Ninh Thuận có dân số khoảng 564.129 người, trong đó thanh niên có khoảng hơn 163.000 người chiếm khoảng 28,33% dân số toàn tỉnh, phần lớn sống ở nông thôn. Đây là lực lượng trẻ, khỏe, cần cù trong lao động, luôn khát khao được vươn lên thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu, có tinh thần phấn đấu làm giàu trên quê hương của mình. Với đặc điểm đó, sự ra đời của phong trào “5 xung kích phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ tổ quốc” và “4 đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp” là phong trào mới, có tính sát hợp với thực tiễn công tác Đoàn, có sức hấp dẫn, thu hút đông đảo thanh niên và sự quan tâm hưởng ứng của các tầng lớp xã hội. Các cấp bộ đoàn trong tỉnh đã tích cực tham mưu cho cấp uỷ Đảng, chính quyền, tăng cường công tác liên tịch, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể cùng cấp trong việc huy động các nguồn lực cho Đoàn hoạt động. Nhằm phát huy mạnh mẽ phong trào, Ban thường vụ Tỉnh Đoàn chủ động liên tịch với Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Lao động Thương binh & Xã hội và một số sở, ngành liên quan tập trung chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm của phong trào; qua đó đã xuất hiện nhiều mô hình hoạt động hiệu quả với những tấm gương cá nhân, tập thể tiêu biểu, qua đó cùng với các ban, ngành, đơn vị góp phần phát triển nền kinh tế tỉnh nhà trong những năm qua.
Thời gian qua, nhiều thanh niên tham gia học nghề, tích cực trong việc học tập (do Đoàn thanh niên phối hợp tổ chức), ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Phong trào chỉnh trang, cải tạo vườn, ao, chuồng để xây dựng thành mô hình VAC chuyên canh, thâm canh được đông đảo đoàn viên thanh niên thi đua thực hiện và đang hình thành các vùng cây ăn quả, cây đặc sản tương đối tập trung và giá trị lớn như: các vườn cây ăn trái tại xã Lâm Sơn, vườn nho ở xã Phước Hậu, Phước Dân, vườn rau ở Tấn Lộc... các giống cây trồng mới (cây bắp lai, cây nho, điều, cà chua, lúa...), vật nuôi mới (mô hình nuôi ốc hương ở xã Thanh Hải, bò vỗ béo, dê, cừu, cá nước ngọt ở xã Xuân Hải – Nih Hải, tôm the chân trắng ở xã An Hải – Ninh Phước...), kỹ thuật thâm canh, kỹ thuật chăm sóc và bảo quản nông sản (nho, táo, hải sản đông lạnh...) phần lớn đều do thanh niên chủ động thực hiện đã tạo hiệu quả kinh tế xã hội cho địa phương rất lớn. Đặc biệt, một bộ phận thanh niên đã thoát nghèo và làm giàu trên mảnh đất của gia đình mình, nhiều thanh niên hiện nay đang làm chủ cơ sở sản xuất kinh doanh
.
Mô hình chuyển giao khoa học kỹ thuật thâm canh cây bắp lai
Song song với việc đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất kinh doanh, nhiều ngành nghề mới được thanh niên tham gia, phát triển rộng khắp trong các vùng nông thôn như: nghề nuôi cá cảnh, cây cảnh; nghề nuôi trồng rong sụn, nuôi cá biển, nuôi tôm; gia công sản xuất các loại dây nhựa, ống nhựa; Ngoài các nghề cũ và nghề truyền thống được khôi phục và phát triển ra diện rộng theo hướng thị trường như nghề làm nước mắm (Cà Ná – Ninh Phước, Đông Hải – TP. Phan Rang – Tháp Chàm); nghề làm gốm (Bầu Trúc – Ninh Phước); nghề đóng tàu; sữa chữa ô tô, vận tải... cụ thể một số gương điển hình như: mô hình nuôi cá nước ngọt của Anh Trần Cao Tiên tại xã Xuân Hải – huyện Ninh Hải, mô hình chăn nuôi bò, dê của Anh Đạo Thanh Nhớ ở xã Nhơn Sơn - huyện Ninh Sơn, mô hình sản xuất đóng tàu của Anh Lê Văn Thái tại xã Phước Dinh – huyện Thuận Nam ...
Tiếp bước trong phong trào, Đoàn thanh niên tăng cường tổ chức các hoạt động hỗ trợ vốn cho thanh niên thông qua các chương trình dự án: vốn giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo, các dự án khuyến nông, dự án nước sạch – vệ sinh môi trường,... với tổng số vốn giải ngân cho thanh niên vay là 100 tỷ 324 triệu đồng và một số mô hình trồng rừng khoán quản, có 05 chương trình dự án chuyển giao ứng dụng tiến bộ KHKT (mô hình lúa nước ở xã Phước Thắng, Phước Chính, Bắc Sơn và mô hình bắp lai ở xã Phước Trung ...) từ đó một bộ phận thanh niên đã nhanh chóng tranh thủ sự hỗ trợ của các dự án này mà thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Những cuộc hội thảo về việc phát triển, tìm kiếm thị trường mới, cũng như việc đúc kết những mô hình có hiệu quả do Tỉnh Đoàn phối hợp tổ chức đã thu hút rất nhiều thanh niên tham gia. Qua đó, nhiều thanh niên chủ động trong tìm kiếm thị trường cho mình, một số sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ bắt đầu đã có thị trường như: sản phẩm nho (trái nho và rượu nho) hầu như được phân bố khắp cả nước; cá cảnh biển được nhiều thanh niên tham gia mua bán đang hình thành nên một thị trường mới rất đặc biệt, sản phẩm cá khô được cung cấp cho thị trường tại Trung Quốc... sản phẩm cá nước ngọt đang từng bước hình thành nên một thị trường đặc trưng. Các trại tôm giống không còn lúng túng trong việc tiêu thụ sản phẩm của mình như những năm trước... Đi cùng với phong trào thanh niên nông thôn thi đua nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, Đoàn thanh niên thường xuyên phối hợp tổ chức các buổi trao đổi kinh nghiệm, đúc kết và giới thiệu những mô hình gắn với từng lĩnh vực kinh doanh. Thông qua các tổ-đội-nhóm lập phương án, kế hoạch giúp đỡ, hỗ trợ thanh niên trong việc thi đua thực hiện phong trào.
Ngày hội nghề nghiệp, việc làm năm 2012
Hằng năm, các cấp bộ Đoàn – Hội trong tỉnh tổ chức các ngày hội về nghề nghiệp, việc làm, hành trình thanh niên đến với các trường nghề, làng nghề và hoạt động hướng nghiệp cho học sinh nhất là lớp 12 luôn được các Đoàn trường quan tâm tổ chức, phối hợp với các trường Đại học, Cao đẳng tham gia trao đổi định hướng nghề, giới thiệu trang web định hướng ngành học và hướng nghiệp, học nghề cho học sinh. Kết quả, có 22/22 Đoàn trường THPT, các trung tâm tổ chức cho học sinh hành trình về với làng nghề truyền thống của địa phương như dệt thổ cẩm, gốm Bầu Trúc… qua hoạt động giúp các em hiểu biết thêm về làng nghề truyền thống và xác định cho hướng đi tương lai của mình. Cấp tỉnh và 07/07 huyện, thành Đoàn tổ chức Ngày hội tư vấn vay vốn, việc làm và học nghề cho thanh niên, thông qua đó đã đẩy mạnh công tác truyền thông, tư vấn, hỗ trợ thanh niên vay vốn học nghề và giải quyết việc làm, kết quả có 26.604 thanh niên được tư vấn, giới thiệu việc làm, dạy nghề cho 7.331 ĐVTN với các nghề như xây dựng, hàn, tiện, may, trồng nấm và tin học văn phòng ... thu hút hơn 13.334 ĐVTN được hỗ trợ vay vốn học nghề và giải quyết việc làm. Đồng thời đẩy mạnh các hoạt động tình nguyện tham gia giải quyết việc làm cho thanh niên, các tình nguyện viên đã tập trung triển khai, nắm bắt tình hình lao động, việc làm của thanh niên, thông báo nhu cầu lao động, tổ chức các điểm tư vấn việc làm di động, … cho gần 28.500 lượt ĐVTN, sinh viên, học sinh.
Qua 5 năm thực hiện cho thấy, phong trào xung kích lao động sáng tạo, phát triển kinh tế - xã hội và đồng hành với thanh niên trong nghề nghiệp và việc làm đã đạt hiệu quả thiết thực với đoàn viên thanh niên trong tỉnh, đã phần nào giải quyết việc làm, tăng thu nhập; qua đó góp phần tập hợp được đông đảo thanh niên vào tổ chức Đoàn – Hội; góp phần tạo ra các ngành nghề mới, thị trường mới góp phần phát triển kinh tế và từng bước thay đổi bộ mặt tỉnh nhà.
|