Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Đoàn Nghị sỹ Quốc hội Anh sang thăm Việt Nam (04-5-1957). (Ảnh: Tư liệu).
Trong bối cảnh hiện nay, việc tiếp tục nghiên cứu, vận dụng tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh trong công tác đối ngoại của Đảng càng có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc. Trong đó, chú trọng những nội dung chủ yếu sau:
Một là, giữ vững các quyền dân tộc cơ bản gắn với độc lập tự chủ, tự lực, tự cường. Ngay trong Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định các quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam theo tinh thần “tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”. Việc bảo đảm các quyền dân tộc cơ bản phải gắn với độc lập tự chủ, tự lực, tự cường thì mới bền vững. Bác đã dặn: “Muốn người ta giúp cho, thì trước hết mình phải tự giúp lấy mình đã”; “Muốn làm gì cũng cần vì lợi ích của dân tộc mà làm”; “Ta có mạnh thì họ mới chịu đếm xỉa đến. Ta yếu thì ta chỉ là một khí cụ trong tay của kẻ khác, dẫu kẻ ấy có thể là bạn đồng minh của ta vậy”2. Người cũng đã đúc kết thành chân lý: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Và chân lý ấy, đến ngày nay vẫn là một yêu cầu thiết yếu trong quá trình phát triển và hội nhập quốc tế.
Hiện nay, Việt Nam đang thực hiện tốt trách nhiệm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Chủ tịch ASEAN, đề cao vai trò của Liên hợp quốc trong việc bảo đảm các quyền dân tộc cơ bản gắn với độc lập tự chủ của các nước, nâng cao vai trò trung tâm của ASEAN trong khu vực, đóng góp tích cực vào công việc chung của thế giới, trong đó có tham gia lực lượng gìn giữ hoà bình của Liên hợp quốc… Việt Nam cũng đã chủ động, tích cực thúc đẩy đàm phán, hợp tác giải quyết những tồn tại trong phân định biên giới trên bộ và trên biển, vừa bảo vệ được chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của ta theo phương châm đã được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu rõ là “phải luôn kiên trì, bình tĩnh, sáng suốt xử lý đúng đắn mọi vấn đề phức tạp, trong đó có vấn đề chủ quyền, lãnh thổ”, “thực hiện phương châm “dĩ bất biến ứng vạn biến”, nhất là giữ “trái tim nóng, cái đầu lạnh” và “kiên quyết, kiên trì” để xử lý các thách thức đối ngoại”3. Việt Nam đang thể hiện lập trường chủ động, mạnh mẽ, tích cực hơn về các vấn đề lợi ích cốt lõi của mình nhằm dẫn dắt dư luận, tạo sự ủng hộ rộng rãi của quốc tế.
Hai là, tư tưởng kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại. Trong đó, tư tưởng chủ đạo là độc lập tự chủ, tự lực, tự cường gắn với đoàn kết và hợp tác quốc tế. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, “cái gốc, cái điểm mấu chốt về chính trị, quân sự, kinh tế, nội chính, ngoại giao của ta là tự lực cánh sinh”. Người nhấn mạnh: “Thực lực mạnh, ngoại giao sẽ thắng lợi. Thực lực là cái chiêng mà ngoại giao là cái tiếng. Chiêng có to, tiếng mới lớn”4. Bác Hồ cũng đã chú trọng xây dựng và phát huy sức mạnh của công tác đối ngoại nhân dân, nhờ đó đã vận động được nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Người đã nêu rõ: “Sức mạnh, sự vĩ đại và sự bền bỉ của nhân dân Việt Nam cơ bản là ở sự đoàn kết của nhân dân Việt Nam và sự ủng hộ của nhân dân thế giới...”5.
Hiện nay, chúng ta đang tiếp tục tăng cường thế và lực, phát huy sức mạnh của dân tộc theo tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, bao gồm cả sức mạnh vật chất và tinh thần; cả vị trí chiến lược quan trọng ở khu vực và các giá trị lịch sử, truyền thống, văn hóa, lòng yêu nước, tinh thần cần cù lao động và ý chí quật cường của dân tộc Việt Nam...
Ba là, tư tưởng yêu chuộng hòa bình, chống chiến tranh xâm lược. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn kiên định thực hiện mục tiêu cao cả nhất của cách mạng là hòa bình, độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, chống chiến tranh xâm lược với tinh thần: “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Trong khi kiên quyết giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, chống lại sự xâm lược, đô hộ của ngoại bang, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn kiên trì đường lối hòa bình, hữu nghị, hợp tác với các nước, trước hết là các nước lớn và các nước láng giềng, qua đó đã thu hút được sự đoàn kết và ủng hộ của đông đảo nhân dân trên thế giới, ngay cả nhân dân của các nước xâm lược từ bản xứ.Đồng thời, Đảng ta chủ trương kết hợp sức mạnh đó với sức mạnh thời đại là các trào lưu tiến bộ chính trên thế giới, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và nền kinh tế tri thức, quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, xu thế hòa bình, hợp tác và phát triển, đổi mới mô hình tăng trưởng... Sau đại dịch SARS-CoV-2, Đảng và Chính phủ đang tận dụng tối đa khả năng các nước và tập đoàn kinh tế lớn chuyển hướng tới thị trường Việt Nam; đồng thời, tiếp tục thu hút nguồn lực của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài cho sự phát triển đất nước.
Trong bối cảnh hiện nay, xu hướng chung của thế giới và khu vực vẫn là hòa bình, ổn định, độc lập dân tộc, dân chủ, hợp tác và phát triển. Tuy nhiên, tình hình thế giới có những thay đổi nhanh chóng, phức tạp, khó lường với những bất ổn như xung đột ở Trung Đông, châu Phi, chủ nghĩa khủng bố, cạnh tranh chiến lược giữa các nước, chủ nghĩa đơn phương, chính trị cường quyền, thiếu tôn trọng luật pháp quốc tế, khiến thế giới đang phải đối mặt với nhiều vấn đề an ninh phi truyền thống, đòi hỏi Đảng và Chính phủ ta phải vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong các đối sách ngoại giao và hợp tác quốc tế.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các nhà lãnh đạo ASEAN tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 35. (Ảnh minh họa).
Bốn là, tư tưởng hòa hiếu, thêm bạn bớt thù. Từ hoàn cảnh cách mạng, có lúc phải đối phó với nhiều đối thủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu bật phương châm “... làm cho nước mình ít kẻ thù và nhiều bạn đồng minh hơn hết”6. Bác Hồ và Đảng ta phân biệt rõ bạn, thù, bạn gần, bạn xa, bạn lâu dài, bạn nhất thời, tìm cách giảm bớt kẻ thù, để tập trung đấu tranh với kẻ thù chính. Ngay khi còn trong nhà tù ở Trung Quốc (1942-1943), Bác Hồ đã bày tỏ đoàn kết với phong trào chống thực dân của Ấn Độ. Năm 1944, Người đích thân đưa Trung úy phi công W.Shaw đi Côn Minh trao trả cho Mỹ, qua đó để Mỹ hiểu cuộc chiến đấu của Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Việt Minh. Người cũng giáo dục nhân dân ta phân biệt rõ bạn, thù, phân biệt thực dân Pháp và đế quốc Mỹ với nhân dân Pháp và nhân dân Mỹ để tranh thủ sự đoàn kết và ủng hộ của họ, cô lập và chĩa mũi nhọn đấu tranh vào thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
Đề cao tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta chủ trương tiếp tục kiên trì nguyên tắc giữ vững độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, đồng thời nêu cao tinh thần hòa hiếu với tất cả các nước, đặc biệt các nước lớn và láng giềng; vận dụng phương châm mà Bác Hồ đã chỉ đạo là “biến đại sự thành tiểu sự, tiểu sự thành vô sự”, cố gắng không để bùng phát những vấn đề gây cấn, bất lợi trong quan hệ, ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định, an ninh, hợp tác và phát triển của ta.
Do quan hệ quốc tế phức tạp, đa chiều, lợi ích các quốc gia, dân tộc nhiều khi đan xen hoặc đối lập, Đảng ta đã có cách nhìn nhận biện chứng với phương châm “gác lại quá khứ, hướng tới tương lai”; xác định đồng minh, đối thủ là bộ phận quan trọng trong sách lược cách mạng, giúp xử lý hiệu quả các mâu thuẫn, thu hút sự ủng hộ của bạn bè và cô lập kẻ thù. Tính biện chứng còn được thể hiện ở chỗ xác định rõ các khái niệm “đối tác”, “đối tượng” nhằm phân biệt rõ “đối tác” cần hợp tác và “đối tượng” cần đấu tranh trong từng trường hợp cụ thể. Đảng và Nhà nước ta cũng đã thực hiện tốt các chủ trương từ “thêm bạn, bớt thù” trước đây đến “Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hòa bình, độc lập, hợp tác và phát triển”. Tư tưởng đó đã phát huy hiệu quả, đưa vai trò và vị thế quốc tế của Việt Nam lên một tầm cao mới.
Năm là, tư tưởng mở cửa và hợp tác quốc tế. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn thấu hiểu tầm quan trọng của việc mở cửa và hợp tác quốc tế, ngay đầu tháng 12-1946, trong Lời kêu gọi gửi Liên hợp quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Đối với các nước dân chủ, Việt Nam sẵn sàng thực thi chính sách mở cửa và hợp tác trong mọi lĩnh vực”; đón nhận đầu tư của các nhà tư bản và công nghệ nước ngoài; mở rộng các hải cảng, sân bay và đường sá giao thông cho việc buôn bán và quá cảnh quốc tế; chấp nhận tham gia mọi tổ chức hợp tác kinh tế quốc tế dưới sự lãnh đạo của Liên hợp quốc...
Thấm nhuần tư tưởng của Người, Đảng ta đã đề ra và kiên trì thực hiện chủ trương mở cửa và hợp tác quốc tế. Nghị quyết số 22- NQ/TW (10-4-2013) của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế, “Chiến lược tổng thể về hội nhập quốc tế đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” và Nghị quyết số 06-NQ/TW (05-11-2016) của Ban Chấp hành TƯ khóa XII về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng, tham gia hàng chục hiệp định kinh tế và FTA thế hệ mới cả song phương, khu vực và đa phương thể hiện rõ chủ trương lớn của Đảng về công tác đối ngoại.
Quá trình mở cửa, hội nhập quốc tế của Việt Nam được đẩy mạnh cả về tư duy và thực tiễn, đã chuyển mạnh từ phạm vi “hội nhập kinh tế” sang “hội nhập toàn diện” với các nội dung chủ yếu là: Hội nhập về kinh tế, chính trị, quốc phòng-an ninh, văn hóa - xã hội, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ và các lĩnh vực khác như lao động, y tế, thể thao... Trong hợp tác chính trị và quốc phòng - an ninh, Việt Nam đã tích cực tham gia các cơ chế như Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN (APSC), Hiệp ước thân thiện và hợp tác ASEAN (TAC, 1976), Hiệp ước Khu vực phi vũ khí hạt nhân Đông Nam Á (SEANWFZ, 1995) cũng như các cơ chế Đối thoại về an ninh như Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+), Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS).
Sáu là, tư tưởng “Ngoại giao là một mặt trận”. Lịch sử đấu tranh của dân tộc ta chống các kẻ thù xâm lược mạnh hơn gấp nhiều lần đã hình thành nên nghệ thuật kết hợp giữa ba hình thức đấu tranh: Chính trị, quân sự và ngoại giao. Trong đó, ngoại giao là một mặt trận, là một trong những nội dung cốt lõi. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Dùng binh giỏi nhất là đánh bằng mưu. Thứ hai đánh bằng ngoại giao. Thứ ba mới là đánh bằng binh”, và cũng theo quan điểm của Người: “Sau vấn đề phòng thủ, ngoại giao là một vấn đề cần yếu cho một nước độc lập”7. Trên thực tế, đấu tranh ngoại giao khôn khéo có thể tránh được xung đột hay chiến tranh hoặc có thể “lấy ít địch nhiều, lấy yếu thắng mạnh”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nhấn mạnh “ngoại giao ai thuận lợi hơn, thì thắng” và “có thể thắng trước kẻ thù xâm lược mạnh hơn ta nhiều lần”.
Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay, nước ta đã duy trì được hòa bình, ổn định, nguy cơ chiến tranh bị đẩy lùi nhưng công tác đối ngoại vẫn có vai trò to lớn trong xử lý các vấn đề quốc tế. Đảng và Nhà nước ta tiếp tục đề cao tầm quan trọng của mặt trận đối ngoại, kết hợp chặt với mặt trận chính trị và bảo vệ quốc phòng - an ninh, tạo sức mạnh tổng hợp, giữ gìn hòa bình, ổn định và thúc đẩy hợp tác phát triển. Mặt trận đối ngoại luôn được triển khai chủ động, tích cực và toàn diện gồm ngoại giao chính trị, ngoại giao quốc phòng - an ninh, ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa. Trong đó, ngoại giao cùng với quốc phòng, an ninh “tạo thành thế chân kiềng vững chắc, tiếp tục đóng góp chủ động, tích cực vào việc bảo vệ đất nước từ sớm, từ xa, giữ nước từ khi nước còn chưa nguy, phục vụ thiết thực các lợi ích an ninh, phát triển, nâng cao vị thế đất nước”8.
Với vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và có thời gian giữ cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an, đồng thời là Chủ tịch ASEAN, Việt Nam tiếp tục nêu cao vai trò, trách nhiệm của Liên hợp quốc (trước hết 5 nước lớn là Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an), ASEAN và các thể chế quốc tế như APEC, EAS, EU… nhằm duy trì hòa bình, chống chiến tranh một cách tích cực và hữu hiệu nhất.
Bảy là, tư tưởng “dĩ bất biến ứng vạn biến” như một phương pháp, phong cách và nghệ thuật đối ngoại của Hồ Chí Minh. Truyền thống đấu tranh ngoại giao của cha ông ta đã hình thành một phương cách ứng xử kiên trì về nguyên tắc nhưng linh hoạt, mềm mỏng, khéo léo về sách lược. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ rõ: “Mục đích bất di bất dịch của chúng ta vẫn là hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ. Nguyên tắc của ta thì phải vững chắc, nhưng sách lược của ta thì linh hoạt”. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn kiên trì giữ vững mục tiêu cách mạng, đồng thời ứng phó linh hoạt, phù hợp với mọi sự biến chuyển nhanh chóng và khó lường của tình hình, tương quan và tập hợp lực lượng, ý đồ của các nước lớn…
Trong bối cảnh mới, việc vận dụng tư tưởng “dĩ bất biến ứng vạn biến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn là một yêu cầu quan trọng. Cái “bất biến” vẫn là lợi ích quốc gia, dân tộc, mà cốt lõi là độc lập dân tộc, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và biển đảo của Tổ quốc, chế độ XHCN, vai trò và quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Cái “vạn biến” là sự biến chuyển nhanh chóng, khó lường của tình hình, sự điều chỉnh chiến lược và chính sách của các nước, của tương quan và tập hợp lực lượng, sự chuyển hóa của “đối tác”, “đối tượng”… Đảng và Nhà nước ta đã và đang kiên trì nguyên tắc bất biến là “thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển”9, đồng thời tiếp tục thực hiện đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại, xác định đúng đắn một cách biện chứng về “đối tác” và “đối tượng” trong từng vấn đề thuộc lợi ích quốc gia, dân tộc để kịp thời đề ra những chính sách, biện pháp hợp tác và đấu tranh phù hợp và hiệu quả.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, cách mạng Việt Nam đã đạt được những thắng lợi vẻ vang trong sự nghiệp giành độc lập dân tộc, giải phóng và thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những thành tựu vĩ đại của dân tộc có phần đóng góp hết sức quan trọng của công tác ngoại giao. Ngoại giao Việt Nam đã luôn đồng hành cùng dân tộc trong mọi giai đoạn cách mạng. Ngày nay, trong bối cảnh tình hình mới, ngoại giao Việt Nam tiếp tục vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về đối ngoại, đi tiên phong kiến tạo môi trường hòa bình, an ninh, ổn định, hợp tác và kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại nhằm phục vụ hiệu quả nhất cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nâng cao uy tín và vị thế quốc tế của Việt Nam./.
Trần Trọng Toàn
Nguyên Đại sứ tại Hàn Quốc, Malaysia
Theo Tạp chí Tuyên giáo điện tử
Hà An (st)
______________
1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2001, tr. 83-84.
2. Văn kiện Đảng: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2000, t. 7, tr. 112.
3. Phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị ngoại giao lần thứ 30 (2018). Xem: https://baoquocte.vn/toan-van-phat-bieu-cua-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-tai-hoi-nghi-ngoai-giao-30-76033.html
4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, H, 2011, t. 4, tr. 147.
5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.675.
6, 7. Văn kiện Đảng: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2000, t. 8, tr. 27, 2.
8. Phạm Bình Minh: “Những đóng góp của Ngoại giao Việt Nam vào chiến thắng lịch sử mùa Xuân năm 1975”, Báo Thế giới &Việt Nam nhân kỷ niệm 45 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2020).
9. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2016, tr. 153.
|