Trung Quốc đã vi phạm cả lời văn và tinh thần các cam kết quốc tế
Tổng Thư ký Hội hữu nghị Anh-Việt (BVFS) Len Aldis đã gửi thư tới Đại sứ Trung Quốc tại Vương quốc Anh và Bắc Ireland Lưu Hiểu Minh. Trong thư, ông Aldis nhấn mạnh rằng BVFS và nhiều nước "rất lo ngại" về hành động này cũng như việc Trung Quốc cử số lượng lớn các loại tàu hộ tống vào vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam mà không được sự cho phép của Chính phủ Việt Nam. Hành động đơn phương của Trung Quốc đã dẫn đến một số vụ va chạm, gây thiệt hại và làm một số thủy thủ bị thương. Thay mặt BVFS, ông Aldis kêu gọi Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 cũng như các tàu hộ tống ra khỏi vùng biển của Việt Nam. Ông Aldis cũng bày tỏ hy vọng rằng Chính phủ Trung Quốc đáp lại lời kêu gọi của cộng đồng quốc tế và những người bạn của Trung Quốc, tôn trọng chủ quyền biển của Việt Nam.
Giám đốc Chương trình châu Á thuộc Viện Nghiên cứu quốc phòng và an ninh Hoàng gia Anh (RUSI), ông Edward Schwarck nêu rõ những ý đồ lâu dài của Trung Quốc ở Biển Đông nếu xem xét bối cảnh họ hạ đặt giàn khoan dầu mới này. Song, xét bối cảnh 40 năm trước, Trung Quốc đã sử dụng lực lượng quân sự để xâm lược và chiếm đóng trái phép quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, gần đây lại theo đuổi cái gọi là "tuyên bố chủ quyền đường 9 đoạn" ở Biển Đông với nhiều hành động đe dọa đến an ninh hàng hải của khu vực, thì hành động của Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép tại EEZ và thềm lục địa của Việt Nam ở Biển Đông có thể là một phần của chiến lược Bắc Kinh đang triển khai nhằm thực hiện những bước đi có lợi, từ đó thúc đẩy việc thay đổi hiện trạng ở Biển Đông.
Edward Schwarck nhấn mạnh: Hành động kiểu này của Trung Quốc tạo ra thách thức nghiêm trọng đối với Việt Nam và các bên có tuyên bố chủ quyền trong khu vực. Vì vậy, vấn đề đặt ra hiện nay với các nước khu vực là phải tìm ra biện pháp thích hợp để thể hiện phản ứng của mình. Đây chính là thông điệp mạnh mẽ gửi tới Trung Quốc nhằm cảnh báo về nguy cơ xảy ra xung đột vũ trang mà có thể là thảm họa đối với tất cả các bên liên quan.
Đánh giá về những tác động đối với môi trường an ninh khu vực mà vụ việc giàn khoan Hải Dương 981 gây ra cũng như phản ứng của thế giới nhằm ngăn chặn những hành động gây căng thẳng của Trung Quốc ở Biển Đông, ông Schwarck nhận định xét dưới nhiều góc độ khác nhau thì những tuyên bố hoặc quyết định triển khai hoạt động thăm dò dầu khí ở Biển Đông đều đi ngược lại với chính sách cho đến thời điểm này của Chính phủ Trung Quốc.
Chuyên gia về Đông Nam Á thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) Gregory Poling nêu rõ: Toàn bộ các bằng chứng cho thấy, thì hành động đơn phương của Trung Quốc là sự vi phạm cả lời văn và tinh thần các cam kết quốc tế của nước này, bao gồm UNCLOS và DOC. Những biểu hiện rõ ràng cho thấy Bắc Kinh quyết thay đổi hiện trạng ở Biển Đông, bất chấp những lời phản đối hoặc hành động của các nước láng giềng, kể cả nỗ lực đưa vấn đề ra tòa án quốc tế.
Học giả Julian Snelder viết bài trên trang “The Interpreter” của Viện chính sách quốc tế Lowy có trụ sở tại Sydney, Australia nhận định vụ việc giàn khoan Hải Dương 981 có thể trở thành một phần quan trọng trong cuộc tranh luận về đầu tư nước ngoài của Trung Quốc vào Australia, đặc biệt là sẽ đặt ra câu hỏi về động cơ của các doanh nghiệp thuộc Nhà nước của nước này.
Trước đó, trang The Interpreter cũng đã đăng bình luận của học giả Malcolm Cook, nguyên Giám đốc Chương trình Đông Á của Viện Lowy, khẳng định rằng hành động của Trung Quốc “rõ ràng đi ngược lại tinh thần và nội dung của DOC” mà Trung Quốc đã ký kết với ASEAN năm 2002. Theo học giả Cook, việc Trung Quốc kéo giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa cộng với vụ Trung Quốc ngăn cản Philippines tiếp hậu cần cho binh lính đóng tại bãi Cỏ Mây (tên tiếng Anh là Second Thomas Shoal) gần đây, có thể gây ảnh hưởng tiêu cực tới sự đoàn kết và tập trung trong ASEAN cũng như làm mất đi sự tin tưởng vào DOC như một công cụ ngoại giao hiệu quả để giải quyết tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và các quốc gia thành viên ASEAN.
Malcolm Cook nhấn mạnh: Việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 ra Biển Đông và hàng chục máy bay, tàu của nước này uy hiếp, cản trở lực lượng cảnh sát biển Việt Nam thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, là bước đi gia tăng căng thẳng nguy hiểm tại khu vực điểm nóng này. Và đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc cố ý chạm trán với Việt Nam và các nước láng giềng khác trong khu vực, liên quan đến vấn đề khai thác dầu khí. Nhưng giới phân tích nhận định rằng động thái mới nhất không nhằm mục tiêu tìm kiếm tài nguyên trước mắt, mà ẩn chứa những toan tính chiến lược sâu xa của Bắc Kinh và sẽ tác động mạnh đến cục diện hiện nay tại Biển Đông.
Nhiều người Trung Quốc cũng không đồng tình
Ngay tại Trung Quốc, đã xuất hiện nhiều ý kiến không đồng tình và phê phán hành động sai trái trong việc đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển Việt Nam.
Người có nick Kuangyelangren viết trên mạng Sohu: “Sao tôi xem chương trình “Tin tức 360” thấy tàu Hải cảnh Trung Quốc phun vòi rồng và tông húc vào tàu Việt Nam? Lại còn đưa mấy chục tàu ra để bảo vệ? Rốt cuộc thông tin nào là đúng vậy?”.
Xianrenruyuan viết: “Chao ôi, người phát ngôn Bộ Ngoại giao cố ý làm ra vẻ ta vô tội. Thực ra tàu Việt Nam bị húc đến thảm. Phía ta toàn là tàu chiến hoán cải thành hải giám, sao có thể bó tay chịu húc? Vậy mà toàn thấy đưa tin “bị khiêu khích, bị bắt nạt”. Người Trung Quốc bình thường chỉ cần có chút đầu óc khẳng định đều không thể thấy lọt tai”.
Baixue ở Thiên Tân viết: “Cảm giác của tôi: Trung-Việt đối đầu lần này là do phía ta (Trung Quốc) gây ra. CNOOC không khoan dầu ở đó thì sập tiệm hay sao? Gần đây Việt Nam không hề chơi xấu Trung Quốc, mấy nước khác đang muốn lôi kéo Việt Nam. Nếu lần này xử lý không tốt rất có thể sẽ đẩy Việt Nam xa lánh… Nếu dư luận thế giới đều không ủng hộ Trung Quốc thì tình thế ngoại giao của Trung Quốc trở nên gay go”.
Jiubannongju ở Tứ Xuyên viết: “Chúng ta đang giống như cướp biển. Xấu hổ vì là người Trung Quốc”, “Trong khi bạo động trong nước đang khiến dân chúng lo lắng, chính quyền lại đi gây hấn với quốc gia khác”.
Nhiều bạn đọc bày tỏ trên diễn đàn Sohu: "Tại sao phải suốt ngày tranh chấp, yên ổn hòa bình với nhau không được sao", "Đại diện chính quyền của hai quốc gia có thể ngồi lại và cùng thảo luận. Chúng ta nên tuân thủ luật pháp quốc tế", "Phải chăng chính quyền ta đang nghĩ rằng chỉ có lợi ích vĩnh viễn không có bạn bè vĩnh viễn. Dùng sức mạnh của mình thay cho tôn trọng các quốc gia khác là một điều không nên".
Dân mạng Tiexue007 cho rằng: “Hiện nay, đường biên giới (đường lưỡi bò) không có khế ước, đương nhiên sẽ không được các nước có liên quan và cộng đồng quốc tế thừa nhận. Đánh không giải quyết được vấn đề gì, chỉ có thể làm cho Trung Quốc càng bị cô lập trên toàn thế giới”. Trong khi đó, dân mạng ddhao999 nhấn mạnh: “Tình hình hiện nay (của Trung Quốc) đã bị động”.
Có dân mạng cho rằng “chủ trương lãnh hải (của Trung Quốc) bá đạo như vậy có thể được bao nhiêu sự ủng hộ, thực tế một chút đi sẽ tốt hơn không! Đây không phải là một thế giới dựa vào vũ lực để khoe khoang, huống hồ Trung Quốc cũng không có thực lực để đánh cả thiên hạ”.
Trước hành động của Trung Quốc, các nước trong khu vực cần thống nhất và đồng thuận về vấn đề Biển Đông.
Ngày càng có thêm nhiều tờ báo lớn và chuyên gia quốc tế lên tiếng về vụ Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép ở vùng biển Việt Nam.
Trang mạng của Yomiuri Shimbun, nhật báo lớn nhất Nhật Bản, đăng bài xã luận với tựa đề: “Cộng đồng quốc tế không bao giờ chấp nhận hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông”. Bài xã luận nhấn mạnh: “Hành động khoan dầu không phải là lần đầu tiên Trung Quốc đơn phương thay đổi hiện trạng. Trong một động thái tương tự, nước này đã yêu cầu tàu cá nước ngoài phải xin phép khi hoạt động ở Biển Đông (từ tháng 1/2014)”. Bài xã luận còn chỉ ra Trung Quốc khăng khăng tuyên bố chủ quyền trong cái gọi là đường chín đoạn hay còn gọi là đường lưỡi bò, “liếm” gần trọn Biển Đông, nhưng đường này “không có bất kỳ cơ sở nào theo quy định của luật pháp quốc tế và cũng không nhận được sự ủng hộ từ các nước liên quan”. Từ đó, bài xã luận khẳng định việc cộng đồng quốc tế chỉ trích những hành động gây căng thẳng của Trung Quốc ở Biển Đông là “điều tất yếu”. Yomiuri Shimbun kêu gọi: “Cộng đồng quốc tế cũng nên đưa ra những quy định quốc tế dựa trên cơ sở luật pháp và đưa Trung Quốc vào khuôn khổ của những quy định đó”.
Trước đó, 2 tờ báo lớn khác của Nhật là Sankei và Asahi Shimbun cũng lần lượt đăng bài chỉ trích việc Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 ở vùng biển của Việt Nam là “hành động trái phép, phi pháp” và “Trung Quốc phải dừng khoan dầu ở Biển Đông”.
Nhật báo The New York Times của Mỹ có bài xã luận cảnh báo “Trung Quốc vừa đẩy căng thẳng leo thang nguy hiểm” ở Biển Đông. Xã luận viết: “Động thái này chắc chắn khiến các quốc gia khu vực cảm thấy ngày càng bị đe đọa bởi những tuyên bố chủ quyền mang tính bành trướng của Trung Quốc”. “Các phản đối và tuyên bố từ phía Trung Quốc không thể thuyết phục được ai vì nếu nước này không triển khai giàn khoan thì sẽ không có đối đầu hay căng thẳng như hiện nay”. Từ đó, The New York Times kêu gọi: “Trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng có hành vi hung hăng, các nước láng giềng trong khu vực cần thống nhất và đồng thuận về vấn đề Biển Đông”./.
Nguyễn Chiến |