Với tình cảm yêu nước thương dân vô hạn, năm 1911 Người đã rời Tổ quốc đi sang phương Tây để tìm con đường giải phóng dân tộc. Người đi đến nước Pháp và nhiều nước châu Âu, châu Á, châu Phi, châu Mỹ. Người hòa mình với những công nhân và những người dân thuộc địa, vừa lao động để sống, vừa học tập, nghiên cứu các học thuyết cách mạng. Năm 1917, thắng lợi vang dội của cách mạng tháng Mười Nga đã đưa Hồ Chủ tịch đến với chủ nghĩa Mác - Lênin.
Tháng 6/1925, Người tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội, mà hạt nhân là Cộng sản Đoàn, đồng thời ra báo Thanh niên và mở lớp huấn luyện đào tạo hàng trăm cán bộ đưa về nước hoạt động. Ngày 3/2/1930, Người triệu tập hội nghị hợp nhất tại Cửu Long (Hương Cảng) để thống nhất các nhóm cộng sản trong nước thành Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ ngày 3/2 đến ngày 7/2/1930, Người chủ trì hội nghị ở bán đảo Cửu Long (Hương Cảng – Trung Quốc) nhằm hợp nhất 3 tổ chức cộng sản vừa mới thành lập ở Việt Nam thành một Đảng duy nhất lấy tên là Đảng Cộng Sản Việt Nam. Sự kiện thành lập Đảng có ý nghĩa quan trọng bước ngoặt trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào cách mạng của nước ta phát triển mạnh mẽ. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng luôn luôn chú ý đến lực lượng thanh thiếu nhi để tập hợp vào tổ chức, hoà vào làn sóng cách mạng của cả dân tộc nhằm đấu tranh giành độc lập tự do và xây dựng Tổ quốc. Tháng 10/1930, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ nhất (khóa I) đã đề cập đến tổ chức thiếu nhi và thiếu niên cách mạng Hồng nhi Đoàn và giao cho Đoàn thanh niên phụ trách...
Tháng 3/1931, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần II đã quyết định thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Việt Nam nay là Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Ngay sau đó, ngày 15/5/1941 tại thôn Nà Mạ, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, Hội Nhi đồng Cứu quốc được thành lập và là thành viên của Mặt trận Việt Minh, hoạt động theo điều lệ của Mặt trận Việt Minh với nội dung "Dự bị đánh Tây, đánh Nhật làm cho Việt Nam hoàn toàn độc lập".
Ngày đầu tiên thành lập, Đội có 5 đội viên là Nông Văn Dền mang bí danh là Kim Đồng, Nông Văn Thàn là Cao Sơn, Lý Văn Tịnh là Thanh Minh, Lý Thị Nì là Thủy Tiên và Lý Thị Xậu là Thanh Thủy; Kim Đồng được bầu làm đội trưởng. Từ ngày ấy đến nay, theo sự nghiệp cách mạng của Đảng và được Đoàn phụ trách, Đội càng ngày càng phát triển. Theo từng thời kỳ, Đội đã đổi tên cho phù hợp với yêu cầu của cách mạng và nguyện vọng của thiếu niên, nhi đồng như Đội Nhi đồng Cứu quốc, Đội Thiếu niên Tháng Tám, Đội Thiếu niên tiền phong Việt Nam và ngày 30/01/1970 thể theo nguyện vọng của thiếu niên, nhi đồng cả nước, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ra Nghị quyết cho Đội được mang tên Bác Hồ kính yêu: Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh.
Suốt 2 cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, lớp lớp thiếu nhi Việt Nam ở hai miền Nam, Bắc đã góp phần nhỏ bé của mình vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc như: Phong trào Trần Quốc Toản do Bác Hồ phát động năm 1948, phong trào “Vì miền Nam ruột thịt”, “Việc nhỏ, chí lớn, chống Mỹ cứu nước”, “Làm nghìn việc tốt thực hiện 5 Điều Bác Hồ dạy”, đã có nhiều tập thể Đội và cá nhân đội viên giành danh hiệu “Cháu ngoan Bác Hồ”, nhiều đội viên thiếu niên tiền phong đã trở thành dũng sĩ diệt Mỹ, diệt ngụy, các anh hùng thiếu nhi quên thân mình hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, xây dựng xóm làng như Trần Văn Thọ, Nguyễn Bá Ngọc, Kơpa Kơlơng, Trần Văn Uẩn...
73 năm qua, những trang vàng sử Đội và hào khí truyền thống của Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh mỗi ngày được tô thắm và bồi đắp. Lịch sử đó, truyền thống đó gắn liền với phong trào thiếu nhi Việt Nam và là một bộ phận không thể tách rời trong lịch sử Đảng, lịch sử dân tộc và lịch sử Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh... Với những cống hiến của Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh và thiếu niên, nhi đồng Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Đội (tháng 5/2001), Nhà nước ta đã quyết định trao tặng Huân chương Sao vàng - phần thưởng cao quý nhất của Đảng và Nhà nước cho Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh. Hôm nay đây, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự dìu dắt của Đoàn Thanh niên và sự chăm lo của toàn xã hội, Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh, thiếu niên, nhi đồng Việt Nam đang có những thuận lợi, thời cơ mới để tiếp bước cha anh rèn đức, luyện tài, xây dựng tổ chức Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh ngày càng vững mạnh.
Cùng với thiếu nhi cả nước, 73 năm qua các thế hệ Đội viên Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh tỉnh Ninh Thuận cũng đã góp một phần to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, và đế quốc Mỹ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ kính yêu và sự dìu dắt của tổ chức đoàn thanh niên, Thiếu niên Ninh Thuận tham gia hoạt động cách mạng với nhiều nhiệm vụ như thông tin liên lạc, nắm bắt tình hình địch, bảo vệ các cuộc họp bí mật của cách mạng,… tích cực tham gia các phong trào như: “Trần Quốc Toản”, “Việc nhỏ, chí lớn chống Mỹ cứu nước” qua đó đã xuất hiện nhiều tấm gương thiếu nhi anh hùng, nhiều đội viên trở thành dũng sĩ diệt Mỹ như: năm 1967, ở huyện Bác Ái, Ninh Thuận, có em Hoài mới 11, 12 tuổi đã muốn theo du kích đi đánh giặc. Nhưng vì em còn bé, còn thấp hơn cả cây súng, nên các anh không cho. Hoài vẫn không nản, cứ đi theo các anh, tìm cách học sử dụng súng. Khi máy bay phản lực Mỹ đến bắn phá căn cứ cách mạng (du kích), Hoài núp trong công sự, theo đúng cách các anh du kích dạy, bắn rơi ngay một chiếc máy bay phản lực khi nó đang bổ nhào, ngòai ra còn có em Chamaléa Chấp 13 tuổi ở Phước Thành, Pinăng Ly 15 tuổi ở Phước Chính và nhiều thiếu niên anh dũng khác đã nhiếu lần bắn rơi máy bay Mỹ. Điều đáng tự hào là kể từ đây phong trào bắn rơi máy bay địch và giết giặc lập công của thiếu niên, nhi đồng đã lang rộng ra khắp Miền Nam và nhiều tỉnh thành trong cả nước.
Những năm gần đây, hoạt động công tác Đội và phong trào Thiếu nhi toàn tỉnh đã có nhiều bước chuyển biến tốt và có chiều hướng phát triển ngày càng vững mạnh hơn 60.700 đội viên trong đó Cháu ngoan Bác Hồ hơn 17.400 đội viên; tổng số nhi đồng hơn 29.600 trong các trường học đang cố gắng ra sức phấn đấu thi đua xây dựng Đội ngày càng tiến mạnh. Đội luôn luôn tổ chức các hoạt động sôi nổi có ý nghĩa giáo dục như: tổ chức các cuộc thi “Em là phụ trách Sao”, “Chỉ huy Đội giỏi”, các phong trào “Uống nước nhớ nguồn”, “Giúp bạn đến trường – Cùng hướng tới tương lai”, chương trình “Thắp sáng ước mơ thiếu nhi Ninh Thuận”, duy trì tốt hoạt động các câu lạc bộ “Đội phát thanh măng non”, “Đội tuyên truyền măng non”…đã khẳng định tính chính trị, xã hội, tính giáo dục cao, tạo không khí thi đua, giúp đỡ nhau vươn lên trong cuộc sống, phát triển thể chất, năng khiếu, trí tuệ, sự sáng tạo năng động của thiếu nhi. Đặc biệt cuộc vận động “Thiếu nhi Ninh Thuận thi đua thực hiện tốt 5 điều Bác Hồ dạy” tiếp tục khẳng định lòng biết ơn vô hạn của thiếu nhi Ninh Thuận với vị lãnh tụ, người cha già muôn vàn kính yêu của dân tộc, tạo môi trường học tập và rèn luyện, góp phần bồi dưỡng hình thành cho các em những giá trị phẩm chất tốt đẹp của người công dân mới xã hội chủ nghĩa.
Vâng lời Bác Hồ dạy, phát huy truyền thống “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ” các thế hệ thiếu nhi đã tích cực tham gia phong trào “Nghìn việc tốt” và đã xuất hiện những tấm gương thiếu nhi tiêu biểu, những tập thể điển hình với nhiều thành tích trên tất cả các mặt học tập, rèn luyện và tham gia các hoạt động xã hội như: dũng cảm cứu bạn, giúp đỡ gia đình, chăm sóc ông bà, cha mẹ, những nhà tin học nhỏ tuổi,…
Nhìn lại chặng đường 73 năm phát triển và trưởng thành, Đội Thiếu niên tỉnh Ninh Thuận nguyện mãi đi theo con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân đã lựa chọn, cùng nhau ra sức học tập, ra sức rèn luyện, làm nhiều việc tốt, nối tiếp xứng đáng truyền thống của lớp anh, chị đi trước, xứng đáng là chủ nhân tương lai của đất nước.
Đội viên, thiếu niên, nhi đồng Ninh Thuận hôm nay nguyện:
“Măng non Ninh Thuận
Tiếp bước cha anh
Làm nghìn việc tốt
Xứng cháu Bác Hồ”
Tải đề cương tuyên truyền tại đây |