Đối thoại “diễn đàn” của TN
Trao đổi trực tiếp với đồng chí Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Mạnh Dũng cũng như lãnh đạo Tỉnh đoàn, ĐV-TN trong tỉnh có dịp bày tỏ những suy nghĩ, trăn trở về công tác Đoàn và phong trào TN. Anh Võ Đăng Kiều, Bí thư Đoàn TN thị trấn Tân Sơn (Ninh Sơn) nêu lên thực trạng công tác tập hợp, giáo dục TN trên địa bàn khu dân cư đang gặp nhiều khó khăn. Hình thức, phương pháp giáo dục, tuyên truyền còn thiếu hấp dẫn, trong khi đó, vai trò của tổ chức Đoàn TN ở cơ sở còn mờ nhạt.
Anh Võ Đăng Kiều, Bí thư Đoàn TN thị trấn Tân Sơn (Ninh Sơn) nêu ý kiến tại buổi đối thoại.Ảnh: Diễm My
Ghi nhận những hạn chế trên, anh Nguyễn Mạnh Dũng, Bí thư Trung ương Đoàn cho biết: Trung ương Đoàn đã và đang đẩy mạnh 4 giải pháp lớn nhằm khắc phục cũng như nâng cao vai trò của tổ chức Đoàn TN đối với việc giáo dục tư tưởng, đạo đức cho ĐV-TN. Trong đó, tập trung nhân rộng các điển hình tiên tiến, xây dựng và củng cố hoạt động của chi đoàn, lấy đây làm nòng cốt để nắm bắt tư tưởng, tuyên truyền, định hướng cho ĐV-TN ở cơ sở.
Nhiều vấn đề trọng tâm khác được ĐV-TN nêu lên trong buổi đối thoại như việc làm, vốn vay cho TN, nhất là đối với TN nông thôn, dân tộc thiểu số, miền núi. Chị Vũ Thị Giáng Hương, Phó trưởng Ban Thường trực Ban TN công nhân-đô thị Trung ương Đoàn cho hay: Đến thời điểm này, thủ tục vay vốn dành cho TN đã được rút gọn ở mức đơn giản nhất. ĐV-TN cần mạnh dạn tiếp cận nguồn vốn vay thông qua tổ chức Đoàn. Đặc biệt, đồng chí cũng thông tin đến ĐV-TN trong tỉnh về đề án thành lập “Làng thanh niên lập nghiệp” ở huyện Bác Ái. Đây sẽ là cơ hội để TN huyện Bác Ái được đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, chính sách xuất khẩu lao động ở thị trường ngoài nước là một trong những giải pháp giảm nghèo, vì vậy, Tỉnh đoàn cần đẩy mạnh phối hợp với các sở, ngành liên quan tạo điều kiện để TN các huyện Bác Ái và Thuận Bắc tiếp cận và hỗ trợ TN nguồn vốn vay ban đầu.
Về những khó khăn trong chế độ phụ cấp dành cho cán bộ Đoàn thôn, khu phố, đồng chí Châu Thanh Hải, Bí thư Tỉnh đoàn chia sẻ: Đầu ra cho cán bộ Đoàn TN ở cơ sở rất khó. Mức phụ cấp cho Phó Bí thư Chi đoàn còn chưa thỏa đáng khiến các bạn thiếu nhiệt tình với phong trào Đoàn. Nắm bắt tâm tư này, Tỉnh đoàn đã xây dựng đề án đề xuất mức phụ cấp mới cho cán bộ Đoàn và trình HĐND xem xét trong năm 2013.
Ngoài việc trả lời các câu hỏi, các đồng chí Trung ương Đoàn cũng đặt câu hỏi đối với ĐV-TN tỉnh ta. Khi được hỏi về giải pháp giảm nghèo cho địa phương, trí thức trẻ Nguyễn Thị Ngọc Linh, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Tiến bày tỏ: Tâm huyết của những đội viên Dự án 600 Phó Chủ tịch xã tăng cường về huyện nghèo là góp phần cùng chính quyền địa phương thực hiện công tác giảm nghèo, cải thiện đời sống tinh thần và vật chất cho đồng bào miền núi. Bản thân tôi, luôn trăn trở về những mô hình kinh tế hiệu quả giúp bà con thoát nghèo. Tôi nghĩ cần tranh thủ các dự án vận động bà con tham gia, hướng dẫn bà con sản xuất, chăn nuôi, duy trì ngành nghề truyền thống, tạo việc làm, tăng thu nhập.
Khi được đặt câu hỏi “Nếu bạn là Bí thư Trung ương Đoàn thì trước tiên bạn sẽ làm gì để đẩy mạnh hoạt động và nâng cao vị thế, vai trò của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh”, nhiều ý kiến cho rằng việc đầu tiên là phải chú trọng công tác giáo dục cho ĐV-TN, trong đó bắt đầu từ đội viên, thiếu niên nhi đồng. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, giáo dục của Đoàn cũng cần chú ý tới việc tập hợp, đoàn kết TN; quan tâm tới vấn đề về nguồn vốn vay hỗ trợ TN làm kinh tế; hướng nghiệp, đào tạo nghề, giải quyết việc làm…
Sôi nổi tư vấn tuyển sinh
Đây là “diễn đàn” của học sinh Bác Ái đến từ buổi tư vấn tuyển sinh kỳ thi đại học, cao đẳng năm 2013 do Tỉnh đoàn tổ chức. Ban tư vấn giải đáp những thắc mắc cho học sinh gồm có đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh, lãnh đạo trường Cao đẳng Sư phạm tỉnh; Trường Trung cấp Việt Thuận. Tại buổi tư vấn, phần lớn câu hỏi của học sinh đều liên quan đến các nội dung về cách lựa chọn ngành học, trường học, xét đăng ký nguyện vọng, học phí các trường... Đặc biệt, Ban tư vấn cũng đã phần nào giải đáp thêm những vấn đề mà học sinh dân tộc thiểu số quan tâm hiện nay như: các chế độ ưu tiên đối với học sinh dân tộc miền núi dự thi các trường cao đẳng, đại học như: điểm cho đối tượng ưu tiên; khu vực ưu tiên; chế độ dự bị đại học, học phí đối với học sinh hộ nghèo….
Tuy chỉ diễn ra hơn gần 3 giờ đồng hồ nhưng buổi tư vấn cũng đã giải đáp được hầu hết những vướng mắc quan trọng mà học sinh gặp phải trước mỗi mùa thi. Em Ka-tơ Thị Thúy, Trường THPT Bác Ái cho biết: Khi biết được sẽ có buổi tư vấn tuyển sinh trực tiếp tại huyện, em và các bạn cùng trường rất mong đợi. Em muốn vào học Trường Cao đẳng Sư phạm tỉnh, được các thầy tư vấn, em đã biết được thêm rất nhiều thông tin về trường và sẽ cố gắng thi tốt để được xét tuyển vào trường trong đợt tuyển sinh năm nay.
Anh Nguyễn Văn Huê, chuyên viên Phòng Giáo dục chuyên nghiệp (Sở Giáo dục và Đào tạo), đại diện Ban tư vấn cho biết: Đây là hoạt động hết sức ý nghĩa đối với các em học sinh, đặc biệt là các em học sinh khu vực miền núi. Một số vấn đề liên quan đến việc đăng ký các nguyện vọng 1, 2, 3 mà ngay cả các em học sinh thành phố vẫn thường vấp phải khi đăng ký thi tuyển cũng đã được các em đề cập trong buổi tư vấn. Theo tôi, đây là hoạt động thanh niên triển khai rất có ý nghĩa và thiết thực, các tổ chức Đoàn nên tiếp tục phối hợp với các Trường THPT trong tỉnh để triển khai nhân rộng tại nhiều địa phương khác trong thời gian tới.
Có thể thấy rằng, từ những “diễn đàn” như thế này thêm khẳng định vai trò của tổ chức Đoàn là cầu nối để TN vươn lên lập thân, lập nghiệp. |