1.1. Nhận diện mục đích, âm mưu, thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch sử dụng chống phá Đảng, Nhà nước trên không gian mạng
Đặt trong quan hệ với chế độ xã hội, “quan điểm sai trái, thù địch” được khái quát là những lời nói, bài viết, hành động của chủ thể là các cá nhân/nhóm xã hội phản ánh không đúng thực tế đời sống chính trị, kinh tế, xã hội,… của một quốc gia, “thổi phồng” tiêu cực, “bơm căng” mâu thuẫn, “bóp méo” chính sách thực tế nhằm khiêu khích, bôi nhọ, đe dọa, gây mâu thuẫn trong nội bộ hệ thống chính trị quốc gia hướng đến làm thay đổi, sụp đổ chế độ chính trị, tan rã hệ thống chính quyền, gây mất đoàn kết trong Nhân dân,… nhằm thiết lập nên một chế độ chính trị, chính quyền mới theo mong muốn của chủ thể.
Mục đích tấn công của các thế lực thù địch, phản động là làm cho các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là những người có trình độ thấp, số học sinh, sinh viên thường xuyên sử dụng mạng xã hội nhận thức mơ hồ, lệch lạc, không đúng đắn về tư tưởng Hồ Chí Minh, nhằm thực hiện mưu đồ “tự diễn biến, tự chuyển hóa” làm mục ruỗng chế độ ta từ bên trong, hy vọng làm suy thoái tư tưởng tiến tới thay đổi hành động.
Chúng thiết lập các trang web, các blog, mở các “diễn đàn”, “câu lạc bộ” trên mạng nhằm phát tán tài liệu phản động và tuyên truyền, nhào nặn, trộn lẫn thật - giả, tốt - xấu; phát tán các thông tin, tài liệu, hình ảnh, video clip có nội dung tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước và lực lượng vũ trang để vu cáo; tăng cường lôi kéo các phần tử bất mãn, cơ hội chính trị để chống phá Đảng, Nhà nước. Khi đưa ra tin giả, chúng thường chú ý đến sự kiện giật gân, gợi tò mò, đồng thời tạo dựng cơ sở cho “tính xác thực”, khiến người tiếp xúc tin giả không nghĩ đến việc kiểm chứng, xác minh. Vì thế, nếu không nắm bắt được bản chất của vấn đề, không chú ý tìm hiểu kỹ lưỡng, lại vội vàng và thiếu chín chắn, người tiếp xúc luận điệu xuyên tạc hoặc tin giả dễ bị dẫn dắt tinh thần theo chủ đích của kẻ xấu.
Những luận điệu sai trái, thù địch mà kẻ thù nhắm đến để tuyên truyền, chống phá thường tập trung vào các nội dung cơ bản sau:
+ Tấn công trực diện, bác bỏ, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, cương lĩnh, hệ thống quan điểm, đường lối chính trị và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
+ Đòi xóa bỏ Điều 4 Hiến pháp, đa nguyên đa đảng; phủ nhận, hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và thể chế chính trị xã hội chủ nghĩa; cổ xúy “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang. Kích động mâu thuẫn, chống phá mối liên hệ giữa Đảng, chính quyền và lực lượng vũ trang đối với Nhân dân.
+ Chống phá tổ chức của Đảng; phá vỡ sự thống nhất, đoàn kết của Đảng, âm mưu làm tê liệt hoặc tan rã tổ chức đảng, làm cho năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, của đảng viên suy yếu.
+ Xuyên tạc, bịa đặt, nói xấu, cố tình khoét sâu, thổi phồng những khuyết điểm, sai phạm của một số cán bộ, đảng viên.
Việc nhận diện và nắm rõ bản chất những luận điệu sai trái, thù địch là cơ sở quan trọng nhằm kịp thời có những biện pháp phản bác, đấu tranh, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ta và sự nghiệp cách mạng của Nhân dân ta.
1.2. Quan điểm của Đảng về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch
Ngày 22/10/2018, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới. Nghị quyết nêu rõ: “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng là bảo vệ Ðảng, bảo vệ Cương lĩnh chính trị, đường lối lãnh đạo của Ðảng; bảo vệ nhân dân, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước”. Ðó là nội dung cơ bản, hệ trọng, có ý nghĩa sống còn đối với công tác công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng; là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của cả hệ thống chính trị, của toàn Ðảng, toàn quân, toàn dân, trong đó các cơ quan báo chí tuyên truyền các cấp là nòng cốt; là công việc tự giác, thường xuyên của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đoàn thể chính trị - xã hội các cấp; của từng địa phương, cơ quan, đơn vị, của cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu.
Ngày 12/6/2018, Quốc hội đã thông qua Luật An ninh mạng; Điều 6 có quy định: “Nhà nước áp dụng các biện pháp để bảo vệ không gian mạng quốc gia; phòng ngừa, xử lý hành vi xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên không gian mạng”.
Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII cũng đã xác định: “Kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa. Giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, an ninh con người, an ninh kinh tế, an ninh mạng, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương...”
Đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc nền tảng tư tưởng của Đảng là yêu cầu tiên quyết, đòi hỏi phải kịp thời, kiên quyết, kiên trì, sắc bén, có căn cứ khoa học, có sức thuyết phục.
(Còn tiếp)
BÀI DỰ LIÊN HOAN
BÁO CÁO VIÊN TOÀN QUỐC LẦN THỨ III NĂM 2021
NGUYỄN ĐỨC HOÀNG TRUNG
Phó Bí thư Chi đoàn Phòng Tham mưu
Công an tỉnh Ninh Thuận
|