Chiều ngày 19/11, tại Hà Nội, Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) phối hợp với Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức Lễ công bố báo cáo tình trạng dân số thế giới 2014 với tiêu đề: “Quyền năng của 1,8 thanh, thiếu niên: Những người sẽ thay đổi tương lai”.
Đến dự có các đồng chí: Lê Quốc Phong – Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam; ông Arthur Erken – Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam; Hồ chí Hùng – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình; Vũ Thanh Liêm – Giám đốc Trung tâm TTN Trung ương; cùng đại diện Bộ Nội vụ, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và đông đảo đoàn viên thanh niên và sinh viên đến từ các trường Đại học của Thủ đô.
Ông Arthur Erken (phải), – Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam trao bản báo cáo tình trạng dân số thế giới 2014 cho Bí thư Trung ương Đoàn Lê Quốc Phong tại buổi lễ
Thanh niên có thể thay đổi tương lai
Thế giới là ngôi nhà chung của 1,8 tỷ thanh, thiếu niên trong độ tuổi từ 10 – 24, chiếm 25% dân số thế giới. Đây là thời khắc vô cùng đặc biệt trong lịch sử nhân loại và đây cũng là lần đầu tiên và duy nhất trong lịch sử mà thế giới có nhóm dân số trẻ đông đảo như hiện nay.
Báo cáo tình trạng dân số thế giới 2014 cho thấy thời kỳ “cơ cấu dân số vàng” khi mà nhóm dân số trong độ tuổi lao động lớn hơn nhóm dân số trong độ tuổi phụ thuộc và ngày càng trẻ hơn sẽ mang lại cơ hội.
Để có thể tận dụng được tối đa lợi tức từ thời kỳ “cơ cấu dân số vàng”, báo cáo cho rằng các quốc gia phải đảm bảo nhóm dân số trong độ tuổi lao động được trang bị đầy đủ kỹ năng và kiến thức, có cơ hội việc làm và các khả năng có thu nhập khác. Bên cạnh đó, khi các quốc gia có chính sách phù hợp và đầu tư đúng đắn vào nguồn nhân lực thì giới trẻ sẽ được trao quyền thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và tăng thu nhập bình quân đầu người.
Các đại biểu tham dự Lễ báo cáo tình trạng dân số thế giới 2014
Theo tiến sỹ Babatunde Osotimehim – Giám đốc điều hành UNFPA phát biểu tại Lễ công bố báo cáo toàn cầu cho rằng, 1,8 tỷ thanh, thiếu niên ngày hôm nay là cơ hội kinh tế vô cùng lớn lao giúp thay đổi thế giới tương lai.
Ông Babatunde Osotimehim cũng nhấn mạnh: “Thanh niên là những người đổi mới, sáng tạo, xây dựng và lãnh đạo của tương lai. Họ có thể thay đổi tương lai nếu họ có kỹ năng, sức khỏe, được ra quyết định và có được những lựa chọn thực tế trong cuộc sống”.
Báo cáo của UNFPA cũng cho thấy sự thay đổi nhân khẩu học đang diễn ra tại khoảng 60 quốc gia đang mở ra cửa sổ lợi tức dân số. Lợi tức thu được nhiều hay ít phụ thuộc phần lớn vào cách các quốc gia đâu tư vào những người trẻ tuổi để phát triển tiềm năng của họ như thế nào.
Tuy nhiên, đã có nhiều bằng chứng cho thấy các quốc gia càng chú trọng và quan tâm nhiều hơn tới thanh, thiếu niên thông qua việc thực hiện các sáng kiến về chính sách công, nhưng giới trẻ hiện vẫn đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn và thách thức.
Đó là, hàng triệu thanh thiếu niên không được đi học hoặc đi học cũng chưa đáp ứng được các nhu cầu và tiêu chuẩn tối thiểu trong học tập. Cơ hội việc làm đối với thanh niên thường ảm đạm, hoặc không tìm được việc làm phù hợp, làm những công việc có chất lượng kém (60% thanh, thiếu niên ở các nước kém phát triển không có việc làm, không được đi học hoặc chỉ có một công việc tạm thời và làm không ổn định; 500 triệu thanh, thiếu niên đang phải sống với mức thu nhập dưới 2 đô la Mỹ/01 ngày). Giới trẻ chưa được hưởng các quyền về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục những yếu tố được coi là cơ bản nhằm giúp họ phát huy hết tiềm năng của mình.
Báo cáo nêu rõ, những trở ngại nói trên tuy phức tạp nhưng đều có thể vượt qua với các chính sách phù hợp và nguồn nhân lực được đầu tư đúng đắn thì các quốc gia có thể trao quyền cho thanh niên để họ có thể đảm đương việc phát triển kinh tế - xã hội và tăng thu nhập bình quân đầu người. Nói một cách khác, với chính sách và đầu tư phù hợp, các quốc gia có thể tận dụng được lợi ích của thời kỳ dân số vàng – thời kỳ này có được do giảm mức sinh và mức chết.
Với việc lực lượng lao động tăng lên và nhóm dân số phụ thuộc giảm đi thì các quốc gia sẽ có cơ hội để phát triển kinh tế một cách bền vững.
Ông Arthur Erken – Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam cho rằng, “Thời kỳ cơ cấu dân số vàng có thể giúp hàng trăm triệu người thoát khỏi đói nghèo và đưa nền kinh tế tiến lên phía trước”.
Tạo điều kiện và môi trường thuận lợi để mỗi thanh niên phấn đấu, vươn lên …
Việt Nam đang có số lượng thanh, thiếu niên đông đảo nhất trong lịch sử của đất nước. Trong đó, nhóm số trẻ từ 10 đến 24 tuổi chiếm gần 40% tổng số dân số cả nước. Thời kỳ Cửa sổ nhân khẩu học” sẽ kéo dài cho đến năm 2040, đây là cơ hội duy nhất trong lịch sử để Việt Nam có thể xây dựng kế hoạch cho thời kỳ chuyển đổi dân số này.
Ông ArthurErken – Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam phát biểu tại buổi lễ
Phát biểu tại Lễ công bố, ông Arthur Erken đã nhấn mạnh, “Chúng ta không thể để lãng phí cơ hội của thời kỳ dân số vàng này. Đây là lúc chúng ta cần phải đầu tư cho thanh, thiếu niên”.
Ông Arthur Erken cũng cho biết, chương trình nghị sự phát triển sau năm 2015 có tính đến nhóm dân số trẻ. Trong đó, bảo vệ quyền lợi và đầu tư cho tương lai của giới trẻ bằng cách tăng cường chất lượng giáo dục, cơ hội có việc làm ổn định, kỹ nắng sống hiệu quả, được tiếp cận chăm sóc sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục, giáo dục giới tính toàn diện chú trọng bình đẳng giới là điều cần thiết cho sự phát triển của giới trẻ, gia đình và cộng đồng của các em cũng như cả quốc gia.
Giải pháp mà ông Arthur Erken đưa ra, đó là để gặt hái dự lợi dân số này, chúng ta cần phải có những đầu tư vào phát triển nhân lực, áp dụng các hình thức kinh tế giúp cải thiện cơ hội việc làm, nâng cao quản lý toàn diện và đảm bảo quyền con người cho tất cả mọi người.
Bí thư Trung ương Đoàn Lê Quốc Phong phát biểu tại Lễ công bố báo cáo cho rằng, Việt Nam đang trong giai đoạn cơ cấu “dân số vàng” với số lượng nhóm dân số trẻ lớn nhất từ trước đến nay trong lịch sử, do đó cần đảm bảo thanh, thiếu niên được nhận sự hỗ trợ và cần đầu tư nguồn lực cần thiết để giúp thanh, thiếu niên trở thành người chủ có năng lực và đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước.
Bí thư Trung ương Đoàn Lê Quốc Phong mong muốn cần tạo điều kiện và môi trường thuận lợi để mỗi thanh niên phấn đấu, vươn lên …
“Thanh, thiếu niên đóng vai trò quan trọng trong công cuộc phát triển và cần được quan tâm” – đồng chí Lê Quốc Phong nói.
Để thanh thiếu niên phát huy vai trò trong công cuộc phát triển của đất nước, Bí thư Trung ương Đoàn Lê Quốc Phong đã đề nghị các cấp, các ngành, các cấp bộ Đoàn trong cả nước cần quan tâm trong việc cụ thể hóa chính sách, pháp luật về phát triển thanh niên, trong đó, chú trọng các chính sách về chăm sóc sức khỏe, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và thúc đẩy đầu tư cho thanh niên.
Đồng thời, tăng cường phối hợp giữa các bộ, ngành làm việc về công tác thanh niên, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng thực hành, kỹ năng tư vấn cho đội ngũ cán bộ làm công tác thanh niên … nghiên cứu nội dung giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản cho học sinh phù hợp với cấp học, bậc học và đẩy mạnh công tác giáo dục truyền thống văn hóa dân tộc, giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản, kỹ năng sống. Huy động được sự tham gia của thanh niên trong việc xây dựng và phân tích các chính sách ảnh hưởng tới thanh thiếu niên.
Đồng chí Lê Quốc Phong cũng mong muốn cần tạo điều kiện và môi trường thuận lợi để mỗi thanh niên phấn đấu, vươn lên, trau dồi kiến thức, kỹ năng, năng động, sáng tạo, phát huy sáng kiến, lòng nhiệt huyết và tiềm năng của tuổi trẻ góp sức vào việc phát triển đất nước trong giai đoạn “dân số vàng”.
Đông Hà
|