Tốt nghiệp Đại học, đến với Ninh Thuận như một cơ duyên với mong muốn góp sức trẻ vào công cuộc dựng xây và bảo vệ Tổ Quốc, biết được Nghị quyết 30a của Thủ tướng Chính phủ và Dự án thí điểm tuyển chọn 600 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ Đại học tăng cường về làm Phó Chủ tịch UBND các xã thuộc 62 huyện nghèo, chính sách thu hút trí thức trẻ, cán bộ chuyên môn kỹ thuật về tham gia tổ công tác tại các xã thuộc huyện Bác Ái của Uỷ ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận, Nguyễn Quốc Hoàn quyết định tham gia dự án với quyết tâm dùng sức trẻ, lòng nhiệt huyết và trí lực của mình góp phần cùng chính quyền địa phương tìm ra những mô hình mới, những con đường đi mới thoát nghèo cho bà con.
Phước Hoà, nơi Hoàn công tác là xã miền núi vùng cao đặc biệt khó khăn, nằm phía Tây Bắc huyện Bác Ái, cách trung tâm huyện khoảng 30km về phía Tây Bắc huyện, cách Tp. Phan Rang – Tháp Chàm 60km về phía Đông Nam tỉnh. Mặc dù đã được đào tạo bài bản tại trường Đại học cộng với tinh thần trách nhiệm, tình nguyện, bám trụ tốt tại xã nhưng Hoàn vẫn gặp không ít khó khăn vì chưa có kinh nghiệm trong chỉ đạo, điều hành và tham mưu.
Hướng dẫn bà con triển khai thực hiện mô hình lúa nước
Bác Ái là 1 trong 63 huyện nghèo nhất của cả nước đang hưởng các chính sách theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ và hỗ trợ của các doanh nghiệp. Xác định tầm quan trọng của phát triển sản xuất nông nghiệp đối với công cuộc giảm nghèo nhanh và bền vững, cùng với sự nhạy bén và trăn trở của mình trong thời gian làm Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã Phước Hoà, phát huy lợi thế về đồng cỏ, diện tích chăn nuôi, sông suối tại địa phương, Nguyễn Quốc Hoàn đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bác Ái quyết định lập Dự án Nhân rộng mô hình chăn nuôi bò thịt sinh sản tại xã với tổng nguồn vốn cho Dự án 500.000.000đ cho 16 hộ gia đình và 32 con bò.
Dự án này vừa nhân rộng các mô hình chăn nuôi bò thịt đã thực hiện hiệu quả trên địa bàn huyện, xã, vừa thực nghiệm mô hình giảm nghèo trên cơ sở hỗ trợ bò giống thịt từ nguồn vốn vay ưu đãi (không lãi suất), gắn với tập huấn nâng cao năng lực cho người dân. Từ kiến thức được trang bị về kinh tế hộ, kỹ thuật chăn nuôi, thú y và nguồn vốn hỗ trợ giúp người dân có việc làm, tăng thu nhập, tạo cơ hội cho các hộ nghèo thoát nghèo, nâng cao thu nhập, góp phần vào việc thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi để mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Trong thời gian thực hiện nhiệm vụ, Hoàn cũng đã gặp không ít khó khăn vì phần lớn người dân nơi đây chưa biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, trình độ dân trí không đồng đều, kinh nghiệm của một lãnh đạo xã trẻ chưa nhiều, khó khăn trong giao tiếp với người dân tại bản địa, phương tiện làm việc như máy tính, phòng làm việc, chỗ ở chưa được bố trí đầy đủ nhưng với bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ, Hoàn đã quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, thường xuyên họp các ban ngành đoàn thể, Ban quản lý 02 thôn để triển khai dự án, đồng thời phối hợp tuyên truyền Dự án đến với nhân dân. Chỉ đạo cho Ban quản lý thôn Chà Panh tổ chức họp thôn để triển khai và chọn hộ tham gia mô hình Dự án bò sinh sản trên địa bàn, thành lập ban quản lý đàn bò, hàng tháng, hàng quý thường xuyên đi kiểm tra quá trình phát triển của đàn bò, tổ chức tập huấn về kỹ thuật chăm sóc và phòng, chống dịch bệnh trên đàn bò.
Bên cạnh đó, thực hiện công tác giảm nghèo nhanh và bền vững theo tinh thần Nghị quyết 30a của Chính phủ, Hoàn thường xuyên phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Công ty TNHH Một thành viên Lâm trường Tân Tiến tổ chức cấp phát giống cây trồng cho bà con thuộc diện hộ nghèo theo Quyết định 102, triển khai thực hiện 02 mô hình (lúa nước: diện tích 14ha, thôn Chà Panh và bắp lai thương phẩm với diện tích 10ha, thôn Tà Lọt). Lồng ghép Chương trình 135 cùng với Dự án Tam nông mở các lớp tập huấn cho bà con 02 thôn về kỹ thuật trồng và ngăn ngừa sâu bệnh hại trên cây lúa và cây bắp lai, kỹ thuật chăn nuôi bò,…
Phát huy tinh thần “Đâu cần thanh niên có, Việc gì khó có thanh niên”, Nguyễn Quốc Hoàn đang cùng với các đội viên trí thức trẻ khác tại các xã nghèo thuộc huyện Bác Ái sẵn sàng xông pha, đảm nhận những việc khó, những việc mới với niềm tin đem màu xanh của tuổi trẻ, màu xanh của hy vọng tưới mát cho cuộc sống khô cằn nơi nắng gió miền Nam Trung Bộ này, góp phần tích cực vào công cuộc xoá đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội và sớm đưa các xã đặc biệt khó khăn đáp ứng đủ tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
|