Trong quá trình lãnh đạo xây dựng cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc đi, nhắc lại nhiều lần về công tác cán bộ. Theo Người, “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Việc xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có đức, có tài, trở thành người cán bộ chân chính như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy vẫn luôn là những công việc gốc của Đảng.
Xây dựng đạo đức cho từng cán bộ, đảng viên
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Lê Mạnh Hùng. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN
Theo Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Lê Mạnh Hùng, thế giới đương đại đang phát triển nhanh chóng, khó lường. Thời kỳ toàn cầu hóa nền kinh tế tri thức, kinh tế số, khoa học kỹ thuật, đặc biệt là công nghệ thông tin, truyền thông, trí tuệ nhân tạo, đưa tới nhiều diễn biến quan hệ quốc tế phức tạp giữa các nước lớn với các nước lớn, các nước lớn với các nước nhỏ, thời cơ đan xen thách thức, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với Đảng cầm quyền và tác động đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có vấn đề xây dựng đạo đức trong cán bộ, đảng viên.
Đứng trước tình hình trong nước và thế giới có nhiều biến động, thấm nhuần tư tưởng đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng luôn kiên định Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, giữ vững bản chất giai cấp công nhân. Đảng đã nhận thức được “sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc… là một nguy cơ trực tiếp đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ” (theo Văn kiện Hội nghị Trung ương 4 khóa XII). Vì vậy, Đảng phải thường xuyên xây dựng, chỉnh đốn, đổi mới, nhằm làm cho Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh về cả chính trị, tư tưởng và tổ chức. Xây dựng Đảng về tổ chức song hành với xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng.
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Lê Mạnh Hùng đã nêu một số giải pháp chủ yếu trong xây dựng Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh. Trong đó, giải pháp quan trọng nhất là tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, mọi cán bộ đảng viên và các tổ chức chính trị - xã hội đối với xây dựng Đảng về đạo đức. Đây là giải pháp cơ bản, có ý nghĩa quyết định, thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng trong công tác xây dựng Đảng hiện nay. Đồng thời cần tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; coi đó là công việc thường xuyên của các tổ chức đảng, các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, địa phương, đơn vị, gắn với chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Để thực hiện hiệu quả giải pháp này, trước hết cần đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên; xây dựng và cụ thể hóa các quy định nhằm phát huy vai trò gương mẫu trong rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, phong cách, tác phong, lề lối công tác của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo các cấp, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị. Đặc biệt, cần cụ thể hóa tư tưởng đạo đức của Hồ Chí Minh thành quy định trên từng vị trí công tác, đối với từng loại công việc.
Theo Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Lê Mạnh Hùng, Đảng muốn trong sạch, vững mạnh, từng tổ chức đảng, mỗi cán bộ, đảng viên đều phải trong sạch, vững mạnh. Đảng là một khối thống nhất về tư tưởng và hành động. Từ Trung ương đến cơ sở, đến mỗi cán bộ, đảng viên luôn đề cao tính trung thành, sự kiên định lập trường tư tưởng, mục tiêu, lý tưởng của Đảng, đẩy mạnh “đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa”; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng; tăng cường quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân.
Lựa chọn đúng cán bộ có đức, có tài
“Phải có đức, có tài. Có tài mà không có đức ví như một anh làm kinh tế tài chính rất giỏi nhưng lại đi đến thụt két thì chẳng những không làm được gì ích lợi cho xã hội mà còn có hại cho xã hội nữa. Nếu có đức mà không có tài ví như ông Bụt không làm hại gì, nhưng cũng không lợi gì cho loài người”; “Phải trau dồi cả đức cả tài, không có đức thì vô dụng, không có tài thì làm gì cũng khó”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đúc kết về công tác lựa chọn cán bộ từ những ngày đầu cách mạng.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Minh Tuấn, Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, học Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác cán bộ nghĩa là làm tốt những quan điểm chỉ đạo của Đảng hiện nay; đặc biệt là những hướng dẫn quy định về tất cả các khâu trong công tác cán bộ từ đào tạo, quy hoạch, bổ nhiệm, đánh giá, tới việc cất nhắc, đề bạt.
Đề cập đến công tác cán bộ hiện nay, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Minh Tuấn cho rằng, chuẩn bị nhân sự cho kỳ Đại hội này, Trung ương cần rất thận trọng vì có những bài học cán bộ suy thoái lọt vào hàng ngũ lãnh đạo cấp cao. Để tìm ra được những cán bộ xứng đáng, cần phát huy trách nhiệm của chi bộ, tổ chức Đảng, cấp quản lý của cán bộ đó trong việc đánh giá, nhận xét, xác minh hồ sơ, lý lịch, kê khai hồ sơ, tài sản… Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Minh Tuấn khẳng định, thực hiện đúng đường lối, chủ trương của Đảng về công tác cán bộ cũng tức là quán triệt tinh thần Hồ Chí Minh; tiếp tục nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh để hiểu sâu sắc hơn đường lối của Đảng.
Đánh giá về công tác cán bộ, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi khẳng định: Như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, lựa chọn đúng cán bộ sẽ là động lực để thúc đẩy phát triển, là nhân cốt để tạo ra sự đồng thuận. Cán bộ, hay nói đúng ra là người đứng đầu phải nêu gương.
Theo ông Bùi Sỹ Lợi, Đại hội XIII của Đảng cần bàn kỹ về công tác cán bộ. “Quy hoạch rất quan trọng nhưng không có nghĩa là quy hoạch là được. Quy hoạch nhưng phải thông qua rèn luyện, thử thách, phải có thực tiễn, thể hiện năng lực cá nhân của mình mới thỏa mãn được các yêu cầu khi bầu người đó giữ một trọng trách nào đó đối với đất nước. Đất nước rất cần những người có tâm, có đức có tài. Nhưng cái tâm vẫn phải đứng đầu và phải có trách nhiệm với nhân dân”, ông Bùi Sỹ Lợi nói.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề về xã hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng, những cán bộ nguồn cần thể hiện được năng lực thực hiện nhiệm vụ thông qua thử thách, rèn luyện, phấn đấu. Tuy nhiên, điều quan trọng là cán bộ phải có tài, có đức, có uy tín với nhân dân, là tấm gương cho cấp dưới.
90 năm qua, Đảng ta luôn kiên định mục tiêu thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện cán bộ tốt, đảng viên trong sạch vững mạnh. Hơn bao giờ hết, trước thềm Đại hội XIII của Đảng, công tác lựa chọn nhân sự xứng đáng để tiếp tục mục tiêu đó lại trở thành một vấn đề mấu chốt, là nhiệm vụ quan trọng nhất của Đảng ta như chỉ dẫn quý báu của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”.
Theo TTXVN/Báo Tin tức
|