Trong kháng chiến chống Pháp, Lực lượng TNXP được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Hình ảnh các đội viên thanh niên xung phong đã trở thành biểu tượng đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, đã đi vào thơ ca, sử sách và tâm trí của toàn dân. Không lời nói, câu chữ nào khẳng định đầy đủ hơn truyền thống anh hùng và phẩm chất cách mạng vẻ vang của Lực lượng TNXP Việt Nam như lời Đại tướng Võ Nguyên Giáp: "Tôi luôn coi thanh niên xung phong như bộ đội, vì trong phẩm chất của thanh niên xung phong có phẩm chất của Bộ đội Cụ Hồ". Lực lượng TNXP đã cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta giành thắng lợi trong Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp trường kỳ, vẻ vang của dân tộc.
Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Lực lượng thanh niên xung phong tiếp tục làm nên những chiến công bất tử, viết thêm những trang sử vàng của tuổi trẻ Việt Nam, cùng toàn Đảng, toàn dân hoàn thành cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại.
1. Hoàn cảnh lịch sử và sự ra đời của Lực lượng thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước
Năm 1964, khi đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh xâm lược, tiến hành "chiến tranh cục bộ" ở miền Nam, leo thang đánh phá miền Bắc, cả nước sục sôi tinh thần kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Ở miền Nam, Mỹ tăng cường hàng chục vạn quân, diễn ra cuộc đọ sức quyết liệt giữa ta và địch, địch gom dân kìm kẹp, thực hiện chính sách chia cắt, ngăn chặn liên lạc giữa lực lượng cách mạng trong vùng chiếm đóng và vùng giải phóng. Trong bối cảnh đó, vấn đề phục vụ bộ đội chủ lực chiến đấu trở nên cực kỳ khó khăn, cấp bách. Các chiến trường chính của bộ đội chủ lực không thể sử dụng dân công thông thường, đòi hỏi phải có một lực lượng cơ động đặc biệt, thường trực phục vụ bộ đội chiến đấu và khi cần thiết tham gia chiến đấu.
Ở miền Bắc, sau khi tạo ra sự kiện Vịnh Bắc Bộ, ngày 5/8/1964 đế quốc Mỹ thực hiện chiến tranh đánh phá miền Bắc bằng máy bay. Đầu tiên từ ven biển Hòn Gai, Nghệ An rồi đánh phá lan rộng, ác liệt, liên tục những điểm giao thông trọng yếu trên các tuyến đường chiến lược từ Khu 3 vào Khu 4 và các cơ sở kinh tế lớn nhằm ngăn chặn sự chi viện của hậu phương lớn miền Bắc đối với tiền tuyến lớn miền Nam. Nhạy cảm trước sứ mệnh lịch sử và ý thức được vai trò trách nhiệm của thanh niên, một phong trào yêu nước cách mạng được dấy lên sôi nổi, mạnh mẽ trong thế hệ trẻ. Các cuộc tuần hành biểu dương lực lượng sôi động khắp thôn xóm, thị thành, hô to khẩu hiệu "Đả đảo đế quốc Mỹ xâm lược". Trước khí thế cách mạng hào hùng của tuổi trẻ, Trung ương Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam ra lời kêu gọi toàn thể đoàn viên, thanh niên tham gia phong trào "Ba sẵn sàng", được tuổi trẻ cả nước hưởng ứng nhanh chóng, tiêu biểu là cuộc mít tinh, diễu hành của trên 26 vạn thanh niên Thủ đô đăng ký tham gia "Ba sẵn sàng". Tháng 5/1965, Ban Chấp hành Trung ương Đoàn khóa III họp Hội nghị lần thứ 9 ra Nghị quyết về "Tổ chức các Đội TNXP chống Mỹ cứu nước phục vụ sản xuất và chiến đấu".
Ngày 21/6/1965, Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị số 71/TTg-CN giao cho Trung ương Đoàn TNLĐ Việt Nam tổ chức các Đội TNXP chống Mỹ cứu nước tập trung phục vụ công tác giao thông vận tải. Từ đây, các Đội TNXP chống Mỹ cứu nước được thành lập nhanh chóng theo yêu cầu của cuộc kháng chiến và đã có trên 14 vạn cán bộ, đội viên TNXP tình nguyện tham gia 170 Đội TNXP và 50 đại đội TNXP trực thuộc với quyết tâm "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước", "Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược".
Ở miền Nam, trước yêu cầu nhiệm vụ mới, Đại hội Đoàn Thanh niên cách mạng Việt Nam lần thứ nhất, tháng 3/1965 đã phát động phong trào "Năm xung phong". Dưới sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Trung ương Đoàn thanh niên nhân dân cách mạng Việt Nam, ngày 20/4/1965, đơn vị TNXP Giải phóng miền Nam đầu tiên được thành lập tại Tân Biên, tỉnh Tây Ninh - căn cứ Trung ương Cục miền Nam, gồm 108 cán bộ, đội viên - tiền thân của Tổng đội TNXP giải phóng miền Nam, là cơ quan chỉ huy cao nhất của Lực lượng TNXP giải phóng miền Nam. Cùng với sự phát triển của cách mạng, lần lượt 11 đơn vị TNXP tập trung được thành lập và trực thuộc Tổng đội TNXP giải phóng miền Nam; đồng thời lực lượng TNXP cơ sở cũng được thành lập để đáp ứng yêu cầu cách mạng tại địa phương. Từ lúc đầu chỉ có 108 cán bộ, đội viên, đã phát triển lên đến 5.000 cán bộ, đội viên TNXP tập trung và 35.000 cán bộ đội viên TNXP cơ sở.
2. Những chiến công của Lực lượng TNXP chống Mỹ cứu nước
Lực lượng TNXP chống Mỹ cứu nước đã có mặt trên khắp mọi tuyến đường ra trận, hăng hái chiến đấu, lao động sáng tạo, sẵn sàng hy sinh anh dũng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong mọi tình huống.
Ở miền Bắc và trên đường Trường Sơn
Gia nhập lực lượng TNXP đã trở thành tình cảm thiêng liêng, niềm khát khao cháy bỏng của cả một thế hệ đoàn viên, thanh niên. Ngay đợt đầu, cả nước đã có hàng nghìn thanh niên gia nhập TNXP; nhiều gia đình có 2 - 3 chị em một độ tuổi thanh niên giành nhau đi TNXP, nhiều đôi trai gái yêu nhau đã hoãn cưới hoặc sau khi cưới cùng nhau đi TNXP. Lực lượng TNXP đã thực sự là nơi tập hợp, đoàn kết mọi tầng lớp thanh niên sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì thống nhất nước nhà.
Để bảo đảm giao thông vận tải thông suốt, trong điều kiện địch đánh phá, ngăn chặn, việc xây dựng mạng đường thành hệ thống liên hoàn ngày càng vươn sâu, vươn xa vào chiến trường miền Nam và các nước bạn là một nhiệm vụ cực kỳ khó khăn. Qua một trăm năm khai phá Đông Dương, người Pháp khẳng định: "Ở miền Trung Việt Nam, ngoài đường 9 trên đất Quảng Trị, không thể mở một con đường nào khác vượt Trường Sơn". Thế mà vì miền Nam ruột thịt, vì độc lập tự do, chỉ bằng sức người với đôi bàn tay bằng xương bằng thịt, với dụng cụ thô sơ là xà beng, cuốc xẻng, quang gánh tự tạo, có thêm sự hỗ trợ của thuốc mìn, TNXP chống Mỹ đã cùng các lực lượng giao thông, công binh mở thông hơn 20.000 cây số đường chiến lược gồm 5 trục dọc, 21 trục ngang; vận chuyển trên 10 vạn tấn vũ khí, đạn, lương thực; trực chiến chốt giữ gần 3.000 trọng điểm chiến lược giao thông địch thường xuyên đánh phá ác liệt, san lấp hàng vạn hố bom, phá gỡ trên 10.000 bom các loại, bắn rơi 15 máy bay Mỹ, bắt sống 13 phi công Mỹ và gần 1.000 tên địch, phá hỏng 20 xe tăng, xe bọc thép, phục vụ gần 1.000 trận đánh…, bổ sung sang quân đội 16.000 người, 15.000 người được kết nạp vào Đảng khi làm nhiệm vụ, có 52 Dũng sĩ diệt Mỹ, 1.432 Dũng sĩ quyết thắng trên các chiến trường.
Thanh niên xung phong làm nhiệm vụ chuyển tải hàng, cáng thương, tải đạn phục vụ chiến đấu ở miền Tây Quảng Bình, Quảng Trị, bằng vai trần, chân đất, xe đạp thồ đã âm thầm vượt qua thời tiết khắc nghiệt, đèo núi, thác ghềnh hiểm trở của dãy Trường Sơn, cùng bộ đội lập những binh trạm vận chuyển từng kilôgam hàng ra phía trước, khiêng cáng thương binh về phía sau; TNXP trên các tuyến đường sông và đường biển lấy đêm làm ngày, tự phá bom từ trường và thủy lôi vượt qua sự truy cản của máy bay địch vận chuyển hàng hóa ra chiến trường; dũng cảm đương đầu với những trận đánh ác liệt của máy bay Mỹ để di chuyển, cứu hàng hóa quân trang. Nhiều cán bộ, chiến sĩ TNXP đã anh dũng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ, chỉ trong một trận đánh tại ga Lưu Xá (Thái Nguyên), có 60 cán bộ, chiến sĩ TNXP hy sinh.
Thanh niên xung phong đã lao động sáng tạo, quên mình mở đường chiến lược xuyên qua núi rừng Trường Sơn hiểm trở, dưới làn mưa bom bão đạn của địch, cùng lực lượng của Ngành giao thông và Bộ đội Công binh làm nên những con đường chiến lược nối liền mạch máu giao thông giữa hậu phương lớn và tiền tuyến lớn. Những tuyến đường như: Đường 20 - Quyết thắng, Đường 10 - 20/7, Đường 128... "là một kỳ công, kỳ tích, kỳ quan do ý chí vì độc lập, tự do của chiến sĩ và thanh niên xung phong làm nên" (Đại tướng Võ Nguyên Giáp).
Với ý chí "Tim có thể ngừng đập, nhưng mạch máu giao thông không thể tắc", "Sống anh dũng bám đường, chết kiên cường dũng cảm", Lực lượng TNXP chống Mỹ cứu nước đã bất chấp hy sinh gian khổ, đứng vững trước sự đánh phá ác liệt, liên tục ngày đêm của địch trên các tuyến đường, đặc biệt là tại các "tọa độ lửa" như Ngã ba Đồng Lộc, Truông Bồn, Đèo Pô Lai Nhích, Cua chữ A, Cổng Trời, Đồi 37, Hàm Rồng, Phà Xuân Sơn, Phà Long Đại..., bảo đảm giao thông thông suốt ra chiến trường, ghi đậm những đóng góp, hy sinh và chiến công hùng tráng của Lực lượng thanh niên xung phong, mãi mãi trở thành những địa danh lịch sử không thể nào quên trong lòng tuổi trẻ và nhân dân cả nước. Trong đó Đội TNXP 25 trên đường Quyết Thắng, Tổng đội TNXP 572, C759 (Đội TNXP 75), C551 (Đội TNXP 55), 10 nữ chiến sĩ TNXP Ngã ba Đồng Lộc, 13 chiến sĩ TNXP Truông Bồn (Đội TNXP 300), Nguyễn Thị Kim Huế (Đội TNXP 75), Đinh Thị Thu Hiệp (Đội TNXP 73), Nguyễn Thị Vân Liệu (Đội TNXP 25),... là những những tấm gương tiêu biểu đạt thành tích xuất sắc nhất được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động và Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Với thành tích xuất sắc trên, Lực lượng TNXP chống Mỹ cứu nước miền Bắc đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất, 372 Huân chương, Huy chương các loại và hàng ngàn bằng khen, giấy khen cho các tập thể và cán bộ, đội viên TNXP có thành tích xuất sắc; trong 10 năm đã có trên 2.000 chiến sĩ TNXP anh dũng hy sinh và gần 5.000 chiến sĩ TNXP bị thương trong chiến đấu và lao động.
Trên chiến trường miền Nam
Với tinh thần "Năm xung phong", Lực lượng TNXP giải phóng miền Nam đã anh dũng kiên cường cùng bộ đội trên các chiến trường tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu, vận tải vũ khí, đạn dược, lương thực, vận chuyển thương binh, rà phá bom mìn...
Nam nữ thanh niên tuổi 18 - 20 từ Cà Mau đến các tỉnh miền Đông Nam Bộ, Nam Trung bộ, từ vùng giải phóng đến vùng địch kiểm soát đã hăng hái tình nguyện tham gia TNXP, trực tiếp phục vụ cho các Sư đoàn 9, Sư đoàn 5, Sư đoàn 7 và các đơn vị hậu cần của Quân Giải phóng miền Đông Nam Bộ, nơi đọ sức quyết liệt giữa quân chủ lực của ta và Mỹ. Nơi đây, địch đánh phá rất tàn bạo, gom tách dân ra khỏi lực lượng cách mạng… Trong tình hình đó, vấn đề phục vụ cho bộ đội tác chiến trở nên cực kỳ khó khăn, không thể sử dụng dân công thông thường cho từng đợt hoạt động quân sự hoặc từng trận đánh mà yêu cầu của chiến trường đòi hỏi phải có một lực lượng phục vụ chiến đấu "tập trung, cơ động, sát cánh với bộ đội và liên tục phục vụ". TNXP đã phục vụ 641 trận đánh, trực tiếp chiến đấu trên 40 trận, bắt sống 856 tên địch, trong đó 286 lính Mỹ, bắn rơi 5 máy bay Mỹ, phá hỏng 20 xe tăng; làm và sửa chữa 29km đường ô tô, 185km đường xe thồ, đào 1135 km hầm hào, xây dựng 08 bệnh viện và 272 kho quân dụng; vận chuyển 23.117 tấn hàng, gần 10.000 thương binh; chăm sóc nuôi dưỡng 2.077 thương binh, cung cấp cho lực lượng vũ trang 550 cán bộ chiến sĩ và các cơ quan Trung ương Cục 160 người.
Lực lượng TNXP tập trung có nhiệm vụ cùng với các đơn vị hậu cần Quân Giải phóng vận chuyển vũ khí, lương thực, chuẩn bị hậu cần cho các chiến dịch, trận đánh; chuyển thương binh, tử sĩ ra tuyến sau và trực tiếp chiến đấu bảo vệ kho tàng, tuyến đường, bảo vệ thương binh và bảo vệ đơn vị. TNXP tập trung là lực lượng cơ động, dã chiến, đi trước về sau, lấy đêm làm ngày, phương tiện chủ yếu là đôi chân, đôi vai, hoạt động ở các chiến trường ác liệt nhất với nhiều khó khăn, gian khổ. Điển hình, Tổng đội TNXP gần 10 năm bám trụ phục vụ cho các trung đoàn, sư đoàn chủ lực bẻ gãy, đánh bại các cuộc phản kích mùa khô năm 1965 - 1966 và 1966 - 1967, mà đỉnh cao là đánh bại cuộc hành quân Junction City với 45 ngàn quân Mỹ - Ngụy đánh vào Bắc Tây Ninh để tìm diệt các cơ quan đầu não của cách mạng miền Nam và quân chủ lực của ta, được lưu danh "miền Đông gian lao mà anh dũng". Ở Nam Trung bộ có tuyến vận tải từ biên giới Campuchia đến Ninh Thuận do Đoàn vận tải TNXP H50 đảm trách, gần 10 năm phục vụ tuyến đường, ở một chiến trường "muối trường kỳ - củ mì chiến lược". Miền Tây Nam bộ có Liên đội I trên đường 1C huyền thoại, "nơi sắt thép chảy tan ra, nhưng con người đã đi qua được", trong suốt 9 năm hoạt động đã gan dạ chiến đấu, vượt qua mưa bom bão đạn của địch, vận chuyển 10.000 tấn quân trang, tiếp nhận đưa về mũi Cà Mau trên 01 vạn quân, phối hợp cùng bộ đội chiến đấu bắn rơi 100 máy bay, diệt 50 xe tăng và tàu sắt, giữ thông suốt tuyến đường huyết mạch từ Khu 9 về Trung ương Cục... và nhiều điển hình tiêu biểu phục vụ chiến đấu và chiến đấu trên các chiến trường.
Lực lượng TNXP cơ sở (tại chỗ) làm nòng cốt, xung kích bám trụ xây dựng làng, xã chiến đấu và sản xuất nông nghiệp trong các vùng giải phóng, nòng cốt cho việc huy động dân công phục vụ tiền tuyến…; ở các vùng tranh chấp và địch kiểm soát thì ngày hợp pháp với địch, đêm cùng du kích nòng cốt xung kích trong vận động dân đắp mô, phá lộ giao thông, đào hầm bí mật chứa vũ khí, nuôi và bảo vệ cán bộ; nữ TNXP tham gia đấu tranh chính trị, binh vận, chống địch bắt lính… TNXP cơ sở là nguồn bổ sung cho TNXP tập trung. TNXP cơ sở thường đối mặt với kẻ thù, tù đày; công lao và sự hy sinh của TNXP cơ sở tuy thầm lặng nhưng rất vẻ vang như TNXP tập trung.
Thanh niên xung phong thường xuyên theo sát quân giải phóng đánh trận, âm thầm, lặng lẽ trong đêm tối, dưới trời mưa, đường lầy, cắt rừng tránh địch phục kích, vượt qua bom mìn, vận chuyển quân lương, thương binh, bộ đội hy sinh, nhịn đói nuôi dưỡng thương binh, chiến đấu với địch phục kích bảo vệ thương binh. Nhiều cán bộ chiến sĩ TNXP đã anh dũng hy sinh, trong đó có Anh hùng lực lượng vũ trang Đoàn Thị Liên hy sinh trong tư thế lấy thân mình che chở cho thương binh trước bom đạn địch, câu nói của chị: "Thà hy sinh chứ không để thương binh bị thương lần thứ hai" đã trở thành lời thề của các chiến sĩ TNXP mỗi lần ra trận.
Thanh niên xung phong đã vượt qua và hoàn thành vô vàn nhiệm vụ trong khó khăn, gian khổ, ác liệt của chiến tranh, được các chiến sỹ Quân Giải phóng tặng cho biệt danh: "Đội quân chân đồng, vai sắt, mắt ngựa, bụng thần tiên", khái quát cho sự cống hiến, hy sinh của lực lượng TNXP Giải phóng miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Với những thành tích xuất sắc đó, Lực lượng TNXP giải phóng miền Nam (tập thể và cá nhân) đã được tặng thưởng 01 Huân chương Thành đồng hạng Nhất, 03 Huân chương Thành đồng hạng Ba, 01 Huân chương Quân công hạng Ba, 10 Huân chương Giải phóng hạng Nhất, 50 Huân chương Giải phóng hạng Hai, 117 Huân chương Giải phóng hạng Ba, 26 Huân chương Chiến công giải phóng hạng Ba, 152 Huy chương Giải phóng hạng Nhất, 207 Huy chương Giải phóng hạng Hai, 54 dũng sĩ các loại, hàng ngàn bằng khen, giấy khen. Nhà nước đã phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Lực lượng TNXP giải phóng miền Nam (2009) và chiến sĩ TNXP Đoàn Thị Liên (2000)...
3. Vai trò lịch sử của Lực lượng TNXP chống Mỹ cứu nước
Đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, Lực lượng TNXP chống Mỹ cứu nước đã nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, phát huy truyền thống của các thế hệ TNXP chống Pháp lập nhiều chiến công xuất sắc. Không giấy mực nào có thể ghi hết được sự tàn khốc của chiến tranh và những tấm gương anh dũng, kiên cường, sự hy sinh, cống hiến của Lực lượng TNXP chống Mỹ cứu nước, góp phần đặc biệt quan trọng vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, được Đảng, Nhà nước ghi nhận và đánh giá cao.
Đối với phong trào thanh niên và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Lực lượng TNXP chống Mỹ cứu nước là đội quân xung kích cách mạng của phong trào thanh niên chống Mỹ cứu nước; chiến công của họ là những trang vàng chói lọi, biểu tượng rực rỡ của chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong lịch sử truyền thống vẻ vang của Đoàn; sự cống hiến, hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước của các thế hệ TNXP mãi mãi là tấm gương để các thế hệ thanh niên noi theo.
Những chiến công của Lực lượng TNXP chống Mỹ cứu nước đã góp phần làm nên thành tích vẻ vang của Lực lượng TNXP Việt Nam, qua 65 năm xây dựng và phát triển, đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, 01 Huân chương Sao vàng, 01 Huân chương Độc lập hạng Nhất, 03 Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, 01 Huân chương Hồ Chí Minh, 09 huân chương Lao động hạng Hai và Ba, 36 tập thể và 34 cá nhân TNXP được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng...
Qua 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, tạo nền tảng vững chắc cho những bước tiếp theo trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Trong tiến trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc còn nhiều khó khăn, gian khổ, cần tiếp tục phát huy sức mạnh dời non, lấp biển của tuổi trẻ. Hiện cả nước có 32 tỉnh, thành phố và một số doanh nghiệp nhà nước có tổ chức TNXP, với gần 100 đơn vị cơ sở, sử dụng trên 5 vạn lao động thanh niên. Các đơn vị TNXP là lực lượng xung kích thực hiện những nhiệm vụ chính trị của các địa phương, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế - xã hội có hiệu quả, được các Bộ, ngành và địa phương đánh giá cao như: Chương trình xoá đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, giải quyết việc làm, phát triển thuỷ sản, trồng mới 5 triệu ha rừng, xây dựng cầu giao thông nông thôn, xây dựng Làng thanh niên lập nghiệp, đảo thanh niên... khẳng định và phát huy vai trò của Đoàn và lực lượng TNXP tham gia phát triển kinh tế - xã hội.
Sự hình thành, phát triển và cống hiến của Lực lượng TNXP chống Mỹ cứu nước không chỉ giữ vai trò quan trọng trong kháng chiến, mà từ đó có thể rút ra những bài học kinh nghiệm sâu sắc đối với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, sự phối hợp với các ngành trong công tác thanh niên, tổ chức mô hình hoạt động phong trào thanh niên của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trong công cuộc xây dựng đất nước, tổ chức Lực lượng TNXP tham gia phát triển kinh tế - xã hội ở vùng đặc biệt khó khăn, những nơi cần đến lòng nhiệt huyết và sức trẻ của thanh niên, là một trong những phương thức đoàn kết, tập hợp thanh niên, xây dựng, củng cố tổ chức Đoàn, Hội và đào tạo nguồn nhân lực trẻ; tăng cường vai trò tổ chức, chỉ đạo của Đoàn và mở rộng sự phối hợp, giúp đỡ của các cấp, các ngành để xây dựng lực lượng TNXP. Điều đó có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong khẳng định và phát huy tính năng động, sáng tạo của tuổi trẻ, vai trò của lực lượng TNXP tham gia giải quyết các nhiệm vụ cấp bách, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, giữ vững chủ quyền ở các vùng biên giới, hải đảo, khu vực đặc biệt khó khăn, địa bàn có vị trí chiến lược, xây dựng các mô hình hoạt động hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới đất nước.
Tuổi trẻ Việt Nam hôm nay luôn khắc ghi những hy sinh, cống hiến của các thế hệ TNXP đi trước, nhất là của lực lượng TNXP chống Mỹ cứu nước, nguyện chung sức, chung lòng, học tập và làm theo lời Bác, viết tiếp những trang sử truyền thống cách mạng của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và của Lực lượng TNXP nói riêng, quyết tâm lập nên những chiến công mới trong học tập, lao động, xung kích góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, vì mục tiêu "Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".
Những "Địa chỉ đỏ" của thanh niên xung phong
giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ Việt Nam
Đường 20 Quyết Thắng
Để đảm bảo thế chủ động trên mặt trận vận chuyển lương thực, vũ khí chi viện cho miền Nam, 17h30 ngày 30 Tết Bính Ngọ 1966 (ngày 21/01/1966), Quân ủy Trung ương phát lệnh khởi công tuyến đường huyết mạch nối đông Trường Sơn với tây Trường Sơn trên đường mòn Hồ Chí Minh, xuất phát từ thôn Phong Nha, tỉnh Quảng Bình xuyên qua dãy Trường Sơn đến ngã ba Lùm Bùm đường 128 thuộc tỉnh Khăm Muộn, Lào và ra chỉ lệnh thời gian mở đường không quá 105 ngày, một ngày phải mở xong 1 km đường. Lực lượng chính mở đường là bộ đội Đoàn 559 và các Đội thanh niên xung phong. Với lực lượng, vị trí ý nghĩa trọng yếu đó, tuyến đường đã được đặt tên là Đường 20 Quyết Thắng. Tuyến đường thi công bí mật, mở đến đâu, ngụy trang đến đó, sau gần 100 ngày lao động quên mình, vừa đánh địch, vừa xẻ núi, bạt đèo, đào đắp hàng triệu khối đất đá để mở đường của hàng ngàn cán bộ chiến sĩ bộ đội, TNXP và công nhân, dân công hỏa tuyến, tuyến đường dài 125 km chính thức khai thông ngày 14/4/1966.
Nhằm ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc, suốt từ năm 1966 - 1973, Đường 20 Quyết Thắng đã bị máy bay Mỹ đánh phá ác liệt. Số lượng bom đạn ném xuống con đường này nhiều không kể xiết. Rất nhiều chiến sĩ bộ đội, TNXP, dân công hỏa tuyến đã hy sinh trên con đường này. Máu của họ đã thấm đỏ mỗi thước đường. Mỗi cung đường, địa danh như: cua chữ A, ngầm Ta Lê, đèo Pu-la-nhích, Trạ Ang, Cà Roòng, km 12, km 16, dốc Ba Thang... trở thành những tọa độ lửa. Với tinh thần "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước", "Sống bám đường, chết kiên cường dũng cảm", "Địch phá, ta sửa, ta đi", "Tất cả vì miền Nam ruột thịt, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược" các Đội TNXP, điển hình là Đội N25 và C255 - N25 anh hùng và các anh hùng Liệt sĩ Nguyễn Thị Vân Liệu, Nguyễn Thị Nhạ...; nhất là sự kiện hy sinh bi hùng của 8 TNXP tại Km 16 đã làm xúc động hàng triệu trái tim.
Ngày 14/11/1972, trong khi đang thực hiện nhiệm vụ san lấp hố bom, chuẩn bị thông xe thì máy bay Mỹ ập đến đánh phá. Còi báo động vang lên, 8 TNXP chạy vào ẩn nấp ở một hang đá lớn, nơi họ thường trú ẩn mỗi khi máy bay địch đánh phá. Hôm đó, máy bay B52 rải thảm xuống trọng điểm 16+200 ba đợt liên tục với 180 quả bom. Không gian rung chuyển, đất đá tung lên mù mịt, những vách núi dựng đứng lắc lư. Và bất ngờ, chúng quay lại bắn thêm tên lửa làm một khối đá khổng lồ nặng khoảng 1.000 tấn lăn xuống lấp kín cửa hang mà 8 TNXP (4 nam, 4 nữ) đang trú ẩn. Ngay khi mới dứt bom, đồng đội tìm mọi cách để cứu nhưng đành bất lực trước khối đá khổng lồ quái ác đương bít chặt cửa hang. Một, rồi hai ngày đêm nặng nề trôi qua. Âm thanh xa xăm yếu ớt vọng ra từ khối đá "Mẹ ơi con tức thở quá. Các anh chị ơi cứu chúng em…". Tiếng kêu cứu từ trong hang vẫn vọng ra, mà cửa hang thì bị lấp kín! Mặc dù toàn đơn vị đã tìm mọi biện pháp để cứu đồng đội, nhưng do chiến tranh khốc liệt, khối đá quá lớn, mà nhiệm vụ phải thông tuyến cho đoàn xe 150 chiếc chở hàng đi qua trọng điểm lại rất cấp bách, nên không thể có cách nào cứu được.
Mọi cố gắng trở nên vô vọng. Suốt một tuần liền, đồng đội đau đớn chứng kiến 8 TNXP đuối sức từng ngày rồi hy sinh. Sự hy sinh dũng cảm của 8 liệt sĩ TNXP là tấm gương tiêu biểu về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, đã gây chấn động toàn mặt trận, tăng thêm sức mạnh cho cán bộ, chiến sĩ biến đau thương thành hành động cách mạng, tiếp tục giữ vững tuyến đường cho đến ngày chiến thắng. Mãi đến nhiều năm sau, tảng đá quái ác ấy mới được các phương tiện cơ giới hiện đại dịch đi… Ngày nay, Hang Tám Cô trở thành địa danh lịch sử, di tích về nguồn của các thế hệ trẻ và nhân dân với lòng biết ơn và tự hào.
Đường 20 Quyết Thắng đã làm nên những chiến công oanh liệt trên đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại, như Đại tướng Võ Nguyên Giáp đánh giá Đường 20 Quyết Thắng "Là một kỳ công, kỳ tích, kỳ quan do ý chí vì độc lập tự do của chiến sỹ và thanh niên xung phong làm nên".
Đường 1C
Năm 1966, cuộc kháng chiến chống Mỹ ở Tây Nam bộ phát triển rộng, nối liền 6 tỉnh Khu 9, nhưng đường chi viện trên biển bị địch đánh phá, phong tỏa, khiến cho ta gặp nhiều khó khăn. Để đáp ứng yêu cầu của chiến trường, tháng 9/1966, Khu ủy miền Tây Nam Bộ giao cho Khu Đoàn Tây Nam Bộ thành lập các đơn vị TNXP cùng với Trung đoàn 195 - Cục Hậu cần Quân khu 9 tổ chức tuyến đường dây vận chuyển phương tiện phục vụ chiến đấu từ miền Đông Nam bộ qua biên giới Campuchia - An Giang và Kiên Giang về các tỉnh miền Tây Nam bộ phục vụ bộ đội chiến đấu, gọi là Đường 1C.
Ngay khi đó, địch đã dốc toàn lực đối phó, dùng mọi biện pháp với những loại vũ khí mang tính sát thương và hủy diệt cao quyết hủy diệt con Đường 1C bằng mọi giá, khu lòng chảo tuyến đường Vĩnh Tế - Tám Ngàn - Cái Sắn - Bảy Núi, Ba Hòn, trọng điểm là những cánh rừng với những địa danh Vĩnh Điều, Tràm Dưỡng, Đồng Cừ, Gộc Xây... đã hứng chịu hàng ngàn tấn bom đạn, cuộc chiến đấu không cân sức giữa lực lượng TNXP và quân địch diễn ra khốc liệt, đặc biệt ở lòng chảo Gộc Xây và kênh Vĩnh Tế.
Suốt hơn 8 năm, TNXP đường 1C đã trung kiên bám địa bàn xen kẽ giữa ta và địch, sự sống và cái chết kề trong gang tấc, vượt qua mọi khó khăn nguy hiểm, hy sinh gian khổ, trực tiếp chiến đấu với địch, bền bỉ thực hiện nhiệm vụ vận chuyển hàng chục ngàn tấn vũ khí, phương tiện phục vụ chiến đấu, đưa đường cho cán bộ, bộ đội ngược xuôi qua tuyến đường. Cán bộ, chiến sĩ của Liên đội I TNXP anh hùng (trong đó có 399 liệt sĩ) và những tấm gương anh hùng liệt sĩ Võ Thị Hồng Láng, Phan Văn Be, Nguyễn Ngọc Đẹp, Trang Bá Phúc… đã làm nên huyền thoại Đường 1C lịch sử, xứng đáng với truyền thống trung dũng kiên cường của Lực lượng TNXP giải phóng miền Nam "Không tiền tuyến, không hậu phương, đâu Đảng cần đó là tiền tuyến", "Phục vụ quên mình - Anh dũng xung phong - Lập công vẻ vang". Đường 1C là biểu tượng của những chiến tích oai hùng của TNXP cho các thế hệ trẻ Việt Nam noi theo.
Ngã ba Đồng Lộc
Ngã ba Đồng Lộc thuộc địa phận xã Đồng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, nằm trên đường Hồ Chí Minh qua dãy Trường Sơn, là giao điểm của quốc lộ 15A và tỉnh lộ 2 của Hà Tĩnh. Trong kháng chiến chống Mỹ, Ngã ba Đồng Lộc là nút giao thông độc đạo, hiểm yếu, mọi con đường chi viện cho chiến trường miền Nam đều phải đi qua.
Vì vậy, từ năm 1964 đến 1972, không quân Mỹ đã liên tục đánh phá Ngã ba Đồng Lộc nhằm cắt đứt huyết mạch giao thông của quân dân ta hướng về miền Nam; ác liệt nhất là năm 1968, trong 240 ngày đêm từ tháng 4 đến tháng 10, không quân Mỹ đã trút xuống đây gần 50.000 quả bom các loại, bình quân mỗi 1m2 trên 3 quả bom, đất đá bị cày đi xới lại, hố bom chồng lên hố bom. Ngã ba Đồng Lộc được mệnh danh là "tọa độ chết".
Trực tiếp chiến đấu tại Ngã ba Đồng Lộc chủ yếu là bộ đội, thanh niên xung phong và công nhân giao thông, dân quân địa phương. Trong đó, C552 thuộc Đội TNXP chống Mỹ cứu nước N55 được giao làm nhiệm vụ cảnh giới, giải tỏa giao thông, san lấp hố bom, phá bom nổ chậm đảm bảo an toàn cho người và hàng hóa chi viện vào chiến trường Miền Nam. Với tinh thần "Bom đạn có thể làm nát Ngã ba, nhưng không thể làm một xe mất lối", đã có biết bao nhiêu xương máu của TNXP, bộ đội và nhân dân đã đổ xuống Ngã ba Đồng Lộc để giữ cho mạch máu giao thông Bắc - Nam được thông suốt đến ngày thống nhất đất nước, trong đó phải kể đến sự hy sinh của 10 cô gái TNXP Tiểu đội 4 anh hùng thuộc Đại đội 552, Đội N55 Hà Tĩnh.
Ngã ba Đồng Lộc đã trở thành một địa chỉ đỏ, mảnh đất thiêng liêng, là biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, đi vào lịch sử như một bản anh hùng ca về quyết tâm sắt đá: tất cả vì độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc.
Truông Bồn
Truông Bồn là một địa danh tại xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An, một khu vực đồi núi đèo dốc, có nhiều thung lũng dài chừng 5km, có tuyến đường chiến lược 15A xuyên qua. Trong kháng chiến chống Mỹ, Truông Bồn giữ một vị trí đặc biệt quan trọng, là nơi có các kho trung chuyển hàng hóa quân sự và là "yết hầu" nối các huyết mạch giao thông: mốc số 0 Đường mòn Hồ Chí Minh, quốc lộ 1A, đường 7, đường 34 - tuyến vận chuyển hàng hóa qua Nghệ An vào Ngã ba Đồng Lộc vượt Trường Sơn chi viện cho miền Nam.
Vì vậy, Truông Bồn đã trở thành trọng điểm đánh phá ác liệt của giặc Mỹ từ cuối năm 1965, nhất là từ đầu năm 1967 đến tháng 10/1968, chỉ trong vòng 4 tháng, từ tháng 6 đến tháng 10/1968, địch đã sử dụng hàng trăm lượt máy bay ném xuống Truông Bồn hơn 2.692 quả bom, bắn hàng trăm quả tên lửa làm cho hàng trăm ô tô trở hàng, hàng chục khẩu pháo cao xạ bốc cháy, hòng phong tỏa tuyệt đối các tuyến đường vận tải vào Nam. Hơn 200 cán bộ, chiến sĩ TNXP và bộ đội phòng không, công binh bị thương vong trong khi làm nhiệm vụ.
Với tinh thần: "Tim có thể ngừng đập nhưng đường không thể tắc", TNXP ngày đêm bám trụ san lấp hố bom, sửa chữa đường, bốc dỡ cứu hàng, đêm dùng bè chuối trắng chỉ làn và mặc áo trắng đứng làm cọc tiêu sống dẫn đường cho xe qua tránh bom nổ chậm, Đại đội 317 thuộc Đội TNXP N300 Nghệ An và bộ đội đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo đảm giao thông ở Truông Bồn. Trong bảng vàng thành tích của Đại đội TNXP anh hùng, có sự đóng góp đặc biệt xuất sắc của tập thể 13 cán bộ, chiến sĩ TNXP Tiểu đội 2 đã hy sinh anh dũng đúng ngày đế quốc Mỹ tuyên bố ngừng ném bom (31/10/1968) và trước ngày 8 người được rời đơn vị đi học. Chiến công của họ đã làm nên khúc tráng ca bất tử, tô thắm truyền thống vẻ vang, anh hùng của Lực lượng TNXP Việt Nam. Ngày nay, địa danh Truông Bồn đã được xây dựng thành Khu di tích lịch sử cấp quốc gia.
Ga Lưu Xá
Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Ga Lưu Xá thành phố Thái Nguyên là đầu mối giao thông quan trọng, được coi là 1 trong 2 "cảng nổi" của miền Bắc, trung chuyển hàng hóa chi viện cho miền Nam. Vì vậy, Ga Lưu Xá là trọng điểm đánh phá của không quân Mỹ, chỉ đứng sau Hà Nội và Hải Phòng.
Trong đợt tập kích 12 ngày đêm bằng B52 vào tháng 12/1972, không quân Mỹ đã có 69 lượt máy bay B52, 170 lần máy bay chiến thuật đánh phá với gần 3.000 quả bom trút xuống Thái Nguyên khiến hơn 300 người chết, hơn 100 người bị thương, trong đó có nhiều phụ nữ, trẻ em; hàng ngàn ngôi nhà và tài sản, các công trình phúc lợi, cơ sở công nghiệp đã bị phá hủy… Trong những ngày đêm khốc liệt ấy, quân và dân Thái Nguyên, trong đó có Đội TNXP 91 (N91) đã chiến đấu anh dũng, hy sinh xương máu bảo đảm giao thông vận tải hàng hóa quân sự thông suốt, bắn rơi 2 máy bay B52.
Tại ga Lưu Xá, Đại đội 915 (C915) thuộc Đội N91 Bắc Thái, gồm 102 cán bộ, chiến sĩ với tinh thần "Sống bám cầu đường, chết kiên cường bất khuất", đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đảm bảo đảm bảo giao thông vận tải và tiếp nhận, trung chuyển hàng hoá quân sự phục vụ chiến đấu kịp thời, thông suốt. Trong trận chiến cấp bách giải tỏa, bảo vệ hàng ngàn tấn hàng hóa quân sự trước làn bom hủy diệt của địch chiều tối ngày 24/12/1972, 67 cán bộ, chiến sĩ C915 bị thương vong, trong đó 60 cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh anh dũng. Vinh danh những chiến công quả cảm của cán bộ, chiến sĩ C915, Nhà nước đã phong tặng danh hiệu Anh hùng đối với C915 và khu di tích tưởng niệm 60 liệt sĩ TNXP đã được xây dựng tại phường Gia Sàng, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên.
Ga Gôi
Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Ga Gôi thuộc huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định là đầu mối tập trung hàng hóa dân sự, quân sự để chi viện cho các chiến trường, là một trong các trọng điểm oanh tạc thường xuyên của máy bay Mỹ. Để đảm bảo an toàn cho những chuyến tàu vận chuyển hàng hóa vào Nam, cuối năm 1965, Đội TNXP 89 (N89) Thái Bình được thành lập với trên 1.200 đội viên gồm 6 đại đội, trong đó Đại đội TNXP 895 (C895) được giao làm nhiệm vụ trên tuyến đường sắt và khu vực lân cận từ Ga Gôi đến ga Cát Đằng.
Với khẩu hiệu hành động "Dù máu của C895 có đổ nhưng đường không tắc", toàn C895 nêu cao quyết tâm, lấy hầm trực chiến ven đường làm nơi, ăn nghỉ, bất chấp địch đánh ngày đêm kịp thời có mặt trên các điểm nóng cứu chữa, bảo vệ hàng hóa, san lấp hố bom, cùng công nhân sửa chữa, nâng cấp, bảo dưỡng đường sắt, khắc phục hậu quả sau mỗi trận đánh phá của địch. C895 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ngay từ những trận chiến đầu tiên, trong đó, vào 17h30 ngày 20/8/1966 một tốp máy bay Mỹ bất ngờ ập đến trút bom vào đoàn tàu đầy hàng hóa đậu tại Ga Gôi, có lệnh báo động, 100 cán bộ, chiến sĩ C895 nhất loạt lao lên cùng công nhân, dân quân ứng cứu hàng hóa trong làn bom đạn của địch và khói độc tỏa ra từ toa chở hóa chất bị cháy, hàng ngàn tấn lương thực, vũ khí được cứu an toàn. Trong khi vận chuyển cứu hàng hóa, có 23 người, trong đó có 12 TNXP đã hy sinh, 256 người bị nhiễm độc nặng phải cấp cứu; nhiều tấm gương quên mình hy sinh vì đồng đội như các đồng chí Đỗ Lệnh Minh (Bí thư đoàn thanh niên tuyến đường sắt Hà Thanh), Nguyễn Thị Hồng Mùi C895 bất chấp hiểm nguy trực tiếp làm hô hấp nhân tạo cứu sống hàng chục người, sau đó, bản thân bị nhiễm độc kiệt sức hy sinh; như đồng chí Trần Xuân Trình anh nuôi C895 trong khi hô hấp nhân tạo cứu sống đồng đội, bản thân bị mảnh bom Mỹ sát hại. Với tinh thần chiến đấu quả cảm, hy sinh anh dũng, cán bộ, chiến sĩ C895 đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng và Bộ Giao thông vận tải đã xây dựng nhà bia tưởng niệm liệt sĩ TNXP, công nhân và dân quân tại Ga Gôi, Nam Định.
Núi Nấp - Cầu Hàm Rồng
Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, khu vực cầu Hàm Rồng là nơi giao nhau giữa tuyến đường sắt và đường bộ đi qua 2 dãy núi đá vôi Núi Nấp và Núi Nhồi thuộc xã Đông Hưng, Đông Sơn, Thanh Hóa; không quân Mỹ tập trung đánh phá ác liệt, coi cầu Hàm Rồng là điểm quyết định, khóa chặt tuyến giao thông huyết mạch, cắt đứt sự chi viện của miền Bắc cho miền Nam. Tại đây, lực lượng TNXP, nòng cốt là Đội N87 đã cùng với bộ đội, dân quân làm nên bao kỳ tích anh hùng, trong đó có chiến công và sự hy sinh dũng cảm của 13 nữ TNXP Tiểu đội xung kích thuộc C873, Đội N87.
Cuối tháng 10 năm 1966, Tiểu đội nữ thuộc C873 được điều đến làm nhiệm vụ trực chiến ứng cứu ga Thanh Hoá và đảm bảo giao thông con đường tránh vào núi Nấp, nơi ta dựa vào thế núi cất giấu tầu xe, khai thác đá phục vụ đảm bảo giao thông. Bao trận chiến đấu ác liệt đã diễn ra trên đoạn đường sắt chưa đầy 2 km ở Núi Nấp, trong hơn một năm, địch đã đánh phá 140 trận với hàng trăm tấn bom đạn. Trong đó, vào 4 giờ sáng ngày 11/5/1967, đã diễn ra trận oanh tạc dữ dội của địch, đoạn đường sắt núi Nấp bị hư hỏng nặng, Tiểu đội TNXP xung kích cùng C873, 10 công nhân C315 - Đội 207 được lệnh khẩn cấp phải sửa chữa đoạn đường bằng mọi giá để thông xe. Khi chuẩn bị hoàn thành nhiệm vụ, lúc 21 giờ kém 15 phút ngày 11/5/1967 máy bay Mỹ lại ập đến trút bom, 13 TNXP Tiểu đội xung kích cùng 4 công nhân đã anh dũng hy sinh và 20 TNXP khác bị thương.
Những chiến công của C873 và sự hy sinh dũng cảm của 13 cô gái TNXP tại núi Nấp đã góp phần làm nên chiến thắng Hàm Rồng oanh liệt. Tiểu đội TNXP xung kích C873 đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Đồi 82 - Khu tưởng niệm TNXP Giải phóng miền Nam
Đồi 82, nơi Tổng đội TNXP Giải phóng miền Nam được thành lập ngày 20/4/1965 tại khu căn cứ Trung ương Cục miền Nam tại huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh. Trong 10 năm phục vụ và chiến đấu trên chiến trường, Tổng đội TNXP Giải phóng miền Nam đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ ác liệt của chiến tranh, luôn đối mặt với đói khát, bệnh tật và kẻ thù. Là đội quân "Chân đồng, vai sắt, mắt ngựa, bụng thần tiên" cơ động, dã chiến hoạt động trên nhiều địa bàn khác nhau, đội quân đi trước về sau, vừa phục vụ cho chiến đấu vừa chiến đấu với ý chí thép gang, lập nhiều chiến công trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giành độc lập dân tộc.
Tổng đội TNXP Giải phóng miền Nam đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Khu tưởng niệm TNXP giải phóng miền Nam đã được xây dựng tại Đồi 82, huyện Tân biên, tỉnh Tây Ninh nhằm giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.
Căn cứ Nước Oa - Di tích lịch sử TNXP Khu 5
Năm 1965, hưởng ứng phong trào "Năm xung phong", Khu Đoàn V đã ra lời hiệu triệu, vận động và đã có hàng chục ngàn nam nữ thanh niên 10 tỉnh miền Trung gia nhập TNXP, chủ lực là Tổng đội TNXP Quyết Thắng mang tên anh hùng Nguyễn Văn Trỗi (Tổng đội Nguyễn Văn Trỗi), Đội TNXP vũ trang được thành lập tại Khu căn cứ Nước Oa, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam và các Đội TNXP địa phương, cơ sở hoạt động tại địa bàn các tỉnh.
Trong suốt 10 năm 1965 - 1975, Lực lượng TNXP Khu V đã đảm nhận những nhiệm vụ khó khăn, gian khổ, chấp nhận mọi thử thách ác liệt, nhiều đơn vị, cá nhân đã lập biết bao thành tích xuất sắc, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ TNXP hy sinh anh dũng, tô thắm những chiến công vẻ vang của lực lượng TNXP.
Nhằm ghi dấu nơi thành lập và phát triển của Tổng đội Thanh niên xung phong Nguyễn Văn Trỗi - Tổng đội TNXP đầu tiên của khu vực miền Trung - Tây Nguyên và Đoàn Thanh niên nhân dân cách mạng Khu V (Khu đoàn V), Khu sinh hoạt truyền thống Thanh thiếu nhi Nước Oa đã được xây dựng, là một địa chỉ đỏ ý nghĩa để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ./. |