Việt Nam đã hết sức kiềm chế, bày tỏ mọi thiện chí, sử dụng mọi kênh đối thoại, giao thiệp với các cấp khác nhau của Trung Quốc để phản đối và yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan và các tàu vũ trang, tàu quân sự ra khỏi vùng biển của Việt Nam. Tuy nhiên, đến nay Trung Quốc không những không đáp ứng yêu cầu chính đáng của Việt Nam mà còn tiếp tục gia tăng các hành động vi phạm ngày càng nguy hiểm và nghiêm trọng hơn.
|
Tàu Trung Quốc dùng vòi rồng công suất lớn ngang ngược phun vào tàu Việt Nam.
(Ảnh: Bộ Ngoại giao cung cấp)
|
Trước động thái mới đầy khiêu khích của Trung Quốc, chính phủ, các nhà chính trị, giới học giả và các hãng thông tấn báo chí nhiều nước đã đồng loạt chỉ trích, bày tỏ bất bình và quan ngại trước các hành động của Trung Quốc.
Ngày 6/5, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki cho biết: “Mỹ đã và đang xem xét nghiêm túc sự vụ này. Căn cứ vào lịch sử căng thẳng ở Biển Đông, việc Trung Quốc đưa giàn khoan là một hành động khiêu khích và không có lợi cho việc duy trì hoà bình và ổn định ở khu vực”. Qua đó, bà Psaki kêu gọi Trung Quốc ngừng các hành động đơn phương tại vùng biển đang xảy ra tranh chấp. Bà Jen Psaki cũng cho rằng những diễn biến gần đây đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tất cả các bên có liên quan tới tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông cần tuân thủ nghiêm túc luật pháp quốc tế, tìm kiếm thỏa thuận chung thông qua đối thoại về những hoạt động nào “có thể diễn ra tại các khu vực tranh chấp”. Ngày 7/5, bà Psaki một lần nữa khẳng định lại lập trường của Mỹ cho rằng việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan tại Biển Đông là một hành động mang tính chất “khiêu khích và không giúp ích cho an ninh trong khu vực”. Bên cạnh đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ lên án các “hành động và hăm dọa nguy hiểm” của các tàu Trung Quốc, kêu gọi tất các các bên liên quan hành xử phù hợp, kiềm chế và giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, thông qua con đường ngoại giao và tuân thủ luật pháp quốc tế.
Ngày 7/5, Thượng nghị sỹ John McCain cho rằng quyết định của Trung Quốc hạ đặt giàn khoan thăm dò dầu khí ở ngoài khơi Việt Nam cùng với việc triển khai hàng chục tàu hải quân để hậu thuẫn cho hành động mang tính khiêu khích này là đáng quan ngại và chỉ nhằm leo thang căng thẳng ở Biển Đông. Theo ông McCain, các tàu của Trung Quốc bao vây và tông vào các tàu của Cảnh sát biển Việt Nam là hành vi hung hăng và hiếu chiến. Trung Quốc phải gánh chịu hoàn toàn trách nhiệm về hành động đơn phương hòng thay đổi nguyên trạng này.
Ngày 8/5, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel tái khẳng định quan điểm của Mỹ như người phát ngôn Nhà Trắng đã tuyên bố trước đó. Ông nhấn mạnh quan điểm rõ ràng của Mỹ đối với nguyên tắc tự do hàng hải, thương mại hợp pháp và điều vô cùng quan trọng là các bên liên quan phải kiềm chế. Nền kinh tế toàn cầu và khu vực quá quan trọng và mong manh để có thể đối phó với một cuộc khủng hoảng có thể gia tăng thành xung đột. “Vì vậy, tôi thúc giục các quốc gia trong khu vực kiềm chế các động thái có thể đe dọa hòa bình và gia tăng căng thẳng… Washington mạnh mẽ tin tưởng rằng, những tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ cần được giải quyết thông qua con đường ngoại giao và tuân thủ luật pháp quốc tế” – ông Daniel Russel nói.
Ngày 9/5, một nhóm các nhà làm luật có thế lực của Mỹ gồm: Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Robert Menendez; nghị sĩ Marco Rubio, Ben Cardin, Jim Risch, John McCain cùng với Thượng nghị sỹ Patrick Leahy – Chủ tịch thường trực Thượng viện, đã ra tuyên bố chung lên án Trung Quốc vì những hành vi "gây rối nghiêm trọng" trên Biển Đông, đồng thời phát đi một thông điệp nhằm hối thúc tìm kiếm giải pháp hòa bình cho vấn đề tranh chấp lãnh hải vốn đang ngày càng trở nên nổi cộm trong khu vực.
Trong tuyên bố ra ngày 7/5, Bộ Ngoại giao Singapore bày tỏ quan ngại trước những diễn biến gần đây trên Biển Đông, đồng thời kêu gọi tất cả các bên liên quan kiềm chế, tránh những hành động làm leo thang căng thẳng trong khu vực. Bộ Ngoại giao Singapore kêu gọi các bên tuân thủ nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông năm 2002 (DOC); giải quyết tranh chấp hòa bình dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS). Bộ Ngoại giao Singapore tiếp tục kêu gọi các nước ASEAN và Trung Quốc hợp tác nhằm sớm đưa ra Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC).
Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 7/5, Tổng thống Philippines Benigno Aquino III tuyên bố ông sẽ đề nghị các nước đối tác ASEAN nhanh chóng hoàn tất COC để điều chỉnh các hành động ứng xử trên Biển Đông theo khuôn khổ pháp lý.
Ngày 9/5, Bộ Ngoại giao Ấn Độ ra tuyên bố nhấn mạnh quan điểm rằng "tự do hàng hải tại Biển Đông không thể bị cản trở", đồng thời kêu gọi sự hợp tác giữa các nước nhằm bảo đảm, tăng cường an ninh hàng hải. Tuyên bố nêu rõ: "Chúng tôi theo dõi những diễn biến gần đây trên Biển Đông với một quan ngại sâu sắc. Chúng tôi cho rằng, việc duy trì hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng trong khu vực chính là một vấn đề mang tính lợi ích cốt lõi đối với cộng đồng thế giới...Chúng tôi kêu gọi các bên đưa ra một giải pháp hòa bình, dựa trên những nguyên tắc luật pháp quốc tế để giải quyết vấn đề. Trong khía cạnh này, chúng tôi duy trì lập trường bảo đảm tự do hàng hải trên Biển Đông, kêu gọi hợp tác để tăng cường an ninh hàng hải".
Ngày 7/5, tờ The Wall Street Journal (WSJ) dẫn lời Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe phát biểu tại trụ sở của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Brussels (Bỉ) cho rằng: “Tình hình Biển Đông ngày càng căng thẳng, xuất phát từ những tuyên bố chủ quyền đơn phương của Trung Quốc buộc các nước trong khu vực phải tăng cường cảnh giác trước mọi động thái của nước này”. Thủ tướng Nhật Bản cho rằng những hành động phô trương sức mạnh của Trung Quốc tại Biển Đông và Biển Hoa Đông đã làm dấy lên những căng thẳng mới trong thời hậu chiến tranh Lạnh. “Chúng ta không thể chấp nhận việc sử dụng vũ lực hay ép buộc để làm thay đổi hiện trạng trong khu vực. Đây là một vấn đề toàn cầu và sẽ ảnh hưởng đến châu Á”, ông Abe nhấn mạnh.
Ngày 8/5, hãng thông tấn NHK dẫn lời Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga khẳng định chính phủ Nhật Bản “quan ngại sâu sắc” trước các báo cáo cho thấy các hành vi của Trung Quốc đã gây nên những thiệt hại cho tàu thuyền của Việt Nam và khiến một số thủy thủ của Việt Nam bị thương. Chính phủ Nhật Bản coi diễn biến mới nhất này là một phần trong các hành động đơn phương, khiêu khích của Trung Quốc. Ông Suga nêu rõ, hòa bình và ổn định trên Biển Đông đang là một vấn đề lưu tâm của cộng đồng quốc tế. Qua đó, quan chức này kêu gọi Trung Quốc kiềm chế, tuân thủ luật pháp quốc tế và tránh những hành động đơn phương, có thể khiến căng thẳng leo thang.
Ngày 9/5, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida cho rằng Trung Quốc cần đưa ra lời giải thích rõ ràng về những cơ sở pháp lý cho việc nước này đã hạ đặt giàn khoan nước sâu trên Biển Đông. Quan chức ngoại giao này nêu rõ, những căng thẳng gần đây trong quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc, liên quan tới vấn đề tranh chấp biển đảo, xuất phát từ những hành động "đơn phương và khiêu khích" của Trung Quốc trong khu vực. Qua đó, ông Kishida nhấn mạnh rằng, Bắc Kinh cần làm rõ với Việt Nam và cộng đồng quốc tế về những hoạt động hàng hải đang ngày càng gia tăng của nước này ở Biển Đông. Ông Kishida nêu rõ, hòa bình và ổn định trên Biển Đông là vấn đề chung của cộng đồng quốc tế và các vấn đề tranh chấp cần được giải quyết một cách hòa bình thông qua đối thoại.
Trang ngôn luận “The Interpreter” của Viện chính sách quốc tế Lowy có trụ sở tại Sydney (Australia) ngày 9/5 đăng ý kiến của học giả Julian Snelder cho rằng các chính trị gia Mỹ lo ngại trước những mối đe dọa về kinh tế và chính trị do Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) gây ra. Việc đưa giàn khoan Hải Dương-981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam cho thấy CNOOC đang hành động với động cơ chính trị. Bài viết còn nêu rõ với việc vây quanh giàn khoan là lực lượng gồm khoảng 80 tàu Trung Quốc, CNOOC đã thể hiện cách cư xử “hung hăng, thiếu thận trọng” mà không một doanh nghiệp thương mại tư nhân nào thực hiện. Học giả Snelder nhận định vụ việc giàn khoan Hải Dương-981 có thể trở thành một phần quan trọng trong cuộc tranh luận về đầu tư nước ngoài của Trung Quốc vào Australia, đặc biệt là sẽ đặt ra câu hỏi về động cơ của các doanh nghiệp thuộc Nhà nước của nước này.
Trước đó, ngày 8/5, trang “The Interpreter” cũng đã đăng bình luận của học giả Malcolm Cook, nguyên Giám đốc Chương trình Đông Á của Viện Lowy, khẳng định rằng hành động của Trung Quốc “rõ ràng đi ngược lại tinh thần và nội dung của Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC)” mà Trung Quốc đã ký kết với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 2002. Theo học giả Cook, việc Trung Quốc kéo giàn khoan Hải Dương-981 vào vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa cộng với vụ Trung Quốc ngăn cản Philippines tiếp hậu cần cho binh lính đóng tại bãi Cỏ Mây (tên tiếng Anh là Second Thomas Shoal) gần đây, có thể gây ảnh hưởng tiêu cực tới sự đoàn kết và tập trung trong ASEAN cũng như làm mất đi sự tin tưởng vào DOC như một công cụ ngoại giao hiệu quả để giải quyết tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và các quốc gia thành viên ASEAN.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư phụ trách quan hệ quốc tế Đảng cộng sản Argentina (PCA) Jorge Alberto Kreyness nêu bật sự cần thiết tôn trọng nguyên tắc chung sống hòa bình, luật pháp quốc tế và đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển. Trước việc Trung Quốc đặt giàn khoan thăm dò dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế biển của Việt Nam và có những hành động khiến căng thẳng leo thang, ông Kreyness bày tỏ tin tưởng các quốc gia liên quan sẽ giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Ngày 9/5, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon lên tiếng bày tỏ quan ngại, đồng thời kêu gọi các bên liên quan hết sức kiềm chế, giải quyết tranh chấp bằng con đường hòa bình. Người phát ngôn của Tổng Thư ký Liên hợp quốc, ông Farhan Haq khẳng định: " Tổng Thư ký Ban Ki-moon đã bày tỏ quan ngại về tình trạng gia tăng căng thẳng tại Biển Đông giữa Trung Quốc và Việt Nam trong những ngày vừa qua. Tổng Thư ký Liên hợp quốc hối thúc các bên liên quan kiềm chế tối đa và giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, thông qua đối thoại và phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Hiến chương Liên hợp quốc".
Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 24 kết thúc vào ngày 11/5 cũng đã có một Tuyên bố của các Bộ trưởng ngoại giao về tình hình biển Đông trong đó bày tỏ quan ngại sâu sắc về các vụ việc đang diễn ra trên Biển Đông, cho rằng các vụ việc này đang làm gia tăng căng thẳng trong khu vực. Các Ngoại trưởng yêu cầu các bên liên quan, trên cơ sở tuân thủ các nguyên tắc đã được thừa nhận chung của luật pháp quốc tế và UNCLOS, thực hiện kiềm chế và tránh các hành động có thể làm phương hại đến hòa bình và ổn định ở khu vực; giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.
Nhiều hãng thông tấn báo chí có uy tín của quốc tế đều đồng loạt đăng tải các tin tức, bài viết, đánh giá của các học giả lên án, bày tỏ bất bình và quan ngại trước các hành động đầy khiêu khích của Trung Quốc ở Biển Đông. |