Nguyễn Thị Ngọc Linh, sinh năm 1986, tốt nghiệp Đại học Kinh tế, tâm sự: Khi được tuyển chọn về làm Phó Chủ tịch UBND xã Phước Tiến, em háo hức lên công tác ở vùng cao là vì muốn đóng góp sức trẻ của mình giúp bà con Raglai thoát nghèo. Được phân công phụ trách mảng kinh tế, Linh chịu khó đi cơ sở, “xắn quần lội ruộng” cùng bà con. Từ suy nghĩ, cứ trồng trỉa manh mún như cách bà con đang làm, khó mà đạt năng suất cao, nên vụ đông- xuân năm 2011 Linh mạnh dạn tham mưu với Chủ tịch UBND xã chỉ đạo Ban Nông nghiệp hướng dẫn bà con tiến hành xuống giống đồng loạt; đồng thời, triển khai thực hiện mô hình lúa giống trên diện tích 50 ha. Kết quả, đã xóa được tình trạng ruộng “da beo”, năng suất lúa cao hơn trước, đạt 5,5 tấn/ha. Những vụ lúa tiếp theo, Linh chủ động phối hợp với các ban, ngành vận động nhân dân liên kết sản xuất trên quy mô lớn để thuận tiện cho việc đẩy mạnh cơ giới hóa, áp dụng tiến bộ khoa học- kỹ thuật vào sản xuất. Có thể nói, sự chuyển biến trong sản xuất nông nghiệp hôm nay ở xã Phước Tiến có một phần đóng góp không nhỏ sau một năm “ngồi ghế” Phó Chủ tịch UBND xã của Nguyễn Thị Ngọc Linh.
Các đội viên Dự án trao đổi với cán bộ địa phương.
Cũng như các đồng chí Phó Chủ tịch UBND các xã khác, Pilao Thị Thuynh mang đến hội nghị bản thành tích hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2012. Thuynh tốt nghiệp Đại học Sư phạm, được phân công về làm Phó Chủ tịch UBND xã Phước Đại, phụ trách mảng văn hóa - xã hội. Nhận thức được trách nhiệm được giao, Thuynh chú trọng xây dựng các chương trình, kế hoạch nâng cao chất lượng giáo dục. Thuận lợi là người địa phương, cùng ngôn ngữ và phong tục tập quán, nên hiểu được tâm tư, nguyện vọng của bà con. Các chương trình vận động học sinh ra lớp, gìn giữ, bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống do Phó Chủ tịch UBND xã Pilao Thị Thuynh xây dựng rất sát với thực tế, nên dễ thực hiện và có hiệu quả.
Đồng chí Kiều Như Bổn, Bí thư Huyện ủy Bác Ái, nhìn nhận: Một năm chưa thể đòi hỏi quá nhiều, nhưng những kết quả bước đầu mà các đồng chí được tăng cường về làm Phó Chủ tịch UBND các xã là đáng ghi nhận. Về lĩnh vực kinh tế, các đồng chí đã tham mưu cho UBND xã triển khai sản xuất nông nghiệp đúng lịch thời vụ, tổ chức thực hiện có hiệu quả các mô hình thuộc nguồn vốn Chương trình 135, nguồn vốn lồng ghép Chương trình 30a của Chính phủ, các mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất như mô hình lúa nước, bắp lai thương phẩm ở xã Phước Hòa, Phước Tiến… Các đồng chí còn thực hiện rà soát, lập danh sách hộ dân có nhu cầu hỗ trợ khai hoang, phục hóa, tạo ruộng bậc thang, mở rộng đất sản xuất; thường xuyên phối hợp với các ngành liên quan tổ chức kiểm tra, truy quét chống phá rừng; tổ chức triển khai xây dựng nhà 167, chương trình định canh định cư cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Riêng lĩnh vực văn hóa - xã hội, các đồng chí đã chủ động tham mưu kiện toàn Ban Chỉ đạo phổ cập giáo dục xã, tăng cường vận động con em đến trường; tuyên truyền các chính sách xuất khẩu lao động, đào tạo nghề; thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, chính sách đối với người có công…
Báo cáo thành tích của các Phó Chủ tịch UBND xã được tăng cường về huyện miền núi Bác Ái tại hội nghị sơ kết này mang đầy niềm tin. Tuy nhiên các đồng chí cũng thừa nhận còn thiếu kinh nghiệm thực tế, kỹ năng quản lý còn hạn chế. Đa phần không biết tiếng của đồng bào Raglai nên gặp khó khăn trong giao tiếp với bà con. Đề cập đến vấn đề này, đồng chí Võ Đại, Phó Chủ tịch UBND tỉnh động viên: Kinh nghiệm là hết sức quan trọng trong cuộc sống và công việc, các kỹ năng sẽ có qua thời gian thực nghiệm, vấn đề còn lại là sự nỗ lực phấn đấu của mỗi đồng chí. Với tinh thần xung kích tình nguyện, tôi tin các bạn trẻ sớm học hỏi được kinh nghiệm các thế hệ đi trước để làm việc tốt hơn, hoàn thành trọng trách tốt hơn trong thời gian tới. |