I/ Đánh giá thực trạng về xanh-sạch-đẹp
Những năm gần đây, công tác bảo vệ môi trường và phát triển bền vững luôn được cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và vận động các tầng lớp nhân dân tham gia nên đã đạt được những chuyển biến tích cực. Nhận thức, ý thức về bảo vệ môi trường nói chung và xây dựng, phát triển Ninh Thuận xanh-sạch-đẹp của cán bộ, đảng viên và nhân dân được nâng lên một bước.
Công tác thông tin, truyền thông về bảo vệ môi trường, xây dựng môi trường thân thiện ở các khu đô thị, khu dân cư nông thôn, trường học, cơ quan, khu vui chơi, giải trí được tăng cường; phong trào trồng cây xanh, thu gom rác thải, dọn dẹp vệ sinh môi trường... liên tục được phát động rộng khắp trên toàn tỉnh và được đông đảo cán bộ, nhân dân tích cực hưởng ứng. Tỷ lệ cây xanh tại thành phố Phan Rang-Tháp Chàm đã đạt bình quân 4 m2/người, các thị trấn đạt 01 m2/người. Hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại các đô thị đạt 92%; đã có trên 80% dân cư được sử dụng nước hợp vệ sinh; cơ bản hoàn thành hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt thành phố Phan Rang-Tháp Chàm (giai đoạn 1) với công suất xử lý 5.000 m3/ngày; hệ thống thoát nước mưa các thị trấn Khánh Hải, thị trấn Phước Dân tiếp tục triển khai xây dựng.
Bên cạnh những việc đã làm được vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém nổi lên là: Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức và trách nhiệm bảo vệ môi trường trong nhân dân chưa thường xuyên. Trách nhiệm và ý thức về bảo vệ môi trường trong cộng đồng chưa cao, chưa thành thói quen, tự giác trong cuộc sống của đa số người dân. Tỷ lệ cây xanh đô thị, vườn hoa mới đạt ở mức thấp so với quy định về phân loại đô thị của Chính phủ; cây xanh trồng ở các tuyến đường còn pha tạp nhiều chủng loại, khả năng sinh trưởng chậm, không phù hợp với điều kiện đặc thù của địa phương.
Hoạt động thu gom rác thải tại một số khu dân cư, khu du lịch ven biển, các điểm tham quan, du lịch chưa tốt, gây bức xúc trong dân cư, nhất là tình trạng môi trường biển khu du lịch Bình Sơn-Ninh Chử bị ô nhiễm do nuôi trồng thủy sản tự phát, một số cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường chưa được di dời, nhiều gia đình sống ven biển chưa có nhà về sinh đạt chuẩn; chăn nuôi gia súc quy mô hộ gia đình trong các khu đô thị chưa được khắc phục triệt để.
Những hạn chế, yếu kém trên có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là: Nhận thức về trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo bảo vệ môi trường và phát triển bền vững của một số cấp ủy, chính quyền các cấp chưa đầy đủ, toàn diện. Công tác quy hoạch phát triển cây xanh đô thị, quản lý chất thải rắn, phát triển các cụm, điểm công nghiệp thiếu sự gắn kết đồng bộ với quy hoạch phát triển hạ tầng đô thị và phát triển sản xuất. Nguồn vốn đầu tư phát triển cây xanh, vườn hoa, vệ sinh môi trường còn quá thấp so với yêu cầu, trong khi công tác huy động các nguồn lực của xã hội, doanh nghiệp và nhân dân tham gia bảo vệ môi trường còn rất hạn chế. Việc kiểm tra, xử lý những vi phạm về môi trường chưa thường xuyên và thiếu kiên quyết.
Để từng bước nâng cao chất lượng môi trường sống và ý thức ứng xử có văn hóa với môi trường, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành nghị quyết về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng thực hiện chủ trương xây dựng, phát triển Ninh Thuận xanh-sạch-đẹp giai đoạn đến 2015 và những năm tiếp theo với những nội dung chủ yếu sau đây:
II/ Định hướng và mục tiêu
1/ Định hướng
- Xây dựng và phát triển Ninh Thuận xanh-sạch-đẹp; hướng tới xây dựng, hình thành ý thức tự giác, lối sống văn minh, ứng xử có văn hóa, thân thiện và bảo vệ môi trường trong các cộng đồng dân cư, từng bước giảm thiểu tác động xấu của con người đến môi trường vừa là trách nhiệm vừa là nhiệm vụ trọng tâm trước mắt cũng như lâu dài của cả hệ thống chính trị, mọi tổ chức, mọi công dân trong tỉnh, góp phần bảo đảm cho phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững.
- Tăng cường đầu tư của nhà nước gắn với đẩy mạnh huy động các nguồn lực trong các doanh nghiệp và toàn xã hội tham gia xây dựng và phát triển môi trường theo hướng ngày càng xanh-sạch-đẹp.
2/ Về mục tiêu, chỉ tiêu
2.1/ Mục tiêu: Tạo sự chuyển biến rõ rệt về ý thức và hành động của các cấp, các ngành và của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh về việc tham gia thực hiện chủ trương xây dựng và phát triển môi trường xanh-sạch-đẹp. Hình thành hệ thống công viên, vườn hoa, cây cảnh khu vực đô thị, các khu phố, tuyến phố văn minh ở đô thị; đường làng, ngõ xóm nông thôn sạch đẹp, khang trang. Tập trung phát triển cây xanh ở các tuyến đường, khu vực công cộng phù hợp cảnh quan và điều kiện sinh trưởng. Đẩy mạnh thu gom rác thải sinh hoạt trong khu dân cư; xử lý triệt để rác thải công nghiệp, rác thải y tế, rác thải độc hại.
2.2/ Các chỉ tiêu chủ yếu:
a/ Giai đoạn 2012 – 2015:
- Đối với đô thị: diện tích đất cây xanh tại thành phố Phan Rang-Tháp Chàm đạt 7 m2/người và tại các thị trấn đạt 3 m2/người; diện tích vườn hoa tại thành phố Phan Rang-Tháp chàm đạt 1,6 m2/người; tỷ lệ diện tích đất trồng cây xanh tại các khu, cụm công nghiệp đạt 15% và tại các khu du lịch, các điểm tham quan đạt 25%.
+ 100% rác thải sinh hoạt tại các đô thị, các khu du lịch và các điểm tham quan được thu gom, xử lý hợp vệ sinh; 100% chất thải công nghiệp nguy hại, chất thải y tế được kiểm soát và xử lý theo quy định; 75% số cơ sở sản xuất công nghiệp có hệ thống xử lý môi trường đạt tiêu chuẩn cho phép, không để phát sinh các cơ sở gây ô nhiễm môi trường.
- Đối với nông thôn: Có 60% khu vực công cộng, các trục đường liên xã, liên thôn và các trục đường chính nội đồng được trồng cây xanh; 85% số hộ nông thôn được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh; 50% số xã được thu gom và sử lý rác thải; không để phát sinh các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường.
- Bảo vệ môi trường nước sông Cái đạt quy chuẩn về chất lượng nước mặt loại A nhằm bảo đảm mục đích phục vụ việc cấp nước sinh hoạt.
b/ Giai đoạn 2016 – 2020
- Đối với đô thị
+ Diện tích đất cây xanh tại thành phố Phan Rang - Tháp Chàm đạt 10 m2/người và tại các thị trấn đạt 5 m2/người; diện tích vườn hoa tại thành phố Phan Rang-Tháp chàm đạt 2,5 m2/người.
- Từng bước tăng tỷ lệ diện tích đất trồng cây xanh theo quy hoạch; duy trì tỷ lệ thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt tại các đô thị, khu du lịch và điểm tham quan, chất thải công nghiệp nguy hại, chất thải y tế ở giai đoạn đầu; 90% số cơ sở sản xuất công nghiệp có hệ thống xử lý môi trường đạt tiêu chuẩn cho phép; không để phát sinh cơ sở gây ô nhiễm môi trường.
- Đối với nông thôn: Có 80% khu vực công cộng, các trục đường liên xã, liên thôn và các trục đường chính nội đồng được trồng cây xanh; 95% số hộ nông thôn được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh; 80% số xã được thu gom và sử lý rác thải; không để phát sinh các cơ sở gây ô nhiễm môi trường.
- Tiếp tục duy trì và bảo vệ môi trường nước sông Cái đạt quy chuẩn về chất lượng nước mặt loại A.
III/ Một số nhiệm vụ trọng tâm
1/ Xây dựng hoàn chỉnh các quy hoạch
Hoàn thành các quy hoạch về xây dựng thành phố Phan Rang-Tháp Chàm và dải ven biển; quy hoạch chi tiết hệ thống cây xanh đô thị; quy hoạch quản lý chất thải rắn; quy hoạch các khu, cụm công nghiệp; quy hoạch các khu vực sản xuất, kinh doanh tập trung, xa khu dân cư để tiếp nhận các dự án mới và các cơ sở đang hoạt động, gây ô nhiễm môi trường trong các khu đô thị.
Xây dựng chương trình xử lý chất thải y tế; chương trình cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn gắn với quy hoạch xây dựng nông thôn mới làm cơ sở cho việc quản lý, đầu tư, kêu gọi xã hội hóa phát triển hệ thống cây xanh, vườn hoa đô thị và kết cấu hạ tầng đô thị và nông thôn.
2/ Huy động các nguồn lực đầu tư
Tiếp tục đầu tư chỉnh trang các khu dân cư hiện có để đảm bảo mỹ quan; bố trí đủ quỹ đất để phát triển hệ thống vườn ươm cây xanh và hoa trên địa bàn theo quy hoạch.
Triển khai có hiệu quả các dự án từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) về quản lý tài nguyên thiên nhiên và cải thiện môi trường, đồng thời tranh thủ và sử dụng có hiệu quả các nguồn tài trợ của các tổ chức quốc tế để giải quyết các vấn đề môi trường bức xúc của tỉnh.
Nhân rộng mô hình cộng đồng cùng tham gia quản lý rác thải và mô hình thu gom rác không tiếp đất; có kế hoạch ưu tiên lắp đặt các thùng rác trên một số đường phố chính, các khu công cộng thường xuyên tổ chức các hoạt động tập trung đông người. Tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng và xử lý ô nhiễm môi trường tại các làng nghề.
3/ Tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, quản lý đô thị
Củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy và điều kiện làm việc nhằm nâng cao năng lực của hệ thống quản lý nhà nước về môi trường từ tỉnh đến cơ sở, trong đó ưu tiên tăng cường nhân lực và đào tạo cho bộ phận quản lý môi trường cấp huyện, cấp xã.
Triển khai đồng bộ các biện pháp bảo vệ chất lượng nước sông Cái, xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất phát sinh nhiều nước thải đổ trực tiếp vào sông Cái.
Quản lý chặt chẽ chất thải, nhất là chất thải nguy hại. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Không đưa vào hoạt động các khu công nghiệp, khu đô thị, cơ sở y tế, cơ sở sản xuất mới không đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường.
Thực hiện nghiêm việc quản lý cây xanh, vườn hoa. Giải quyết dứt điểm tình trạng nuôi trồng và khai thác hải sản tự phát tại khu vực biển Bình Sơn-Ninh Chử; cơ bản không còn tình trạng người ăn xin, người lang thang, cơ nhỡ và người mắc bệnh tâm thần tại nơi công cộng. Tổ chức đào tạo nghề, tạo việc làm mới cho các hộ gia đình chăn nuôi gia súc nhỏ, lẻ trong đô thị và vận động chuyển đổi nghề, tiến tới chấm dứt các hoạt động chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường trong các khu dân cư đô thị.
4/ Phát huy vai trò của Mặt trận và các đoàn thể nhân dân gắn đẩy mạnh công tác xã hội hóa
Phát huy vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong tổ chức triển khai nhiệm vụ xây dựng và phát triển Ninh Thuận xanh-sạch-đẹp. Kết hợp chặt chẽ với cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa để nhân rộng mô hình khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường; từng bước hình thành nếp sống văn hóa, văn minh trong giao tiếp, ứng xử để góp phần thực hiện mục tiêu “Ninh Thuận - điểm đến hấp dẫn và thân thiện”.
Vận động nhân dân thực hiện chủ trương “mỗi người trồng và chăm sóc ít nhất một cây xanh”; trước mắt, vận động các gia đình cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên có nhà ở sát mặt đường tiến hành trồng, chăm sóc và bảo vệ cây xanh trên vỉa hè theo quy hoạch, từng bước nhân rộng ra các hộ dân trên địa bàn dân cư.
Khuyến khích cá nhân, tổ chức, cộng đồng tham gia các dịch vụ thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý chất thải, phát triển cây xanh; thành lập các mô hình tự quản, lực lượng tình nguyện về bảo vệ môi trường.
5/ Tăng cường nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ về bảo vệ môi trường
Nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, công nghệ xử lý và tái chế, tái sử dụng; xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất sạch hơn.
Nghiên cứu, phát triển các giống cây xanh đô thị phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu đặc thù của tỉnh; tăng cường trao đổi, học tập kinh nghiệm về quản lý, bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu ở trong nước và nước ngoài.
Đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản, dự báo, cảnh báo tài nguyên, môi trường, quan trắc chất lượng các thành phần môi trường phục vụ cho công tác hoạch định các nhiệm vụ bảo vệ môi trường cả trước mắt và lâu dài.
IV/ Các giải pháp chủ yếu
1/ Giải pháp về công tác lãnh đạo, chỉ đạo
Tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các cấp chính quyền trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ xây dựng và phát triển Ninh Thuận xanh-sạch-đẹp; từng bước thay đổi tư duy, nâng cao nhận thức, ý thức và trách nhiệm của mọi công dân, nhất là tính tiền phong, gương mẫu thực hiện của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp về những vấn đề liên quan đến môi trường.
Thực hiện tốt công tác quản lý, thẩm định các quy hoạch, dự án có liên quan để đảm bảo mật độ cây xanh, vườn hoa theo đúng quy định hiện hành. Nâng cao chất lượng công tác thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư. Tăng cường công tác hậu kiểm về bảo vệ môi trường và các yêu cầu bắt buộc về diện tích đất trồng cây xanh, vườn hoa tại các dự án đã được cấp giấy phép đầu tư.
Thực hiện việc hỗ trợ tín dụng cho các hộ ngư dân đang sinh sống bằng nghề nuôi trồng, khai thác hải sản ven biển nói chung và các hộ đang khai thác tôm hùm con tại khu vực biển Bình Sơn- Ninh Chử để mua sắm phương tiện sản xuất, di chuyển đến khu quy hoạch mới hoặc chuyển đổi nghề phù hợp; hỗ trợ một phần kinh phí để các hộ gia đình thuộc các phường ven biển xây hố xí hợp vệ sinh…
2/ Giải pháp về cơ chế, chính sách
Xây dựng cơ chế, chính sách để tăng cường nguồn lực và đa dạng hoá các nguồn vốn đầu tư để đầu tư cho hoạt động phát triển cây xanh, vườn hoa, xử lý chất thải, trong đó trọng tâm là thực hiện tốt phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.
Xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích và tạo điều kiện để các doanh nghiệp đầu tư cải tiến, đổi mới trang thiết bị, công nghệ sản xuất theo hướng tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu phát thải ô nhiễm trong những ngành có lợi thế của tỉnh như chế biến nông, lâm, thủy sản, chế biến thực phẩm.
Đưa tiêu chí “xanh, sạch, đẹp” vào công tác phân loại và công nhận danh hiệu thi đua hàng năm đối với các xã, phường, thôn, khu phố; khen thưởng, nhân rộng các điển hình tập thể và cá nhân thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp.
Thành lập các tổ kiểm tra quy tắc đô thị tại các phường, thị trấn để thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm về vệ sinh môi trường và quản lý đô thị. Rà soát, bổ sung hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, các chế tài phù hợp về quản lý môi trường và đô thị trên địa bàn tỉnh theo hướng quy định rõ quyền lợi và trách nhiệm bảo vệ môi trường, quản lý đô thị của các tổ chức, cá nhân. Việc xử phạt vi phạm về môi trường phải đảm bảo khách quan, chặt chẽ, nghiêm minh và tạo sự đồng thuận cao của cộng đồng dân cư.
3/ Giải pháp về tuyên truyền, giáo dục
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp có sự đồng thuận cao cả về quan điểm và mục tiêu xây dựng và phát triển Ninh Thuận xanh-sạch- đẹp; từ đó nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm và khát vọng hành động, cống hiến, đóng góp công sức vì một quê hương Ninh Thuận xanh-sạch-đẹp, phát triển bền vững.
Phát động phong trào “ Chung tay xây dựng Ninh Thuận xanh-sạch-đẹp” bằng nhiều hình thức nhằm thu hút cộng đồng dân cư tích cực tham gia bảo vệ môi trường. Kịp thời biểu dương, nêu gương điển hình trong phong trào toàn dân chung tay xây dựng Ninh Thuận xanh-sạch-đẹp; đồng thời nghiêm khắc phê phán các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.
Tăng cường giáo dục Luật Bảo vệ môi trường và chủ trương xây dựng Ninh Thuận xanh-sạch-đẹp trong các trường học; tổ chức các hoạt động nhằm nâng cao ý thức tự giác bảo vệ môi trường, thấm sâu tình yêu thiên nhiên, quê hương, đất nước cho học sinh, sinh viên trong tỉnh.
V/ Tổ chức thực hiện
1/ Các huyện, thành ủy, đảng ủy trực thuộc; các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn tỉnh có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo việc tổ chức quán triệt các nội dung đề ra trong nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ, sâu rộng cả về nhận thức và hành động trong toàn Đảng bộ, các tầng lớp nhân dân; đồng thời chỉ đạo xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể để thực hiện có hiệu quả các nội dung đề ra phù hợp đặc điểm, điều kiện cụ thể của địa phương, đơn vị.
2/ Đảng đoàn HĐND tỉnh chỉ đạo xây dựng nghị quyết chuyên đề, nhất là công tác quy hoạch, huy động và phân bổ nguồn lực, cơ chế, chính sách liên quan đến việc phát triển Ninh Thuận xanh-sạch-đẹp để làm cơ sở cho chính quyền các cấp tổ chức thực hiện; đồng thời tăng cường công tác giám sát việc triển khai thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.
3/ Ban cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo cụ thể hóa thành đề án, chương trình, kế hoạch cho cả giai đoạn và hàng năm trình HĐND tỉnh xem xét; phân định rõ quyền hạn, chức năng, nhiệm vụ, cơ chế phối hợp giữa các sở, ngành và địa phương trong việc tổ chức thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ về phát triển Ninh Thuận xanh-sạch-đẹp. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc để kịp thời chấn chỉnh sai sót; định kỳ tổ chức sơ kết, rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện.
4/ Đảng đoàn Uỷ ban MTTQVN tỉnh chủ trì, phối hợp với các đoàn thể chính trị-xã hội tỉnh xây dựng kế hoạch quán triệt, tuyên truyền nâng cao nhận thức của đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc xây dựng và phát triển Ninh Thuận xanh-sạch-đẹp, từ đó vận động mọi công dân trong tỉnh hưởng ứng, tham gia thực hiện thắng lợi các chủ trương, nhiệm vụ và giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết.
5/ Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy hướng dẫn triển khai, quán triệt nghị quyết; chủ trì phối hợp các cơ quan chức năng định hướng cơ quan thông tin, truyền thông thường xuyên tuyên truyền việc triển khai và kết quả thực hiện chủ trương, kế hoạch, nhiệm vụ, giải pháp về phát triển Ninh Thuận xanh-sạch-đẹp giai đoạn đến 2015 và những năm tiếp theo.
6/ Ban cán sự Đảng UBND tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo việc triển khai tổ chức thực hiện các nội dung đề ra trong nghị quyết; chủ trì phối hợp Văn phòng Tỉnh ủy và các cơ quan chức năng định kỳ hàng năm có báo cáo đánh giá tình hình và kết quả đạt được; đề xuất Ban Thường vụ các giải pháp chỉ đạo, tháo gỡ vướng mắc, khắc phục hạn chế, thiếu sót nhằm thực hiện thắng lợi toàn diện các nội dung nghị quyết đề ra. |