Ông Nguyễn Văn Lý. Ảnh: VGP
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Chính phủ, Phó Tổng giám đốc NHCSXH Nguyễn Văn Lý cho biết: Theo Quyết định 1196/QĐ-TTg ngày 19/7/2013 của Thủ tướng Chính phủ, trong năm học này, mức cho vay được tăng 100.000 đồng/tháng/HSSV, tức là 11 triệu đồng/HSSV/năm.
Dự kiến học kỳ I, lượng vốn tăng thêm khoảng 650 tỷ đồng trong tổng số vốn cho vay học kỳ I khoảng 3.000 tỷ đồng, còn dự kiến cả năm sẽ cho vay khoảng 5.500 tỷ đồng.
Nếu như những năm trước, đến kỳ cho vay, NHCSXH cũng chật vật về nguồn vốn, thì năm nay đã đảm bảo được nhờ vào việc thu hồi vốn đến hạn của các HSSV ra trường, đi làm. Ngay cả với mức cho vay mới, lượng vốn thu hồi đã đủ để cho vay quay vòng tiếp.
Do vậy, “đến thời điểm này NHCSXH đã chuẩn bị đủ vốn để đảm bảo tất cả các HSSV đủ điều kiện đều được vay vốn đi học”, ông Lý khẳng định.
Cụ thể, NHCSXH dự kiến năm 2013 sẽ thu nợ chương trình HSSV được khoảng 5.500 tỷ đồng đủ để quay vòng cho vay tiếp. Hiện nay, nợ quá hạn chỉ khoảng 0,46% trên tổng dư nợ, chỉ bằng một nửa so với tỷ lệ nợ quá hạn chung của các chương trình tín dụng của NHCSXH (khoảng 0,91%). Theo ước tính, có tới 30 - 40% hộ vay có điều kiện đã trả nợ sớm trước thời hạn.
Ông Lý cho biết thêm: Khác với các chương trình tín dụng ưu đãi khác mà NHCSXH đang triển khai là theo kế hoạch “cứng”, chương trình tín dụng HSSV quản lý theo “định tính” với mục tiêu “không để HSSV nào vì khó khăn tài chính mà phải nghỉ học”, tức là cứ đúng đối tượng, có nhu cầu là NHCSXH ưu tiên cho vay.
Do vậy bên cạnh việc bảo đảm nguồn vốn, để đáp ứng nhu cầu vay của HSSV tăng cao trong thời điểm nhập học, NHCSXH sẽ tăng phiên giao dịch tại xã để giảm chi phí đi lại cho nhân dân.
Bên cạnh đó, toàn bộ hệ thống 203.000 Tổ tiết kiệm và vay vốn, gần 11.000 điểm giao dịch tại xã, cùng các Phòng giao dịch cấp huyện, chi nhánh cấp tỉnh của NHCSXH trong cả nước đã sẵn sàng phục vụ giúp HSSV nghèo tiếp cận nguồn vốn thuận lợi nhất để chắp cánh ước mơ tới trường.
Chính sách cho vay vốn đối với HSSV của NHCSXH được thực hiện theo Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg ngày 27/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với học sinh, sinh viên đã và đang giúp nhiều HSSV có điều kiện trang trải chi phí học tập.
Sau 5 năm thực hiện, đã có hơn 3 triệu lượt HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn để đi học. Đến nay đang còn gần 1,8 triệu hộ gia đình đang vay vốn cho trên 2,1 triệu HSSV đi học.
5 nhóm đối tượng được vay vốn
HSSV có hoàn cảnh khó khăn theo học tại các trường đại học (hoặc tương đương đại học), cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và tại các cơ sở đào tạo nghề được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam, gồm:
1. HSSV mồ côi cả cha lẫn mẹ hoặc chỉ mồ côi cha hoặc mẹ nhưng người còn lại không có khả năng lao động.
2. HSSV là thành viên của hộ gia đình thuộc một trong các đối tượng: Hộ nghèo theo tiêu chuẩn quy định của pháp luật; hộ gia đình có mức thu nhập bình quân đầu người tối đa bằng 150% mức thu nhập bình quân đầu người của hộ gia đình nghèo theo quy định của pháp luật.
3. HSSV mà gia đình gặp khó khăn về tài chính do tai nạn, bệnh tật, thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh, trong thời gian theo học có xác nhận của UBND xã, phường, thị trấn nơi cư trú.
4. Bộ đội xuất ngũ theo học tại các cơ sở dạy nghề thuộc Bộ Quốc phòng và các cơ sở dạy nghề khác thuộc hệ thống giáo dục quốc dân theo quy định tại Quyết định số 121/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
5. Lao động nông thôn trong độ tuổi lao động, có trình độ học vấn và sức khỏe phù hợp với nghề cần học, học nghề trong các trường: Cao đẳng, trung cấp nghề, trung tâm dạy nghề, trường đại học, trung cấp chuyên nghiệp của các Bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, các cơ sở đào tạo nghề khác theo quy định tại Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ. |