Chương trình nhằm tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ, nhất là sinh viên về lòng yêu nước, sức sống biển đảo, qua đó khơi dậy tình cảm và ý thức trách nhiệm của tuổi trẻ trong việc giữ gìn chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Trong phòng chiếu phim “Trường Sa - Góc nhìn người trẻ” tại Ngày hội Sinh viên với biển đảo quê hương, nhiều người đã không giấu được sự xúc động. Qua bộ phim, các bạn trẻ hiểu hơn về cuộc sống của những người lính nơi “đầu sóng ngọn gió”, những vất vả mà các anh phải đối mặt để giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ Quốc.
Sinh viên xem triển lãm ảnh về Trường Sa, Hoàng Sa. Ảnh: VNE
Vinh dự được tham gia “Hành trình Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương” đến với Trường Sa vào tháng 6 vừa qua, sinh viên Hoàng Minh Hiếu (Học viện Ngoại giao) cho rằng chuyến đi thật sự là một dấu ấn khó quên trong cuộc đời. Sau chuyến đi Trường Sa, Hiếu vẫn giữ liên lạc với các chiến sĩ ở ngoài đảo. Ngay sau khi trở về, Hiếu đã tham gia và tổ chức nhiều chương trình như viết thư gửi chiến sĩ Trường Sa, giới thiệu với các bạn về Ngày hội Sinh viên với biển đảo quê hương.
Nội dung một bức thư của sinh viên Hà Nội gửi tới những người lính đang làm nhiệm vụ trên các đảo: “Gửi tới những người con của Tổ quốc ở biển đảo xa xôi – những con người trên cả tuyệt vời, mang trên đôi vai sứ mệnh quê hương. Sóng gió biển khơi có thể làm da các anh đen sạm, nhưng không thể phai màu nhiệt huyết thanh xuân; khó khăn thử thách chỉ làm đôi chân và ý chí các anh thêm vững vàng. Chúc cho các anh sức khỏe và những điều tốt đẹp nhất”.
Trong ngày hội, rất nhiều những bức thư như thế này sẽ được gửi tới các chiến sĩ. Mỗi dòng chữ đều chứa đựng thông điệp, tình cảm, lời cám ơn và lời hứa quyết tâm của tuổi trẻ về trách nhiệm trong việc xây dựng và bảo vệ đất nước.
Anh Nguyễn Hải Minh, Bí thư Đoàn trường Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: “Đoàn Đại học Quốc gia Hà Nội là một trong những đơn vị phối hợp tổ chức chương trình. Chúng tôi có các khu vực để sinh viên gấp hạc giấy, gấp thuyền và gửi những thông điệp, lời nhắn, bức thư đến các chiến sĩ ở Trường Sa rằng, chúng tôi luôn nhớ và yêu quý các anh; các anh hãy tin tưởng những sinh viên ở đất liền cũng sẽ có hành động thiết thực để bảo vệ chủ quyền đất nước”.
Sinh viên thủ đô nắn nót viết thư gửi bộ đội Trường Sa. Ảnh: VNE
Được tham gia vào các hoạt động: triển lãm ảnh “Hành trình tuổi trẻ vì biển đảo quê hương”, viết thư thăm hỏi các chiến sĩ đảo xa, giao lưu văn nghệ “Nhật ký Trường Sa”…, Đại úy Đỗ Văn Toan, Đoàn Đặc công Hải quân 126 (Quân chủng Hải quân) bày tỏ xúc động trước tình cảm của các bạn trẻ dành cho những chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam, đặc biệt là quân và dân Trường Sa.
Đại úy Đỗ Văn Toan cho biết: “Là người từng trực tiếp thực hiện nhiệm vụ trên quần đảo Trường Sa và trở về đất liền, tôi đã nhiều lần được chứng kiến tình cảm của nhân dân cả nước với cán bộ, chiến sĩ Trường Sa. Chúng tôi cũng thấy ấm lòng và thêm quyết tâm cống hiến hết mình vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc”.
Anh Trần Thanh Lâm, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cho biết, ngày hội Sinh viên với biển đảo quê hương chỉ là một trong nhiều hoạt động của tuổi trẻ cả nước hướng về biển, đảo thời gian qua.
Anh Trần Thanh Lâm nói: “Trong những năm qua, Trung ương Đoàn đã có cuộc vận động vì nghĩa tình biên giới hải đảo, trong đó có nhiều hoạt động thiết thực như: Góp đá xây Trường Sa; đồng hành cùng ngư dân trẻ ra khơi; kết nghĩa với các chiến sĩ ở biên cương, hải đảo, chăm sóc hậu phương quân đội… Đặc biệt, chương trình tuyên truyển vì biển đảo quê hương cho thanh thiếu niên, nhất là sinh viên hiểu rõ chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, giúp các bạn càng yêu nước và ý thức rõ hơn về trách nhiệm của bản thân”. |