1. Mục đích thi đua yêu nước
Thi đua là cùng nhau đem hết tài năng, sức lực nhằm thúc đẩy lẫn nhau, đạt thành tích tốt nhất trong chiến đấu, sản xuất, công tác, học tập. Công việc hàng ngày chính là nền tảng của thi đua, thi đua cũng là một cách yêu nước thiết thực và tích cực. Thi đua phải gắn với khen thưởng, đều hướng đến mục đích xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thi đua yêu nước là hoạt động mang tính tập thể, tự giác, tích cực, có lãnh đạo; là hình thức động viên mọi tầng lớp nhân dân phát huy nhiệt tình cách mạng, tinh thần lao động sáng tạo của mỗi người hoặc tập thể để hoàn thành và hoàn thành vượt mức các nhiệm vụ đề ra. Thi đua yêu nước thực sự trở thành phong trào hành động cách mạng của toàn dân, được tổ chức, chỉ đạo thống nhất từ Trung ương đến cơ sở dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước ta, chính thức bắt đầu từ năm 1948, gắn với Chỉ thị ngày 27/3/1948 của Ban Thường vụ Trung ương Đảng phát động phong trào thi đua ái quốc và Lời kêu gọi thi đua ái quốc ngày 11/6/1948 của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ở các thời điểm và lĩnh vực khác nhau, có các phong trào thi đua yêu nước với những tiêu chí, nội dung và khẩu hiệu hành động khác nhau nhưng đều nhằm mục đích mang lại lợi ích chính đáng cho cá nhân, cho cộng đồng và cho dân tộc như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Làm sao cho kháng chiến mau thắng lợi, kiến thiết chóng thành công”; “ai nấy đều gắng làm nhanh, làm tốt, làm đẹp, không kể công việc của mình thuộc về đời sống vật chất hay tinh thần, không kể mình hoạt động ở hậu phương hay tiền tuyến, cốt sao lợi cho nước nhà mà mình tiến bộ”; “Thi đua ái quốc là lợi ích cho mình, lợi ích cho gia đình và lợi ích cho làng, cho nước, cho dân tộc”.
2. Vai trò của thi đua yêu nước
- Thi đua yêu nước động viên sức mạnh tiềm tàng trong mỗi con người, mỗi tập thể, trở thành động lực thúc đẩy họ vượt qua khó khăn, thử thách để đi đến thắng lợi trong các cuộc chiến tranh chống giặc ngoại xâm cũng như trong công cuộc đổi mới đất nước, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế giai đoạn hiện nay.
- Thi đua yêu nước thúc đẩy sáng kiến và sức sáng tạo của con người, mở rộng tư duy, nâng cao nhận thức, tạo nên những động lực mới cho cách mạng nước nhà; là động lực khơi dậy, phát huy tối đa sức sáng tạo, tinh thần xung phong, ý chí quyết tâm xả thân vì nước, tạo ra hoạt động tự giác, biến những điều tưởng chừng không thể làm được trở thành hiện thực.
- Thi đua là trường học phổ biến kinh nghiệm, làm xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân, các anh hùng, chiến sỹ, những nhân tố mới, điển hình tiên tiến trong toàn quốc, có tác động nêu gương, thúc đẩy nhiệt tình cách mạng của quần chúng, có sức mạnh cải tạo xã hội, cải tạo tự nhiên, cải tạo con người. Các phong trào ấy đã đi vào lịch sử với niềm tự hào vô hạn, trở thành trường học cách mạng sống động, rèn luyện và đào tạo ra những con người xứng đáng là lực lượng anh hùng trong thời đại anh hùng.
- Thi đua yêu nước góp phần giúp cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, các ngành, các cấp rèn luyện năng lực lãnh đạo, tổ chức, quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động của cả hệ thống chính trị. Các phong trào thi đua yêu nước khơi dậy ý thức tự giác, tích cực của mọi người, là động lực góp phần thực hiện các nhiệm vụ chính trị của cơ quan, địa phương, đơn vị; góp phần làm cho chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nhanh chóng đi vào thực tiễn.
- Phong trào thi đua yêu nước là hình thức tốt nhất để tập hợp, giác ngộ cách mạng và nâng cao nhận thức cho quần chúng về tư tưởng, chính trị, trình độ văn hóa, nhận thức xã hội; cải tiến kỹ thuật, năng lực chiến đấu, lao động sản xuất; hướng quần chúng hành động theo đúng định hướng nhằm đạt các mục tiêu đề ra. Thi đua yêu nước nhằm bồi dưỡng tinh thần đoàn kết, lòng yêu nước của dân tộc ta và làm cho nhân dân ta đoàn kết với nhân dân lao động thế giới.
- Các phong trào thi đua yêu nước trong những năm qua không chỉ góp phần rất quan trọng thúc đẩy hoàn thành các nhiệm vụ chính trị - xã hội của tỉnh, của đất nước, làm thay đổi bộ mặt quê hương Ninh Thuận và đất nước ta mà còn nêu cao tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa, xây dựng đạo đức, nếp sống mới, đề cao phẩm chất con người mới.
II. CÁC KỲ ĐẠI HỘI THI ĐUA YÊU NƯỚC TOÀN QUỐC
1. Đại hội lần thứ I (năm 1952)
Đại hội thi đua yêu nước lần thứ nhất họp từ ngày 1 đến ngày 6/5/1952 tại chiến khu Việt Bắc. Đây là Đại hội đánh dấu những thắng lợi của phong trào thi đua diệt giặc dốt, giặc đói, giặc ngoại xâm. Thành công của Đại hội đã động viên toàn dân, toàn quân ta hăng hái lập nhiều thành tích, tiến lên giành thắng lợi trong chiến dịch Điện Biên Phủ, giải phóng hoàn toàn miền Bắc.
2. Đại hội lần thứ II (năm 1958)
Đại hội thi đua yêu nước lần thứ II diễn ra từ ngày 7 đến 8/7/1958 tại Hà Nội. Đại hội lần này đánh dấu những thành tích to lớn của công cuộc khôi phục kinh tế - xã hội ở miền Bắc, động viên nhân dân phấn đấu giành thắng lợi trong công cuộc cải tạo kinh tế, phát triển văn hóa...
3. Đại hội lần thứ III (năm 1962)
Đại hội thi đua yêu nước lần thứ III diễn ra tại Hà Nội từ ngày 4 đến 6/5/1962. Đây là Đại hội đánh dấu những thắng lợi quan trọng, góp phần hoàn thành kế hoạch 5 năm lần thứ nhất của cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, tạo sức mạnh chi viện cho chiến trường miền Nam, đánh thắng giặc Mỹ, thống nhất đất nước.
4. Đại hội lần thứ IV (năm 1967)
Đại hội thi đua yêu nước lần thứ IV họp từ ngày 6 đến 7/1/1967 tại Hà Nội. Đây là Đại hội biểu dương ý chí và lực lượng của toàn quân và toàn dân ta, những người đã và đang làm nên chiến thắng oanh liệt trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
5. Đại hội lần thứ V (năm 1986)
Đại hội thi đua yêu nước lần thứ V diễn ra từ ngày 16 đến ngày 17/1/1986 tại Hà Nội. Đây là Đại hội Anh hùng, Chiến sĩ thi đua toàn quốc lần đầu tiên kể từ ngày thống nhất đất nước; là Đại hội biểu dương thắng lợi của dân và quân ta trong lao động, xây dựng chủ nghĩa xã hội và chiến đấu bảo vệ Tổ quốc; nêu cao quyết tâm khắc phục khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, thực hành tiết kiệm, hoàn thành thắng lợi kế hoạch Nhà nước 5 năm 1986-1990, mở đầu thời kỳ đổi mới.
6. Đại hội lần thứ VI (năm 2000)
Đại hội thi đua toàn quốc lần thứ VI diễn ra từ ngày 21 đến 24/11/2000 tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô, Hà Nội. Đây là Đại hội tiêu biểu cho khối đại đoàn kết toàn dân, của phong trào thi đua yêu nước trong 15 năm đầu thực hiện đường lối đổi mới của Đảng; thể hiện ý chí quyết tâm thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới đất nước; động viên, cổ vũ tinh thần thi đua, ý chí vươn lên nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ IX của Đảng.
7. Đại hội lần thứ VII (năm 2005)
Đại hội thi đua toàn quốc lần thứ VII diễn ra từ ngày 4 đến ngày 6/10/2005, tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô, Hà Nội. Đây là Đại hội có ý nghĩa quan trọng, đánh giá lại phong trào thi đua và công tác khen thưởng giai đoạn 2001-2005; kiểm điểm việc triển khai thực hiện đổi mới công tác thi đua, khen thưởng theo tinh thần Chỉ thị số 35-CT/TW và Chỉ thị số 39-CT/TW của Bộ Chính trị, chỉ đạo việc tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến; thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc phát động đợt thi đua đặc biệt trong năm 2005 nhằm thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2001-2005); thiết thực lập thành tích chào mừng các ngày lễ lớn trong hai năm 2004-2005.
8. Đại hội lần thứ VIII (năm 2010)
Đại hội thi đua toàn quốc lần thứ VIII diễn ra từ ngày 27 đến ngày 28/12/2010, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội. Đây là Đại hội diễn ra trong không khí toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đang ra sức thi đua phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2006-2010), lập thành tích chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng. Cùng với nhiều sự kiện lịch sử trọng đại diễn ra năm 2010, Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VIII tiếp tục nhận thức sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước, đồng thời khẳng định những quan điểm đúng đắn của Đảng và Nhà nước về thi đua, khen thưởng trong công cuộc đổi mới đất nước. Nội dung thi đua được gắn kết với thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đấu tranh phòng chống tham nhũng”, thi đua thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng kinh tế bền vững.
9. Hướng tới Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX, sẽ diễn ra trong quý IV năm 2015, với chủ đề: “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX sẽ đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ của các phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng giai đoạn 2011-2015; đề ra mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ của phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng giai đoạn 2016-2020. Biểu dương, tôn vinh các tập thể, cá nhân, anh hùng, chiến sĩ thi đua và các gương điển hình tiên tiến, nhân tố tiêu biểu trong toàn quốc; qua đó, tiếp tục khơi dậy sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết dân tộc, tạo động lực mới góp phần tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Phát động phong trào thi đua trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, gắn với đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng theo Chỉ thị của Bộ Chính trị và Luật Thi đua - Khen thưởng. Nâng cao chất lượng các phong thi đua yêu nước, trọng tâm là phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”.
II. PHONG TRÀO THI ĐUA YÊU NƯỚC CỦA TỈNH NINH THUẬN
Hoà chung với phong trào thi đua của cả nước thực hiện lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tỉnh Ninh Thuận đã hình thành Ban vận động “Thi đua ái quốc” từ tỉnh đến các xã, phường. Đến tháng 01/1949 phong trào thi đua ái quốc đã được triển khai rộng khắp trong tỉnh.
Tiếp nối truyền thống thi đua ái quốc, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, toàn Đảng bộ, toàn dân, toàn quân Ninh Thuận đoàn kết một lòng, nêu cao tinh thần tự lực cánh sinh, kiên cường anh dũng đấu tranh làm thất bại âm mưu của địch. Phong trào thi đua ái quốc tiếp tục được triển khai dưới nhiều hình thức phù hợp với tình hình kháng chiến từng giai đoạn như: phong trào đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang; phong trào tăng gia sản xuất; phong trào tham gia học chữ Cụ Hồ; phong trào thi đua bắn máy bay giặc... đã làm sáng ngời truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng của Đảng bộ, quân và dân Ninh Thuận. Đỉnh cao của phong trào thi đua yêu nước là quân dân Ninh Thuận đã phối hợp cùng bộ đội chủ lực giải phóng tỉnh nhà vào ngày 16/4/1975, góp phần cùng cả nước làm nên đại thắng mùa xuân giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước vào ngày 30/4/1975. Với những đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng, tỉnh Ninh Thuận đã được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Huân chương thành đồng hạng nhất, hạng nhì, hạng ba, Huân chương giải phóng hạng nhất, hạng nhì, hạng ba; danh hiệu “anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”, cùng hàng vạn Huân chương, huy chương và danh hiệu vinh dự khác được Đảng và Nhà nước tuyên dương cho các tập thể và cá nhân đã có những cống hiến to lớn vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Từ sau khi tách tỉnh (1992) đến nay, đã tổ chức 3 kỳ Đại hội thi đua yêu nước tỉnh. Mỗi kỳ Đại hội diễn ra trong thời điểm, hoàn cảnh lịch sử khác nhau, nhưng đều được cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân tỉnh nhà quan tâm, là dịp để ghi nhận và tôn vinh thành tích của tập thể, cá nhân đối với công cuộc xây dựng và phát triển quê hương Ninh Thuận.
Đại hội thi đua yêu nước tỉnh lần thứ III được tổ chức vào tháng 8 năm 2000; Đại hội lần thứ IV vào tháng 8 năm 2005 và Đại hội lần thứ V tổ chức vào tháng 7 năm 2010. Qua đó, đánh giá việc triển khai Chỉ thị 35-CT/TW ngày 03/6/1998 và Chỉ thị 39 CT/TW ngày 21/5/2004 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước trên địa bàn tỉnh. Trong giai đoạn này, phong trào thi đua yêu nước đã tạo nên động lực mạnh mẽ động viên toàn Đảng bộ, toàn quân, toàn dân Ninh Thuận giành nhiều thành tựu trên các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng – an ninh. Hàng chục tập thể và cá nhân được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương, Bằng khen của Chính phủ và Cờ thi đua Chính phủ. Đặc biệt, trong dịp Kỷ niệm 35 năm ngày giải phóng tỉnh Ninh Thuận (16/4/1975-16/4/2010), Đảng bộ và nhân dân Ninh Thuận vinh dự và tự hào được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng nhì, ghi nhận những nỗ lực phấn đấu và thành tựu to lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Ninh Thuận đạt được trong công cuộc đổi mới.
Hướng tới Đại hội thi đua yêu nước tỉnh lần thứ VI, Đại hội sẽ diễn ra vào cuối tháng 7 năm 2015. Chủ đề Đại hội “Đoàn kết, đổi mới, chung sức chung lòng, thi đua giành thắng lợi mới”. Mục đích Đại hội: đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ của các phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng giai đoạn 2011-2015; đề ra mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ của phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng giai đoạn 2016-2020. Biểu dương, tôn vinh các tập thể, cá nhân, chiến sĩ thi đua và các gương điển hình tiên tiến trong tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội trong toàn tỉnh; qua đó, tiếp tục khơi dậy sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết các dân tộc trong tỉnh, tạo động lực mới góp phần tổ chức thành công Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII. Phát động phong trào thi đua trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, gắn với đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” gắn với Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay. Nâng cao chất lượng các phong thi đua yêu nước, trọng tâm là phong trào “xây dựng nông thôn mới”.
III. KẾT QUẢ PHONG TRÀO THI ĐUA YÊU NƯỚC GIAI ĐOẠN 2010-2015; PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ GIAI ĐOẠN 2016-2020.
1. Kết quả phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2010-2015
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, 5 năm qua ( 2011-2015), các cấp ủy Đảng, chính quyền đã có nhiều nỗ lực trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác thi đua, khen thưởng. Chính quyền và Mặt trận, đoàn thể các cấp đã cụ thể hóa nhiệm vụ chính trị thành các nhiệm vụ thi đua, lãnh đạo tổ chức các phong trào thi đua rộng khắp trên các lĩnh vực kinh tế, đời sống xã hội. Các tầng lớp nhân dân, các ngành, các cấp đã phát huy truyền thống đại đoàn kết dân tộc, tổ chức phát động phong trào thi đua yêu nước có hiệu quả góp phần quan trọng giúp tỉnh nhà vượt qua khó khăn, thách thức, dành được thắng lợi khá toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, quốc phòng - an ninh.
Tổng sản phẩm nội tỉnh tăng bình quân 11,2%/năm cao hơn giai đoạn 2006-2010 là 10,3%/năm. Thu ngân sách đạt 1.800 tỷ đồng, tăng gấp 2,03 lần; thu nhập bình quân đầu người từ 12,7 triệu/người/năm lên 31,2 triệu/người/năm vào năm 2015, tăng gấp 2,45 lần so với năm 2010. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 33.145 tỷ đồng, bằng 1,95 lần so với giai đoạn trước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, giảm tỷ trọng nông nghiệp từ 41,9% xuống còn 36,3%, công nghiệp xây dựng tăng từ 22% lên 24,8%, dịch vụ tăng từ 36,1% lên 38,9% so với năm 2010. Kết quả thực hiện theo Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới của 47 xã trong toàn tỉnh đến tháng 4 năm 2015: có 02 xã đạt chuẩn 19 tiêu chí; dự kiến đến cuối năm 2015 có 10 xã đạt chuẩn 19 tiêu chí; 04 xã đạt chuẩn trên 15 tiêu chí; 20 xã đạt chuẩn từ 10-14 tiêu chí; 13 xã đạt chuẩn từ 5-9 tiêu chí.
Giáo dục và đào tạo phát triển mạnh mẽ, tỷ lệ phòng học được kiên cố hoá đạt trên 90%; 100% trường phổ thông được trang bị đồng bộ đủ các thiết bị, đồ dùng dạy học, có thư viện cơ bản đạt chuẩn; toàn tỉnh có 63 trường đạt chuẩn Quốc gia; 62/65 xã, phường được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học; tỷ lệ thi tốt nghiệp THPT đạt trên 99,2%/ năm học. Hệ thống y tế từ tỉnh đến cơ sở không ngừng được củng cố phát triển và đổi mới, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân. Đến nay toàn tỉnh có 70,8% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế, bình quân có 7,4 Bác sĩ/1 vạn dân. Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 70%, tăng 24,5 lần so với năm 2010. Việc thực hiện chính sách xã hội được quan tâm đẩy mạnh, phong trào xây dựng "Quỹ vì người nghèo" được vận động phát triển mạnh mẽ, thực hiện có hiệu quả; đã giải ngân 117 tỷ đồng qũy hỗ trợ Quốc gia về việc làm, cho vay giảm nghèo đạt 3.196 tỷ đồng. Công tác đào tạo nghề được gắn với giải quyết việc làm cho người lao động, đã giải quyết được việc làm cho 78,9 nghìn lao động, bình quân mỗi năm trên 15,7 nghìn lao động. Phong trào "Đền ơn đáp nghĩa" đã vận động xây dựng và sửa chữa 1.591 căn nhà với kinh phí 37,7 tỷ đồng, tặng 141 sổ tiết kiệm với kinh phí 176 triệu đồng và huy động 7,9 tỷ đồng vào Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa". Quốc phòng-an ninh được giữ vững. Hệ thống chính trị, tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh; xây dựng chính quyền, đoàn thể quần chúng vững mạnh. Đặc biệt, công tác phòng, chống hạn hán diễn ra gây gắt trên địa bàn tỉnh trogn thời gian qua được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo, điều hành, các tầng lớp nhân dân nỗ lực, vượt khó vươn lên trong sản xuất, công tác an sinh xã hội đảm bảo.
Trong 5 năm qua, đã xuất hiện nhiều tấm gương tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến tất cả các lĩnh vực; được Đảng và Nhà nước khen tặng những phần thưởng cao quý, cụ thể: 01 tập thể và 07 cá nhân đón nhận Huân chương Độc lập; 29 tập thể và 74 cá nhân đón nhận Huân chương Lao động; 29 tập thể và 51 cá nhân đón nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 09 tập thể nhận Cờ thi đua Chính phủ; 07 cá nhân đạt Chiến sĩ thi đua toàn quốc; 141 cá nhân đạt Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh; 105 tập thể đón nhận Cờ thi đua cấp tỉnh; 2.448 tập thể và 3.210 cá nhân được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen. Nhiều sáng kiến kinh nghiệm trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, khoa học – kỹ thuật được áp dụng trong từng ngành địa phương, đơn vị.
2. Tiếp tục triển khai có hiệu quả phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2016-2020
Mục tiêu tổng quát: Đổi mới nâng cao chất lượng các phong trào thi đua, làm cho phong trào thi đua thực sự phát triển sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, trở thành động lực cách mạng to lớn trong toàn Đảng bộ, toàn dân và toàn quân; thi đua hướng vào thúc đẩy sự phát triển kinh tế nhanh, bền vững, rút ngắn khoảng cách trung bình với thu nhập bình quân đầu người so với cả nước; bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; giữ vững sự ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XIII của Đảng bộ tỉnh. Để hoàn thành tốt các mục tiêu đề ra, giai đoạn 2016-2010, toàn Đảng bộ phát động thi đua tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như sau:
1. Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng; nâng cao tinh thần trách nhiệm, năng lực chỉ đạo điều hành, quản lý của chính quyền và sự phối hợp đồng bộ của các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội đối với phong trào thi đua yêu nước, làm cho phong trào thi đua trở thành nhu cầu không thể thiếu của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Tiếp tục quán triệt tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc “Càng khó khăn càng phải thi đua” và tinh thần Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 07/4/2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng.
2. Thi đua “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Tuỳ theo yêu cầu hoạt động của từng ngành, từng cấp, từng lĩnh vực, đề ra kế hoạch cụ thể thực hiện phấn đấu đạt thành tích xuất sắc thiết thực chào mừng Đại hội Đảng bộ các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.
3. Đổi mới nâng cao chất lượng các hình thức thi đua theo hướng tổ chức các phong trào thi đua thường xuyên gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng ngành, địa phương, đơn vị. Chú trọng cải tiến nội dung, hình thức các phong trào thi đua chuyên đề nhằm tập trung giải quyết có hiệu quả những nhiệm vụ công tác trọng tâm như: phát triển cơ sở hạ tầng, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, ô nhiễm môi trường, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo nhất là các phong trào thi đua “Xây dựng nông thôn mới”, phong trào đảm bảo trật tự an toàn giao thông, thi đua thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
4. Tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy trình thủ tục, tiêu chí thi đua khen thưởng theo hướng cụ thể, nhất quán, đơn giản, đúng luật. Đảm bảo khen kịp thời đúng đối tượng, đúng thành tích. Tăng cường khen đột xuất, khen tập thể nhỏ, người trực tiếp lao động. Trong khen thưởng cần bảo đảm tính nêu gương, tính giáo dục được dư luận đồng tình, khắc phục bệnh thành tích, bệnh hình thức trong thi đua, khen thưởng.
5. Đẩy mạnh chăm lo phát hiện, bồi dưỡng, xây dựng điển hình và nhân rộng điển hình tiên tiến. Mỗi ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị xét chọn những cá nhân, tập thể tiêu biểu để bồi dưỡng, nêu gương làm nòng cốt cho phong trào thi đua. Bồi dưỡng các nhân tố khen bậc cao có chất lượng và sức lan tỏa lớn, thông qua đó thúc đẩy các phong trào thi đua phát triển ngày càng mạnh mẽ, có chiều sâu.
Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh Ninh Thuận lần thứ VI diễn ra trong bối tỉnh ta đang tiến hành Đại hội Đảng bộ các huyện, thành ủy và Đảng ủy trực thuộc, hướng tới Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII; kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám (19/8/1945-19/8/2015) và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945-2/9/2015). Toàn Đảng bộ, toàn dân, toàn quân tỉnh nhà ra sức thi đua, lập thành tích xuất sắc, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, tiến tới tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng quê hương Ninh Thuận ngày càng giàu đẹp, văn minh. |