Căn cứ vào những tài liệu và sự kiện lịch sử có ý nghĩa đặc biệt này, năm 2000, Bộ Chính trị Trung ương Đảng (Khoá VIII) quyết định lấy ngày 1-8 hàng năm làm Ngày Truyền thống ngành công tác tư tưởng - văn hoá của Đảng. Năm 2007, sau khi Ban Tư tưởng – Văn hoá Trung ương và Ban Khoa giáo Trung ương hợp nhất thành Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá X) quyết định lấy ngày 01 tháng 8 hàng năm là Ngày Truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng.
I. 85 năm - Những chặng đường lịch sử vẻ vang của ngành Tuyên giáo.
1. Công tác Tuyên giáo trong phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc và Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám (1930 – 1945)
Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là kết quả của việc chuẩn bị đầy đủ về mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức. Đồng chí Nguyễn Ái Quốc là người cộng sản Việt Nam đầu tiên đã truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam, là người đã vạch ra đường hướng cơ bản của cách mạng Việt Nam, đồng thời cũng là người trực tiếp tuyên truyền, giáo dục và huấn luyện cán bộ, chuẩn bị tốt mọi mặt về tổ chức để đi đến thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Các tác phẩm của Nguyễn Ái Quốc như “Bản án chế độ thực dân Pháp”, “Đường Kách mệnh”... các tờ báo do Người sáng lập như “Người cùng khổ”, “Thanh niên”... là những tài liệu truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin đầu tiên vào Việt Nam. Những tài liệu này có sức cuốn hút mạnh mẽ các tầng lớp trí thức tiến bộ và những người tiên tiến trong giai cấp công nhân, nhân dân lao động lúc bấy giờ, vì nó có tác động thức tỉnh lòng yêu nước của nhân dân, vạch ra con đường cách mạng đúng đắn để có thể đi đến thắng lợi cuối cùng, chỉ ra xu thế phát triển tất yếu của dân tộc và thời đại đó là con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Không chỉ bằng các tài liệu, sách báo được gửi vào trong nước để truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin và con đường giải phóng dân tộc, Người còn cùng các đồng chí của mình mở các lớp huấn luyện cán bộ, tổ chức cho một số cán bộ sang Liên Xô để chuẩn bị cho đội ngũ cán bộ cốt cán của Đảng sau này. Những cán bộ đầu tiên được Nguyễn Ái Quốc đào tạo đã trở thành những chiến sĩ cộng sản ra sức truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam, thông qua đó giác ngộ quần chúng, chuẩn bị điều kiện chín muồi để đi đến thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam - Ngày 3/2/1930.
Trong giai đoạn này công tác Tuyên giáo của Đảng đã góp phần không nhỏ vào những chiến thắng của quân và dân ta, công tác tuyên truyền thông qua các tài liệu, sách báo của Đảng, phát động hàng nghìn cuộc đấu tranh rộng khắp cả nước, từ phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh (1930-1931) đến cao trào dân chủ (1936-1939) và nhất là sau Hội nghị Trung ương 8 (năm 1941) mọi công tác của Đảng đều hướng vào việc thực hiện nhiệm vụ chiến lược cách mạng: tập trung sức mạnh toàn dân tộc vào nhiệm vụ phản đế, giành độc lập dân tộc. Những nhà làm công tác Tuyên giáo của Đảng đã động viên mọi tầng lớp, mọi dân tộc tham gia vào mặt trận cứu nước và kịp thời truyền đạt các nhận định, chủ trương của Đảng trước các diễn biến trong nước và quốc tế, đã ra những khẩu hiệu sát hợp hướng dẫn tư tưởng và hành động của quần chúng. Với nhiều hình thức tuyên truyền hết sức táo bạo như tuyên truyền xung phong, tuyên truyền vũ trang, bạo động chính trị, cổ vũ quần chúng nổi dậy với khí thế mạnh mẽ áp đảo quân thù, huy động toàn dân tộc đứng lên lật đổ chế độ phong kiến, thực dân, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á.
2. Công tác Tuyên giáo trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược (1945-1975)
- Giai đoạn 1945-1946, đây là giai đoạn công tác Tuyên giáo ra sức vận động quần chúng nhân dân đấu tranh bảo vệ chính quyền, giữ vững thành quả cách mạng vừa mới giành được sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
- Giai đoạn 1946-1954, là giai đoạn cả nước kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ. Công tác Tuyên giáo lúc này tập trung cho nhiệm vụ vừa kháng chiến vừa kiến quốc, động viên toàn dân kháng chiến với phương châm “toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh”.
- Giai đoạn 1954-1975, Đảng ta đã lãnh đạo công tác Tuyên giáo thực hiện cuộc vận động chính trị, giáo dục tư tưởng liên tục, rộng khắp nhằm quán triệt hai nhiệm vụ chiến lược. Với ý chí “không có gì quý hơn độc lập tự do”, thực hiện cuộc chiến tranh nhân dân, phát huy tinh thần yêu nước của toàn dân tộc, tranh thủ tối đa sự ủng hộ của nhân dân thế giới, tạo ra sức mạnh tổng hợp để đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược. Công tác Tuyên giáo đã thành công trong việc bồi dưỡng ý chí quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ của toàn dân tộc, góp phần động viên nhân dân miền Bắc ra sức khôi phục và phát triển kinh tế, ra sức xây dựng hậu phương lớn XHCN, đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, chi viện đắc lực sức người, sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, đất nước ta giải phóng, non sông thu về một mối, đưa cả nước bước vào một thời kỳ mới, thời kỳ cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Trải qua hai cuộc chiến tranh vệ quốc, cùng với quân dân cả nước, đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo của Đảng, dù hoạt động ở hậu phương hay tiền tuyến, ở vùng địch tạm chiếm hay ở vùng tự do, ở đồng bằng, thành phố hay ở rừng núi, trong nhà tù của địch hay trên mặt trận... tất cả đều tỏ rõ lòng trung thành vô hạn với Tổ quốc, với Đảng, với nhân dân, quyết tâm vượt qua mọi gian khổ, hy sinh, nỗ lực phấn đấu để hoàn thành nhiệm vụ. Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt này, đã xuất hiện hàng trăm tấm gương anh hùng, đã có hàng ngàn cán bộ tuyên giáo từ Trung ương đến địa phương và cơ sở, cán bộ các trường Đảng, trường huấn luyện chính trị, cán bộ các cơ quan báo chí, đài phát thanh, thông tấn xã, các nhà văn, nhà báo, nhiếp ảnh, nhà quay phim, các đội viên đội thông tin lưu động, đội văn công, chiếu bóng,v.v. đã hy sinh anh dũng vì độc lập, tự do cho dân tộc.
3. Công tác tuyên giáo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (1975 đến nay)
Nhiệm vụ công tác Tuyên giáo lúc này là tập trung động viên lòng yêu nước, khắc phục khó khăn, xây dựng quyết tâm vượt qua thử thách, đề cao tinh thần chủ động, dám nghĩ dám làm, tìm tòi sáng tạo, từ đó đã từng bước khắc phục hậu quả chiến tranh, giành chiến thắng trong hai cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới của Tổ quốc, từng bước xây dựng cơ sở vật chất-kỹ thuật ban đầu hết sức quan trọng của đất nước, tạo điều kiện cho các bước phát triển tiếp theo.
Đại hội VI của Đảng đã khởi xướng sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Công tác Tuyên giáo không chỉ góp phần vào việc hình thành và từng bước hoàn thiện hệ thống lý luận của Đảng thông qua tổng kết thực tiễn, mà còn đưa đường lối đổi mới nhanh chóng đi vào cuộc sống, khơi dậy sự sáng tạo của mọi địa phương, mọi ngành, mọi người, tạo nên những thành tựu quan trọng có ý nghĩa lịch sử trên tất cả lĩnh vực chính trị, kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh, thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
4. Công tác Tuyên giáo của Đảng bộ Ninh Thuận từ năm 1930 đến nay
a. Công tác Tuyên giáo từ khi có Đảng đến ngày giành chính quyền thành công trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945
Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, tháng 4/1930, từ các chi bộ Tân Việt đã chuyển thành chi bộ cộng sản. Từ đây, công tác tuyên truyền giáo dục cách mạng được đẩy lên với nhiều hình thức tuyên truyền mang tính cổ động rất cao như: treo cờ, truyền đơn, khẩu hiệu, tổ chức các cuộc mít tinh kỷ niệm... đã có tác dụng cổ vũ quần chúng nổi dậy với khí thế rất mạnh mẽ.
Đến thời kỳ Mặt trận Dân chủ (1936 - 1939) các hình thức tuyên truyền giáo dục chính trị tư tưởng được tiến hành công khai, rộng rãi hơn như: tuyên truyền tập hợp nông dân chống chủ đồn điền; phát hành Báo của Đảng công khai, in tại chỗ các tài liệu tuyên truyền nói về phong trào Đông Dương Đại hội với khẩu hiệu đấu tranh giảm thuế, giảm tô, giảm giờ làm, lập các hội ái hữu, tương tế, quyên góp mở trường học, ủng hộ cuộc đình công ngày 10/7 của công nhân đường sắt tuyến Tháp Chàm - Đà Lạt...
Từ năm 1939-1941 đã phát hành các tờ báo của Đảng bộ như Báo Người Mới, Báo Chiến Thắng... góp phần phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, cổ vũ phong trào cách mạng địa phương.
Đến tháng 4-1945 trước yêu cầu chuyển thế cách mạng, các tài liệu tập trung tuyên truyền về chương trình Việt minh, về tội ác phát xít Nhật, về tổ chức lực lượng quần chúng chuẩn bị đánh Nhật, giành độc lập cho Tổ quốc... Các tài liệu này được lưu hành bí mật khắp nơi trong tỉnh, có tác dụng rất lớn trong việc trang bị nhận thức, tư tưởng cho quần chúng nhân dân đứng lên hành động khi thời cơ đến. Ngày 21/8/1945, cuộc khởi nghĩa nổ ra tại Làng Bảo An, biến cuộc mít tinh của “Thanh niên tiền tuyến” do lực lượng thân Nhật tổ chức thành cuộc biểu tình thị uy quần chúng kéo xuống giành chính quyền ở thị xã Phan Rang. Ngày 22-8-1945 việc giành chính quyền thành công trong toàn tỉnh. Hoạt động Tuyên giáo có bước tiến triển, khởi sắc mới.
b. Công tác Tuyên giáo trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954)
Cuối năm 1945 Ninh Thuận lập Ty thông tin, đến tháng 10-1946 tiếp tục củng cố các Ty chuyên môn, trong đó có Ty Thông tin, Ty Bình dân học vụ, ra Báo “Tin thật” 1 tháng/ 1 kỳ. Bộ đội, quần chúng vùng căn cứ và địch hậu đã dựa vào nội dung của Báo để nắm bắt và thực hiện đường lối kháng chiến và kiến quốc của Đảng. Năm 1947, đáp ứng nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ, Báo “Tin thật” ra hàng tuần, ngày càng có nhiều tiến bộ về hình thức, được người đọc ưa thích, sau đó phát hành thêm Bản tin vào vùng địch hậu; đến năm 1948, Báo “Tin thật” và các tài liệu tuyên truyền, huấn luyện, sách bỏ túi có hình thức đẹp hơn, đặc biệt truyền đơn chống rào làng, dồn dân, truyền đơn địch vận được thực hiện bằng tiếng Pháp, Đức in 2- 3 màu, có tranh minh họa. Đến năm 1951, công tác tuyên truyền tập trung chủ yếu phục vụ vùng đồng bào dân tộc, sáng tạo ra những bài học tuyên truyền ngắn gọn, dễ nhớ để phổ biến cho đồng bào; mở lớp bồi dưỡng chính trị cho Bí thư chi bộ trong toàn tỉnh... Năm 1954, cơ sở in tài liệu tuyên truyền được mở rộng đến trung đoàn E81 và huyện Thuận Nam. Hoạt động của công tác tuyên truyền đã tác động tích cực đến việc bung ra mạnh mẽ của lực lượng vũ trang tỉnh từ miền núi đến đồng bằng, đô thị. Đến tháng 6-1954 hầu hết vùng nông thôn đồng bằng Ninh Thuận được giải phóng, hỗ trợ cho chiến trường chính Điện Biên Phủ, góp phần vào thắng lợi chung của dân tộc Việt Nam.
c. Công tác Tuyên giáo trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ (1954 - 1975)
Trong điều kiện sống và chiến đấu đầy gian khổ, công tác Tuyên giáo luôn là vũ khí sắc bén của Đảng bộ Ninh Thuận. Với phương tiện, kỹ thuật in ấn, phát hành tài liệu còn thô sơ như: đánh máy, in xu xoa, in bột nếp... các tài liệu tuyên truyền vẫn bí mật được phát hành để hướng nhân dân đấu tranh đòi địch thi hành Hiệp định Giơnevơ. Năm 1962 được sự chi viện một số cán bộ miền Bắc, Ban Tuyên huấn tỉnh uỷ Ninh Thuận được hình thành. Ban Tuyên huấn có cơ sở in rô-nê-ô, hàng tháng ra báo “Chiến đấu”, hàng tuần ra bản tin... mang tiếng nói của Đảng đến cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trong tỉnh. Năm 1965, Ban Tuyên huấn đã mở cuộc triển lãm ảnh thời sự với chủ đề “Ta nhất định thắng, địch nhất định thua” tại làng Sơn Hải, ngay sát đồn địch đã có tác dụng lớn, tiếp thêm niềm tin và sức chiến đấu cho nhân dân Sơn Hải và các vùng tranh chấp xung quanh. Vượt qua mọi gian khổ, hy sinh, âm mưu nham hiểm của địch trong các chiến lược chiến tranh, cán bộ nhân viên Ban Tuyên huấn tỉnh Ninh Thuận luôn vững vàng về lập trường, tư tưởng, tích cực hoạt động, sử dụng nhiều phương thức tuyên truyền linh hoạt, sáng tạo như: báo chí, phim ảnh, tuyên truyền miệng, văn hóa, văn nghệ... đã hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần giải phóng tỉnh Ninh Thuận vào ngày 16/4/1975.
d. Công tác Tuyên giáo trong giai đoạn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (1976 đến nay)
Đầu năm 1976, Ninh Thuận sáp nhập với tỉnh Bình Thuận và Bình Tuy thành tỉnh Thuận Hải. Ban Tuyên giáo Thuận Hải cũng được thành lập, nhiệm vụ chính trị lúc này là tuyên truyền về chủ nghĩa xã hội và xây dựng một tổ chức Đảng, chính quyền, Hội, đoàn thể quần chúng thống nhất. Sau Đại hội Đảng bộ tháng 3-1977, công tác Tuyên giáo triển khai tổ chức học tập và tuyên truyền về nhiệm vụ Đại hội đề ra là khôi phục, cải tạo và phát triển kinh tế. Từ năm 1979-1986, tập trung cho nhiệm vụ triển khai học tập Nghị quyết các kỳ của Trung ương và Đại hội V, VI của Đảng bộ tỉnh. Từ năm 1986 - 1991, tập trung tuyên truyền đường lối đổi mới của Đảng.
Năm 1992, tỉnh Ninh Thuận được tái lập, từ đây công tác Tuyên giáo của Ninh Thuận được ổn định về tổ chức, thành lập các phòng chuyên môn trên các lĩnh vực, làm tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy cấp uỷ. Qua các kỳ Đại hội, công tác Tuyên giáo không ngừng được đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động, thường xuyên bám sát, nắm chắc các nhiệm vụ lớn của tỉnh, gắn kết công tác tư tưởng với thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế -xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị; khẳng định những nhân tố mới, những giá trị mới, điển hình tiên tiến làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và các phong trào thi đua yêu nước ở nhiều lĩnh vực, nhiều địa phương... góp phần tạo sự chuyển biến về nhận thức chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên và nhân dân tỉnh nhà.
Nhìn lại 6 tháng đầu năm 2015, trong bối cảnh có những thuận lợi và khó khăn đan xen, tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, diễn biến xung đột lợi ích ở biển Hoa Đông và biển Đông; trong tỉnh hạn hán diễn ra hết sức khốc liệt,... đã tác động đến tư tưởng, tâm trạng và dư luận xã hội. Trước tình hình đó, Ban Tuyên giáo các cấp, ngành, hội, đoàn thể đã thể hiện vai trò, trách nhiệm, nỗ lực thực hiện nhiệm vụ đạt yêu cầu về chất lượng, hiệu quả. Nhất là, góp phần tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ từ cơ sở đến cấp huyện (và tương đương), tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII; thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của địa phương; tổ chức các hoạt động tuyên truyền các Ngày lễ lớn, các sự kiện trọng đại của đất nước, của tỉnh,... tạo được sự lan tỏa sâu rộng trong toàn tỉnh, khơi dậy khí thế sôi nổi, thi đua thực hiện nhiệm vụ năm 2015, hoàn thành thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh giai đoạn (2010-2015).
II. Những nhiệm vụ chủ yếu của công tác Tuyên giáo trong thời gian tới.
Để góp phần hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh năm 2015, lực lượng làm công tác Tuyên giáo trong tỉnh cần tập trung thực hiện tốt những nhiệm vụ chủ yếu sau:
1. Tuyên truyền kỷ niệm các ngày lịch sử, trọng tâm là kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám (19-8-1945 – 19-8-2015) và Quốc khánh Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2/9; 70 năm Ngày truyền thống Công an nhân dân (19-8-1945 - 19-8-2015)); 70 năm Ngày Truyền thống Lực lượng vũ trang của tỉnh (23-8-1945 – 23-8-2015). Tăng cường tuyên truyền công tác chuẩn bị và tiến hành Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, Đại hội thi đua yêu nước tỉnh lần thứ VI; Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Cổ vũ phong trào thi đua yêu nước, thiết thực lập thành tích chào mừng các sự kiện lớn của tỉnh và đất nước.
2. Tiếp tục quán triệt, học tập, phổ biến nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến cán bộ, đảng viên và nhân dân; đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Tăng cường công tác quản lý báo chí, nâng chất lượng hoạt động của báo, đài, văn hóa văn nghệ; chú trọng phát hiện, cổ vũ gương người tốt, việc tốt; đấu tranh phê phán những biểu hiện tiêu cực trong xã hội.
3. Làm tốt việc nắm bắt tình hình tư tưởng và tâm trạng trong xã hội, kịp thời phản ánh, tham mưu giải quyết tình hình hình phát sinh ngay từ cơ sở, bảo đảm ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đấu tranh phản bác những luận điệu xuyên tạc tình hình đất nước, địa phương; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng- chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
4. Giáo dục nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và công chức; thực hiện tốt tự phê bình, phê bình trong sinh hoạt Đảng, cơ quan, hội, đoàn thể góp phần xây dựng tổ chức cơ sở Đảng thật sự trong sạch vững mạnh, cơ quan đơn vị văn hóa.
Tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang ngành Tuyên giáo của Đảng, lực lượng làm công tác Tuyên giáo các cấp, ngành, Mặt trận, các đoàn thể chính trị – xã hội tiếp tục nỗ lực vượt khó, vươn lên, nêu cao tinh thần trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm, chủ động, sáng tạo trong mọi tình huống, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần xây dựng quê hương Ninh Thuận ngày càng phát triển./. |