Gần đây, chúng rêu rao rằng đó là “Ngày quốc hận” khi Đảng Cộng sản Việt Nam cho quân Bắc Việt xâm chiếm miền Nam; “Tháng 4 là tháng vo gạo bằng nước mắt”, “Tháng 4 đen”; “đây thực chất chỉ là nội chiến, là chiến tranh ủy nhiệm, chiến tranh ý thức hệ nên không có gì đáng tự hào”;....(?!)
Đó là những luận điệu hoàn toàn sai trái, sáo rỗng, mong muốn của những phần tử cơ hội, phản động và những thế hệ “lưu vong” tàn dư của chế độ Việt Nam Cộng hòa về Chiến thắng 30/4/1975. Đồng thời, những luận điệu ấy đã bị chính những giá trị lịch sử, ý nghĩa trọng đại của Chiến thắng 30/4/1975 và thành tựu qua hơn 35 năm đổi mới của đất nước ta phủ nhận, phản biện.
Bởi trên thực tế, để có ngày toàn thắng, non sông thu về một mối, quân và dân ta đã phải kinh qua nhiều năm trường kỳ kháng chiến, hy sinh, gian khổ, có những thời điểm tình thế cách mạng như ngàn cân treo sợi tóc, nhưng với sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng, tinh thần chiến đấu ngoan cường, dũng cảm, mưu trí, sáng tạo của Quân đội và Nhân dân cả nước, cùng tinh thần đoàn kết, triệu người như một “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”, “quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, “tất cả cho tuyền tuyến, tất cả để chiến thắng”,… Bởi, Nam - Bắc là một nhà, cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc của quân và dân ta là cuộc kháng chiến chính nghĩa, được cả thế giới và ngay cả người Mỹ ủng hộ. Từ việc kết hợp được sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, ủng hộ của dư luận quốc tế, với đường lối kháng chiến tài ba, quân và dân ta đã tạo nên chiến thắng 30/4/1975 lừng lẫy năm Châu, chấn động địa cầu.
Chiến thắng đó thể hiện chủ nghĩa anh hùng cách mạng, sức sống mãnh liệt của văn hóa và con người Việt Nam, không chỉ dân tộc Việt Nam mà nhân loại tiến bộ trên thế giới đều thừa nhận, trân trọng, tự hào và ngưỡng mộ. Chiến thắng 30/4/1975 đã đi vào lịch sử vẻ vang của dân tộc như một trong những trang sử chói lọi nhất, khẳng định tầm vóc vĩ đại, thể hiện ý chí độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường và khát vọng hòa bình của cả dân tộc, đánh dấu bước ngoặt quyết định đưa nước ta bước vào kỷ nguyên độc lập, thống nhất, cả nước cùng tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Thực tiễn xây dựng và phát triển đất nước 47 năm, kể từ ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và qua hơn 35 năm đổi mới, nhờ thực hiện đường lối đổi mới, Việt Nam đã gặt hái nhiều thành tựu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, kinh tế phát triển mạnh, quốc phòng an ninh được giữ vững, củng cố và tăng cường. Để khẳng định được vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay, Việt Nam đã và đang phấn đấu dần đóng vai trò “nòng cốt, dẫn dắt, hoà giải, sáng kiến, tích cực, có trách nhiệm” tại các diễn đàn, tổ chức đa phương có tầm quan trọng chiến lược đối với đất nước, phù hợp với khả năng và điều kiện cụ thể. Hiện nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 189/193 nước thuộc tất cả các châu lục và có quan hệ tốt đẹp với tất cả nước lớn, các Uỷ viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Việt Nam có quan hệ đối tác chiến lược với 17 quốc gia (trong đó có 3 đối tác chiến lược toàn diện), 13 đối tác toàn diện. Năm 2020, Việt Nam đã phê chuẩn và triển khai có hiệu quả Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA); tham gia ký Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), tham gia hơn 500 hiệp định song phương và đa phương trên nhiều lĩnh vực. Đã có 71 nước công nhận Việt Nam là một nền kinh tế thị trường.
Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN 2010 và 2020. Trong đó, Năm Chủ tịch ASEAN 2020 đã thành công toàn diện, vang dội, trọn vẹn và thực chất. Đã thông qua hơn 550 cuộc họp, nhiều sáng kiến, ưu tiên của Việt Nam đã trở thành tài sản chung của ASEAN; bảo đảm an ninh, an toàn, trọng thị về lễ tân; quảng bá hình ảnh Cộng đồng ASEAN và Việt Nam hòa bình, ổn định phát triển thịnh vượng trong tâm thức của bạn bè quốc tế.
Đặc biệt, Việt Nam 2 lần được bầu giữ chức Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008 - 2009, nhiệm kỳ 2020 - 2021 (nhiệm kỳ 2020- 2021 đạt số phiếu gần như tuyệt đối 192/193 phiếu). Đảm nhận tốt vai trò Chủ tịch Hội đồng bảo an ngay trong tháng đầu tiên của nhiệm kỳ (tháng 1/2020), Việt Nam đã tham gia chủ động, tích cực tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, thể hiện hình ảnh một Việt Nam trách nhiệm, đề cao luật pháp quốc tế, nỗ lực xây dựng đồng thuận, tìm kiếm giải pháp thoả đáng cho các tranh chấp, xung đột... Việt Nam đã để lại những dấu ấn riêng rất cụ thể như: Lần đầu tiên thúc đẩy Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua một Tuyên bố Chủ tịch về tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc; tổ chức đối thoại ASEAN - Liên hợp quốc, qua Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nâng tầm ASEAN và qua ASEAN cụ thể hoá nhiều nội dung hợp tác ở cấp độ toàn cầu. Lần đầu tiên một Nghị quyết do Việt Nam chủ trì đề xuất được thông qua Đại hội đồng Liên hợp quốc (ngày 27/12 hàng năm là Ngày quốc tế phòng chống dịch bệnh). Nhiều sáng kiến, đóng góp của Việt Nam tại các diễn đàn quốc tế, khu vực khác như ASEM, APEC, G20, WEF, các cơ chế Tiểu vùng Mê Công… được các nước ủng hộ, đánh giá cao. |