Sinh thời Bác Hồ đã từng tâm sự: “Mình sinh ra ở xứ Nghệ An, ra đi tìm đường cứu nước từ bến cảng Nhà Rồng. Qua Pháp, qua Anh, qua Mỹ, các nước châu Phi, đến Liên Xô rồi về Trung Quốc, thế mà đến nay mới vào đến Đồng Hới, chưa được vào tới miền Nam.
Mẹ mình mất ở Huế, mộ cha ở Cao Lãnh, quê mình thật sự trải dài cả đất nước. Ở những nơi như Phan Thiết, Sài Gòn… trước lúc ra nước ngoài mình đã từng sống và từng đi đến nơi. Nhưng nay về nước đã bao năm rồi, mà mình vẫn chưa về đến chốn. Ở miền Nam, mỗi người, mỗi gia đình đều có một nỗi khổ riêng. Gộp nỗi đau khổ riêng của mỗi người, mỗi gia đình lại thì thành nỗi đau khổ của tôi”(1).
Tình thương yêu Bác dành cho tất cả mọi người, nhưng đối với miền Nam đó là tình cảm đặc biệt. Bởi vì Bác thương: “miền Nam đi trước về sau”, “miền Nam thành đồng Tổ quốc”.
Năm 1962, đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam, do giáo sư Nguyễn Văn Hiếu dẫn đầu đến thăm Bác. Hôm đó đoàn tặng Bác rất nhiều quà quý: Lọ hoa làm bằng vỏ đạn, đặc biệt là tập thơ của nhà thơ Trọng Tuyển, một liệt sĩ đã hy sinh trong chiến trường. Khi nhận quà, Bác rất xúc động, một đồng chí trong Ban bí thư Trung ương thưa với Bác:
- Thưa Bác, Bác có quà gì tặng miền Nam không ạ?
Tất cả mọi người hồi hộp chờ đợi xem Bác tặng quà gì cho miền Nam. Bác vẫn đứng im nhìn mọi người âu yếm, rồi Bác nói:
- Bác chẳng có cái gì để tặng cho đồng bào miền Nam cả. Bác chỉ có cái này. Bác đặt tay lên ngực của mình, nơi con tim đang đập và nói:
- Quà Bác tặng cho đồng bào và chiến sĩ miền Nam đây! Hình ảnh miền Nam yêu quý luôn luôn trong trái tim tôi(2).
Tình cảm thiêng liêng của Bác hôm đó làm bao nhiêu người xúc động nghẹn ngào.
Năm 1968, Bác sang Trung Quốc để chữa bệnh. Thời gian này, sức khỏe của Bác rất yếu. Bác ngủ rất ít, ho nhiều, có nhiều đêm Bác thức trắng. Qua kiểm tra sức khỏe các bác sĩ Trung Quốc cho biết: Bác bị viêm phổi nặng, tim Bác rất yếu, cánh tay của Bác đau, răng hỏng nhiều và gần đến ngày về các bác sĩ Trung Quốc còn cho biết Bác còn bị một vài bệnh khác cần quan tâm chữa trị.
Chiều ngày 15-2-1968, Bác gọi đồng chí Vũ Kỳ đến và nói: “Chú nhớ để râu đừng cạo, một tháng nữa sẽ biết có việc gì?”. Khi về đến Hà Nội, Bác nói: “Bây giờ vào Nam có ba đường. Một là đường công khai đi Cămpuchia, nhưng đường này mạo hiểm, chưa cần. Thứ hai là đường đi bộ qua Trường Sơn, tuy mình có rèn luyện nhưng cũng không ổn. Thứ ba là đường biển… Chuẩn bị đi đường biển, chú cải trang đi theo Bác nhé”(3)
Để thực hiện cho chuyến đi miền Nam của mình, Bác đã ra sức tập luyện ngay khi ở Trung Quốc. Thường ngày, Bác đi chân trần để đi bộ trong nhà, nhưng từ ngày 10-3-1968, Bác bắt đầu đi lại bằng dép cao su, cứ đi một vòng thì Bác lại bỏ dép ra, rồi đi chân trần một vòng lại xỏ dép vào. Sau đó một thời gian khi đi đã tốt, Bác đi dép cả ngày và bắt đầu tập đi bộ ngoài trời nắng. Cứ như thế Bác tập đều đặn và nâng dần độ dài của quãng đường đi.
Lúc đầu Bác còn chống gậy sau đó có lúc Bác đã bỏ gậy. Đồng chí Vũ Kỳ thấy Bác tập luyện như vậy, rất thương Bác nhưng như cảm thấy một linh cảm nào đó về sức khỏe của mình nên Bác quyết tâm luyện tập sức khỏe để vào thăm miền Nam. Thời gian này ngoài việc chữa bệnh, rèn luyện sức khỏe Bác còn dành thời gian 1 giờ để xem phim đề tài về miền Nam.
Đó là các phim: Bên bờ Bến Hải, Rừng O Thắm, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm… Bác xúc động mạnh khi nhìn thấy hình ảnh đồng bào bị tàn sát và hình ảnh trẻ em bị trúng bom napan của Mỹ(4).
Trước đó, ngày 30 và 31-1-1968 (tức mùng 2, mùng 3 tết Âm lịch), Bác liên tiếp nhận được tin chiến thắng ở miền Nam.
Ngày 1-2-1968 (mùng 4 tết), Bác lại yêu cầu các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước báo tin mỗi ngày hai lần về tình hình chiến đấu của quân dân miền Nam trong cuộc Tổng tiến quân và nổi dậy tết Mậu Thân 1968.
Ngày 26-2-1968, đồng chí Lê Đức Thọ vừa từ Trung Quốc về, chưa kịp sang chào Bác thì Bác đã đến gặp. Khi nghe đồng chí Lê Đức Thọ báo cáo về tình hình ở miền Nam, Bác xúc động và càng thể hiện ý chí vào thăm miền Nam.
Bác tâm sự với đồng chí Lê Đức Thọ:
- Sức khỏe… ngày càng yếu, khó mà chờ đến ngày thắng lợi hoàn toàn. Muốn vào sớm cho yên lòng, giữ được trọn vẹn với miền Nam. Bác cũng đã đề nghị các đồng chí Trung Quốc giúp Bác đi thăm miền Nam(5).
Chiều 10-3-1968, Bác viết lá thư cho đồng chí Lê Duẩn, yêu cầu sửa chữ “sau” thành chữ “trước”.
“Chú Duẩn thân mến.
Nhớ lại hồi Noel năm ngoái, chú có ý khuyên B. đi thăm miền Nam sau ngày ta thắng lợi hoàn toàn, B rất tán thành.
Nhưng nay chỉ đổi chữ “sau” thành chữ trước ngày thắng lợi hoàn toàn, tức là đi thăm khi anh em trỏng (anh em trong ấy. TG) đang chuẩn bị mở màn thứ ba. Đi thăm đúng lúc đó mới có tác dụng khuyến khích thêm anh em. Cách đi B. sẽ làm công trên một chiếc tàu thủy. Cùng đi sẽ có hai chú Bảo và Kỳ.
Việc này B. tự thu xếp dễ thôi.
Lúc đến, anh em trỏng chỉ phụ trách đón khi tàu cặp bến miền và đưa Bác đến nhà anh Sáu, anh Bảy.Ở lại. Tùy điều kiện mà quyết định: ít là mấy ngày, nhiều nhất cũng chỉ trong một tháng. Hoạt động thế nào, sẽ cùng anh em trỏng bàn định.
Có lẽ Chú và các đồng chí khác e rằng sức khỏe của B. không cho phép B. đi chơi xa. Nhưng, thay đổi không khí, hô hấp gió biển và sinh hoạt với quần chúng trong hoàn cảnh chiến đấu sẽ giúp sức khỏe tiến bộ mau hơn.
Lịch trình đi thăm - cần 10 ngày để chuẩn bị.
Vượt biển độ 6 ngày.
Từ bến tàu đến địa điểm độ dăm hôm.
Vậy nhờ Chú tính ngày cho khớp, một mặt cho B. biết trước được để chuẩn bị, một mặt cho anh em trỏng biết để chờ đón.
Để đảm bảo thật bí mật, Chú chỉ nên bàn việc này với một số ít đồng chí trong B.C.T. (Bộ Chính trị - TG).
Mong chờ Chú trả lời.
...Chào thân ái và quyết thắng.
Bác”(6)
Ngay đầu năm 1968, Bác đã có ý định vào thăm đồng bào miền Nam. Không thể tuân theo ý Bác được, vì Bác đã tuổi cao, sức yếu, đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn đã chuyển tình cảm này của Bác tới miền Nam, trong Thư vào Nam ngày 18-1-1968 đã viết: “Bác hết sức quan tâm theo dõi đợt chiến đấu sắp tới. Bác muốn đích thân vào miền Nam để động viên chiến sĩ, đồng bào. Nhưng Bộ Chính trị đề nghị Bác chưa nên đi vì cần phải giữ sức khỏe cho Bác. Tôi tha thiết mong các đồng chí cùng chiến sĩ, đồng bào miền Nam sẽ đem hết tinh thần và lực lượng vào trận đánh chiến lược này, dành thắng lợi to lớn nhất để sớm đón Bác vào thăm”(7).
Thấy Bác không được khỏe như trước, các đồng chí Ban Bí thư đề nghị với Bác khi nào đánh thắng Mỹ sẽ mời Bác vào thăm miền Nam. Bác nói:
- Tôi muốn vào là vào lúc này, chứ thắng giặc Mỹ mới vào thì còn nói làm gì?
Lâu lâu, Bác lại nhắc việc chuẩn bị đến đâu rồi.
Thấy Bác rất quyết tâm, các đồng chí phụ trách đành phải báo cáo đường đi khó khăn, vất vả, e Bác đi không được. Bác lại nói:
- Nếu không có đường nào khác thì tổ chức cho tôi đi bộ. Các chú đi được thì tôi cũng đi được. Đi mỗi ngày một ít, chưa chắc thua các chú đâu.
Và Bác đã tự thu xếp chuẩn bị khá chu đáo. Quả thật từ giữa năm 1968, Bác đã yếu hẳn. Bác không còn nói đến việc đi về Nam nữa, mà tranh thủ gặp cán bộ miền Nam. Mỗi lần gặp gỡ dường như làm cho Bác vui hơn, khoẻ thêm. Nhưng mỗi lần gặp là một lần Bác phải cố gắng rất nhiều để không lộ ra sự suy giảm sức khoẻ, không để cho đồng bào đồng chí miền Nam biết Bác đang yếu…
Ngày 18-5-1969, khi dự buổi mừng sinh nhật Bác do anh em trong cơ quan tổ chức. Bác vui vẻ báo tin vui: Đêm 13 rạng 14-5, quân giải phóng lại bắn súng lớn vào sân bay Đà Nẵng. Đây là lần thứ 3, kể từ đêm 11-5, sân bay Đà Nẵng bị pháo binh quân giải phóng bắn phá. Các đồng chí báo cáo với Bác đó là quân dân miền Nam lập thành tích mừng ngày sinh nhật Bác. Bác rất mong quân dân ta đánh thắng, mong từng ngày nhưng cũng mong hạn chế được tổn thất, hy sinh. Nhà thơ Việt Phương nhiều lần đến báo cáo với Bác về tình hình miền Nam. Một lần nhà thơ thấy Bác không bằng lòng vì nhà thơ dùng chữ “đẹp” để khen một trận đánh. Sau này nhà thơ có viết về sự kiện này:
Bác không bằng lòng gọi trận đánh chết nhiều người là “đánh đẹp”.
Con xoá chữ “đẹp” đi như xoá sự cạn hẹp của lòng con.
Thêm hiểu lòng Người đối với quân thù như sắt thép,
Mà tình thương mênh mông ôm hết mọi linh hồn.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi trả lời phỏng vấn đề tài: “Chủ tịch Hồ Chí Minh với miền Nam Tổ quốc” đã kể: Chiều hôm ấy là 29-8-1969, Bác rất mệt, nhưng khi thấy Ngưòi tỉnh táo thì Bác lại gọi tôi vào báo cáo tình hình chiến sự miền Nam. Tôi đứng bên cạnh giường Bác, chỉ lên tấm bản đồ báo cáo Bác: Thưa Bác, tình hình rất tốt, Chiến sự ở Bình Long, Phước Long, Tây Ninh, phong trào Sài gòn vẫn tiếp tục… Bác nghe rất chăm chú, rất tỉnh, hai mắt sáng ngời... Bác hỏi tình hình khu 5 thế nào? Đại tướng báo cáo Quảng Nam Đà Nẵng, Tây Nguyên rất tốt. Đó là lần cuối cùng Bác nghe báo cáo và nội dung báo cáo ấy là về tình hình miền Nam. Khi đại tướng có trao Bác mấy cành hoa nhài, Bác ra hiệu cắm vào trong một cái lọ nhỏ bên cạnh giường. Bác nghe tin chiến thắng miền Nam, Bác nhìn hoa nhài, và Bác cười rất tươi. Đó cũng là nụ cười cuối cùng của Bác”(8).
Đây chỉ là một vài mẩu chuyện ấn tượng trong muôn vàn câu chuyện về tình cảm sâu nặng của Chủ tịch Hồ Chí Minh với đồng bào miền Nam, mà hình ảnh luôn ở trong trái tim Người. Khi nói về tình cảm của Bác với miền Nam. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói: “Tình cảm của Bác với miền Nam, cũng như tình cảm của miền Nam đối với Bác Hồ. Đó là một đề tài cực kỳ to lớn, quan trọng và có ý nghĩa trước mắt và lâu dài. Ở đây tôi chỉ nói vắn tắt một điều: tình cảm này, tình cảm hai phía này, là một khúc ca, vừa hùng tráng, vừa trữ tình, đẹp như non sông gấm vóc của miền Nam nước ta, đẹp như lòng yêu nước của đồng bào miền Nam và đồng bào cả nước đối với sự nghiệp cách mạng vĩ đại của nhân dân Việt Nam”./.
Phạm Thị ThắngBảo tàng Hồ Chí Minh |