập hợp đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật, kể cả chuyên viên thời kỳ trước giỏi về cao su; mạnh dạn đề bạt cán bộ quản lý trẻ, đưa cơ giới vào khai hoang; đồng thời tháo gỡ khó khăn, tiến hành thử nghiệm cách làm ăn mới.
Đời sống nâng cao, công nhân cao su gắn bó với dòng nhựa trắng
Công ty bắt đầu khoán sản phẩm để khuyến khích sản xuất, lấy hiệu quả sản phẩm làm thước đo năng lực về phẩm chất lao động. Với khẩu hiệu tất cả cho khai hoang cho trồng mới thắng lợi, công tác khai hoang được tiến hành với nhịp độ khẩn trương. Đội khai hoang cơ giới được sự hỗ trợ của các chuyên gia kỹ thuật Liên Xô, kết hợp với lực lượng lao động khai hoang thủ công, đã tạo nên khí thế thi đua sôi động trong sản xuất bằng việc phát động thi đua, lấy tổ, đội và cá nhân đăng ký thi đua XHCN, đặc biệt là khai hoang trồng mới.
Để đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ mới, năm 1982, công ty quyết định thành lập thêm 4 NTCS Minh Tân, Long Tân, Bến Súc và An Lập, tăng lên 7 nông trường. Cứ thế, một năm sau, công ty trở thành đơn vị sản xuất XHCN, từ 7 nông trường tăng lên 11 nông trường. Việc mở rộng quy mô sản xuất đòi hỏi công tác tổ chức, lãnh đạo, chỉ đạo sản xuất cũng phải thay đổi. Thế là một lần nữa, Ban Giám đốc công ty đã mạnh dạn hợp đồng với các đơn vị khai hoang cơ giới theo nguyên tắc hai bên cùng có lợi. Nhờ cách làm táo bạo này, nên chỉ trong 3 tháng mùa mưa năm 1982, công ty đã khai hoang được 2.754 ha rừng. Đất khai hoang màu mỡ, cao su xuống giống đúng thời vụ, đã góp phần đâm chồi, bén rễ thành những vườn cây xanh mượt, báo hiệu những thắng lợi ban đầu của tư duy sáng tạo và tình hữu nghị Việt - Xô đang khắng khít tốt đẹp trên đất Dầu Tiếng.
Thắng lợi bước đầu từ tình hữu nghị Việt - Xô ngày càng vun đắp cho cao su Dầu Tiếng mạnh hơn. Năm 1985, kỷ niệm 68 năm Cách mạng Tháng Mười Nga, Công ty Cao su Dầu Tiếng chính thức công bố hoàn thành kế hoạch 5 năm Hiệp định hợp tác Việt - Xô với 20.000 ha cao su trồng mới, thành công rực rỡ bước 1 công trình hợp tác Việt -Xô.
30 năm, Công ty Cao su Dầu Tiếng nay là Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng đã không ngừng lớn mạnh. Năm 1991, Liên Xô tan rã, mối lương duyên giữa Công ty Cao su Dầu Tiếng và công trình hợp tác Việt - Xô không còn, nhưng công ty vẫn không ngừng phát triển toàn diện. 5 năm qua, sản lượng khai thác và chế biến, tiêu thụ của công ty đạt 249.736 tấn, doanh thu đạt 9,5 ngàn tỷ đồng, lợi nhuận trên 3,6 ngàn tỷ đồng. 10 tháng đầu năm 2011, sản lượng khai thác, chế biến và tiêu thụ được trên 38.038 tấn sản phẩm mủ cao su đạt 100% kế hoạch năm 2011.
Không chỉ dừng lại ở khai thác và chế biến tại địa phương, công ty còn mở rộng phát triển đa ngành nghề và đầu tư phát triển trồng cao su tại Lào. Cụ thể góp vốn 241 ngàn tỷ đồng vào 4 công ty con: Công ty Cổ phần Dầu Tiếng Việt - Lào, Công ty Cổ phần Gỗ Dầu Tiếng, Công ty Cổ phần Công nghiệp An Điền, Công ty Cổ phần Kinh doanh bất động sản. Bên cạnh đó, công ty còn chú trọng đến công tác chăm lo cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn, giải quyết việc làm, bảo đảm mức sống cao cho người lao động.
... Dù Liên Xô không còn, nhưng những tình cảm, đóng góp của những người anh em Xô Viết năm xưa chắc chắn vẫn trường tồn với Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng.
|