Tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, đế quốc Mỹ mưu toan tiêu diệt bằng được phong trào cách mạng của nhân dân ta, biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của chúng để tiến công miền Bắc, ngăn chặn sự phát triển của chủ nghĩa xã hội, phô trương sức mạnh, hòng đe dọa các dân tộc Á, Phi, Mỹ-Latinh đang nổi dậy giành độc lập. Việt Nam trở thành nơi diễn ra cuộc đụng đầu lịch sử to lớn.
Dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng cộng sản Việt Nam, quân và dân ta đã lần lượt đánh bại các chiến lược chiến tranh của Mỹ và mùa Xuân năm 1975, nhân dân Việt Nam đã ghi một chiến công vĩ đại nhất, hiển hách nhất trong lịch sử anh hùng của dân tộc: sau 55 ngày đêm tiến công thần tốc đã quét sạch toàn bộ chế độ thực dân kiểu mới của đế quốc Mỹ ở miền Nam, giải phóng miền Nam thân yêu, giành lại độc lập hoàn toàn cho đất nước.
Tháng Giêng năm 1973, Hiệp định Paris được ký kết. Mặc dầu đã bị thất bại nặng nề, đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai vẫn ngoan cố theo đuổi âm mưu áp đặt chủ nghĩa thực dân kiểu mới lên toàn bộ miền Nam nước ta. Đánh giá đúng âm mưu của kẻ thù, Đảng ta nhận định rằng, bất kể trong tình huống nào, con đường giành thắng lợi của cách mạng miền Nam cũng phải là con đường bạo lực, kiên quyết dùng chiến tranh cách mạng đánh bại cuộc chiến tranh thực dân kiểu mới của Mỹ - ngụy.
Sau hai năm 1973, 1974 và nhất là từ chiến thắng giải phóng toàn tỉnh Phước Long, cục diện chiến trường miền Nam đã thay đổi một cách căn bản, có lợi cho ta. Hội nghị Bộ Chính trị Trung ương Đảng, tháng 10-1974 và đầu năm 1975, đã kịp thời đánh giá đúng lực lượng so sánh giữa ta và địch, vạch rõ sự xuất hiện của thời cơ lịch sử và hạ quyết tâm chiến lược giải phóng hoàn toàn miền Nam, đánh bại hoàn toàn cuộc chiến tranh xâm lược thực dân kiểu mới của Mỹ bằng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Mở màn cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy, ngày 10 và 11-3-1975, quân ta tiến công bằng các binh chủng hợp thành giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột. Trước tình hình thắng lớn của ta ở Tây Nguyên, Bộ Chính trị kịp thời bổ sung quyết tâm chiến lược: Giải phóng miền Nam ngay trong năm 1975. Đến ngày 24-3, quân ta đánh thắng cuộc phản kích của sư đoàn 23 ngụy, giải phóng toàn bộ vùng chiến lược Tây Nguyên và nhanh chóng phát triển xuống các tỉnh ven biển miền Trung.
I. Chiến thắng 16-4-1975 - mốc son chói lọi trong lịch sử cách mạng của Đảng bộ và nhân dân Ninh Thuận.
a. Diễn biến :
Sau thất bại liên tiếp trên chiến trường Tây Nguyên và các tỉnh dọc Duyên Hải miền Trung, Ngụy quyền Sài Gòn hoang mang cực độ, ra lệnh rút quân lui về co cụm, lập Bộ tư lệnh tiền phương, xây dựng “Tuyến phòng thủ từ xa” bảo vệ Sài Gòn, lấy Du Long- cách thị xã Phan Rang 30 km về phía Bắc làm nơi chốt chặn chủ yếu; quyết tử thủ ở 2 tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận. Tại đây, địch tăng cường tập trung lực lượng, gồm Sư đoàn không quân số 6, 2 Trung đoàn và Tiểu đoàn bộ binh, 1 Liên đoàn biệt động quân, 2 chi đoàn xe tăng, 1 hạm đội ở ngoài khơi sẵn sàng chi viện. Với “Tuyến phòng thủ từ xa”, chúng hòng củng cố lại tinh thần binh lính sau hàng loạt thất bại thảm hại trên các chiến trường, ngăn chặn thế tiến công thần tốc của quân ta; bảo vệ từ xa bộ máy đầu não Ngụy quyền tại Sài Gòn trước nguy cơ bị sụp đổ hoàn toàn. Đứng trước thời cơ ngàn năm có một, ngày 31-3-1975, Bộ Chính Trị họp và hạ quyết tâm : “Với tư tưởng chỉ đạo thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng, với quyết tâm lớn thực hiện tổng công kích, tổng khởi nghĩa trong thời gian sớm nhất, tốt nhất là trong tháng 4-1975, không thể để chậm”. Thực hiện chủ trương của Bộ chính trị, Khu ủy và Quân khu 6 chỉ đạo Tỉnh uỷ Ninh Thuận: “Thời cơ đã đến, Tỉnh uỷ Ninh Thuận phải phát huy mọi lực lượng ở đồng bằng và căn cứ, tiến ngay ra phía trước tấn công địch, hỗ trợ quần chúng nổi dậy phá ấp, phá kềm, giải phóng quê hương”.
Sau khi tỉnh Khánh Hoà và Lâm Đồng được giải phóng, trong các ngày 1 đến 3-4-1975, các toán tàn quân ở Đà Lạt tháo chạy theo đường 11 về Phan Rang. Chớp thời cơ, ta mở các đợt công kích địch đánh chiếm các ấp ở Sông Mỹ; sau đó lần lượt đánh chiếm các ấp ven đường 11 từ Krông-Pha đến Đèo Cậu, giải phóng quận Krông-Pha. Mặc dù địch dùng nhiều máy bay kết hợp với xe tăng, pháo binh, bộ binh đánh phá ác liệt vào vùng căn cứ và vùng mới giải phóng, nhưng quân và dân Ninh Thuận vẫn kiên cường bám trụ, bẻ gãy tất cả đợt phản kích của địch. Được sự chỉ đạo của Quân khu 6, Tỉnh uỷ Ninh Thuận chỉ đạo rút bộ đội địa phương của 2 huyện Bác Ái, Anh Dũng cùng một số đơn vị khác của tỉnh để bổ sung cho Tiểu đoàn 610, làm nhiệm vụ chốt giữ Đèo Cậu, chặn đánh địch từ sân bay Thành Sơn bung ra phản kích, bảo vệ quận Krông -Pha và sẵn sàng phối hợp với bộ đội chủ lực vào giải phóng Phan Rang.
Chiều ngày 7-4-1975, tại Tháp Chàm trong lúc tinh thần địch hoang mang rối loạn, lực lượng ta bung ra khống chế bọn tề điệp, ác ôn và dân vệ. Đến 19 giờ tối cùng ngày, lực lượng vũ trang thị xã và du kích mật tấn công Trại Nguyễn Hoàng, Ga Tháp Chàm, Cầu Móng, ngã ba Tháp Chàm và quận lỵ Bửu Sơn. Địch ở sân bay Thành Sơn tung lực lượng ra phản kích quyết liệt. Đại đội 311 được dân quân du kích và nhân dân Xóm Dừa giúp đỡ đã anh dũng chiến đấu suốt 2 ngày đêm trong lòng địch, đánh lui 16 đợt phản kích của chúng. Để đập tan tuyến phòng thủ từ xa của địch, đồng chí Thượng tướng Lê Trọng Tấn Tư lệnh cánh quân duyên hải quyết định sử dụng Sư đoàn 3 của Quân khu 5, Trung đoàn 25 Tây Nguyên và Quân khu 6, tăng cường 2 đại đội đặc công và công binh cùng với các lực lượng của Ninh Thuận chuẩn bị tấn công “Tuyến phòng thủ từ xa”. Tỉnh uỷ Ninh Thuận hạ quyết tâm cao nhất, lãnh đạo bộ đội địa phương, dân quân du kích, nhân dân trong tỉnh phối hợp với các lực lượng chủ lực của Trung ương và Quân khu chi viện, vùng lên tấn công và nổi dậy đánh đổ chế độ Mỹ - Ngụy, giải phóng tỉnh nhà.
Sáng ngày 14-4-1975, tiếng pháo công kích của đại quân ta bắt đầu bắn vào điểm chốt của địch ở Bà Râu, Suối Đá, Kiền Kiền, Ba Tháp, Núi Đất và sân bay Thành Sơn. Đến 7 giờ sáng ngày 14-4-1975, Sư đoàn 3 bộ binh ta tấn công chiếm quận lỵ Du Long và các vị trí Bà Râu, Suối Vang, Suối Đá, tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch tại đây; đồng thời bẻ gãy nhiều đợt phản công của chúng hòng giữ “Tuyến Phòng thủ từ xa”. Sáng ngày 16-4-1975, lệnh tấn công được phát ra. Lực lượng ta chia làm 3 mũi chính: Mũi thứ nhất có xe tăng dẫn đầu tiến theo đường Quốc lộ 1, sau khi đánh chiếm Phan Rang sẽ tiến lên sân bay Thành Sơn từ hướng Nam; Mũi thứ 2 từ hướng Tây Bắc đánh thẳng vào sân bay Thành Sơn; Mũi thứ 3 đánh chiếm cảng Ninh Chữ, không cho địch tháo chạy ra biển. Phối hợp với quân chủ lực, lực lượng 311 ở núi Cà Đú xuất kích, đánh tạt vào sườn quân địch đang tháo chạy. Ở hướng Tây Bắc, 2 đại đội đặc công và công binh Quân khu 6 phối hợp với lực lượng địa phương chọc thẳng xuống Phước Thiện, Ninh Quý, vượt qua Cầu Sắt vào khu vực Bảo An-Tháp Chàm. Trung tướng ngụy Nguyễn Vĩnh Nghi cho máy bay xuất kích 37 lần đánh vào Trung đoàn 101, nhưng đội hình của quân ta vẫn tiến nhanh về phía trước. Đến 9 giờ 30 phút ngày 16-4-1975 cờ Mặt trận giải phóng tung bay trên đỉnh Toà hành chính - cơ quan đầu não ngụy quyền Ninh Thuận, đánh dấu tỉnh Ninh Thuận hoàn toàn giải phóng. Tuyến phòng thủ từ xa bảo vệ Sài Gòn bị đập tan đã tạo thế mở đường cho đại quân ta tiến vào giải phóng Sài Gòn, kết thúc thắng lợi chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
b. Nguyên nhân thắng lợi và bài học kinh nghiệm cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của Đảng bộ và nhân dân Ninh Thuận :
- Đảng bộ Ninh Thuận quán triệt quan điểm sự nghiệp cách mạng là của quần chúng, đã huy động sức mạnh của các tầng lớp nhân dân đứng lên chống giặc ngoại xâm.
- Nắm vững đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài; phát huy sức mạnh nhân tài, vật lực của địa phương là chính, đồng thời vận dụng có hiệu quả sự chi viện của Trung ương và các tỉnh trong cả nước.
- Nắm vững quan điểm bạo lực cách mạng, không ngừng xây dựng và củng cố phát triển lực lượng võ trang, phát triển chiến tranh du kích, liên tục tấn công địch, bảo vệ thành quả cách mạng, giành thắng lợi cuối cùng.
- Xây dựng căn cứ địa, tạo thế vững chắc để tiến hành cuộc kháng chiến lâu dài cho đến ngày giành thắng lợi.
- Sự lãnh đạo chủ động, trực tiếp của Đảng bộ, giữ vững khối đoàn kết thống nhất trong Đảng là điều kiện quyết định thắng lợi trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
II/ Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, miền Nam Việt Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước (30-4-1975).
Từ sau chiến thắng Buôn ma Thuột, Chiến dịch Tây Nguyên, Trị Thiên và Khu V, giải phóng ven biển miền Trung, ngụy quân, ngụy quyền tan rã từng mảng, hoang mang và hỗn loạn, lâm vào thế thất bại hoàn toàn không thể cứu vãn nổi, Hội nghị Bộ chính trị ngày 1-4-1975 kịp thời bổ sung thêm quyết tâm chiến lược: Giải phóng miền Nam trong tháng 4-1975, và ngày 14-4-1975, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Hồ Chí Minh nhằm giải phóng Sài Gòn và hoàn toàn miền Nam Việt Nam.
Với khí thế quyết chiến, quyết thắng, tất cả vì chiến trường, tất cả để giải phóng miền Nam, quân và dân các tỉnh ven biển Cực Nam Trung bộ phối hợp chiến đấu cùng cánh quân duyên hải tiến quân thần tốc, vừa đi vừa đánh địch, giải phóng tỉnh Bình Thuận ngày 19-4; đến 20-4 đại quân ta tiến tới Rừng lá, cách Xuân Lộc 20 km, khống chế cánh cửa phía Đông của quân ngụy Sài Gòn.
17 giờ ngày 26-4-1975, ta bắt đầu tiến công giải phóng thành phố Sài Gòn -Gia Định, lần lượt tiêu diệt và làm tan rã các sư đoàn chủ lực ngụy, sau đợt tấn công cuối cùng, đến 10 giờ 45 phút ngày 30-4-1975 chiếc xe tăng dẫn đầu đội hình tiến công của quân đoàn hai húc đổ cánh cổng sắt của Dinh Tổng thống ngụy quyền, báo hiệu giờ cáo chung của chế độ Sài Gòn đã đến. Một số cán bộ, chiến sĩ ta tiến vào phòng họp của Dinh Tổng thống buộc Tổng thống Dương Văn Minh đến đài phát thanh Sài Gòn tuyên bố đầu hàng không điều kiện và ra lệnh cho quân ngụy hạ vũ khí. 11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975, cờ đỏ sao vàng lên nóc Dinh Độc lập. Đây là thời điểm đánh dấu Thành phố Sài Gòn - Gia định hoàn toàn giải phóng. Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng. Ngày 30-4-1975 trở thành ngày Hội mừng chiến thắng của toàn thể dân tộc Việt Nam.
Với thắng lợi vĩ đại này, nhân dân ta đã đánh bại hoàn toàn cuộc chiến tranh với qui mô lớn nhất và ác liệt nhất của Mỹ từ sau chiến tranh thế giới thứ II. Với chiến thắng 30-4-1975, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã thực hiện được ước nguyện thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ Quốc, Bắc -Nam sum họp một nhà.
Ngày 30-4-1975, nhân dân ta kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước lâu dài, gian khổ và ác liệt. Đây là thắng lợi vĩ đại của sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội trong thế kỷ XX, do Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo; là trang sử hào hùng và chói lọi chiến công của dân tộc ta trên con đường dựng nước và giữ nước suốt mấy nghìn năm lịch sử. Có được thắng lợi như vậy xuất phát từ đường lối chính trị, đường lối quân sự độc lập tự chủ, đúng đắn và sáng tạo của Đảng ta. Trong suốt 21 năm lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đảng ta kết hợp tài tình 2 nhiệm vụ chiến lược cách mạng ở 2 miền đất nước nhưng cùng nhằm một mục tiêu chung là hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước, thực hiện thống nhất nước nhà, tạo điều kiện để đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội, với đường lối ấy, Đảng đã kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại, tạo thành sức mạnh tổng hợp để đánh Mỹ và thắng Mỹ.
Với thắng lợi vẻ vang của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nhân dân ta đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh của nhân dân thế giới chống áp bức và nô dịch dân tộc, chứng minh một cách hùng hồn rằng: trong thời đại ngày nay, một dân tộc đất không rộng, người không đông, kinh tế kém phát triển nhưng đoàn kết chặt chẽ và đấu tranh kiên quyết dưới sự lãnh đạo của Đảng Mác-Lê Nin, có đường lối và tư tưởng cách mạng đúng đắn, giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội và được sự ủng hộ đồng tình của nhân dân tiến bộ, của các lực lượng yêu chuộng hòa bình và công lý trên thế giới, dân tộc đó hoàn toàn có thể giành và giữ quyền độc lập thực sự của mình, đánh bại mọi âm mưu thủ đoạn và hành động của mọi thế lực xâm lược.
III. Đảng bộ và nhân dân Ninh Thuận phát huy truyền thống anh hùng trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, cứu nước, ra sức xây dựng và bảo vệ quê hương ngày càng phát triển
Từ khi có Đảng lãnh đạo, cộng đồng các dân tộc trong tỉnh đã không ngừng tăng cường khối đại đoàn kết, đấu tranh kiên cường, viết lên trang sử hào hùng của Đảng bộ và nhân dân Ninh Thuận. Qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đánh đế quốc Mỹ, trong điều kiện vô cùng khó khăn và khốc liệt, nhưng bằng ý chí cách mạng, với tinh thần tự lực tự cường, Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà đã chiến đấu anh dũng giành thắng lợi to lớn. Ngày 16 tháng 4 năm 1975 Ninh Thuận được giải phóng, góp phần giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước. Sau thắng lợi mùa xuân năm 1975, Ninh Thuận cùng với cả nước bước vào thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, thực hiện sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Qua 40 năm xây dựng và bảo vệ quê hương (1975-2015), Đảng bộ Ninh Thuận đã tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, phát huy sức mạnh tổng hợp các nguồn lực lãnh đạo nhân dân vượt qua muôn vàn khó khăn, thách thức, đạt được những thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh. Nhất là năm 2014, kinh tế – xã hội tỉnh nhà tiếp tục có những chuyển biến rõ nét. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, đúng hướng; trong tổng số 15 chỉ tiêu, có 13 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, trong đó đáng chú ý là tốc độ tăng trưởng GDP đạt 12,4% (đạt cao nhất trong những năm qua); tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 1.700 tỷ đồng (đạt 113,3% kế hoạch năm và về đích trước 01 năm so với chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII đề ra); GDP bình quân đầu người 26,8 triệu đồng; giá trị gia tăng các ngành nông – lâm – thủy sản và công nghiệp – xây dựng đều tăng so với kế hoạch đề ra. Các chủ trương, giải pháp chỉ đạo điều hành của Chính phủ về ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội và các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp được triển khai thực hiện nghiêm túc, kịp thời.
Các vấn đề xã hội được quan tâm hơn, công tác an sinh xã hội được chăm lo. Sự nghiệp giáo dục, y tế, thông tin truyền thông, thể dục thể thao được đẩy mạnh phát triển; phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa đang từng bước đi vào chiều sâu. Quốc phòng – an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Đời sống nhân dân ngày càng được nâng lên. Đặc biệt, Thành phố Phan Rang – Tháp Chàm được Chính phủ công nhận đạt chuẩn đô thị loại II vào năm 2015.
Công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị được đẩy mạnh, nhất là việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng. Qua đó, đã tạo được chuyển biến mạnh về nhận thức và hành động của các cấp ủy Đảng, cán bộ, đảng viên, nhất là các đồng chí lãnh đạo, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Công tác dân vận của hệ thống chính trị có nhiều tiến bộ, tiếp tục có sự đổi mới về nhận thức và cách thức vận động quần chúng theo hướng gần dân, sát dân, hiểu dân; mở rộng, đa dạng hóa các hình thức tập hợp nhân dân, tạo sự thống nhất cao trong cán bộ, đảng viên và đồng thuận trong nhân dân, phát huy được sức mạnh của nhân dân thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế – xã hội của địa phương.
Năm 2015 - năm kết thúc kế hoạch 5 năm (giai đoạn 2011 - 2015), năm cuối thực hiện các nhiệm vụ do Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII đã đề ra, đồng thời là năm tiến hành Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2015-2020. Trên cơ sở tổng kết, đánh giá những kết quả đạt được và dự báo tình hình kinh tế thế giới, trong nước và những khó khăn, thách thức của tỉnh, nhất là tình hình hạn hán diễn ra diện rộng, Đảng bộ và nhân dân Ninh Thuận quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức, đoàn kết, tập hợp sức mạnh các nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ năm 2015. Tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ các cấp, hướng tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.
Kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng Ninh Thuận, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc là dịp chúng ta ôn lại những trang sử hào hùng của dân tộc, nhìn lại chặng đường phấn đấu xây dựng và phát triển đất nước, đồng thời nhận thức sâu sắc hơn giá trị những bài học kinh nghiệm được tổng kết từ trong thực tiễn đấu tranh của dân tộc để tiếp thêm sức mạnh, ý chí quyết tâm xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước. |