NINH THUẬN TÀI LIỆU SINH HOẠT CHI ĐOÀN
Tháng 03/2019
Lưu hành nội bộ
CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 88 NĂM NGÀY THÀNH LẬP
ĐOÀN TNCS HỒ CHÍ MINH (26/3/1931 – 26/3/2019)
Tư tưởng Hồ Chí Minh về thanh niên
Tư tưởng Hồ Chí Minh về thanh niên - những người kế cận của Đảng, thể hiện tầm nhìn chiến lược với lực lượng thừa kế xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tình cảm, sự quan tâm, chăm lo, dìu dắt của Người dành cho thanh niên luôn là nguồn động lực, khích lệ ý chí tinh thần nghị lực vươn lên chiếm lĩnh những tầm cao mới của các thế hệ thanh niên trong sự nghiệp CNH, HĐH đất nước hiện nay.
Sinh thời chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đánh giá cao vị trí, vai trò quan trọng của thanh niên - lực lượng kế cận của Đảng đối với sự nghiệp của Đảng, tương lai, vận mệnh của dân tộc, tiền đồ của Tổ quốc. Trong thư gửi thanh niên và nhi đồng toàn quốc nhân dịp Tết sắp đến (tháng 1 năm 1946), Người viết: “Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”. Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Người luôn dành tình cảm đặc biệt cho thanh niên, quan tâm bồi dưỡng, giáo dục, rèn luyện thế hệ cách mạng cho đời sau.
Trong bài nói chuyện tại hội nghị chuyên đề sinh viên quốc tế họp tại Việt Nam (ngày 01/9/1961) chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Thời đại này là thời đại vẻ vang của thanh niên. Mà thanh niên phải là những đội xung phong trên các mặt trận chính trị, kinh tế, khoa học, kỹ thuật. Thanh niên đã thực hiện những điều mơ ước của loài người từ bao thế kỷ”. Người khẳng định: Không có việc gì khó. Chỉ sợ lòng không bền. Đào núi và lấp biển. Quyết chí ắt làm nên.
Bác khen ngợi, biểu dương, kỳ vọng vào thanh niên, trong bản Di chúc lịch sử, sau khi nói về Đảng, Bác nhận định “Đoàn viên thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ”. Đồng thời, Người thẳng thắn phê bình, nhắc nhở số thanh niên không biết quý trọng công lao của các thế hệ đi trước và yêu cầu cần tích cực giáo dục, dìu dắt thanh niên: Có số thanh niên không biết sự gian nan, cực khổ cũ. Các đồng chí già phải kể lại cho họ nghe. Đó là một cách giáo dục thanh niên. Cố gắng dìu dắt thanh niên; không nên công thần, không nên tiêu cực. Người chỉ rõ: Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết và nhắc nhở: Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng vừa “chuyên. Cần “giáo dục thanh niên ta rèn luyện một chí khí kiên quyết quật cường, một tâm lý quả cảm xung phong, tin tưởng vào tương lai của Tổ quốc, vào lực lượng của nhân dân, hy sinh lợi ích riêng cho lợi ích chung của dân tộc”.
Người yêu cầu thanh niên phải không ngừng học tập nâng cao trình độ về mọi mặt “để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của thanh niên. Thanh niên sẽ làm chủ nước nhà, phải học tập mãi, tiến bộ mãi, mới thật là thanh niên”. Trong bài nói chuyện với nam nữ thanh niên học sinh các trường trung học Nguyễn Trãi, Chu Văn An và Trưng Vương (Hà Nội) Bác đã nói: “Ngày nay, ta đã được độc lập, tự do, thanh niên mới thật là người chủ tương lai của nước nhà. Muốn xứng đáng vai trò người chủ, thì phải học tập”. Bác yêu cầu thanh niên cần phải mạnh dạn chuyển hướng trong việc học tập, luôn tự cải tạo để tiến bộ mãi, tích cực tự học tập, tự bồi dưỡng, tự rèn luyện mình thành những người có đức, có tài để hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Người chỉ rõ: “Thanh niên bây giờ là một thế hệ vẻ vang, vì vậy cho nên phải tự giác tự nguyện mà tự động cải tạo tư tưởng của mình để xứng đáng với nhiệm vụ của mình. Tức là thanh niên phải có đức, có tài. Có tài mà không có đức ví như một anh làm kinh tế tài chính rất giỏi nhưng lại đi đến thụt két thì chẳng những không làm được gì ích lợi cho xã hội, mà còn có hại cho xã hội nữa. Nếu có đức mà không có tài ví như ông Bụt không làm hại gì, nhưng cũng không lợi gì cho loài người".
Để thực sự là thế hệ tương lai của nước nhà Bác yêu cầu: Thanh niên cần phải có tinh thần và gan dạ sáng tạo, cần phải có chí khí hăng hái và tinh thần tiến lên, vượt mọi khó khăn, gian khổ để tiến mãi không ngừng. Cần phải trung thành, thật thà, chính trực. Những điều nên chống: Thanh niên cần phải chống tâm lý tự tư tự lợi, chỉ lo lợi ích riêng và sinh hoạt riêng của mình. Chống tâm lý ham sung sướng và tránh khó nhọc. Chống thói xem khinh lao động, nhất là lao động chân tay. Chống lười biếng, xa xỉ. Chống cách sinh hoạt ủy mị. Chống kiêu ngạo, giả dối, khoe khoang.
Người cho rằng giáo dục thanh niên không thể tách rời mà phải liên hệ chặt chẽ với những cuộc đấu tranh của xã hội. Những kiến thức được trang bị ở trường, ở lớp, thanh niên phải vận dụng ngay vào thực tiễn “Khi ở nhà, phải thương yêu cha mẹ, giúp đỡ cha mẹ về công việc, giúp đỡ về tinh thần (học được điều gì về tình hình trong nước và thế giới thì nói lại cho cha mẹ nghe). Ở trường thì phải đoàn kết, giúp đỡ anh chị em, thi đua học tập. Phải đoàn kết giữa thầy và trò, làm cho trường mình luôn luôn tiến bộ. Ở xã hội: các cháu có thể giúp được nhiều việc có ích. Thí dụ: tuyên truyền vệ sinh, giúp đỡ các em nhi đồng, xung phong dạy bình dân học vụ...”
Người yêu cầu phải kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong việc giáo dục thanh niên. Tại buổi khai mạc Trường Đại học nhân dân Việt Nam (ngày 19/01/1955), Người chỉ rõ: “Trường học, gia đình và đoàn thể thanh niên phải liên hệ chặt chẽ trong việc giáo dục thanh niên. Thanh niên phải chuyên tâm học hành và công tác, nhưng cũng cần có vui chơi. Vui chơi lành mạnh là một bộ phận trong sự sinh hoạt của thanh niên,…phải chú ý đến giáo dục tư tưởng, thái độ, hoạt động và sinh hoạt hằng ngày của thanh niên để kịp thời khuyến khích, uốn nắn, sửa chữa”.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về thanh niên - những người kế cận của Đảng, thể hiện tầm nhìn chiến lược với lực lượng thừa kế xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tình cảm, sự quan tâm, chăm lo, dìu dắt của Người dành cho thanh niên luôn là nguồn động lực, khích lệ ý chí tinh thần nghị lực vươn lên chiếm lĩnh những tầm cao mới của các thế hệ thanh niên trong sự nghiệp CNH, HĐH đất nước hiện nay.
Trích: Tạp chí xây dựng Đảng
Một số địa danh cổ xưa trên đất Ninh Thuận
Xét địa danh trong địa bàn Ninh Thuận hiện tại, chúng ta có thể thấy nhiều sự thay đổi qua nhiều lớp thời gian và nếu nhắc lại chỉ riêng phần tên núi đồi, sông hồ, tên làng xóm thôi thì cũng có nhiều điều thú vị. Với một diện tích không lớn, song lại chứa đựng bao truyền thống quý báu, bao tình đất, tình người trong lịch sử. Một trong sự quý báu đó là tên đất, tên làng xa xưa mà đôi khi tìm hiểu, ta lại nhớ các bậc tiền nhân khai sơn, phá thạch, kiến tạo nước non nhà.
Đi dọc từ Du Long vào Cà Ná, có thể thấy mấy tên xưa nay hoặc còn lưu lại, hoặc đã thay đổi.
+ Kiền Kiền và Du Long: Tên thường gọi chung cả vùng Bắc tỉnh, nguyên xưa nhất là thời Nhà Nguyễn, có tên là Du Lai. Kể thêm tên Kiền Kiền: hiện nay có thôn Kiền Kiền, xã Lợi Hải, ở phía Đông của vùng Bắc tỉnh, liên quan có dãy núi Kiền Kiền, trong có khe nước, từ xưa đặt tên là khe Kiền Kiền. Sách xưa ghi: “Khe Kiền Kiền: ở huyện Yên Phước, nguồn ra từ núi Ba Tiêu, chảy về phía Đông 5 dặm làm suối Du Lai đổ vào đầm làng Đăng“ (Quốc sử quán Triều Nguyễn: Đại Nam nhất thống chí, tập 3, NXB Thuận Hóa – 2006, trang 162).
+ Đầm Nại: Xưa gọi là đầm Hương Cựu (bên cạnh làng Hương Cựu, làng Đăng), cũng gọi là Phương Cựu, thông ra biển bằng sông Tri Thủy, xưa gọi là cửa biển Ma Văn.
+ Kể thêm tên Hòn Thiên: Hiện nay là địa chỉ hấp dẫn các nhà nhiếp ảnh nghệ thuật, nằm ven Đầm Nại. Sách xưa ghi: “Phía Bắc núi kề đầm Hương Cựu, gần đấy có núi Bình Thiên [Hòn Thiên], núi Ni Cô, núi Bà Tu [Cà Đú?], núi Dư Khánh, núi Mậu Trường, núi Dốc Liệt” Trang 154.
+ Cà Đú: Nay là một địa danh có tiếng trên ngã ba quốc lộ 1A Bắc – Nam đi Ninh Chử, nằm bên núi Cà Đú có độ cao 318m. Cà Đú là gọi trại tiếng Chăm: Chơk Du’, nghĩa là núi có hình giống con vích; quả thật nếu đứng từ Gò Đền nhìn núi, ta thấy như con vích, con rùa đang bò ra phía biển.
+ Thái An: Tên xưa là Lũng Lúa, Bãi Lúa, theo Nguyễn Đình Tư trong Non nước Ninh Thuận thì có 3 sự giải thích. Thứ nhất: “dân chúng ở đây hay làm rẫy và gặt lúa thuê“. Hằng năm cứ đến mùa gặt, họ lên gặt thuê ở các làng dọc quốc lộ 1, “Khi về đến đây thì đã mệt, họ ngồi tụ lại nghỉ chân, chia nhau lúa trước khi về nhà”. Thứ hai: “Trước kia Thái An có thờ một vỏ lúa rất to, vỏ lúa của thời loài người chưa phải trồng trọt khó nhọc, tự lúa mọc ngoài đồng, khi chín thì tự lăn về... y như truyện cổ tích“. Quá mơ hồ. Thứ ba: “Xưa có đoàn ghe bầu của Triều đình chở lúa đi dọc biển, đến vùng này chẳng may bị chìm, viên tải lương bèn ra lệnh vớt lúa đem lên bãi phơi. Khi lúa khô và được thu góp lại, một số bị rớt lại trên bãi và sau một trận mưa, lúa mọc lên xanh cả bãi“.
+ Ninh Chử: Nguyên xưa đặt tên là Ninh Chử là do vùng vịnh biển này đẹp, sóng lặng, yên bình, nghĩa chữ Hán, Ninh: bình yên, thái hòa, Chử: bờ bãi, (lưu ý Chử dấu hỏi?), như La Chử, Hải Chử, thậm chí cả Minh Chử, được ghi trong Địa bạ Triều Nguyễn 1836.
+ Vũng Tàu: Lại kể ra, nguyên xưa ghe thuyền vào đậu tránh sóng gió, trao đổi, mua bán tại Mỹ Thành, Mỹ Hòa ở phường Đông Hải nên dân gian gọi là Vũng Tàu, cũng như thành phố Vũng Tàu, nguyên xưa cũng thế.
+ Sông Dinh: Sông Cái (Sông Dinh): phát nguồn từ Tô Hạp (Khánh Hòa) chảy qua địa phận Khánh Hòa vào xã Phước Tân huyện Bác Ái tiếp nhận một phụ lưu là sông Ma Lâm, sau đó tiếp nhận thêm các phụ lưu: sông Pha (Krông Pha, sông Ông), sông Ta Mo/Cho Mo, sông Chá tại huyện Ninh Sơn, sau đó chảy vào đồng bằng Phan Rang, cuối sông ra đến biển Đông ở cửa biển phường Đông Hải. Tổng chiều dài 119 km. Sông Cái có nhiều tên gọi khác nhau qua mỗi đoạn sông và qua mỗi thời kỳ lịch sử: sông Mai Lung ở Đắc Nhơn, Sông Dinh. Trong sách Đại Nam nhất thống chí gọi là sông Phan Rang, ngày xưa tên là sông Mai Lang, Mai Nương, Man Rang, nguồn ra tự 2 núi Tham Lý và Tà Trú, chảy qua thôn Thịnh Mỹ, chảy về phía Nam 14 dặm đến xã Đắc Nhân gọi là sông Mai Lung. Càng về biển, sông Dinh tiếp nhận thêm 2 phụ lưu: sông Quao, sông Lu trước khi ra cửa biển Đông Hải.
+ Sông Quao: Phát nguồn từ núi Tà Mú (còn gọi Tà Trú, Tha Thu) từ 2 suối Nung Tá (còn gọi Tà Cai, Trại Thịt) và suối Ya Hac (hay suối Tầm Ru), cuối sông ra đến Sông Dinh với tổng chiều dài 47 km. Sông chảy qua các địa phận có tên sông Lanh Ra, sông Trí, sông Tà Câu, sông Na Lung. Qua khỏi quốc lộ 1A mới gọi là sông Quao. Trong sách Đại Nam nhất thống chí gọi là sông Ma Nê/ Ma Nãi từ trong núi chảy ra.
+ Sông Lu: Còn gọi là sông Biêu/ Viêu. Trong sách Đại Nam nhất thống chí gọi là sông Ma Bố: “Có sông Ma Bố từ thôn Đại Định chảy về phía Đông Bắc 37 dặm đến hợp vào [sông Dinh] lại chảy về phía Nam 3 dặm mà đổ ra cửa biển Phan Rang”
+ Mũi Dinh: Có ngọn Hải đăng xây thời Pháp, thuộc thôn Sơn Hải là thắng cảnh của tỉnh, mũi dinh nôm na là lớn, ca dao xưa người đi ghe bầu dọc biển có câu:
Mũi Nậy bảy bị còn ba,
Mũi Dinh chín bị không tha bị nào.
Nghĩa là mùa gió chướng, ghe bầu đi qua Mũi Nậy (Phú Yên), bảy bị gạo ăn bốn còn ba mới qua được, đến Mũi Dinh thì ăn cả chín bị chưa chắc đã qua được, do sóng, nước ngầm chảy xiết. Địa danh này hơi khó giải, bởi trong sách Đại Nam nhất thống chí xưa ghi là: Diên/ Diên Chủy. “Núi Mũi Diên: Diên Chủy [nay là núi Mũi Dinh trong phần đất thuộc Ninh Thuận], ở phía Đông Nam huyện Tuy Phong [lúc này phần đất Nam sông Ma Bố trở vào sông Duồng tên huyện là Tuy Phong thuộc phủ Ninh Thuận]. Chân núi có 9 khúc hình như các ngón tay, nằm ngang trên bãi biển, chỗ ấy nước biển chia đường, một đường chảy về Bắc, một đường chảy về Nam, chảy rất xiết, thuyền ghe qua đấy phải cẩn thận. Phía Nam có đầm Vũng Diên [vịnh bãi Cà Ná], gặp gió Nam thì thuyền có thể đỗ yên được. Năm Tự Đức 13 liệt vào hành danh sơn, ghi vào điển thờ.“ Trang 153-154. Như vậy nếu chúng ta thống nhất theo mô tả của sách xưa thì Diên = Dinh. Hiện nay tra cứu các tên núi có xuất hiện núi Diên nằm giáp ranh hai tỉnh Ninh Thuận - Bình Thuận. Tây Nam tỉnh Ninh Thuận, có một chi núi thuộc Cao Nguyên Di Linh chạy dài ra biển tới Mũi Dinh nhưng phần lớn các ngọn núi này nằm trên địa bàn Bắc tỉnh Bình Thuận, chỉ một ít nằm trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận. Ngọn cao nhất là núi Hòn Điều (Hòn Diên 1.528m).
+ Núi Chà Bang 432m: Sách xưa gọi hòn Tam Sơn, bởi cả dãy có 3 đỉnh núi nổi bật, còn sách Đại Nam nhất thống chí xưa ghi: “Núi Trà Na: ở phía Đông huyện [Tuy Phong], bên đường có trạm, trong có một đỉnh cao vọt, tả hữu có hai đỉnh như mũi gươm [theo chúng tôi có thể là núi Chà Bang, chùa Trà Cang hiện nay]“. Người Chăm gọi Chơk Chabbang (núi chẻ 2 nhánh), do trên đỉnh chẻ ra 2 nhánh và truyền thuyết Pô Nai yêu Dũng sĩ Kay Kamau kèm theo. Đã có Tam Sơn, trong tỉnh cũng có địa danh núi Thất Sơn (566m) nhưng ở xa, đó là phần núi các xã Phước Trung, Phước Chính huyện Bác Ái và Phước Kháng của huyện Thuận Bắc tạo nên vùng rừng núi rộng lớn.
Chuyện địa danh xưa nay còn quá nhiều điều thú vị, nay xin trình bày vài địa danh nêu trên để mà thêm yêu, thêm mến quê hương.
Nguồn: Báo Ninh Thuận Online
CHƯƠNG II
TUỔI TRẺ NINH THUẬN TRONG KHÁNG CHIẾN
CHỐNG THỰC DÂN PHÁP (9/1945 - 7/1954)
I. TUỔI TRẺ NINH THUẬN TRONG NHỮNG NĂM ĐẦU KHÁNG CHIẾN CHỐNG THỰC DÂN PHÁP XÂM LƯỢC (9/1945 - 12/1948):
Cách mạng tháng tám thành công, các tầng lớp thanh niên đã đứng lên làm chủ cuộc đời mình. Được Hồ Chủ Tịch chỉ giáo: “Thanh niên là người làm chủ tương lai của đất nước, nước nhà thịnh hay suy yếu phần lớn là do các thanh niên”. Hưởng ứng lời kêu gọi của Bác, các tầng lớp thanh niên đã tham gia vào các tổ chức Thanh niên cứu quốc do Mặt trận Việt Minh các cấp đứng ra tuyên truyền kết nạp.
Tại Ninh Thuận, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Việt Minh các cấp, ở các làng, xã đã nhanh chóng tập hợp thanh thiếu niên vào Đoàn Thanh niên cứu quốc. Tham gia phong trào bình dân học vụ, tham gia tuần lễ vàng, tuần lễ đồng, tăng gia sản xuất, quyên góp cứu đói đồng bào miền Bắc. Nổi bật nhất là tham gia lực lượng dân quân tự vệ. Đoàn Thanh niên cứu quốc ở cơ sở đã tuyên truyền kết nạp đoàn viên mới và tập hợp thanh niên rộng rãi ngoài Đoàn. Việc phân công các đoàn viên là kết hợp sự tự nguyện của mỗi thanh niên và sự phân công của Việt Minh: Anh thì vào đội tự vệ, chị thì vào đội cứu thương.
Một số đơn vị Thanh niên cứu quốc được xây dựng trong những ngày tiền khởi nghĩa ở các làng Vạn Phước, Trường Sanh, An Thạnh, Sơn Hải, Cà Ná, La Chữ, Dư Khánh, Vĩnh Hy, Khánh Hội, Khánh Nhơn, Phương Cựu, Mỹ Tường đến nay đã chuyển một số đoàn viên qua lực lượng tự vệ và tham gia công tác bình dân học vụ, sản xuất nuôi quân.
Những ngày đầu đánh Pháp, ở một số nơi có đội tự vệ hoạt động như Dư Khánh có một đội tự vệ với 30 thanh niên do anh La Nhật Mỹ đội trưởng, Hồ Gia Biên đội phó. Ở An Thạnh (xã An Hải) từ một đại đội dân quân tự vệ do Tôn Thất Lâu làm Đại đội trưởng, Hoàng Cao Khánh – Chính trị viên, ta rút 20 thanh niên ưu tú (trong đại đội này) thành lập 1 đội tự vệ do anh Hồ Ấn và Nguyễn Nghiêu phụ trách. Ở An Thạnh cũng thành lập 1 đội tự vệ do anh Nhất Hoàng phụ trách.
Phần lớn lực lượng thanh niên trong tỉnh đều tham gia vào các đội dân quân tự vệ. Có nơi tổ chức từng tổ từ 8 đến 10 đội viên. Một số được chọn đưa đi luyện tập quân sự, đào tạo lực lượng dự bị nhằm xây dựng hoặc bổ sung cho các đơn vị vũ trang. Ở phường Kinh Dinh (thị xã Phan Rang – Tháp Chàm) có 1 trung đội tự vệ nữ với 30 chị, do chị Hồ Thiếu Nga chỉ huy và 1 tổ nữ cứu thương. Ngoài việc đánh giặc, đội tự vệ còn vận chuyển, cứu chữa thương binh, đem cơm nước vào từng trận địa. Ở Lạc Nghiệp (Phước Diêm) có một đội tự vệ nữ do các chị Nguyễn Thị Mô, Phạm Thị Đông, Nguyễn Thị Chữ chỉ huy; Ở Thái Giao Đá Trắng (Phước Thái) có đội tự vệ với hơn 30 thanh niên do anh Giáo Lô – đội trưởng, Phan Lợi – đội phó.
Lúc này Tỉnh ủy lâm thời đã nhận định: Anh, Pháp có âm mưu sử dụng tàn quân Nhật trở lại đóng chiếm một số vị trí gọi là chờ quân đồng minh đến giải giáp, nhưng thực chất là làm lực lượng xung kích nắm tình hình ta tạo điều kiện cho quân Pháp đánh chiếm Ninh Thuận. Từ đó ta có chủ trương tiêu diệt tàn quân Nhật và chuẩn bị kháng chiến chống Pháp.
Quân Nhật có một đại đội gồm 4 trung đội (3 trung đội đóng ở trường Pháp – Việt nay là trường THCS Lý Tự Trọng và 1 trung đội phó ở Tháp Chàm); ta có 2 đại đội giải phóng quân mới thành lập (1 ở Tháp Chàm, 1 ở Phan Rang) được trang bị một số súng trường, lựu đạn. Lực lượng dân quân tự vệ chỉ có giáo mác, cung tên, chưa có kinh nghiệm chiến đấu.
Đầu tháng 10/1945 một toán lính Nhật 13 tên từ Tháp Chàm đi tuần tra, xuống tắm ở sông Tân Mỹ. Ta biết trước và đã bố trí lực lượng tại cầu Tân Mỹ cướp súng và diệt gần như toàn bộ (có một tên thoát thân). Tiếp đến ngày 17/10/1945 hai xe Nhật chở 1 tiểu đội (có 1 sĩ quan) từ Bình Thuận ra đã bị 1 tiểu đội giải phóng quân và 1 tiểu đội dân quân chặn đánh tại eo biển Cà Ná, tiêu diệt một số và bắt sống 1 sỹ quan Nhật.
Lúc này tình hình chiến sự các tỉnh xung quanh Ninh Thuận đã căng thẳng. Quân Nhật ở Phan Rang sẵn sàng tiếp tay cho quân Pháp. Ta chủ trương tiêu diệt bọn Nhật ở Phan Rang. Vào 4 giờ ngày 10/11/1945 giải phóng quân và dân quân chiến đấu tấn công quân Nhật đóng ở trường Pháp - Việt; ngày đầu ta bị tổn thất nặng nên phải dừng lại. Sau khi có chi đội của đồng chí Nam Long (bộ đội Nam Tiến)( ) từ Bình Thuận ra tăng cường cho mặt trận Nha Trang dừng lại ở Phan Rang, trung đội Lê Trung Đình từ Quảng Ngãi vào và trung đội dân quân Bác Ái tổ chức lực lượng tấn công lần thứ 2. Lúc này quân Nhật đã chuyển từ trường Pháp Việt qua đóng ở tòa sứ, chúng làm công sự, củng cố lực lượng chống trả quyết liệt.
Ngày 13/11/1945, ta tấn công và bao quay chặt, sau 10 ngày cố thủ quân Nhật chết và bị thương một số, lương thực cạn dần, chúng nghi binh bằng cách để lại một ít lính, số còn lại nửa đêm 21/11/1945 bí mật rút qua sông Dinh chạy về hướng bắc Mông Đức, Nhuận Đức; khi đến gần làng bị dân quân tự vệ chặn đánh bắt sống tên quan ba thầy thuốc, số còn lại chạy về hướng Rừng Xoài (Đá Trắng) bị dân quân các làng lân cận (Phước Thái, Phước Thuận, Phước Hữu ngày nay) tập kích diệt và làm bị thương một số, chúng rút chạy đến Krông Pha lên Liên Khàng (Lâm Đồng). Sau khi quân Nhật rút khỏi tòa sứ, ta vào kiểm soát, địch bỏ lại 11 súng trường đã phá hủy và 4 xác chết.
Hơn 10 ngày đánh Nhật, ta hy sinh 27 dân quân của Dư Khánh, 30 chiến sĩ của Trung đội Lê Trung Đình và 50 chiến sĩ bộ đội Nam Tiến (chủ yếu là thanh niên); Tuy nhiên, ta đã diệt và tiêu hao một số lính Nhật, bắt sống 2 tên, buộc chúng phải rút khỏi Ninh Thuận. UBCM lâm thời tỉnh tổ chức mít-tinh mừng chiến thắng và làm lễ truy điệu những chiến sỹ hi sinh anh dũng trong những ngày chiến đấu đánh đuổi quân Nhật ra khỏi tỉnh, phát động quần chúng, thanh niên tích cực sẵn sàng chống thực dân Pháp trở lại.
Từ ngày giành được chính quyền, Thanh niên cứu quốc ở các làng, xã phát triển rất nhanh, Đoàn Thanh niên cứu quốc được sự chỉ đạo trực tiếp của Ủy ban Việt Minh làng. Cấp tỉnh( ) và các huyện, Ủy Ban Việt Minh cùng cấp chỉ định 01 đồng chí chịu trách nhiệm theo dõi phong trào thanh niên. Người đứng đầu Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên cứu quốc theo điều lệ của Mặt trận Việt Minh lúc bấy giờ gọi là Thư ký.
Phong trào Đoàn những tháng sau khi cướp chính quyền rất sôi nổi, nhất là luyện tập quân sự và ca hát. Mỗi thanh niên tự trang bị cho mình súng, lựu đạn giã,…Ngày đêm, những chàng trai tuổi 18 đôi mươi đứng canh gác ở các cơ quan, các đoạn đường giao thông quan trọng trong thôn xóm. Ở vùng ven biển, thanh niên còn tập dàn hàng ngang kéo ra bờ biển chống tàu địch đổ bộ. Còn các cuộc họp ở xóm làng thấy vang lên những bài ca như: “Giang tay ta tung hô muôn năm bóng cờ…” hay “Giang san trong ngày nguy biến, nam nhi ta cùng tiến lên cứu nguy…” đã động viên thanh niên phấn khởi sẵn sàng hiến thân cho Tổ quốc.
Cuối tháng 01/1946, quân Pháp tái chiếm Phan Rang, lúc này trong thị xã tùy điều kiện thuận tiện cho việc tản cư của mỗi gia đình, nên đoàn viên, Thanh niên cứu quốc mỗi người đi mỗi hướng. Số Thanh niên cứu quốc đã vào các đơn vị bán vũ trang của thị xã lúc đầu phải phân tán nhỏ để tiện sinh hoạt trong dân. Trừ thị xã Phan Rang – Tháp Chàm còn ở các làng đều sinh hoạt bình thường, tất bật nhất là việc giúp đỡ đồng bào Lâm viên tản cư. Nơi nào quân Pháp đến vây ráp thì thanh niên tạm lánh. Giặc Pháp rút đi thì bà con ổn định làm ăn. Lúc này giặc Pháp đi đến đâu đốt nhà, tàn sát, cướp phá, hãm hiếp đàn bà con gái. Việt Minh tỉnh phổ biến trong Nhân dân chủ trương bất hợp tác với giặc, thực hiện khẩu hiệu 3 không (không biết, không nghe, không thấy).
Sau khi giặc Pháp chiếm thị xã Phan Rang – Tháp Chàm, Tỉnh đã bố trí đồng chí Đỗ Đạt Khoáng qua công tác ở khu đặc biệt. Từ đó tổ chức chỉ đạo công tác Thanh niên cứu quốc của tỉnh không còn nữa, công tác thanh niên lúc này do UB Việt Minh mỗi cấp phụ trách và xây dựng. Trước mắt giặc Pháp đang hung hăng, UB Việt Minh các cấp một mặt gấp rút xây dựng căn cứ, củng cố bộ máy nhất là lực lượng vũ trang, liên tục đưa cán bộ về cơ sở để ổn định chính quyền, Mặt trận Việt Minh làng. Đoàn viên, thanh niên ở các nơi địch chiếm đóng, một số tham gia các đơn vị vũ trang tỉnh, thị xã, một số hoạt động trong các tổ chức ở địa phương nơi mình đến tản cư. Một bộ phận lớn hòa mình với bà con trong làng tham gia sản xuất; đoàn viên ở nông thôn trong thời gian ngắn đã bổ sung vào các đội tự vệ, canh gác bảo vệ thôn xóm; đoàn viên ở nông thôn trong thời gian ngắn đã bổ sung vào các đội tự vệ, canh gác bảo vệ thôn xóm, góp phần diệt ác, trừ gian. UB Việt Minh làng lần lượt được củng cố, các Ban Chấp hành cùng các tiểu tổ Thanh niên cứu quốc cũng được xây dựng lại, đoàn viên, Thanh niên cứu quốc làm nòng cốt tập hợp thanh niên rộng rãi tham gia mọi công tác.
Lúc bấy giờ, nhiều nơi đã tổ chức Ban “Trừ gian, diệt ác”- gọi tắt là “Ban AS” (ám sát). Ở An Thạnh (An Hải ngày nay) ngoài việc chọn một số thanh niên ưu tú thành lập đội du kích, ta còn lập “Đội trinh sát đặc biệt” do anh Lê Hồng Sơn chỉ huy và đội trừ gian của Việt Minh do anh Hoàng Cao Khánh phụ trách. “Ban AS” đã diệt một số tên cường hào gian ác, góp phần ngăn chặn quân Pháp trong việc đặt lại ách kèm dân ở vùng II (nay là Ninh Phước). Ngày 06/3/1946, nhằm sử dụng thời gian hòa hoãn để xây dựng lực lượng, củng cố tổ chức ở vùng địch tạm chiếm; địch lợi dụng điều kiện ngừng bắn lập “Ban liên lạc Việt Pháp” tăng cường do thám ở vùng ta. UB Việt Minh và UB Hành chính tỉnh mất cảnh giác không đề phòng, ngày 05/5/1946 quân Pháp bất ngờ bao vây, tấn công UB Hành chính tỉnh đóng tại La Chữ, chúng bắt toàn bộ cán bộ nhân viên giam cầm tra tấn giết hại. Đồng chí Nguyễn Văn Nhu (chủ tịch UB Hành chính tỉnh) đang đi công tác ở Đá Trắng về đến gặp đại diện Pháp phản đối, bị chúng bắt và thủ tiêu. Sau đó địch tấn công vào căn cứ đóng quân của ta ở Bầu Bèo, Hòn Đỏ, Tỉnh ủy lâm thời không nắm chắc lực lượng vũ trang, không kịp thời chỉ đạo nên ngày 11/5/1946, Chi đội trưởng Chi đội II Cao Thanh Trà ra lệnh cho gần 2000 chiến sĩ chôn súng: phân tán về trong dân, một số chỉ huy tìm đường ra vùng tự do. Nhiều cán bộ chiến sỹ rất ấm ức, đồng chí Trương Hoàn (Lý) chính trị viên đại đội 3 phản đối việc giải tán bộ đội đã rút một số quân về vùng Ninh Hải Hạ tiếp tục củng cố lực lượng để chống giặc. Trong lúc đó Việt Minh ở cơ sở vẫn nắm chắc thanh niên, đại bộ phận nam nữ thanh niên vẫn giữ vững niềm tin vào cách mạng. Những hoạt động của giới trẻ gồm đủ mọi thành phần tham gia các đợt diệt tề, trừ gian nhằm chặn đứng âm mưu xây dựng lại chính quyền tay sai, tham gia các đội dân quân du kích, các ban trừ gian.
Do mất cảnh giác cách mạng, Lãnh đạo tỉnh để mất chính quyền, mất lực lượng vũ trang gây nên tình hình rất hoang mang dao động trong cán bộ, thanh niên và Nhân dân.
Ngày 25/5/1946 đồng chí Trần Quỳnh( ) triệu tập một cuộc họp mở rộng tại Càn Khôn (vùng Sông Quao) có các đồng chí Trần Thi, Trần Hiếm, Mai Mạnh,… tham dự Hội nghị đã đánh giá tình hình trong tỉnh sau khi Pháp phản bội Hiệp định sơ bộ địa phương và đề ra một số nhiệm vụ cấp bách:
+ Gấp rút củng cố lại lực lượng vũ trang.
+ Khôi phục lại chính quyền các cấp, thành lập tổ chức Đảng và củng cố xây dựng các tổ chức đoàn thể ở cơ sở.
+ Củng cố lại ban trừ gian.
Đầu tháng 6/1946 các đồng chí Trần Nguyên Mẫn, Nguyễn Đối, … từ vùng tự do trở về cùng các đồng chí Nguyễn Thế Lâm, Lâm Hồng Phấn, Trương Chí Cương được UB Hành chính Nam Trung bộ cử vào tăng cường cho Ninh Thuận. Các đồng chí mới vào cùng các đồng chí Trần Quỳnh, Trần Thi, Lê Tự Nhiên,… triệu tập cuộc họp vào cuối tháng 6/1946 tại Thuận Lợi (Càn Khôn), Hội nghị đã ban hành các chủ trương:
+ Bầu Tỉnh ủy lâm thời, bầu UB Việt Minh và UB Hành chính tỉnh.
+ Xây dựng lại lực lượng vũ trang, thành lập trung đoàn 81 và thành lập các chiến khu.
+ Đẩy mạnh hoạt động quân sự, tiêu hao gây rối trong nội bộ địch, trừ gian và chuẩn bị phát động quần chúng nổi dậy.
+ Tổ chức chính quyền, lập Ban cán sự Đảng, UB Việt Minh ở các khu và các đơn vị làng.
Hội nghị đã bầu Ban Chấp hành Tỉnh ủy lâm thời do các đồng chí Trần Quỳnh – Bí thư, Trương Chí Cương- Phó Bí thư. Trong Hội nghị này, Tỉnh ủy chủ trương thành lập 6 khu hành chính ở đồng bằng( ).
Về quân sự theo chủ trương của khu IV, tỉnh Ninh Thuận thành lập Trung đoàn 81, đồng chí Nguyễn Thế Lâm được cử làm Trung đoàn trưởng, đồng chí Lê Tự Nhiên làm chính trị viên; sau khi đồng chí Nhiên bị địch bắt, đồng chí Lâm Hồng Phấn-trưởng ban chính trị lên làm chính trị viên. Thời gian này du kích vùng II và một số thôn vùng III ( ) hoạt động rất mạnh, làm cho giặc Pháp và bọn Việt gian nơm nớp lo sợ. Năng 1947 du kích khu II được UB Hành chính Nam Trung Bộ khen thưởng và tuyên dương công trạng. Sau khi ta có chủ trương thành lập Trung đoàn 81 và CK ( ), thì thanh niên trong lực lượng dân quân tự vệ, du kích gia nhập bộ đội ngày càng nhiều. Có một số thiếu niên cũng tình nguyện xin vào bộ đội và tham gia canh gác, báo tin, trinh sát nắm tình hình, làm liên lạc.
Nhiều làng trong tỉnh đã dấy lên phong trào thanh niên làm nhiệm vụ vận tải lương thực, thuốc men,… bằng sức người và cả xe trâu, xe bò tiếp tế cho các chiến khu trong những năm 1946, 1947. Chẳng những biết đánh địch mà lần đầu tiên thanh niên còn biết làm công tác vận động binh lính địch: đã vận động 1 tiểu đội lính Lê Dương mang vũ khí ra hàng Việt Minh tại An Thạnh (tháng 6/1946).
Thanh niên còn biết làm công tác vận động nắm số Hào Lý, nhất là số ít nhiều có tư tưởng tiến bộ (làng nào cũng có). Nên từ sau ngày Pháp tái chiếm Ninh Thuận địch không sử dụng được số này như ý đồ của chúng. Ngược lại, ta nắm rất chắc, có người đi theo kháng chiến rất tích cực và trở thành cán bộ Việt Minh, đảng viên Đảng cộng sản như các anh Trần Quốc Trung ở Tân Thành, Nguyễn Hữu Đức, Trần Bang, Lê Cang ở An Thạnh và Lê Văn Đôn ở Hòa Thủy, cụ Trần Công Nghiệp ở Phú Quý (nguyên là Chánh tổng) được sự giác ngộ của Đảng đã thoát ly tham gia cách mạng cho đến cuối đời.
Trên địa bàn Ninh Phước, từ tháng 6/1946 và những năm tiếp theo phong trào diệt tề trừ gian của lực lượng dân du kích đã hỗ trợ phong trào đấu tranh của quần chúng xóa bỏ Ngụy quyền các xã. Ngày 30/6/1946 một tổ du kích gồm các anh Ngô Xuân Ánh, Bùi Thưng, Ni,… đã thống nhất kế hoạch của chi Bộ tổ chức đánh bọn Pháp từ nhà đền (Mũi Dinh) xuống Sơn Hải bắt thanh niên ở đây dùng ghe chở chúng lên Phú Thọ, vừa đến vực sâu Vĩnh Trường, anh Ánh làm ám hiệu, anh Thưng và anh Ni đột ngột quay mũi ghe. Ghe bị đắm, những tên biết bơi cũng bị sóng dập, ngóc đầu kêu cứu, các ghe khác của ta trong bờ bơi ra, lính Pháp bám vào nạn thuyền; anh em thanh niên dùng mái chèo làm vũ khí diệt gọn tiểu đội lính Pháp. Ta thu 01 trung liên, 02 tiểu liên, 04 súng trường. Các loại vũ khí thu được đã kịp thời trang bị cho một trung đội thanh niên du kính do anh Mười Tẻo và Sáu Đệ chỉ huy. Đây là trận đánh du kích đầu tiên của thanh niên Sơn Hải, Vĩnh Trường, biết tranh thủ thời cơ giành thắng lợi, gây tiếng vang khắp nơi trong tỉnh. Tiếp đến đêm 14/9/1946, thanh niên du kích ở Dư Khánh chặn đánh quân Pháp khi chúng càn vào làng. Trong đợt hoạt động nổi dậy này, dân quân du kích phối hợp với các đơn vị bộ đội đánh đồn diệt tề trừ gian ở các làng Phương Cựu, Tri Thủy, Khánh Hội, Vĩnh Hy, Mỹ Tường, Khánh Nhơn,…
Cuối năm 1946, Tỉnh nhận được lệnh của Khu VI là thực hiện chủ trương của Trung ương cùng “Toàn quốc kháng chiến”. Trung đoàn 81 cùng dân quân du kích ở các địa phương liên tục tấn công địch. Ngày 31/12/1946 ta tấn công địch ở Phương Cựu và Hòa Trinh diệt 13 lính Pháp và 2 lính Ngụy. Tại đồn Hào Trinh được bọn tay sai dẫn đường, quân Pháp đã bắt 2 Thanh niên cứu quốc Lê Trân Châu và Nguyễn Kim Chi, chúng dùng mọi cực hình tra tấn dã man nhưng hai anh vẫn chịu đựng, kiên quyết không khai. Cuối cùng chúng treo cổ anh Chi lên ngọn cây và tẩm xăng vào người anh Châu, khi ngọn lửa phụt cháy anh hô to “Đả đảo giặc Pháp”. Các anh Mai, Công, Đức, Thà, Sung,… ở Cà Ná bị tên Đỗ Kim Quyền dẫn giặc về vây bắt, bị tra khảo 5 anh chết đi sống lại nhiều lần nhưng không hề khai báo. Giặc Pháp lôi hai anh ra trước dân làng xử bắn và thủ tiêu dần các anh còn lại. Trong trận càn ở Mỹ Hiệp, Pháp bắt anh Trương Phú Khánh (thanh niên Chăm – Chủ nhiệm Việt Minh xã), hết mua chuộc dụ dỗ đến tra khảo. Anh Khánh chỉ tay vào mặt tên Huyện Phát “Chúng mày là lũ bán nước, thà chết chứ tao không theo chúng mày”, sau đó địch đã thủ tiêu anh. Anh Phú Mách và Lưu Đặng (thanh niên Chăm – cán bộ Việt Minh thôn) bị bắt khi Pháp vây ráp các thôn Thường Tín, Vụ Bổn, Hậu Sanh; với nhiều hình thức tra tấn tàn bạo, hai anh vẫn cương quyết không khai báo, chúng bắn anh Phú Mách tại chỗ; còn anh Lưu Đặng thì đem về giam ở đồn Hòa Trinh, dùng mọi thủ đoạn dụ dỗ mua chuộc nhưng không thành, chúng tiếp tục tra tấn, anh thét lên “Đồ quân cướp nước, thà chết chứ nhất định tao không đầu hàng” chúng đem anh đi chôn sống( ).
Năm 1947, dưới sự lãnh đạo của chi Bộ xã Đoàn Kết (sau đổi tên là xã Nam Khê- nay là xã Phước Dinh) hàng chục đoàn viên và hàng trăm nam, nữ thanh niên cùng với gần 2000 Nhân dân vào khu tập trung Đông Ba-Mỹ Hải. Đồng bào và thanh niên nổi dậy bất hợp tác với giặc, tiêu thổ kháng chiến, nhất tề bỏ làng kéo lên chiến khu 35 tham gia kháng chiến và bám trụ sản xuất nuôi quân( ), chiến đấu và phục vụ chiến đấu như đi dân công tải đạn, lương thực, xung phong tiến về làng bao vây, công kích, bứt rút đồn địch, kiên trì chịu đựng gian khổ, đói rách, bệnh tật… (nhiều lúc phải ăn cả củ nần, củ chuối, trái xay, hạt gũ thay cơm, dùng lá cây rừng chữa bệnh). Trong thử thách khói lửa, hệ thống chính trị và kinh tế của thanh niên được xây dựng thật sự vững mạnh, buôn bán, quán chợ, trường học, thông tin văn nghệ, canh gác tuần tra,… đều hoạt động nhộn nhịp; khẩu hiệu “Động vi binh, tịnh vi dân” trở thành nếp sống thời chiến của tuổi trẻ Ninh Thuận lúc bấy giờ. Theo chỉ đạo của khu ủy, ngày 12/4/1947 tại CK7, Tỉnh ủy mở Hội nghị cán bộ có 20 đại biểu tham dự. Hội nghị đã bàn về công tác phát triển Đảng, xây dựng lực lượng Đoàn Thanh niên cơ quan, củng cố chính quyền đoàn thể giữ vững giao thông liên lạc, củng cố lực lượng vũ trang. Hội nghị bầu Ban Chấp hành Tỉnh ủy gồm 09 đồng chí( ), đến tháng 7/1947 đồng chí Trần Quỳnh chuyển công tác vào Bình Thuận, đồng chí Trương Chí Cường được cử làm Bí thư, đồng chí Trần Nguyên Mẫn làm Phó Bí thư( ).
Những năm 1946-1947, phong trào chiến tranh du kích tiếp tục phát triển mạnh và rộng khắp các vùng đồng bằng trong tỉnh: du kích thoát ly tập trung của vùng, du kích tập trung thôn (làng), cán bộ xã, vùng và cơ quan chỉ đạo các vùng đều ở trong dân, được Nhân dân và dân quân du kích bảo vệ an toàn. Về tổ chức Đoàn: từ cuối 1946 trở đi, Thanh niên cứu quốc ở Ninh Thuận không ngừng được củng cố, phát triển nhất là cơ sở và trải qua nhiều thử thách quyết liệt. Nhưng công tác thanh niên vẫn do cấp ủy Đảng các cấp chỉ đạo, gắn công tác xây dựng Đảng với công tác xây dựng Đoàn thanh niên cứu quốc. Ở cấp khu, vùng (tương đương huyện) huyện, thị, tỉnh đều chưa có Ban Chấp hành Đoàn hay cán bộ chuyên trách, lực lượng cán bộ Đoàn lúc bấy giờ rất mỏng.
Để đánh bật lực lượng cách mạng ra khỏi quần chúng, bắt đầu từ cuối năm 1947 trở đi, địch liên tục càn quét, đánh phá cơ sở, gom dân, lập các khu tập trung dân, rào làng, xây nhiều bót gác xung quanh khu tập trung; mỗi khu tập trung chỉ có 1 cửa cho dân ra vào, có lính gác, lục soát, Nhân dân đi làm (sáng phải đi trễ, chiều về sớm), không cho ở lại ruộng, rẫy. Những gia đình có người thoát ly, ban đêm địch bắt tập trung ngủ ở các đồn bót. Địch ra sức bắt lính, phát triển lực lượng “Bảo vệ Hương” để canh giữ các khu tập trung.
Đến giữa năm 1948, địch ra sức bắt lính, đẩy mạnh việc lập ngụy quân, ngụy quyền và xây dựng chính quyền quốc gia bù nhìn từ tỉnh đến xã. Ngoài lực lượng “Bảo vệ Hương”, ở xã còn có mạng lưới gián điệp, mật vụ chỉ điểm. Chúng tăng cường hệ thống đồn bót như ở Cà Ná chỉ có 2000 dân, mà chúng cho xây 3 đồn chính (toàn tỉnh có hơn 300 đồn bót). Để đối phó lại âm mưu mới của địch, Tỉnh chủ trương đẩy mạnh hoạt động du kích, đánh tiêu hao và phá hoại giao thông, điển hình cho phong trào này là thanh niên du kích xã Nam Lộ (nay là Phước Diêm), du kích Ấp Nam, Bầu Máng (Xóm Bầu), Từ Tâm, Hòa Thủy,… liên tục tấn công địch, khi địch vừa mới ra khỏi đồn là chặn đánh ngay, có trận anh em đã diệt hơn 1 tiểu đội địch, thu nhiều súng đạn. Xã đội Nam Lộ cùng phối hợp với các xã bạn huy động hàng trăm du kích phá hoại đoạn đường sắt từ Ga Phú Quý tới Ga Hòa Trinh. Đặc biệt là trận đánh vào đồn Cà Ná tháng 4/1947 đã rút 30 thanh niên (công nhân và ngư dân) thoát ly( ).
(còn tiếp kỳ sau…)
Lịch sử Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và phong trào thanh thiếu nhi tỉnh Ninh Thuận (1930-2010)
Trong tài liệu sinh hoạt chi Đoàn, chúng tôi xin gửi đến các bạn đoàn viên, thanh niên, các tổ chức Đoàn về một số chính sách mới có hiệu lực từ tháng 3/2019:
1. Trao nhầm trẻ sơ sinh là sự cố y khoa nghiêm trọng
Thông tư 43/2018/TT-BYT của Bộ Y tế hướng dẫn phòng ngừa sự cố y khoa trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, có hiệu lực từ ngày 01/3/2019.
Theo đó, Bộ Y tế vừa thống kê Danh mục sự cố y khoa nghiêm trọng, trong đó trao nhầm trẻ sơ sinh được xếp là sự cố nghiêm trọng liên quan đến quản lý người bệnh.
Sự cố nghiêm trọng liên quan đến chăm sóc tại cơ sở khám, chữa bệnh bao gồm các sự cố như: Sản phụ tử vong hoặc di chứng nghiêm trọng liên quan đến quá trình chuyển dạ, sinh con…
Khi phát hiện ra sự cố y khoa, nhân viên y tế có trách nhiệm xử lý ngay để đảm bảo an toàn cho người bệnh.
2. Bệnh án điện tử: Mỗi người bệnh chỉ có một mã số quản lý
Đây là thông tin được nêu tại Thông tư 46/2018/TT-BYT của Bộ Y tế quy định hồ sơ bệnh án điện tử.
Theo đó, mỗi người bệnh chỉ có một mã số quản lý, lưu trữ hồ sơ bệnh án điện tử tại một cơ sở khám, chữa bệnh. Hồ sơ bệnh án điện tử phải đáp ứng các yêu cầu sau:
- Phải ghi nhận toàn bộ nội dung thông tin như hồ sơ bệnh án giấy;
- Phải có chữ ký số của người chịu trách nhiệm nội dung thông được nhập vào hồ sơ bệnh án điện tử;
- Tuân thủ việc bảo vệ thông tin cá nhân theo quy định.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/03/2019.
3. Người ký kết quả xét nghiệm phải có trình độ đại học trở lên
Theo Thông tư 49/2018/TT-BYT hướng dẫn hoạt động xét nghiệm trong khám bệnh, chữa bệnh, người ký kết quả xét nghiệm phải có trình độ đại học trở lên.
Cụ thể, trưởng khoa xét nghiệm sẽ là người trực tiếp ký kết quả xét nghiệm hoặc nếu phân công bác sỹ chuyên khoa, kỹ thuật viên xét nghiệm ký kết quả xét nghiệm thì người đó phải có trình độ đại học trở lên.
Ngoài ra, Thông tư yêu cầu các khoa, phòng, trung tâm hoạt động xét nghiệm cần đảm bảo an toàn xét nghiệm và vệ sinh lao động.
Đặc biệt các khoa, phòng, trung tâm xét nghiệm cần phối hợp với các khoa lâm sàng và khoa khám bệnh tổ chức công tác lấy, tiếp nhận mẫu bệnh phẩm, công tác thường trực xét nghiệm và phòng chống dịch liên tục 24 giờ/ngày.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15/03/2019.
4. Môi giới con nuôi dưới 16 tuổi có thể bị xử lý hình sự
Theo Nghị quyết 02/2019/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng Điều 150 về tội mua bán người và Điều 151 về tội mua bán người dưới 16 tuổi của Bộ luật Hình sự, hành vi môi giới con nuôi dưới 16 tuổi thuộc các trường hợp sau sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội mua bán người dưới 16 tuổi:
- Biết mục đích của người nhận nuôi con nuôi dưới 16 tuổi là để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể, bán cho người khác hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác nhưng vẫn chuyển giao nạn nhân để nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác.
- Lợi dụng việc cho nhận con nuôi để tiếp nhận con nuôi là người dưới 16 tuổi để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể…
Nghị quyết này có hiệu lực từ ngày 15/03/2019.
5. Sinh viên cao đẳng phải học 120 giờ môn Tiếng Anh
Bộ Lao động Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư 03/2019/TT-BLĐTBXH về chương trình học môn Tiếng Anh trong trường trung cấp, cao đẳng.
Theo đó, sinh viên cao đẳng phải học Tiếng Anh với thời gian là 120 giờ/khóa học; sinh viên cao đẳng khi tốt nghiệp phải đạt trình độ năng lực ngoại ngữ bậc 2/6 theo Khung năng lực ngoại ngữ.
Ngoài ra, Thông tư còn quy định 02 trường hợp được miễn học và thi Tiếng Anh gồm:
- Có chứng chỉ Tiếng Anh bậc 2 trở lên theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam;
- Có chứng chỉ Tiếng Anh tương đương cấp độ A2 trở lên theo Khung tham chiếu chung Châu Âu do các tổ chức nước ngoài cấp.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15/03/2019.
6. Bổ sung gần 80 ngành nghề trung cấp, cao đẳng
Thông tư 06/2019/TT-BLĐTBXH bổ sung ngành, nghề đào tạo vào Danh mục ngành, nghề đào tạo cấp IV trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng ban hành kèm theo Thông tư 04/2017/TT-BLĐTBXH.
Các ngành, nghề bổ sung thuộc 14 lĩnh vực như: Sư phạm, pháp luật, nghệ thuật, báo chí, kinh tế…
Cụ thể, trình độ cao đẳng có các ngành như: Sư phạm kỹ thuật xây dựng, nghệ thuật biểu diễn dân ca, tạp kỹ, tiếng Anh thương mại, tiếng Anh du lịch, tiếng Anh lễ tân nhà hàng - khách sạn, dịch vụ pháp lý doanh nghiệp…
Bậc trung cấp có các ngành như: Quản lý siêu thị, trợ lý tổ chức đấu giá tài sản, công nghệ gia công bao bì, nông nghiệp công nghệ cao…
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15/03/2019.
7. Mức tiền thưởng phòng, chống tội phạm ma túy
Mức tiền thưởng phòng, chống tội phạm ma túy được thực hiện theo Quyết định 04/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về quản lý, sử dụng Quỹ Phòng, chống tội phạm.
Theo đó, Quỹ được sử dụng để chi cho các nội dung sau:
- Thưởng tiền đột xuất cho các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống tội phạm ma túy. Cụ thể:
+ Đối với cá nhân, tối đa là 5 triệu đồng/người/lần khen thưởng;
+ Đối với tập thể, tối đa là 20 triệu đồng/tập thể/lần khen thưởng.
- Hỗ trợ tiền đền bù, trợ cấp đột xuất với gia đình và người trực tiếp tham gia phòng, chống tội phạm ma túy bị thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản.
Quyết định này có hiệu lực từ ngày 10/3/2019.
8. Đơn giản hóa chế độ báo cáo trong cơ quan Nhà nước
Chính phủ đã ban hành Nghị định 09/2019/NĐ-CP quy định về chế độ báo cáo của cơ quan hành chính Nhà nước với nhiều quy định thể hiện sự đơn giản hóa trong chế độ báo cáo của các cơ quan hành chính Nhà nước, như:
- Chế độ báo cáo chỉ được ban hành khi thật sự cần thiết để phục vụ mục tiêu quản lý, chỉ đạo, điều hành của cơ quan hành chính Nhà nước và người có thẩm quyền;
- Chế độ báo cáo phải bảo đảm rõ ràng, khả thi và không trùng lắp với chế độ báo cáo khác; Giảm tối đa yêu cầu về tần suất báo cáo nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí và nhân lực.
- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện chế độ báo cáo, chuyển dần từ báo cáo bằng văn bản giấy sang báo cáo điện tử.
Nghị định này có hiệu lực từ ngày 12/3/2019.
9. Tập thể dục, thể thao 3 lần/tuần được coi là thường xuyên tập luyện
Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã ban hành Thông tư 01/2019/TT-BVHTTDL quy định về đánh giá phong trào thể dục, thể thao quần chúng.
Theo đó, Thông tư đề ra một số tiêu chí đáng chú ý như sau:
- Người tập luyện thể dục, thể thao thường xuyên là người tập luyện mỗi tuần ít nhất 03 lần; mỗi lần tập luyện ít nhất 30 phút;
- Gia đình thể thao là hộ gia đình có tổng số thành viên tập luyện thể dục, thể thao thường xuyên chiếm từ 50% trở lên tổng số thành viên trong gia đình…
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 05/3/2019.
10. Hộ nghèo được vay tối đa 100 triệu đồng từ 1/3/2019
Kể từ ngày 01/3/2019, Ngân hàng Chính sách xã hội nâng mức cho vay tối đa đối với hộ nghèo từ 50 triệu đồng/hộ lên 100 triệu đồng/hộ.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước kiêm Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Chính sách xã hội vừa ký ban hành Quyết định số 12/QĐ-HĐQT về việc nâng mức cho vay và thời hạn cho vay tối đa đối với hộ nghèo đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh.
Theo đó, kể từ ngày 01/3/2019, Ngân hàng Chính sách xã hội nâng mức cho vay tối đa đối với hộ nghèo từ 50 triệu đồng/hộ lên 100 triệu đồng/hộ vay không phải bảo đảm tiền vay.
Đồng thời, nâng thời hạn cho vay tối đa lên 120 tháng phù hợp với quá trình sinh trưởng và phát triển của các đối tượng đầu tư dài hạn.
Tính đến hết năm 2018, tổng dư nợ các chương trình tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội đạt trên 187 nghìn tỷ đồng; trong đó dư nợ chương trình cho vay hộ nghèo 38 nghìn tỷ đồng (chiếm 20,2% tổng dư nợ) với 1,28 triệu hộ nghèo đang còn dư nợ.
Nguồn: https://vietnammoi.vn
Khởi nghiệp từ trà hoa
Tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có từ hoa, Lương Thị Diễm Trinh, ở vùng miền Tây sông nước và cô gái người Bana Hồ Thị Viên đã sản xuất ra trà hoa có hương vị rất đặc biệt.
Diễm Trinh thực hiện từng công đoạn để tạo ra sản phẩm trà hoa. ẢNH: DUY TÂN
Người uống khen ngợi hương hoa...
Năm 2014, sau khi tốt nghiệp cao đẳng sư phạm (ngành sinh - hóa), Lương Thị Diễm Trinh (26 tuổi, ngụ ấp Tân Thành, xã Tân Quy Tây, TP.Sa Đéc, Đồng Tháp) được nhận vào công tác tại Trường THCS Trần Thị Nhượng (TP.Sa Đéc). Năm 2016, cô nảy sinh ý tưởng làm trà từ hoa.
Nghĩ là làm, Trinh đầu tư máy sấy, vận dụng kiến thức đã học và tìm hiểu từ nhiều nơi để chế biến ra các sản phẩm trà hoa. Ban đầu chỉ là trà hoa hồng nhung, hồng lửa và tường vy. Mỗi sắc mỗi hương, mỗi vị, khi kết hợp tạo nên loại trà vô cùng đậm đà. Tuy nhiên, các loại hoa này có thời gian cắt khác nhau nên không đủ nguồn nguyên liệu để làm. Sau đó, Trinh chuyển sang làm thử nghiệm trên một số loại hoa khác như: hồng chùm son, đậu biếc, trà hoa nguyệt quế, đinh lăng, a ti sô đỏ, trà vỏ bưởi... Đến năm 2017, sản phẩm được đưa ra thị trường và nhận nhiều lời khen ngợi.
Trinh cho biết Sa Đéc có đến hàng trăm loại hoa nhưng không phải loại nào cũng có thể làm được trà. Nguồn nguyên liệu để sản xuất đều do tự tay cô trồng và tuyển lựa khắt khe. Trên diện tích đất vườn của gia đình rộng hơn 1.200 m2, cô trồng hoa đậu biếc, đinh lăng, nguyệt quế… theo phương pháp sinh học, không sử dụng phân bón hóa học để có nguồn nguyên liệu sạch. Bên cạnh đó, cô còn hợp tác với một số nhà vườn để có đủ nguồn nguyên liệu chế biến trà hoa. Nguồn nguyên liệu từ hoa hồng được tuyển chọn một cách khác biệt nên hương vị không trùng lặp với các loại trà hoa trên thị trường.
Khởi nghiệp từ trà hoa
“Thông thường, người khác sẽ chọn hoa hồng nụ để chế biến, còn tôi chọn loại hoa vừa bung nở. Hoa nụ sẽ có ưu điểm ít nát khi vận chuyển, hình thức đẹp, nhưng người uống trà phải cần đầu tư, tức là phải có bình trà có nến mới uống hết được chất trà. Tuy nhiên, khách hàng đa phần là những người trẻ tuổi và làm văn phòng nên chỉ chú trọng sản phẩm khi chế nước sôi vào trong vòng ít phút phải ra chất trà và hoa hồng vừa bung nở sẽ đáp ứng được nhu cầu đẹp và ra hương vị cực kỳ nhanh lại đậm, thơm hơn”, Trinh cho biết.
Theo Trinh, để chế biến ra trà hoa phải trải qua nhiều quy trình vô cùng tỉ mỉ. Đầu tiên, hoa sau khi hái được rửa thật sạch, sau đó đem phơi, để khô tự nhiên từ 3 - 4 tiếng rồi đem vào lò sấy khoảng 8 tiếng với nhiệt độ 65 - 70 độ; sau đó để nguội và đóng gói. Với khoảng 10 kg hoa tươi, sau khi sấy thành phẩm thu được khoảng 1 kg trà hoa.
Mỗi sản phẩm làm ra đều giữ được nguyên trạng ban đầu, đóng thành từng gói khoảng 50gr, với giá bán dao động từ 40.000 - 70.000 đồng/gói (tùy loại). Nhờ đó, Trinh có thu nhập từ vài triệu đồng đến chục triệu đồng mỗi tháng.
Thoát nghèo bằng cà gai leo
Cô gái người Bana Hồ Thị Viên ở làng Pơ Nang, xã Tú An, TX.An Khê (Gia Lai) đã chọn cách khởi nghiệp, khát vọng giúp bà con thoát nghèo bằng cà gai leo - một sản vật của quê hương.
Hồ Thị Viên có lẽ chẳng lạ gì với người làng Pơ Nang. Giỏi giang, nhanh nhẹn, khéo léo và có chút... bướng nữa vì hay có những suy nghĩ khác người, nhiều người làng nói vậy. Tuổi đời chưa đến 30 nhưng Viên đã có nhiều năm lăn lộn với đồng đất, xoay ra bỏ công với thổ cẩm và nhiều việc khác.
“Em nghĩ đến việc phát triển kinh tế bằng cây cà gai leo - một loại cây của địa phương. Tìm kiếm trên mạng internet, em thấy đây là một loại dược liệu quý. Làng em lâu nay mọi người vẫn trồng rải rác dùng để uống như trà cho khỏe. Em đã đưa vấn đề này đề đạt với các anh lãnh đạo trong xã và được ủng hộ nhiệt tình. Rất nhanh, công việc của em được mọi người ủng hộ”, Viên kể.
Từ nguồn đất công, chính quyền xã Tú An đã bố trí cho nhóm của Viên gần 2 ha đất để trồng cà gai leo. Viên chọn thêm trong làng được 10 hộ nữa. Công việc tiến triển rất nhanh. Đất đai chuẩn bị sẵn sàng. 80.000 cây giống đang được trồng trên đồng đất mới và bắt đầu bén rễ, trổ lá. Trời hạn, nhóm của Viên bàn nhau bắc đường ống tưới nhỏ giọt để giúp cây phát triển. Theo tính toán của cả nhóm, 1 kg cà gai leo khô được thương lái mua với giá 70.000 đồng. Nếu chăm sóc tốt, năng suất có thể đạt 5 - 7 tấn/ha/năm. Công đầu tư chỉ tầm 15 triệu đồng/ha và thời gian cho thu hoạch chỉ sau 4 tháng trồng. So với các loại cây trồng khác như mía, bắp, mì... vẫn lãi nhiều hơn.
Viên và nhóm còn đặt tham vọng lớn hơn: chế biến trà gai leo và nhiều sản phẩm khác từ loại cây này mang tên địa phương làng Pơ Nang. Viên cho biết: “Cà gai leo của nhóm em là sản phẩm hữu cơ. Hiện nhóm đang hợp tác với Hợp tác xã nông nghiệp Tú An ở TX.An Khê để phát triển loại cây này. Nếu muốn tăng giá trị của sản phẩm thì phải chế biến ra các loại đồ uống. Hiện lãnh đạo TX.An Khê đã kết nối giúp với một doanh nghiệp ở phía bắc để họ hỗ trợ kỹ thuật chế biến, bao tiêu sản phẩm”.
Đặc biệt hơn, đề án của Viên đang được Ngân hàng Thế giới (WB) chọn để xét hỗ trợ. Viên kể rằng đề án đang nằm trong top 20 và phải nằm trong top 5 mới được. Đây cũng là tin mừng đối với cô gái trẻ người Bana trong hành trình khởi nghiệp. Ông Trần Thanh Cảnh, Chủ tịch UBND xã Tú An, cho biết: “Đề án này đã được TX.An Khê hỗ trợ 120 triệu đồng để phát triển sản phẩm đến dạng tinh chế, không bán thô. Ngoài cà gai leo, nhóm cũng đang nghiên cứu thêm các loại cây dược liệu khác để trồng ngay trên đồng đất này”.
Điều thú vị là tên làng Pơ Nang, dịch theo tiếng Việt có nghĩa là cây cau. Nhiều người già ở đây kể rằng vùng đất này ngày xưa là một trong những địa điểm luyện quân của những dũng tướng thời Tây Sơn.
Nguồn: thanhgiong.vn
Hành trình chào kỷ nguyên mới
Sáng tác: Nguyễn Văn Hiên
Hành trình xuyên qua quê hương, thanh niên chúng ta lên đường.
Hành trình xuyên qua quê hương nối vòng tay khắp Bắc Trung Nam.
Hành trình xuyên qua Việt Nam cùng sát cánh xoá tan nghèo nàn.
Cùng đoàn kết, cùng hành động để lập thân xây đắp quê hương.
Chào thế kỷ mới. Thanh niên hành trang vào đời.
Chào kỷ nguyên mới. Tuổi xuân dâng hiến quê hương.
Chào thế kỷ mới Thanh niên Việt Nam hành động.
Chào kỷ nguyên mới. Tin yêu xây đắp non sông.
|