Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương Nha Trang năm 2017, Pinăng Thị Hải về dạy học mầm non ở điểm trường Bạc Rây 1, xã Phước Bình, nơi tiếp giáp với xã Khánh Sơn (Khánh Vĩnh, Khánh Hòa) với điều kiện dạy và học còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Cô Hải tâm sự: Bản thân đến với nghề như một cơ duyên, dần tiếp xúc với các em, thấy mình càng thêm yêu nghề, thích sự hồn nhiên vô tư, trong sáng của con trẻ và nhận ra mình cũng có khiếu dạy mầm non.
Cô giáo Pinăng Thị Hải cùng các em học sinh làm đồ dùng dạy học.
Trong điều kiện tại địa phương, nhận thức của phụ huynh về việc học còn nhiều hạn chế, học sinh đi học thiếu chuyên cần. Để duy trì lớp học, cô Hải đã thường xuyên vận động học sinh, không ngần ngại tới từng nhà chở, đón các em. Tại điểm trường Bạc Rây 1, thường thiếu nước sinh hoạt, vào mùa khô giáo viên và phụ huynh phải chở từng can nước, vào mùa mưa giáo viên phải dùng xô, thùng hứng nước cho các em sử dụng. Nhiều em chưa có thói quen giao tiếp Tiếng Việt, trong khi đó đồ dùng dạy học còn thiếu thốn… Khó khăn là vậy, nhưng với lòng yêu nghề, mến trẻ cô Hải đã nỗ lực cố gắng và không hề nản chí. Cô chịu khó tìm hiểu từng hoàn cảnh gia đình, động viên tuyên truyền tới các phụ huynh để cùng quan tâm, chăm sóc các cháu. Để các cháu hiểu và làm quen với Tiếng Việt, không còn rụt rè khi giao tiếp, cô đã phiên âm bằng tiếng Raglai, giải thích nhằm làm tăng vốn từ và hiểu biết của các cháu về Tiếng Việt. Lớp học của cô Hải vì thế luôn rộn vang tiếng cười.
Theo cô giáo Hải: Có thời điểm thiếu giáo viên, lớp đông, một mình dạy trên 30 cháu, vừa đón trẻ, dạy các cháu tham gia các hoạt động vui chơi, tập các bài hát đồng dao, nhảy dân vũ; dạy cho các cháu ý thức giữ vệ sinh, tổ chức ăn trưa, ăn xế. Tuy vất vả nhưng thấy các cháu ngoan, khỏe là rất mừng. Động lực lớn nhất đó là phụ huynh rất tin tưởng vào giáo viên và mình cũng tự hào là người con của đồng bào Raglay được mọi người yêu quý gọi là cô giáo.
Trong vai trò là Bí thư Chi đoàn trường, cô giáo Hải đã gương mẫu đi đầu trong việc tham gia các phong trào vận động thanh niên cùng chung sức xây dựng nông thôn miền núi. Với sự khéo léo, tỷ mỷ và vì học sinh thân yêu, cô Hải đã tự tay làm nhiều đồ dùng dạy học, tạo nên phong trào của giáo viên mầm non, giúp cho các cháu có đồ dùng để học và chơi từ nguyên vật liệu có sẵn tại địa phương. Những bàn học cho các cháu được làm từ các thùng mỳ, thùng sữa; chậu trồng hoa được làm bằng các chai nhựa, lon sữa phế thải; thanh gõ, đồ dùng học tập được làm từ các thanh tre, nứa, nắp chai, giấy màu, thùng xốp khiến trẻ hào hứng, thêm hiểu biết và thích được đến trường.
Cô giáo Hải chia sẻ thêm: Thời gian gần đây, được sự quan tâm của chính quyền các cấp, điều kiện dạy và học đã được cải thiện, các điểm trường đã có nước sinh hoạt, có thêm giáo viên để luân phiên, phối hợp chia sẻ công việc đảm bảo kế hoạch giảng dạy, giúp các cháu có điều kiện học tập tốt hơn. Mong rằng trẻ mầm non miền núi sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền, các bậc phụ huynh trong việc chăm sóc trẻ tốt nhất từ tinh thần đến vật chất để các em khỏe mạnh, trưởng thành hơn trong tương lai.
Với những nỗ lực của mình, vừa qua cô giáo Pinăng Thị Hải vinh dự được chọn là một trong số 63 gương giáo viên dân tộc thiểu số tiêu biểu được tuyên dương tại Hà Nội, được nhận Bằng khen của Trung ương Hội LHTN Việt Nam; Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp phát triển các dân tộc” của Ủy ban Dân tộc Quốc hội.
Anh Tuấn |