Đón xuân mới, mừng Tết đến là dịp để mỗi chúng ta thắp nén hương nhớ về cội nguồn tổ tiên, ông cha; cầu mong cho ''Quốc thái dân an''. Cũng là dịp thảnh thơi đi lại với nhau để cầu chúc năm mới, mọi người ai cũng dồi dào sức khỏe, đem hết trí lực góp phần xây dựng quê hương. Có lẽ từ cơ quan, gia đình đến cá nhân ai cũng hồ hởi, phấn khởi. Thế nhưng đâu đó cũng có sự lạm dụng đón xuân về để tổ chức vui chơi linh đình, tốn kém, thậm chí còn có nội dung trái với truyền thống, lối sống văn hóa của dân tộc ta.
Sinh thời, Bác Hồ của chúng ta có viết tác phẩm: ''Mừng Tết Nguyên Đán", Người căn dặn: ''Suốt năm chúng ta thi đua lao động, sản xuất, những ngày Tết Nguyên Đán, chúng ta vui chơi một hôm để chào xuân. Việc đó cũng đúng thôi. Nên chúng ta mừng xuân một cách vui vẻ và lành mạnh. Nếu có bao nhiêu tiền bỏ ra mua sắm hết để đánh chén lu bù, thế là mừng xuân một cách lạc hậu, thế là lãng phí, thế là không xuân''. Với lòng nhân ái bao la, vào những dịp Tết, Bác thường đi chúc Tết không những ở các cơ quan xí nghiệp mà còn đến thăm các gia đình lao động, lam lũ làm ăn. Qua những câu chuyện ghi lại, chúng ta còn nhớ: Bác đến thăm một gia đình mà trong nhà ngày Tết chẳng có gì, đêm giao thừa còn phải đi gánh nước thuê kiếm tiền. Bác đã nói trong xúc động: ''Bác không đến thăm cô chú thì thăm ai?". Ngày mùng 1 Tết năm 1965, sau khi thăm các cơ quan, đoàn thể ở Hà Nội, Bác đến thăm công trường Việt Trì và phát biểu trước cán bộ, công nhân, chuyên gia các nước bạn đang giúp ta với những lời đầy tình cảm: ''Cán bộ phải chú ý chăm lo sinh hoạt của anh em trong ngày Tết. Đối với các đồng chí công nhân, cán bộ bạn bè giúp ta mà các đồng chí ấy xa nhà trong dịp Tết Nguyên Đán này, ta càng chú ý săn sóc. Các anh em công nhân người Âu, Phi lâu nay sống đã quen với phong vị Tết Việt Nam, nên làm sao cái Tết của xây dựng vui vẻ hơn kháng chiến, song phải tránh những lãng phí không cần thiết”. Chúng ta không khỏi xúc động về những tình cảm ấy mà Người không chỉ dành riêng cho nhân dân mình mà còn cho khắp bè bạn năm châu. Đâu chỉ dừng ở đó, Người còn lo xa, căn dặn chúng ta phải tiết kiệm, chống lãng phí. Việc cần kiệm để xây dựng nước nhà, mà không ai được phép quên nhiệm vụ ấy. Người cũng chỉ ra những việc đáng chê trách khi phát hiện có những nơi làm không đúng. Trong tác phẩm ''Mừng Tết Nguyên Đán như thế nào?'' Bác còn viết: “Vừa rồi, vì được mùa to 20 xã ở huyện Yên Thành (Nghệ An) đã liên hoan hết 123 con lợn, 8 con bò, 3 con bê; đó là chưa kể số tiền chi tiêu vào, muối, gạo, rượu, chè. Cũng chưa kể những ngày lao động của bà con 20 xã đã mất toi! Lãng phí tiền của và công sức là như vậy, là lỗi tại ai? Lỗi tại cán bộ huyện, cán bộ xã, lỗi tại đảng viên và chi bộ''.
Với việc mừng Tết Nguyên Đán, đã có lần Bác căn dặn:
''Mừng xuân mừng cả thế gian
Phải đâu lãng phí cỗ bàn mới xuân”
Tấm lòng của Bác mới bao dung và nhân hậu làm sao, Người nghĩ đến tất cả thế gian khi mùa xuân về. Bác nghĩ mùa xuân là biểu tượng hòa bình, sinh sôi, nảy nở bao điều tốt đẹp và nó phải đến với tất cả mọi người thì điều đó mới thực sự hạnh phúc. Mùa xuân chẳng phải của riêng ai và ai cũng có quyền hưởng. Trong bài ''Mừng xuân vĩ đại" Bác viết: ''Xưa kia người ta chỉ mừng xuân hẹp hòi trong khuôn khổ gia đình với những câu chúc tụng nhau ''Ngũ phúc lâm môn, tam dương khai thái''. Ngày nay chúng ta mừng xuân rộn rã, từ gia đình đến cả nước, đến khắp thế giới''. Là con cháu của Bác Hồ, chúng ta sẽ cảm thấy xấu hổ và buồn thay cho những ai còn tư tưởng chi lo vun vén cái tết của riêng mình!
Một lần nữa, đất nước ta đón xuân về, Tết Nguyên Đán đến, dân tộc ta lại nhớ đến Bác Hồ và những lời căn dặn của Bác. Những điều đó còn vang vọng mãi.
Trích: Cổng Thông tin – Giao tiếp điện tử tỉnh Vĩnh Phúc
© Bản quyền thuộc về Cổng Thông tin - Giao tiếp điện tử tỉnh Vĩnh Phúc
© Bản quyền thuộc ng Thông tin - Giao tiếp điện tử tỉnh Vĩnh Phúc
Điệu hát giao duyên làng Mỹ Tường
Nhờ câu hát giao duyên mà gắn kết nghĩa tình xóm làng đầm ấm. Gái trai được vợ nên chồng một lòng một dạ ăn ở với nhau đến cuối đời.
Với truyền thống ba trăm năm lập làng, Mỹ Tường được xem là một trong những vùng cư dân cổ ở ven biển huyện Ninh Hải. Múa siêu và hát giao duyên là hai loại hình văn hoá làng đặc sắc trong đời sống tinh thần của người dân địa phương. Múa siêu biểu hiện cho tinh thần thượng võ của cư dân khai hoang mở đất. Hát giao duyên khơi gợi tình cảm giao hoà gái trai trên vùng đất mới. Thông qua hát giao duyên (còn gọi là hát ghẹo gái, hát đối đáp), con người trở nên gần gũi gắn bó keo sơn. Bà Lê Thị Lý ở thôn Mỹ Tường 2 là một trong số ít những người tâm huyết giữ hồn điệu hát giao duyên lan truyền trên vùng đất Mỹ Tường.
Nghệ nhân Bảy Lý vừa se võng vừa hát giao duyên.
Ngồi se võng gai dưới mái nhà ngói cổ, bà Bảy Lý say sưa hát giao duyên. Tiếng hát ngân nga luyến láy da diết ân tình của nghệ nhân dân gian làm lay động lòng người. Sáu mươi bảy tuổi, nghệ nhân Bảy Lý “nằm lòng” hàng ngàn câu hát. Tuổi thơ của bà được tắm mình trong những đêm trăng hát giao duyên. Mùa trăng, trai bạn các làng chài ít đi biển. Họ thường rủ nhau về Mỹ Tường hát giao duyên. Trai gái tuổi mười tám đôi mươi chưa có gia đình mới được ngồi vào chiếu hát. Các cuộc hát kéo dài thâu đêm suốt sáng. Sự hấp dẫn bởi tài ứng đáp thông minh của người hát và sự gắn kết nghĩa tình của trai gái.
Bên nữ hát rằng:
Nằm nhà đắp chiếu ngủ an
Em nghe bạn lạ hò khoan sân này.
Dời chân ba bước tới đây
Xem trăng chưa tỏ nhìn mây chưa tường.
Bên nam đáp:
Lầu tây ngọn gió tứ phương
Đôi đứa mình mới ngộ tình thương vô hồi.
Trăm năm khăng khắng một lời
Nào ai đem dạ đổi dời mặc ai.
Bên nữ hát:
Phải duyên em đợi, em chờ
Chờ cho rau muống lên bờ trổ bông.
Chị em ai nấy có chồng
Phải duyên em ở vậy ôm lòng chờ anh.
Bên nam đáp:
Cất tiếng kêu xin hỡi tình khanh
Xin em giữ dạ sắc cầm đừng phai.
Anh xin giữ áo lâu dài
Nào ai có dỗ, em cũng đừng sai tất lòng…
Câu hát giao duyên sử dụng thể thơ lục bát hoặc lục bát biến thể. Người hát còn dùng điển tích Lục Vân Tiên, Kiều Nguyệt Nga, Thoại Khanh Châu Tuấn để bày giải tấm lòng. Trong lời hát của mình, nghệ nhân Bảy Lý nhấn nhá những từ đệm ơ…hờ…ơ… tạo sự gợi cảm giữa các câu hát. Có lẽ đây là nét riêng về mặt thanh âm trong điệu hát giao duyên ở vùng đất Mỹ Tường. Ông Phạm Ngọc Sang ở thôn Mỹ Tường 2 cho rằng hát giao duyên là một phần hồn vía của làng. Thi thoảng, ông vẫn mời các nghệ nhân Bảy Lý, Ba Thương, Chín Non, Minh Diệu…về nhà mình hát. Nhờ câu hát giao duyên mà gắn kết nghĩa tình xóm làng đầm ấm. Gái trai được vợ nên chồng một lòng một dạ ăn ở với nhau đến cuối đời.
“Hồi nhỏ, tui nghe trong làng có chiếu hát là bụng dạ không yên. Cứ ngóng trông chờ cho tới tối là đi nghe các dì các chị trong làng hát. Bạn hát từ Khánh Hội xuống hoặc từ Đông Ba đi thuyền qua, vui lắm! Câu hát nghĩa tình của ông bà cha mẹ ngấm vào người, không rứt ra được. Lâu lâu, nhớ chiếu hát, tui rủ rê những người cùng thời ngồi lại hát cho vui. Tui cố công bày biểu cho các cháu trong xóm hát được câu nào mừng câu đó. Những người biết rành và còn mê hát giao duyên ở xã Nhơn Hải hiện nay cũng đã 60-70 tuổi. Mai mốt lớp người này trở về với ông bà liệu làn điệu hát giao duyên ở Mỹ Tường có còn được lưu truyền hay chăng?”, bà Bảy Lý lo ngại nói.
Sơn Ngọc – Báo Ninh Thuận
CHƯƠNG I
TUỔI TRẺ NINH THUẬN THEO ĐẢNG CỘNG SẢN,
THAM GIA ĐẤU TRANH GIÀNH CHÍNH QUYỀN (1930-1945)
Sau khi 03 tổ chức cộng sản ở Việt Nam được hình thành thì yêu cầu thống nhất thành một Đảng cộng sản đã trở nên cấp thiết. Được sự ủy nhiệm của Quốc tế cộng sản và uy tín của mình, Nguyễn Ái Quốc đã triệu tập Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản thành lập Đảng cộng sản Việt Nam ngày 03/02/1930, đến tháng 10/1930 đổi thành Đảng cộng sản Đông Dương.
Tại Ninh Thuận các đồng chí lãnh đạo “Ngũ Trung” đã tổ chức họp bí mật tại đồn kiểm lâm Tân Mỹ (Ninh Sơn) do đồng chí Trần Hữu Duyệt chủ trì xem xét tiêu chuẩn, tư cách đảng viên Đông Dương cộng sản Liên đoàn để giới thiệu kết nạp vào Đảng cộng sản Việt Nam. Sau khi xem xét tiêu chuẩn từng người, “Ngũ Trung” quyết định chuyển phần lớn đảng viên Tân Việt của 2 chi Bộ Cầu bảo và Đề pô xe lửa Tháp Chàm gia nhập Đảng cộng sản Việt Nam; vào tháng 4/1930, 2 chi Bộ Tân Việt ở Bảo An và Đềpô xe lửa Tháp Chàm đã chính thức gia nhập Đảng cộng sản Việt Nam. Sau khi gia nhập Đảng cộng sản Việt Nam, các chi Bộ cộng sản đã thực hiện việc phát triển đảng viên mới; vào cuối năm 1930 chị Dương Thị Thủy và anh Nguyễn Ngọc Lân đã được kết nạp vào Đảng cộng sản Việt Nam.
Từ các chi Bộ Tân Việt, chuyển thành chi Bộ cộng sản và các tổ chức quần chúng yêu nước của Đảng đã hình thành ở các làng thuộc các Tổng Vạn Phước, Đắc Nhơn, Phú Quý, Kinh Dinh,… Kể từ đây phong trào cách mạng của thanh niên Ninh Thuận đã đi theo đường lối chủ nghĩa Mác- Lênin. Nhằm gây thanh thế cách mạng, thức tỉnh lòng yêu nước của Nhân dân và các tầng lớp thanh niên; thực hiện sự chỉ đạo của chi Bộ Bảo An, sáng ngày 01/5/1930, cờ đỏ búa liềm được treo trên đỉnh Tháp nước, ga xe lửa Tháp Chàm, trên ngọn cây me cổ thụ làng Bảo An, Sở Muối Cà Ná,… Truyền đơn được rải ở nhiều nơi nhất là khu vực ga xe lửa Tháp Chàm và làng Bảo An; 120 công nhân của Đềpô Tháp Chàm tổ chức mít-tinh kỷ niệm ngày Quốc tế lao động và đưa yêu sách đầu tiên của công nhân. Bản yêu sách gồm các điểm như: tăng lương, ngày làm 08 tiếng, phụ cấp ốm đau, tai nạn và không phạt công nhân.
Lần đầu tiên, anh chị em thanh niên công nhân nhìn thấy người cộng sản kêu gọi đấu tranh đòi quyền lợi cho các tầng lớp lao động, thợ thuyền với sự tham gia đông đảo của các cơ sở nòng cốt của Đảng mà trong đó phần lớn là lực lượng thanh niên được Đảng rất tin cậy. Trong các cuộc đấu tranh bấy giờ có chị Trần Thị Có là một cơ sở cách mạng từ những năm 1928, 1929 chị đã cùng chồng là anh Nguyễn Hữu Hương bán ruộng vườn, lấy tiền ủng hộ chi Bộ Tân Việt Cầu Bảo mở tiệm tạp hóa (Chấn Hưng). Chị vừa tham gia cách mạng, vừa làm liên lạc cho các hoạt động treo cờ, rải truyền đơn, thức tỉnh phong trào cách mạng của quần chúng. Bên cạnh chị Có còn có chị Hồng Việt (em gái đồng chí Trần Thi) ở Vạn Phước, cũng là một nữ thanh niên cơ sở tích cực trong các cuộc đấu tranh này.
Thực dân Pháp cai trị nước ta, chúng chủ trương đàn áp cộng sản từ tuổi thiếu niên, nhi đồng. Trong các trường học, chúng bắt các thầy giáo phải treo những bức tranh với những hình ảnh chống cộng như: “Con nhện cộng sản”, “bầy khỉ cộng sản”,… để nhồi nhét vào đầu óc trong trắng của thiếu nhi. Hàng ngày, thầy cô phải giảng cho học trò mình hiểu Cộng sản là vô gia đình, vô Tổ quốc. Sau các đợt đấu tranh, ảnh hưởng cách mạng đã lan rộng trong các tầng lớp Nhân dân và đã in sâu trong tâm trí thanh thiếu niên hình ảnh những đồng chí đảng viên, cờ búa liềm, hai tiếng “Cộng sản”, “độc lập- tự do”,… những từ đó bí mật truyền từ miệng người này qua miệng người khác; địch hoảng sợ tăng cường khủng bố mạnh. Tên công sứ Pháp và tên Quản Đạo Ngô Đình Nhiệm cho bắt 600 người và qua gạn lọc chúng đưa 347 người ra xét xử tại tòa án Nam triều ở Phan Rang ngày 14 tháng 02 năm 1931. Qua phiên toà ấy, tấm gương kiên cường của các anh Nguyễn Hữu Hưng, Trần Thi, Trần Kỷ, Nguyễn Hữu Tuấn, Phạm Duy Tảo,… trước kẻ thù càng làm cho quần chúng thanh niên tin vào Đảng, tin vào thắng lợi ngày mai. Kẻ thù đã kết án các anh từ 01 năm đến 05 năm tù, một số thanh niên bị kết án từ 06 tháng đến 01 năm tù treo vì chưa đủ cơ sở để kết tội. Sau các đợt đấu tranh bị địch khủng bố, phong trào cách mạng trong tỉnh tạm thời lắng xuống. Nhưng ảnh hưởng của cách mạng thì vẫn in sâu trong tâm trí thanh niên; lòng yêu nước của thanh niên tiếp tục được khơi dậy.
Cuối năm 1932, các anh Trần Thi và tiếp theo là Nguyễn Hữu Hương từ nhà lao Buôn Mê Thuột trở về, lần hồi thẩm tra bắt liên lạc, củng cố số cốt cán cũ và phát triển thêm số cốt cán mới ở các làng Bảo An, Vạn Phước. Đến giữa năm 1932 ở các làng Bảo An, Vạn Phước ta đã xây dựng được 10 cốt cán cách mạng (trong đó hơn một nữa là thanh niên).
Trong những năm 1936-1939, chủ nghĩa Phát xít đã hình thành và nguy cơ một cuộc chiến tranh thế giới lần thứ II có thể nổ ra. Trước nguy cơ đó, tháng 7/1935 Quốc tế cộng sản đã tổ chức Đại hội bàn về việc thành lập Mặt trận Nhân dân chống Phát xít, ngăn chặn chiến tranh và đấu tranh đòi dân sinh dân chủ. Đến tháng 7/1936 Trung ương Đảng quyết định thành lập Mặt Trận Nhân dân Phản Đế Đông Dương. Ở Ninh Thuận lúc bấy giờ có phong trào chống sưu, tô, đòi tăng lương,… của nông dân và công nhân thường xuyên nổ ra.
Sau khi đồng chí Nguyễn Hữu Hương ra Huế tìm gặp các đồng chí xứ ủy Trung kỳ về đã phổ biến những chủ trương của Đảng cho đảng viên, cốt cán và bàn kế hoạch thực hiện. Tại làng Vạn Phước các đồng chí Trần Thi, Mai Mạnh hướng dẫn cốt cán tập hợp quần chúng (phần lớn là lực lượng thanh niên) vào các tổ chức công khai và nửa công khai như: Hội Bóng đá, Hội Tương tế… Thông qua cốt cán và các tổ chức hợp pháp các anh lãnh đạo nông dân và thanh niên ở Vạn Phước, Trường Sanh, Thuận Hòa,… đấu tranh đòi giảm tô, hạ lúa ngữ; đấu tranh đòi chính quyền giảm sưu thuế và đi phu, làm xâu. Tại các làng An Xuân, Nhơn Hòa, Đắc Nhơn, Cầu Chuối các anh Trần Thiều, Trần Thiện lãnh đạo nông dân và thanh niên địa phương chống tên địa chủ Đuy-Van (đã chiếm đoạt ruộng đất của nông dân) và đấu tranh đòi giảm mức lúa ngữ, đòi được tự do khai hoang đất ở Suối Dầu để làm rẫy.
Tại Tháp Chàm, các đảng viên đã lãnh đạo công nhân Đềpô phối hợp với công nhân ngành đường sắt phía Nam đấu tranh đòi tăng lương, đòi trợ cấp tiền đau bệnh, chống đuổi thợ, cúp lương. Hơn 300 công nhân đầu máy, bộ phận vận hành và công nhân cầu đường đồng loạt ngừng làm việc đòi đáp ứng những yêu sách trên. Để uy hiếp tinh thần công nhân, nhà cầm quyền Ninh Thuận cho bắt 06 công nhân đưa về Phan Rang. Công nhân vừa tiếp tục đình công, vừa kéo xuống Phan Rang đòi thả những người bị bắt, buộc chúng phải nhượng bộ. Hưởng ứng những cuộc đấu tranh của công nhân, nông dân,… nhiều anh em đánh xe ngựa tuyến đường Tháp Chàm – Phan Rang đã ngừng hoạt động và đưa yêu sách đòi không được phạt vạ vô lý và đòi giảm mức phạt.
Trên địa bàn Tổng Mỹ Tường (Ninh Hải) trong những năm 1939, 1940 sau khi phong trào vận động Mặt trận dân chủ bị địch khủng bố gắt gao, một số đảng viên cộng sản các tỉnh miền Trung phải tránh đến các địa phương xa; trong số đó các anh Ngô Quý Thành đến Vĩnh Hy, qua đầu mối anh Ngô Quận (em ruột Ngô Quý Thành). Ở đây, Ngô Quý Thành đã tuyên truyền giáo dục cách mạng và tổ chức được một số thanh niên như: Trương Trọng Xương, Trương Như Bích (Hy), Trần Phước Ấm,… sau đó thành lập tổ Thanh niên phản đế, là cơ sở cách mạng đầu tiên hoạt động bí mật theo đường lối đánh Pháp, đuổi Nhật giành độc lập cho Tổ quốc.
Năm 1941 được anh Ngô Quý Thành hướng dẫn, tổ Thanh niên phản đế do đồng chí Trương Trọng Xương làm tổ trưởng hoạt động ở Vĩnh Hy nhằm:
- Tuyên truyền giáo dục thanh niên trong làng hiểu dần cách mạng, đánh Pháp, đuổi Nhật giành độc lập, tự do.
- Chọn lọc những phần tử tiến bộ để phát triển lực lượng cơ sở và mở rộng diện phong trào cách mạng ra các làng lân cận.
- Chú ý vận động tổ chức các hội quần chúng hợp pháp với địch như: Bóng đá, Nghĩa Dũng, Vạn Lạch, Hội Chùa,… để tập hợp quần chúng xung quanh tổ Thanh niên phản đế:
+ Anh Trương Trọng Xương là tổ trưởng vận động thanh niên trong làng để thành lập Hội bóng đá.
+ Anh Trương Như Bích: vận động tuyên truyền nắm giới hào lý thành lập Hội Nghĩa Dũng nắm tầng lớp chủ mành lưới nghe thuyền thành lập Hội Vạn Lạch đoàn kết tương trợ làm ăn. Nhờ đó ở Vĩnh Hy từ những năm 1941 đã hình thành được Hội bóng đá và các Hội Vạn Lạch, Nghĩa Dũng nhưng hoạt động sôi nổi, mang sắc thái văn hóa trong làng xóm là Hội bóng đá.
Hội bóng đá do anh Trương Trọng Xương sáng lập là 01 hội quần chúng hợp pháp công khai của thanh niên, nó là áo giáp bao che cho tổ Thanh niên phản đế ở Vĩnh hy hoạt động. Hội này tập hợp gần 50 thanh niên khỏe mạnh, lực lượng sản xuất chủ lực của nghề biển Vĩnh Hy (lưới đăng và mành cơm). Vì là hội của người lớn, khi chơi bóng trên sân hoặc khi thi đấu với nhau thì lớp thanh thiếu niên thường bị loại ra. Từ đó mới có thêm Hội B (hội người lớn là Hội A), Hội B do thiếu niên tự lập riêng (tự nhận mình là Hội B) với gần 30 hội viên. Như vậy trong làng có Hội A và Hội B song song hoạt động.
Những năm 1939, 1940 khi chiến tranh thế giới lần thứ II bùng nổ, Pháp ra sức bắt thanh niên vào lính “khố đỏ”, đưa sang Pháp để đánh Phát xít Đức- Ý. Thực dân Pháp ra lời hịch kêu gọi thanh niên đi lính. Chúng bắt thanh niên học sinh phải học thuộc lòng để tuyên truyền thâm nhập vào Nhân dân và truyền đơn, áp phích dán khắp nơi, có một đoạn như sau:
“Hỡi anh em bạn tùng chinh
Vì sao nước Pháp hưng binh phen này?
Chỉ vì nước Đức cố gây
Muốn làm bá chủ Đông Tây một mình
Pháp – Anh hai nước một lòng
Quyết phò công lý chẳng dung cường quyền
Thù Phát xít với thù chung
Nếu không chinh phạt thì không hòa bình…”
Tháng 9/1941, Xứ ủy Trung kỳ cử đồng chí Trương Hoàn (Xứ ủy viên) vào Ninh Thuận, đồng chí mang theo tinh thần Nghị quyết Trung ương Đảng lần thứ 8 và chương trình hành động của Việt Minh. Tại Khánh Hội và Vĩnh Hy, đồng chí Trương Hoàn đã bắt mối với các cơ sở trước đây, nhờ đó tổ Thanh niên phản đế và các tổ chức công khai như: Hội Vạn Lạch, Hội Tương tế, Hội Bóng đá ở Vĩnh Hy, Khánh Hội vẫn tiếp tục phát triển. Hoạt động được một thời gian ngắn, đồng chí Trương Hoàn được lệnh trên nhận nhiệm vụ khác, Xứ ủy Trung kỳ cử đồng chí Trần Xuân Miên vào thay.
Tháng 3/1942, địch bắt các anh Xương, Bích, Ấm và giải tán Hội đá bóng, chúng kết án các anh Xương, Bích, Ấm can tội hoạt động chính trị nên mỗi người bị 03 năm tù giam, còn số hội viên Hội bóng đá thì xử riêng không dính đến án làm chính trị nên bị kết tội là lập Hội trái phép, bị án tù treo và phạt tiền.
Sự kiện tháng 3/1942 xảy ra ở Vĩnh Hy, Khánh Hội (một nơi hẻo lánh) đã giúp cho thanh niên ở đây sáng mắt, sáng lòng, nhận ra phần nào chiều sâu của cuộc sống là dân nô lệ, biết đâu là đúng, là phải làm, biết rõ cộng sản không phải là ăn cướp như bọn cầm quyền đương thời rêu rao lừa mị. Các anh mắt sáng ra thấy đời mình may mắn, được học một bài học “một ngày thời gian mà hiểu biết bằng bảy năm đèn sách ở nhà trường đế quốc phong kiến”. Bắt bớ, tra tấn, tù đày những người cộng sản không làm nhụt chí các anh mà ngược lại “một thân ngã trăm ngàn thân đứng dạy”. Từ những suy nghĩ, nhận thức ban đầu khiến các anh rủ nhau vào nhà lao Phan Rang thăm các đồng chí Trương Trọng Xương, Trương Như Bích, Trần Phước Ấm() để tìm hiểu cách mạng.
Sau một thời gian tình hình lắng dịu dần, anh Nguyễn Văn Duyệt (Mười Liêm) đã thuyết phục được một số kỳ cựu trong làng ưa thích và ủng hộ thanh niên như các ông Nguyễn Văn Mão, Châu Đình Ba, Võ Duy Kiên (Phó Lý) và sau đó anh đã tiến hành bàn việc lập Hội Nghĩa Đoàn, Hội Tương tế nhằm mục đích là giúp đỡ việc ma chay, cưới hỏi, giữ gìn trật tự an toàn trong thôn xóm chống lại tai họa cướp bóc. Do mục tiêu của Hội phù hợp với lòng người nên Hội không những tập hợp được thanh niên mà hầu hết các gia đình trong làng đều tham gia đông đảo; thanh niên cứ ìm lìm chơi bóng đá. Dựa vào Hội Nghĩa Đoàn, Hội Tương tế một số thanh niên được tuyên truyền cách mạng và một số cơ sở cách mạng được xây dựng làm nòng cốt trong Hội Nghĩa Đoàn và Hội bóng đá, nhờ đó tại các thôn Vĩnh Hy, Khánh Hội phong trào cách mạng của thanh niên dần dần được khôi phục lại.
Tháng 5/1943, đồng chí Trần Tín một chính trị phạm quê Bình Định sau khi mãn hạn tù (Ở nhà lao Buôn Mê Thuột), để tránh sự theo dõi của địch và tiếp tục hoạt động, anh đã tìm đến thôn Mỹ Tường (Tổng Mỹ Tường); bằng nhiều nghề như: thợ may, thợ làm gạch ngói, thợ mộc, dạy học,… anh đã đến nhiều thôn như: Mỹ Tường, Khánh Nhơn, Khánh Tường, Phương Cựu, Thái An, Vĩnh Hy, Mỹ Hòa… để tuyên truyền giác ngộ cho một số thanh niên yêu nước; riêng ở Vĩnh Hy đồng chí Trần Tín cùng với các anh Thọ, Nguyễn Việt Đoàn lập trại thợ mộc để kiếm sống, gây dựng cơ sở và giác ngộ được nhiều thanh niên vốn có cảm tình với Đảng từ trước. Số thanh niên hoạt động trong các Hội Tương tế, Hội bóng đá ở Tổng Mỹ Tường như các anh La Quang Hòa, Nguyễn Văn Duyệt, Nguyễn Thượng Trung, Bùi Minh Huệ, Võ Tất, Nguyễn Việt Đoàn… lần lượt được đồng chí Trần Tín phân công phổ biến cách tuyên truyền và sau đó kết nạp họ vào tổ Thanh niên cứu quốc chuẩn bị lực lượng sẵn sàng đánh Pháp, đuổi Nhật. Giữa năm 1944, đồng chí Lê Tự Nhiên mãn hạn tù ở Buôn Ma Thuột, địch đưa về an trú tại Phú Bài (Thừa Thiên). Trên đường đi, anh trốn và quay vào Tháp Chàm tìm đến nhà đồng chí Nguyễn Hữu Hương (là người đã quen biết trong tù). Qua đồng chí Hương, đồng chí Nhiên liên lạc được với các đồng chí Trần Thi, Trần Tín và nhiều thanh niên cốt cán ở Tháp Chàm, Dư Khánh, Mỹ Tường,… đồng chí Lê Tự Nhiên được đồng chí Nguyễn Đối che dấu tại nhà. Sau một thời gian hoạt động, đầu năm 1945, đồng chí Lê Tự Nhiên làm Chủ nhiệm và phân công các đồng chí về làm Chủ nhiệm Việt Minh các Tổng Mỹ Tường, Phú Quý, Vạn Phước, Đắc Nhơn, Kinh Dinh,… Kể từ đây, phong trào đấu tranh cách mạng của các tầng lớp thanh thiếu niên tỉnh Ninh Thuận có sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy Lâm thời; cùng thời gian đồng chí Lê Tự Nhiên đến Ninh Thuận còn có đồng chí Nguyễn Duy Tính một cán bộ Mặt trận dân chủ làm trong Hỏa xa Nha Trang đến Đềpô Tháp Chàm tuyên truyền chủ trương đánh Pháp đuổi Nhật của Việt Minh cho thanh niên trong công nhân Đềpô.
Tháng 5/1944, với danh nghĩa là ủy viên của Hội Hướng đạo Trung kỳ, đồng chí Tính đã thành lập Tráng đoàn Hướng đạo Ninh Thuận(). Qua tổ chức công khai hợp pháp, đồng chí Tính đã tuyên truyền phát triển cơ sở, xây dựng cốt cán Việt Minh. Các cán bộ cốt cán trong các toán Hướng đạo như: Toán Hướng đạo Tháp Chàm có các anh Nguyễn Duy Tính, Lê Cát, Trần Thành Hy, Trương Đình Thâm; Toán Phan Rang có Nguyễn Văn Nhu, Nguyễn Phùng, Phạm Văn Thêm, Nguyễn Văn Giai; Toán Dư Khánh có Nguyễn Thúc Khôi, Huỳnh Sĩ, Châu Tuận,… còn ở Phú Quý có 3 tráng sinh do anh Nguyễn Ngọc Lân làm huynh trưởng. Tại thị xã Phan Rang- Tháp Chàm các Tráng Đoàn đã tổ chức diễn vở kịch “Sát Thát” có tác dụng thúc đẩy tinh thần yêu nước trong Nhân dân nhất là số thanh thiếu niên. Ngoài ra Hướng đạo sinh còn lập Ban cứu tế quyên góp lương thực, tiền bạc giúp đồng bào miền Bắc đang bị nạn đói và phong trào truyền bá chữ quốc ngữ.
Tháng 4/1945, các anh Lê Chưởng, Lê Hàn (quê Quảng Trị), sau khi ra khỏi nhà tù Buôn Ma Thuột cũng về Tháp Chàm tìm gặp đồng chí Nguyễn Hữu Hương (đã quen trong tù) để hoạt động, các đồng chí Nguyễn Hữu Hương, Trần Thi tiếp tục tập hợp số thanh niên cốt cán thành lập “Danh dự Đội” do đồng chí Nguyễn Thám làm đội trưởng để trừ Việt gian bảo vệ cơ sở cách mạng.
Tại Đềpô xe lửa và thị trấn Tháp Chàm lúc bấy giờ, các tổ chức Thanh niên cách mạng đã được đổi thành Thanh niên cứu quốc; trong khi đó số tay sai thân Nhật cũng có âm mưu lôi kéo quần chúng thành lập Tổng đoàn Thanh niên Bảo An và Thanh niên tiền tuyến. Chúng không trừ một thủ đoạn nào như vu cáo ai ở ngoài tổ chức của chúng là Việt Minh. Nhân cơ hội này Ủy ban Việt Minh lâm thời ở các Tổng đã cài một số thanh niên cốt cán vào tổ chức của chúng để tuyên truyền về Việt Minh và nắm tổ chức Thanh niên Bảo An.
Đêm mùng 9 tháng 3/1945 Nhật đảo chính Pháp, lập tức Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị: “Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Tại Ninh Thuận, các tên cai trị Pháp và Pháp Kiều bị Nhật bắt đưa ra tập trung tại Nha Trang. Tuần Vũ Nguyên Duy Quang bỏ về Huế. Chính phủ bù nhìn thân Nhật (Trần Trọng Kim) bổ nhiệm Phan Văn Phúc làm Tỉnh trưởng. Để lừa bịp Nhân dân với nhiều bài độc lập của Nhật, tên Phan Văn Phúc tổ chức lễ mừng độc lập ngày 24/4/1945 tại sân sau Dinh Tỉnh trưởng(). Một số đồng bào ở vùng nông thôn vì ngộ nhận đã đến xem lễ, cuộc mít-tinh vừa xong thì một đoàn máy bay Mỹ kéo đến ồ ạt dội bom làm cho số đông Nhân dân vô tội thiệt mạng. Bọn Nhật và bọn quan lại người Việt không làm gì để khắc phục hậu quả sau trận Mỹ dội bom. Việt Minh Tỉnh đã vận động thanh niên ở các đội cứu sập, cứu thương lo chốn cất, thu gom đồ đạc của đồng bào bị nạn. Trước tình hình khẩn trương, cuối tháng 3/1945 tại thôn Vạn Phước, Ủy ban Việt Minh lâm thời Tỉnh họp quyết định: gấp rút phát triển lực lượng phân công hoạt động từng khu vực, nhanh chóng liên lạc với cấp trên.
Đầu tháng 4/1945, đồng chí Lê Tự Nhiên được phân công đi bắt liên lạc để xin Chỉ thị của Xứ ủy. Tại Quảng Ngãi, Lê Tự Nhiên gặp đồng chí Nguyễn Chí Thanh nhưng chưa nhận được sự chỉ đạo của Xứ ủy Trung kỳ; trở về Ninh Thuận, đồng chí báo tin “Ba Tơ khởi nghĩa thắng lợi”, đảng viên, quần chúng rất phấn khởi, phong trào cách mạng Ninh Thuận như được tiếp thêm sức mạnh. Các tổ chức vũ trang, các ban trừ gian của Việt Minh được thành lập(). Trưa ngày 16/8, đồng chí Nguyễn Tương (Bình Thuận) cũng là người đi liên lạc với cấp trên từ Nha Trang về Bình Thuận, ghé tại làng Bảo An- Tháp Chàm tìm đồng chí Nguyễn Hữu Hương và báo tin “Nhật đầu hàng Liên Xô và đồng minh”. Ngày 17/8/1945, các đảng viên chủ chốt, cán bộ lãnh đạo Mặt trận Việt Minh() họp tại làng Vạn Phước quyết định: “Đẩy mạnh vũ trang tuyên truyền, phổ biến tin Nhật đầu hàng quân đồng minh, phổ biến đường lối cứu nước của Việt Minh”, đồng thời phát động quần chúng chuẩn bị cướp chính quyền.
Đêm 19/8/1945 tại Phan Rang, anh Nguyễn Văn Nhu cùng với cốt cán Việt Minh ập vào dinh Tỉnh trưởng thuyết phục Tỉnh trưởng Phan Văn Phúc giao chính quyền cho Việt Minh đã giác ngộ được đội phó Cai Duy ngả về cách mạng, sẵn sàng làm nội ứng khi khởi nghĩa nổ ra. Ngày 20/8/1945 anh Võ Giới Sơn cùng với đội tự vệ xông vào khách sạn Rô- dăng-tan bắt tên Như mật thám của Nhật khi hắn đang ăn sáng. Trong lúc tình hình chuẩn bị khởi nghĩa ở Phan Rang sôi động như vậy thì được tin, bọn Thanh niên tiền tuyến thân Nhật (do Tư Triết cầm đầu) sẽ tổ chức mít-tinh vào chiều 21/8/1945. Lập tức lúc 12 giờ 30 phút ngày 20/8/1945 tại miếu Ngũ Hành (nằm giữa rẫy miếu làng Bảo An) Việt Minh tỉnh đã triệu tập một cuộc họp khẩn cấp. Bước vào cuộc họp, đại biểu Đềpô Tháp Chàm báo tin: ở Nha Trang Việt Minh đã cướp được chính quyền chiều ngày 19/8/1945; được tin này, Hội nghị quyết định: Biến cuộc mít-tinh công khai của Việt Minh, giương cao cờ Việt Minh, biểu dương lực lượng của ta, vạch mặt bọn Phát xít và tay sai kêu gọi quần chúng ủng hộ Việt Minh, chuẩn bị giành chính quyền.
Mười lăm giờ ngày 21/8/1945, hơn 200 “Thanh niên tiền tuyến” đã tụ tập sẵn tại sân trường Tiểu học làng Bảo An để chuẩn bị ra mắt làm lễ bọn thủ lĩnh Thanh niên tiền tuyến và hoan nghênh chính phủ Trần Trọng Kim. Ta đã bố trí 20 công nhân Đề pô, nhà đèn và Thanh niên cứu quốc có trang bị dao găm, xà beng ngắn, búa, mũi cạo,… dấu trong người. Tất cả đội ngũ và viên chức, thợ thủ công, nông dân các làng Bảo An, Vạn Phước, Trường Sanh đứng trà trộn với Thanh niên tiền tuyến trong sân trường Tiểu học Bảo An.
Bọn “Thanh niên tiền tuyến” bắt đầu làm lễ chào cờ, khi lá cờ quẻ ly do một Thanh niên tiền tuyến kéo lên thì đồng chí Lê Cát hô to: “Hạ cờ quẻ ly xuống, treo cờ đỏ sao vàng lên! Yêu cầu tất cả bà con chúng ta hoan hô Việt Minh”. Anh Đinh Văn An giật lấy dây kéo lá cờ quẻ ly xuống và buộc lá cờ đỏ sao vàng vào dây kéo lên thì bị một tên “Thanh niên tiền tuyến” xông vào xé rách một góc lá cờ đỏ sao vàng. Hành động phản bội dân tộc, dám xé rách lá cờ Tổ quốc của tên “Thanh niên tiền tuyến” phải trả một giá rất đắt, hắn bị một Thanh niên cứu quốc đánh một gậy vào đầu ngã quỵ xuống; giữa Thanh niên cứu quốc và Thanh niên tiền tuyến giằng co nhau cố kéo cho lá cờ của phía mình lên đỉnh cột cờ; quần chúng thì hô to: “Đả đảo cờ quẻ ly”. Thấy quần chúng ngã về phía cách mạng, bọn Thanh niên tiền tuyến hoang mang nhưng vẫn giành dật kéo cờ với ta; cuối cùng, chính nghĩa đã thắng: Lá cờ đỏ sao vàng được kéo lên tới đỉnh cột cờ bay lồng lộng trước hàng ngàn quần chúng như thôi thúc họ vùng lên đấu tranh giành quyền sống, giành độc lập tự do cho Tổ quốc. Trong không khí sôi động ấy, đồng chí Lê Cát, Trưởng ban chỉ huy cuộc mít-tinh vũ trang nói to trước đồng bào: “Hiện nay, chúng ta đã có mặt trận Việt Minh dìu dắt, dẫn đường; chúng ta phải đoàn kết xung quanh Việt Minh, hãy xiết chặt hàng ngũ tham gia cướp chính quyền”.
Đồng chí Lê Cát vừa dứt lời, quần chúng cách mạng liền xiết chặt hàng ngũ tham gia cuộc biểu tình của Việt Minh, cuộc mít-tinh của “Thanh niên tiền tuyến” hoàn toàn tan rã, phần đông “Thanh niên tiền tuyến” ngã theo cách mạng tham gia biểu tình. Đi đầu đoàn biểu tình là những Thanh niên cứu quốc, công nhân có trang bị gậy gộc, dao găm, xà beng, mũi cạo,… Quần chúng vừa đi vừa hô vang khẩu hiệu: “Việt Minh hoàn toàn độc lập muôn năm”. Đoàn biểu tình đến đồn Bang tá Tháp Chàm thì gặp tên Lê Mạnh (một tên tay sai đắc lực của quân đội Nhật, có nhiều nợ máu với Nhân dân), đến lúc này nó vẫn chưa thức tỉnh lại còn ngoan cố giật lấy lá cờ Việt Minh xé, dùng súng lục bắn vào đoàn biểu tình, nhưng súng không nổ. Hành động phản bội Tổ quốc của tên Mạnh bị quần chúng cách mạng trừng trị (những cây củi của đoàn biểu tình đã nện vào lưng và đầu), “Thanh niên cứu quốc” tước khẩu súng lục của tên Mạnh, trói giật cánh tay cho đi trước đoàn biểu tình.
Với khí thế của người chiến thắng, đoàn biểu tình rầm rập kéo đến bao vây đồn lính Bảo An ở Đô Vinh; 12 tên lính trong đồn có đầy đủ vũ khí, đạn dược không chịu giao đồn nhưng cũng không dám bắn vào quần chúng biểu tình. Sau một hồi thuyết phục, 12 tên lính tự nguyện giao đồn, nộp vũ khí cho quần chúng biểu tình và cùng tham gia đoàn biểu tình đến chiếm ga xe lửa và Đềpô xe lửa Tháp Chàm.
Chỉ trong vòng 2 tiếng đồng hồ, quần chúng biểu tình đã giành chính quyền trọn vẹn ở Bảo An và Đô Vinh; 17 giờ ngày 21/8, một quyết định mới của Ban chỉ huy: “Kéo luôn xuống chiếm Phan Rang (tỉnh lỵ)”. Đoàn biểu tình bao vây đồn khố xanh, cử đại biểu vào thương lượng, tất cả binh lính và đội cai sắp hàng trước đồn đón đoàn biểu tình, kho súng được mở ra phân phát cho công nhân và thanh niên. Một số ở lại giữ đồn, một số kéo ra phố làm mít-tinh ở chợ lớn, một toán kéo vào dinh Tỉnh trưởng tuyên bố chính quyền đã về tay Nhân dân; Phan Văn Phúc trao chìa khóa, chỉ kho bạc, bàn giao,… một toán vào nhà lao giải phóng tất cả tù chính trị phạm.
Trong cuộc khởi nghĩa này có đông đảo các tầng lớp thanh thiếu niên ở thị xã Phan Rang- Tháp Chàm và các làng lân cận tham gia; đến ngày 22/8 các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã phân công các đảng viên tham gia cướp chính quyền ở các Tổng Mỹ Tường, Kinh Dinh, Vạn Phước, Đắc Nhơn, Phú Quý và huyện An Phước. Cũng như ở thành thị, ở khắp vùng sâu khí thế cách mạng tháng 8/1945 được khơi dậy, đông đảo thanh niên cùng Nhân dân vùng lên như vũ bão, theo Nhân dân và thanh niên ở các làng kể cả miền núi đều nổi dậy giành chính quyền thành lập Uỷ ban Việt Minh và chính quyền cách mạng. Ngày 02/9/1945 tại Hoàng Cung (sân vận động Mỹ Đức) Nhân dân cùng thanh niên Ninh Thuận tổ chức mít-tinh trọng thể cùng Nhân dân cả nước tưng bừng đón chào ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố với thế giới: Nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa ra đời. Đến cuối tháng 9/1945, Uỷ ban Việt Minh lâm thời tỉnh mở Hội nghị bầu cử Uỷ ban Việt Minh tỉnh Ninh Thuận chính thức gồm 07 đồng chí() do đồng chí Lê Hàn- Chủ nhiệm, đồng chí Trần Nguyên Mẫn- Phó Chủ nhiệm; đến tháng 10/1945 đồng chí Lê Tự Nhiên thay làm chủ nhiệm và bầu bổ sung đồng chí Đỗ Hoành (Khoáng) vào Uỷ ban Việt Minh tỉnh và phân công phụ trách Đoàn Thanh niên cứu Quốc tỉnh Ninh Thuận. Trước và trong cách mạng tháng 8/1945 trừ một số ít đồng chí như Trần Thi, Nguyễn Hữu Hương, Trần Kỷ, Mai Mạnh, còn toàn bộ cán bộ lãnh đạo Việt Minh và chính quyền (UBNDCM lâm thời) đều ở lứa tuổi thanh niên. Từ những ngày đầu mới thành lập Đảng đã vận động quần chúng đúng đối tượng đó là thanh niên, những thanh niên có hiểu biết tiếp thu nhanh sớm giác ngộ và tham gia cách mạng, sớm trở thành lực lượng chính của cách mạng; thanh niên Ninh Thuận sớm khẳng định vai trò của mình, hình thành những chi Bộ Tân Việt đầu tiên, sau đó chuyển thành những chi Bộ cộng sản; các chi Bộ lãnh đạo thanh niên đấu tranh giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác. Khi cách mạng tháng 8 thành công, Tỉnh ủy đã xác định công tác vận động quần chúng thanh niên là hàng đầu nên đã phân công 01 ủy viên Ủy ban Việt Minh phụ trách công tác thanh niên; tuy nhiên, trong giai đoạn này lực lượng thanh niên đến với cách mạng còn ít, chủ yếu là thanh niên tri thức.
Cách mạng tháng 8/1945 thành công, dưới sự lãnh đạo của Uỷ ban Việt Minh lâm thời Tỉnh, tuổi trẻ Ninh Thuận đã đánh đổ hệ thống chính quyền tay sai thực dân Pháp, Phát xít Nhật từ tỉnh đến cơ sở giành chính quyền về tay mình; chỉ trong một thời gian ngắn từ tháng 8/1945 đến tháng 01/1946 được sống trong độc lập tự do, thanh niên Ninh Thuận đã tham gia xây dựng chính quyền đoàn thể, xây dựng dân quân tự vệ khắp các làng xã, tham gia giải phóng quân, luyện tập quân sự, đẩy mạnh sản xuất, tham gia đánh đuổi tàn quân Nhật ở Phan Rang- Tháp Chàm và chuẩn bị kháng chiến chống thực dân Pháp quay trở lại xâm chiếm quê hương.
(còn tiếp kỳ sau…)
Lịch sử Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và phong trào thanh thiếu nhi tỉnh Ninh Thuận (1930-2010)
Trong tài liệu sinh hoạt chi Đoàn, chúng tôi xin gửi đến các bạn đoàn viên, thanh niên, các tổ chức Đoàn về một số chính sách mới có hiệu lực từ tháng 2/2019:
Kiểm lâm bị thương được hưởng chính sách như thương binh
Nghị định đầu tiên của năm 2019 là Nghị định 01/2019/NĐ-CP về Kiểm lâm và lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng.
Theo Nghị định này, kiểm lâm được hưởng chế độ lương theo ngạch, bậc, chức vụ và các chế độ khác theo quy định của pháp luật.
Kiểm lâm trong khi trực tiếp làm nhiệm vụ bị thương được hưởng chế độ, chính sách như thương binh, bị hy sinh được công nhận liệt sĩ theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng.
Trong khi thực hiện nhiệm vụ, kiểm lâm được trang bị và sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ theo quy định để thực hiện nhiệm vụ quản lý rừng, tuần tra, kiểm tra, đấu tranh, ngăn chặn xử lý các hành vi vi phạm lĩnh vực lâm nghiệp.
Nghị định này được ban hành ngày 1/1/2019, có hiệu lực từ ngày 15/2/2019.
Hướng dẫn xác định tuổi của người bị buộc tội dưới 18 tuổi
Theo Thông tư liên tịch 06/2018/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH, việc xác định tuổi của người bị buộc tội, người bị hại dưới 18 tuổi căn cứ vào một trong các giấy tờ sau:
- Giấy chứng sinh; Giấy khai sinh;
- Chứng minh nhân dân; Thẻ căn cước công dân; Sổ hộ khẩu; Hộ chiếu.
Nếu các giấy tờ trên có mâu thuẫn thì cơ quan tố tụng phải phối hợp với gia đình, người đại diện, nhà trường, đoàn thanh niên… để hỏi, lấy lời khai, hoặc tìm các tài liệu khác chứng minh về tuổi của người đó.
Thông tư liên tịch này có hiệu lực từ ngày 5/02/2019.
Lộ trình chuyển đổi thẻ ATM sang thẻ chip
Lộ trình này được bổ sung tại Thông tư 41/2018/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 19/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động thẻ ngân hàng.
Lộ trình chuyển đổi được quy định như sau:
- Đến 31/12/2019, ít nhất 35% ATM, 50% thiết bị chấp nhận thẻ tại điểm bán tuân thủ tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa;
- Đến 31/12/2020, 100% ATM và thiết bị chấp nhận thẻ tại điểm bán tuân thủ tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa;
Trong thời gian chuyển đổi, tổ chức phát hành thẻ và tổ chức thanh toán thẻ phải đảm bảo hoạt động thẻ diễn ra liên tục, ổn định, an toàn và bảo đảm quyền lợi hợp pháp của chủ thẻ.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 18/02/2019.
Doanh nghiệp siêu nhỏ không bắt buộc phải có kế toán trưởng
Chế độ kế toán cho doanh nghiệp siêu nhỏ được thực hiện theo Thông tư 132/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính từ ngày 15/02/2019.
Chế độ này áp dụng cho năm tài chính bắt đầu hoặc sau ngày 01/04/2019, có một số điểm đặc biệt sau:
- Về tổ chức bộ máy: Doanh nghiệp siêu nhỏ được bố trí phụ trách kế toán mà không bắt buộc phải có kế toán trưởng.
- Về Sổ kế toán: Doanh nghiệp siêu nhỏ được tự xây dựng biểu mẫu sổ kế toán phù hợp. Nếu không tự xây dựng được thì sử dụng biểu mẫu và phương thức ghi chép tại Thông tư này;
- Về phương pháp kế toán: Doanh nghiệp siêu nhỏ không có nhu cầu thì không bắt buộc phải mở các tài khoản kế toán mà chỉ ghi đơn trên sổ kế toán để theo dõi các khoản doanh thu và thu nhập…
Quy định mới về thời gian tập sự đối với giáo viên, giảng viên
Từ ngày 8/2/2019, Thông tư 31/2018/TT-BGDĐT về thời gian tập sự theo chức danh nghề nghiệp giáo viên, giảng viên trong các cơ sở giáo dục công lập bắt đầu có hiệu lực.
Theo đó, để được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp giáo viên/giảng viên, người trúng tuyển phải thực hiện thời gian tập sự trong các trường hợp cụ thể như sau:
- Tuyển dụng vào chức danh nghề nghiệp giảng viên hạng III, giáo viên THPT hạng III, giáo viên dự bị đại học hạng III phải thực hiện thời gian tập sự 12 tháng (quy định hiện hành giáo viên THPT chỉ cần tập sự 9 tháng);
- Tuyển dụng vào chức danh giáo viên THCS hạng III phải thực hiện thời gian tập sự 9 tháng;
- Tuyển dụng vào chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng IV, giáo viên tiểu học hạng IV phải thực hiện thời gian tập sự 6 tháng.
Thời gian tập sự trên áp dụng kể từ ngày 15/01/2019, những trường hợp tuyển dụng trước ngày 15/01/2019 thì thực hiện theo quy định tại Thông tư 05/2016/TT-BGDĐT ngày 21/3/2016.
Chính thức có Chương trình giáo dục phổ thông mới
Chương trình giáo dục phổ thông mới đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành tại Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018.
Đáng chú ý, có nhiều môn học mới sẽ xuất hiện trong Chương trình học của nhiều cấp học, điển hình như:
- Cấp tiểu học: Có môn học mới là Tin học và Công nghệ, bên cạnh các môn học trước đây như: Tiếng Việt, Toán, Ngoại ngữ, Đạo đức, Tự nhiên và Xã hội, Lịch sử và Địa lý…
- Cấp trung học cơ sở: Môn Tin học trở thành môn học bắt buộc, ngoài ra môn Lịch sử và Địa lý, Khoa học và Tự nhiện sẽ có cách thức tổ chức mới.
- Cấp trung học phổ thông: Học sinh được lựa chọn học theo nhóm Khoa học Xã hội (gồm các môn Giáo dục kinh tế và pháp luật, Lịch sử, Địa lý); nhóm Khoa học tự nhiên (gồm các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học); nhóm Công nghệ và nghệ thuật (gồm Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật).
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15/02/2019.
Bổ sung nhiều nhà tù để xác nhận người hoạt động cách mạng
Thông tư 02/2019/TT-BLĐTBXH đã thay đổi Danh mục nhà tù và những nơi bị coi là nhà tù trong các thời kỳ kháng chiến để xem xét xác nhận người hoạt động cách mạng hoặc hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đầy.
Danh mục mới bổ sung loạt nhà tù và những nơi được coi là nhà tù, như:
- Tại tỉnh An Giang, có thêm tiểu khu Long Xuyên, tiểu khu Châu Đốc, chỉ khu quận An Phú, chỉ khu quận Tân Châu, chỉ khu quận Chợ Mới, chủ khu Huệ Đức…
- Tại tỉnh Bắc Giang, có thêm đồn Con Voi xã Trung Sơn, huyện Việt Yên; Bốt Kim Sa xã Đan Hội, huyện Lục Nam…
Ngoài ra, Thông tư còn nêu cụ thể thời gian tồn tại của các nhà tù nói trên.
Thông tư này được ban hành ngày 08/01/2019, có hiệu lực từ ngày 21/02/2019.
Ban hành danh mục 13 sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia
Nội dung đáng chú ý này được quy định tại Thông tư 37/2018/TT-BNNPTNT về danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia.
Theo đó, 13 sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia được hỗ trợ theo Nghị định 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 bao gồm:
- Gạo; Cà phê; Cao su; Điều; Hồ tiêu;
- Chè; Rau, quả; Sắn và sản phẩm từ sắn;
- Thịt lợn; Thịt và trứng gia cầm;
- Cá tra; Tôm; Gỗ và sản phẩm từ gỗ.
Thông tư 37/2018/TT-BNNPTNT bắt đầu có hiệu lực từ ngày 8/02/2019.
Nguồn:https://vietnammoi.vn
Cô gái khởi nghiệp thành công từ tháng lương cuối cùng
Sau khi lãnh tháng lương cuối cùng ở công ty cũ, cô gái 24 tuổi đã dùng số tiền 10 triệu đồng để gây dựng cho mình một thương hiệu túi xách thủ công mỹ nghệ. Hiện nay túi xách của cô được xuất đi nhiều nước trên thế giới.
Từ lời thách thức của ông chủ
Nguyễn Xuân Diệu (28 tuổi) tốt nghiệp ngành quản trị kinh doanh một trường ĐH ở TP.HCM. Sau khi tốt nghiệp, Diệu làm thư ký - trợ lý cho giám đốc của một công ty sản xuất túi xách thủ công mỹ nghệ. Tuy vị trí công việc chủ yếu liên quan đến văn phòng, nhưng trên thực tế, Diệu được giám đốc giao khá nhiều việc. Chính vì vậy, Diệu phải làm quen với tất cả các khâu để có thể sản xuất ra một chiếc túi xách.
Trong quá trình làm việc, Diệu cảm thấy công việc rất phù hợp và thú vị, nên cô đã lăn xả vào tìm hiểu, học hỏi, làm việc không biết mệt. Ngoài giờ làm việc, Diệu đi học thêm tiếng Anh và khóa thiết kế trên phần mềm Photoshop. Nhận thấy tiềm năng của sản phẩm này là rất lớn, nhiều khách hàng đến từ Nhật, Pháp, Úc, Mỹ có nhu cầu ngày càng cao, Diệu nói với ông chủ nên sáng tạo thêm mẫu mới để đáp ứng kỳ vọng của khách hàng. Tuy nhiên, vị giám đốc này lại không đồng tình, chỉ muốn an toàn với những mẫu mã truyền thống.
Xuân Diệu với sản phẩm túi xách Mila của mình.
Có lần, một khách hàng nước ngoài yêu cầu thiết kế và sản xuất một mẫu túi xách hoàn toàn mới nhưng giám đốc của Diệu ngại làm vì thấy khó. Diệu bèn đề xuất để mình làm thử. Về nhà mày mò thiết kế ra 8 mẫu từ ý tưởng của khách, thì Diệu được khách ưng ý tới 6 mẫu và quyết định ký hợp đồng với đơn hàng lên tới cả ngàn chiếc. Hào hứng với thành công đó, Diệu tiếp tục đưa ra ý tưởng về những mẫu mã mới với mong muốn công ty phát triển, đột phá nhưng không được giám đốc ủng hộ. Quá ức chế, Diệu nói với sếp: “Nếu anh không làm, em sẽ tự làm!”. Giám đốc đáp lại: “Em không bao giờ đủ khả năng để làm riêng đâu!”.
Cảm thấy vừa bất lực, vừa tự ái, Diệu quyết định nghỉ việc và nhận tháng lương cuối cùng là 11 triệu đồng. Diệu về quê ở Đồng Tháp 2 tháng, sau khi suy nghĩ, cô bắt đầu lên kế hoạch cho một hành trình mới, khởi nghiệp với số tiền còn lại - 10 triệu đồng.
Mất bạn bè, người yêu vì ham việc
Lúc đầu, ba mẹ của Diệu phản đối kịch liệt vì công việc này đã khiến Diệu mắc bệnh viêm mũi dị ứng (hậu quả của việc xuống xưởng tiếp xúc quá nhiều với nguyên liệu trong quá trình xử lý). Tuy nhiên, thấy con quá tâm huyết, nên gia đình cô đã chấp thuận.
Trong 2 tháng về quê, Diệu đã nhờ một người thợ thân thiết trong công ty cũ về dạy đan cho những người nông dân ở đây. Vì số vốn chỉ vỏn vẹn 10 triệu đồng, Diệu đã tự thiết kế mẫu, rồi lên TP.HCM mua phụ kiện (dây, vải…) tự may thành chiếc túi hoàn thiện. Lúc đầu chỉ có 3-4 mẫu, Diệu bắt đầu đi chào hàng. Bán được chiếc nào, Diệu có tiền lại tiếp tục làm thêm những mẫu mới. 9 tháng sau, Diệu đã xin giấy phép kinh doanh cho sản phẩm của mình.
Đến nay, sau 4 năm gầy dựng, sản phẩm của Diệu đã xuất đi rất nhiều nước Mỹ, Úc, Pháp, Nhật… với mẫu mã phong phú, được nhiều khách hàng hài lòng.
Diệu cho biết: “Thường mỗi đơn hàng của em ít nhất là 500 chiếc, nhiều nhất là 5.000 chiếc. Khi có hợp đồng, em đưa mẫu về quê cho khoảng 60 anh chị trong xã và xã kế bên làm. Em luôn cố gắng để có được nhiều đơn hàng, không chỉ cho mình, mà còn tạo công ăn việc làm cho nhiều người khác, giúp họ có thu nhập từ 3-5 triệu/tháng, tùy vào số lượng sản phẩm”. Được biết doanh thu năm 2017 của Diệu là 3,6 tỉ đồng.
Chia sẻ về quá trình khởi nghiệp, Diệu cho rằng nhờ có “máu” kinh doanh, có đam mê, nhiệt huyết với công việc, có sự hứng thú với những chiếc túi xách xinh xắn được làm từ những nguyên liệu độc đáo, mà mình có được sự thành công như hôm nay. Nhưng khó khăn đến với Diệu cũng nhiều vô kể.
“Mặc dù mình đã có sự am hiểu và có kinh nghiệm, nhưng có những tình huống hết sức bất ngờ trong quá trình kinh doanh làm mình dễ chùn bước. Chẳng hạn, có lần mình xuất 5.000 giỏ xách trị giá 420 triệu đồng sang Pháp, gặp thời tiết bên đó lạnh nên lớp sơn hồng trang trí trên ngoài rớt hết ra. Quá lo sợ uy tín bị mất, mình nói với khách sẽ làm lại, nhưng may quá vị khách này đã thông cảm, chỉ yêu cầu làm lại hơn 100 chiếc. Đó là một bài học xương máu cho sự chủ quan, bất cẩn. Rồi có vị khách kia ký đơn hàng 300 triệu đồng, hàng đã nhận đủ nhưng đến nay 2 năm rồi vẫn nợ 160 triệu đồng. Thời điểm đó trong túi mình không còn tiền để trả cho thợ, nên phải cầu cứu ba mẹ. Đó là những lần mình muốn bỏ cuộc”, Diệu kể lại.
Hỏi về những “được, mất” sau 4 năm khởi nghiệp, cô gái mạnh mẽ, đầy quyết đoán này cho biết cái được lớn nhất là mình đã vượt qua giới hạn của bản thân để làm được điều mình yêu thích, mong muốn nhất, và chứng minh cho ông chủ cũ thấy mình hoàn toàn có thể làm được. Cái được thứ 2 là “kiếm được rất nhiều đơn hàng, tạo được việc làm cho nhiều người. “Nhưng mình cũng mất khá nhiều đấy. Mất người yêu. Bạn trai mình đã chia tay mình vì thấy mình tham công tiếc việc, không dành thời gian đi chơi. Yêu nhau gì mà 1-2 tuần mới gặp nhau một lần. Bạn bè rủ đi chơi, đi cà phê hoài mà mình bận nên giờ cũng nghỉ chơi với mình luôn”, Diệu ngậm ngùi. Tuy nhiên, công việc đã mang lại niềm vui và khiến mình quên đi những nỗi buồn khác. Mình có những đối tác thân thiết tuyệt vời, sẵn sàng bay từ Singapore, Pháp qua chơi, đi ăn đi uống, chia sẻ chuyện công việc, cuộc sống”, Diệu chia sẻ.
Nguồn: thanhgiong.vn
Xuân và Tuổi trẻ
Nhạc: La Hối
Thơ: Thế Lữ
Ngày thắm tươi bên đời xuân mới,
Lòng đắm say bao nguồn vui sống.
Xuân về với ngàn hoa tươi sáng,
Ta muốn hái muôn ngàn đóa hồng.
Ngày thắm tươi bên đời xuân mới,
Lòng đắm say bao nguồn vui sống.
Xuân về với ngàn hoa tươi sáng,
Ta muốn luôn luôn cười với hoa .
Xuân thắm tươi, én tung bay cao tít trời,
Vui sướng đi, cao tiếng ca mừng vui reo
Đừng để lòng thổn thức tình mê đắm
Ta trẻ vui, ta trẻ vui đời xuân thắm tươi
Xuân thắm tươi, én tung bay cao tít trời,
Vui sướng đi, cao tiếng ca mừng reo
Đừng để lòng thổn thức tình mê đắm
Ta trẻ vui, ta trẻ vui đời xuân thắm tươi
Vui sướng đi cho đời tươi sáng,
Vui sướng đi cho lòng thêm tươi,
Ta hát ca đón mừng xuân mới,
Ta hát ca cho lòng thêm hăng hái
Hát vang lên đời ta thắm tươi,
Tiết xuân huy hoàng muôn sắc hoa
Tiết xuân êm đềm muôn tiếng ca
Hát vang hòa lòng thêm hăng hái
Hát vang lên đời ta thắm tươi,
Tiết xuân huy hoàng muôn sắc hoa
Tiết xuân êm đềm muôn tiếng ca,
Xuân tưng bừng ...
|