Xuất thân là cán bộ Tổ công tác 30a của xã, Nguyễn Quốc Hoàn, Phó Chủ tịch (PCT) UBND xã Phước Hòa đã có thời gian gắn bó “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với bà con Raglai. Hoàn chia sẻ: “Hơn 1 năm công tác ở Tổ 30a, tôi đã có thời gian để tìm hiểu cuộc sống, phong tục tập quán và sản xuất của bà con. Nhờ đó mà khi nhận công tác mới, tôi có thêm tự tin để vượt qua khó khăn, thách thức. Bằng tất cả tinh thần trách nhiệm, nhiệt huyết và quyết tâm của tuổi trẻ, tôi mong muốn được đóng góp sức mình, cùng với cấp ủy, chính quyền chung tay phát triển kinh tế-xã hội xã Phước Hòa, để đời sống đồng bào nơi đây được cải thiện hơn”.
Ngoài thời gian giải quyết công việc chung, NguyễnQuốc Hoàn - Phó Chủ tịch UBND xã Phước Hòa đến thường xuyên thăm hỏi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân trong xã.
Để thực hiện mục tiêu đó, Hoàn đã tham mưu lãnh đạo địa phương, tổ chức thực hiện một số mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế. Vụ hè-thu năm 2012, Hoàn đã vận động nông dân xã tham gia mô hình thâm canh lúa nước diện tích 18ha. Như một cán bộ nông nghiệp, Hoàn tham gia các buổi tập huấn chuyển giao kỹ thuật canh tác cùng bà con; tranh thủ thời gian xuống tận ruộng theo dõi, kiểm tra, nắm bắt tình hình sâu bệnh. Kết thúc mùa vụ, mô hình được đánh giá hiệu quả và có triển vọng nhân rộng, năng suất lúa đạt bình quân 4,5 tấn/ha, góp phần tăng thu nhập cho bà con nông dân. Không những tập trung cho lĩnh vực kinh tế, PCT UBND xã Nguyễn Quốc Hoàn còn tích cực tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến người dân; quan tâm đến đời sống tinh thần của đồng bào Raglai ở đây, nhất là vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống qua nhạc cụ dân tộc Mã La. Vì vậy, anh được nhiều bà con tin yêu, quý mến. Đồng chí Nguyễn Hồng Sơn, Phó Chủ tịch phụ trách UBND xã Phước Hòa nhìn nhận: “Hoàn là một cán bộ trẻ có năng lực và trách nhiệm trong công việc, tham mưu cho UBND xã trong giải quyết những vấn đề chung và đề xuất một số giải pháp phát triển kinh tế-xã hội có hiệu quả. Chúng tôi kỳ vọng, trong thời gian tới, Hoàn sẽ phát huy hết năng lực và sức trẻ cho sự phát triển của địa phương”.
“Chân ướt chân ráo” lên Bác Ái nhận công tác, Nguyễn Thị Ngọc Linh- PCT.UBND xã Phước Tiến gần như lạ lẫm với tất cả, từ điều kiện sống, sinh hoạt và ngôn ngữ của bà con nơi đây. Linh cho biết: “Thời gian đầu với Linh là vừa làm, vừa học. Nhờ sự quan tâm, giúp đỡ của lãnh đạo và cán bộ, nhân viên trong xã, Linh đúc kết được nhiều kinh nghiệm cho bản thân từ chuyên môn cho đến cách giao tiếp, cư xử”. Khi nắm bắt được nhu cầu của địa phương, Linh mạnh dạn thành lập Hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp Phước Tiến, đảm nhiệm các khâu làm đất, cung cấp giống cây trồng, vật tư nông nghiệp, thu hoạch, thu mua nông sản, thú y, thủy lợi; hỗ trợ cho bà con tiếp cận tốt hơn với kỹ thuật sản xuất, các nguồn vốn của Nhà nước, nâng cao năng lực tiêu thụ hàng hóa sau thu hoạch và đảm nhận xây dựng các công trình phúc lợi. Không phụ tâm huyết của nữ cán bộ trẻ, HTX hoạt động hiệu quả và có mức thu lãi khoảng 58 triệu đồng, đồng thời giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương. “Những kết quả mà Hợp tác xã Phước Tiến bước đầu đạt được đã khích lệ và cho Linh thêm niềm tin tiếp tục đóng góp sức trẻ cho địa phương”-Linh chia sẻ.
Không chỉ phát huy năng lực của bản thân, các tân PCT còn biết trao đổi, học hỏi kinh nghiệm và liên kết với nhau vì mục tiêu cải thiện thu nhập cho người dân địa phương. Trí thức trẻ Cao Thị Thanh Huyền, PCT.UBND xã Phước Chính kể: “Khi mô hình HTX Phước Tiến hoạt động có hiệu quả, tôi có trao đổi với lãnh đạo xã Phước Tiến, với Linh và chủ nhiệm HTX nhằm liên kết tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn. Qua trao đổi, HTX thống nhất thu mua theo giá thị trường một số sản phẩm cây trồng cho người dân Phước Chính, nhất là cây chuối. Tôi đã khuyến khích bà con tận dụng đất đồi, triền dốc trồng xen chuối để tăng thu nhập”. Phước Chính là xã hưởng lợi từ nguồn nước hồ Sông Sắt, song tình trạng thiếu nước vào mô khô diễn ra khá phức tạp. Để khắc phục tình trạng hoa màu hư hại do thiếu nước sản xuất, Huyền đã vận động bà con tuân thủ lịch thời vụ, bà con dần thay đổi tập quán du canh du cư sang định cư, phát triển chăn nuôi bò, dê, ổn định cuốc sống.
Có thể thấy rằng, thời gian qua đối với các tân PCT.UBND xã hãy còn là những bước đi “chập chững”. Tuy gặp phải không ít khó khăn, thách thức trong những ngày đầu lên công tác, nhưng với ý chí, quyết tâm và sự sáng tạo của tuổi trẻ, đội ngũ cán bộ lãnh đạo trẻ đang công tác trên địa bàn huyện Bác Ái đều được đánh giá cao về năng lực chuyên môn, được bà con nhân dân tin yêu và bước đầu đã đem lại những thay đổi rõ nét về kinh tế-xã hội cho địa phương … Cấp ủy, chính quyền và nhân dân Bác Ái đang kỳ vọng về lớp thanh niên “dám nghĩ, dám làm” với ý chí tự lực, tự cường, xung kích đi đầu trong mọi hoạt động, đã thể hiện vai trò trách nhiệm của tuổi trẻ trong sự nghiệp xây dựng quê hương. |