NINH THUẬN
|
TÀI LIỆU SINH HOẠT CHI ĐOÀN
Tháng 4/2019
Lưu hành nội bộ
|
Tư tưởng Hồ Chí Minh về thanh niên
Nêu gương - cách giáo dục thanh niên tốt nhất
Tiếp tục quan tâm giáo dục, bồi dưỡng, đào tạo phát triển toàn diện đoàn viên thanh niên; tạo môi trường các bạn trẻ rèn luyện, trao trọng trách cho những người trẻ gánh vác… là cách thực hiện tốt nhất Tư tưởng và những chỉ dạy của Bác Hồ.
Đau đáu với sự nghiệp bồi dưỡng thế hệ trẻ
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”. Xuyên suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Người đã dành cho thanh niên những tình cảm và sự quan tâm đặc biệt sâu sắc.
Năm nay là tròn 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong Di chúc, Người căn dặn toàn Đảng, toàn dân và thế hệ trẻ những điều hệ trọng, những việc cần phải làm vì sự nghiệp cách mạng: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”.
Trong suốt cuộc đời và sự nghiệp của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chăm lo xây dựng lực lượng cách mạng. Người không chỉ quan tâm đến lực lượng đang gánh vác công việc mà còn chăm lo đội ngũ kế cận. Người cũng luôn khẳng định thế hệ trẻ là lớp người kế tục và là tương lai, là tiền đồ tươi sáng của dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khuyên nhủ thanh thiếu niên phải ra sức học tập, rèn luyện để tham gia kháng chiến, kiến quốc, gìn giữ hòa bình, xây dựng đất nước giàu mạnh.
Trong “Thư gửi thanh niên” vào năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà... Thanh niên muốn làm người chủ tương lai xứng đáng thì ngay từ bây giờ phải rèn luyện tinh thần và lực lượng của mình, phải làm việc tích cực để chuẩn bị cho tương lai.
Có thể thấy, từ khi viết tác phẩm Đường Kách mệnh (1927) đến khi viết bản Di chúc (1969), Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đau đáu đến sự nghiệp giáo dục - đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ. Có lẽ vì vậy mà Người luôn yêu cầu cán bộ của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể quần chúng phải thực sự quan tâm, chăm lo đến thanh thiếu niên; dành mọi ưu tiên và những gì là tốt đẹp nhất, có thể làm được để chăm lo, giáo dục, bồi dưỡng các thế hệ thanh thiếu niên, coi đó là “cái vốn quý nhất” của cách mạng.
Mạnh dạn giao việc để người trẻ gánh vác
Lý tưởng và khát vọng của thanh niên ở các thời kỳ là khác nhau. Đối với lớp thế hệ cha anh, khát vọng lớn nhất là giành độc lập và thống nhất Tổ quốc. Họ đã làm tròn.
Hiện nay, khát vọng của bao lớp thanh niên là “sánh vai với các cường quốc năm châu”. Đó là khát vọng vươn lên tiếp cận những giá trị tri thức của nhân loại, khát vọng không chịu đói nghèo, lạc hậu, vươn lên làm giàu chính đáng; khát vọng “ra biển lớn”…
Tuy nhiên, trong một bộ phận thanh thiếu niên hiện nay có những biểu hiện tiêu cực đáng lo ngại. Một bộ phận người trẻ phai nhạt lý tưởng, chạy theo lối sống thực dụng, lười học tập và tu dưỡng đạo đức, sống gấp, thích hưởng thụ, ngại lao động, cổ súy cho những sinh hoạt thiếu lành mạnh hoặc phản văn hóa… Một bộ phận người trẻ sống nay không biết ngày mai, lao vào nghiện ngập, vi phạm pháp luật, thậm chí phản bội lại quyền lợi của đất nước, của dân tộc. Đặc biệt, một bộ phận người trẻ hiện nay thờ ơ với quyền lợi của đất nước và dân tộc, không quan tâm đến chính trị, không thích vào Đoàn, vào Đảng.
Nguyên nhân “nhạt Đảng, khô Đoàn, xa rời chính trị” đã được mổ xẻ rất nhiều. Trong đó, tình trạng khô cứng trong sinh hoạt Đoàn; tình trạng một bộ phận cán bộ, nhất là những người giữ các chức vụ cao tham ô, tham nhũng, sa ngã và vào tù đã tác động nhiều đến việc xây dựng lý tưởng, hoài bão của thế hệ trẻ. Những người trẻ bao giờ cũng nhìn những người đi trước. Họ xem đó là tấm gương để noi theo và phấn đấu. Điều này đã được chứng thực rất rõ: nhiều người cộng sản năm xưa nói rằng lúc ban đầu họ đi theo cách mạng, theo Đảng nhưng chưa hiểu về Đảng, về cách mạng. Song, họ chứng kiến những con người cộng sản, là người của Đảng sống đẹp và chết hiên ngang vì Tổ quốc và dân tộc, nên tin và đi theo.
Hiện nay, dù muốn hay không cũng phải thấy rằng, những biểu hiện tiêu cực ở một bộ phận thanh niên nêu trên là nguy cơ đe dọa tương lai của họ, làm cản trở sự phát triển theo hướng lành mạnh, tiến bộ và văn minh của đất nước. Các thế lực thù địch cũng khai thác và lợi dụng các biểu hiện tiêu cực trong một bộ phận người trẻ để tìm cách chống phá.
Bởi vậy, hơn bao giờ hết, các cấp ủy Đảng cần thấm nhuần và quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về thanh niên. Cần tiếp tục quan tâm chăm lo giáo dục, bồi dưỡng, đào tạo phát triển toàn diện về chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống, văn hóa, sức khỏe, nghề nghiệp, giải quyết việc làm, phát triển tài năng - sức sáng tạo, phát huy vai trò xung kích… của đoàn viên, thanh niên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, tạo điều kiện và môi trường thuận lợi, mạnh dạn giao những trọng trách để những người trẻ gánh vác… Đó chính là cách chúng ta thực hiện tốt nhất Tư tưởng và những chỉ dạy của Bác Hồ.
Trích: Tạp chí xây dựng Đảng
Chùa cổ Mỹ Thiện
Chùa Mỹ Thiện thuộc địa bàn phường Mỹ Đông (Tp. Phan Rang–Tháp Chàm), được xây dựng vào khoảng năm 1856 và vị tổ khai sơn là Hòa thượng Bảo Tạng. Điều này được khẳng định bởi bài vị của Ngài hiện còn được tôn thờ tại nhà Hậu Tổ. Ngoài khai sơn Mỹ Thiện tự, trên bước đường vân du của mình, Hòa thượng Bảo Tạng còn thành lập nhiều ngôi già lam khác: chùa Đông Nhạc, Thiên Thai Tây Hồ tự, chùa Trà Cang…
Về tổng thể, Mỹ Thiện tự được xây dựng theo một trong những lối kiến trúc truyền thống là mô hình chữ “khẩu”. Bố cục gồm: Chánh điện, nhà Tổ, Đông lang và Tây lang. Điều đặc biệt là ngôi Chánh điện được kết cấu với dáng cổ lầu độc đáo nên nhìn từ xa ngôi chùa cổ lại trông tựa như một cổ đình vậy. Xen kẽ với công trình kiến trúc là không gian xanh được bài trí linh hoạt tạo cho ngôi cổ tự một sức sống “tĩnh mà động” mang nét rất riêng.
Một góc Mỹ Thiện tự thuộc địa bàn phường Mỹ Đông.
Nếu kiến trúc chùa Mỹ Thiện có đôi phần đặc biệt với dáng dấp lạ-“hai phần chùa, một phần đình” thì những đường điêu khắc chạm trổ trên từng khung cửa, khám thờ, hoành phi, câu đối và những pho tượng thờ tự lại thể hiện một nét hồn vừa thanh thoát vừa không kém phần tinh tế, sâu sắc. Tuy nhiên, điều chúng tôi ấn tượng có lẽ là những pho tượng được thờ tự nơi Chánh điện và nhà Tổ. Có thể nói, chùa Mỹ Thiện không chỉ lưu giữ bên mình những lớp thời gian của hơn 100 năm mà còn bảo tồn khá nguyên vẹn một hệ thống tượng thờ với đủ chất liệu như một trong những minh chứng đặc sắc về tiến trình phát triển của lịch sử, văn hóa Việt Nam. Nơi già lam này có những pho tượng làm bằng đất sét (tượng ba ngài Bồ Tát nơi Chánh điện), lại có tượng ngài Quán Thế Âm bằng gỗ mít nguyên khối được sơn thếp vàng óng, bên cạnh đó là tượng Đức Bổn Sư bằng đồng được tạc theo phong cách Phật giáo Nam tông, cuối cùng là những pho tượng được kết cấu bằng chất liệu xi măng nhưng vẫn mang những nét hồn nhất định...
Người nghệ nhân xưa đã đặt tâm huyết, sự khéo léo để tạc nên những dáng hình, những nét mặt, những sóng áo phần nào thể hiện cốt cách, thần thái của thế giới nhà Phật. Đó là Đức Bổn Sư Thích Ca với thần thái thiền tọa nơi liên đài, đó là ngài Quán Thế Âm mang đức từ bi để cứu độ, đó là ngài Đạt Ma Tổ Sư với nét mặt hiền hòa, nghiêm nghị... Phải chăng những nghệ nhân xưa muốn thể hiện về một cuộc sống yên bình, an lạc nên đã tạc nên những bức tượng như trên-những bức tượng của trí tưởng tượng nhưng đượm nét hồn, nét tinh tế.
Thời gian đã phủ dày rêu phong trên những mái ngói, trên những bức vách đá vôi loang lổ, song chùa cổ Mỹ Thiện vẫn chứa đựng trong mình lối kiến trúc nghệ thuật độc đáo, bởi những đường nét điêu khắc điêu luyện đượm chất đượm hồn. Đây là di sản quý giá, là một trong những địa chỉ du lịch tâm linh hiếm hoi cho những ai hoài cổ.
Nguồn: Báo Ninh Thuận Online
Trong tài liệu sinh hoạt chi Đoàn, chúng tôi xin gửi đến các bạn đoàn viên, thanh niên, các tổ chức Đoàn về một số chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2019:
Những chính sách có hiệu lực trong tháng 4
Lãi suất chơi họ không quá 20%/năm; Học sinh giỏi mới được xét tuyển vào ngành Y khoa; quy định nội trú tại bệnh viện y học cổ truyền; Cha mẹ có quyền đổi tên cho con nuôi …là những chính sách chính thức có hiệu lực trong tháng 4/2019.
Lãi suất chơi họ không quá 20%/năm
Nghị định 19/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định về họ, hụi, biêu, phường có hiệu lực từ ngày 5/4 quy định thỏa thuận về dây họ bắt buộc phải được lập thành văn bản, thay vì có thể được thỏa thuận bằng lời nói. Văn bản thoả thuận về dây họ được công chứng, chứng thực nếu những người tham gia dây họ yêu cầu.
Nghị định 19 quy định, công dân từ đủ 18 tuổi trở lên, không thuộc trường hợp mất năng lực hành vi dân sự, hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định tại Bộ luật dân sự thì được tham gia chơi họ.
Người từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi nếu có tài sản riêng có thể là thành viên của dây họ; trường hợp tài sản riêng của người đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi là bất động sản, động sản phải đăng ký để tham gia dây họ thì phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý.
Cũng theo Nghị định, lãi suất khi chơi họ có lãi không được vượt quá 20%/năm.
Quy định mới về giá tính lệ phí trước bạ đối với đất
Có hiệu lực từ ngày 10/4/2019, Nghị định 20/2019/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 140/2016/NĐ-CP về lệ phí trước bạ, trong đó sửa đổi, bổ sung quy định về giá tính lệ phí trước bạ đối với đất. Cụ thể, giá tính lệ phí trước bạ đối với đất là giá đất tại Bảng giá đất do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (UBND cấp tỉnh) ban hành theo quy định của pháp luật về đất đai tại thời điểm kê khai lệ phí trước bạ.
Như vậy so với quy định hiện hành, Nghị định 20/2019 bổ sung trường hợp đất thuê của Nhà nước theo hình thức trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê mà thời hạn thuê đất nhỏ hơn thời hạn của loại đất quy định tại Bảng giá đất do UBND cấp tỉnh ban hành.
Ngoài ra, Nghị định 20/2019 sửa đổi, bổ sung quy định về tính lệ phí trước bạ đã thay đổi cách tính loại lệ phí này với xe tải van, xe pick-up. Theo đó, những loại xe 5 chỗ ngồi trở xuống, có khối lượng chuyên chở cho phép dưới 1.500 kg, mức thu lệ phí trước bạ lần đầu sẽ bằng 60% mức lệ phí trước bạ của ôtô con. Ở lần nộp lệ phí trước bạ thứ hai trở đi, mức thu là 2% và áp dụng thống nhất trên toàn quốc. Mức đóng này cao hơn so với hiện hành….
Học sinh giỏi mới được xét tuyển vào ngành Y khoa
Có hiệu lực từ ngày 15/4, Thông tư 02/2019/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh đại học hệ chính quy, tuyển sinh cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy, trong đó có thay đổi liên quan đến ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào ngành sư phạm và y dược.
Thông tư nêu rõ: Trong đợt tuyển sinh năm 2019, với trường xét tuyển dựa vào kết quả thi THPT quốc gia, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với các ngành thuộc nhóm đào tạo giáo viên, ngành Y khoa, Y học cổ truyền, Răng - Hàm - Mặt, Dược học, Điều dưỡng, Y học dự phòng, Hộ sinh, Dinh dưỡng, Kỹ thuật phục hình răng, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Kỹ thuật hình ảnh y học, Kỹ thuật phục hồi chức năng. Từ đó, các trường sẽ xây dựng phương án xét tuyển.
Cụ thể điểm trung bình cộng xét tuyển sử dụng điểm thi THPT quốc gia của trường tối thiểu bằng điểm trung bình cộng theo ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ Giáo dục quy định.
Điểm trung bình cộng xét tuyển sử dụng kết quả học tập THPT trình độ đại học được tính như sau: Đối với các ngành đào tạo giáo viên và ngành Y khoa, Y học cổ truyền, Răng - Hàm - Mặt, Dược học tối thiểu là 8,0 trở lên...
Điều trị nội trú ban ngày tại bệnh viện y học cổ truyền
Thông tư 01/2019/TT-BYT về điều trị nội trú ban ngày tại cơ sở khám, chữa bệnh y học cổ truyền quy định, việc chỉ định điều trị nội trú ban ngày tại các cơ sở này do bác sĩ quyết định và phải đáp ứng các tiêu chí: Tình trạng sức khỏe, bệnh lý của người bệnh phải điều trị nội trú nhưng không nhất thiết phải theo dõi, điều trị 24/24 giờ tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Thời gian theo dõi, điều trị nội trú ban ngày cho người bệnh tối thiểu 4 giờ/ngày tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Tình trạng bệnh lý của người bệnh có thể điều trị ngoại trú thì không áp dụng điều trị nội trú ban ngày.
Riêng đối với người bệnh không cư trú trên cùng địa bàn tỉnh, thành phố nơi đặt cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thì người bệnh có thể được điều trị nội trú ban ngày hoặc điều trị nội trú 24/24 giờ.
Thông tư có hiệu lực từ ngày 15/4/2019.
Cha mẹ có quyền đổi tên cho con nuôi
Từ ngày 25/4, Nghị định 24/2019/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 19/2011/NĐ-CP hướng dẫn Luật Nuôi con nuôi sẽ chính thức có hiệu lực.
Theo Nghị định 24/2019/NĐ-CP,cha mẹ nuôi được yêu cầu cơ quan đăng ký hộ tịch thay đổi họ, tên đệm và tên của con nuôi; trường hợp con đủ 9 tuổi trở lên, phải được sự đồng ý của con.
Nghị định cũng quy định khi hỗ trợ bằng tiền cho trại trẻ mồ côi, phải thực hiện thông qua tài khoản của trại. Các tổ chức, cá nhân không được yêu cầu cơ sở nuôi dưỡng cho trẻ em làm con nuôi bằng việc hỗ trợ và ngược lại, cơ sở nuôi dưỡng cũng không được cam kết cho trẻ em làm con nuôi vì đã nhận hỗ trợ nhân đạo....
Theo Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam
Những cán bộ Đoàn làm kinh tế giỏi
Trong số những cán bộ Đoàn nhận giải thưởng Lý Tự Trọng năm 2019, có những đồng chí không chỉ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, tích cực tham gia nhiều hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cộng đồng mà còn xây dựng được những mô hình phát triển kinh tế giải quyết việc làm cho nhiều thanh niên, góp phần nâng cao đời sống kinh tế ở địa phương.
Anh Nguyễn Văn Lợi phát tờ rơi tuyên truyền trong lễ ra quân Tháng Thanh niên 2019 của Đoàn xã Thành Trung
|
Thoát nghèo, đi học lại nhờ chăn nuôi bò giống
Gác lại việc học tập từ năm 15 tuổi, chàng thanh niên quê Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Văn Lợi từ bỏ ước mơ bước chân vào giảng đường Đại học vì kinh tế gia đình quá khó khăn, không đủ điều kiện để đi học.
Vốn xuất thân từ gia đình thuần nông, anh Lợi lựa chọn mưu sinh từ chính mảnh đất của Nông trường Tầm Vu, nơi mà gia đình anh đang tập trung canh tác để trồng lúa.
Nhớ lại những lúc lao động vất vả và nhiều khó khăn, anh Lợi bồi hồi: “Ở cái tuổi mà tôi có nhiều ước mơ hoài bảo trên ghế nhà trường, đành gác lại tương lai. Không một con đường nào mới xây dựng mà không chông chênh khó đi cả. Còn nhớ, có lần đi cắt cỏ nước thì ngứa, trên mặt nước đầy sâu đen, trên ngọn cỏ đầy kiến lửa, trên bầu trời đầy muỗi, con mù mắt quây xung quanh trong mùa nước nổi…”
Nhận thấy nguồn cỏ tự nhiên trên nông trường rộng hơn 2.000m2 rất dồi dào bỏ không; mặt khác trồng lúa tại thời điểm đó rất kém hiệu quả, lợi nhuận trong 16 tháng chỉ đạt khoảng 3 triệu đồng, ước tính mỗi tháng chỉ lãi chưa đến 200 nghìn đồng. Nghĩ là làm, anh Lợi đã mạnh dạn chuyển đổi đầu tư nuôi 02 con bò giống, trị giá 30 triệu đồng.
Ban đầu, do thiếu vốn, thiếu kiến thức nên công việc chăn nuôi còn gặp nhiều khó khăn. Không nản chí và nhận được sự ủng hộ của gia đình cộng thêm sự động viên từ Đoàn thanh niên xã, anh Lợi quyết tâm đi học trở lại và tìm tòi, học thêm các kỹ thuật chăn nuôi.
Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật đã được học và biết vận dụng những điều kiện tự nhiên sẵn có nguồn có, đàn bò của anh Lợi đã phát triển tốt, cho sinh sản khá nhanh.
Sau 16 tháng chăn nuôi, đàn bò của anh Lợi đã xuất chuồng 02 chú bê con với giá 24 triệu đồng. Ngoài ra, chăn nuôi bò còn giúp tận dụng được nguồn phân hữu cơ từ bò thải ra, tiếp tục bón lại cho cỏ, tiết kiệm thêm chi phí phân bón. Từ mô hình chăn nuôi của gia đình đạt hiệu quả cao, anh Lợi đã hỗ trợ, hướng dẫn cho thanh niên ở địa phương áp dụng, vươn lên thoát nghèo; có những gia đình đã trở nên khấm khá hơn, đời sống kinh tế ngày càng phát triển từ mô hình của anh Lợi.
Không chỉ phát triển kinh tế giỏi, chàng thanh niên Nguyễn Văn Lợi còn tích cực tham gia các hoạt động Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi của địa phương. Năm 2014, được sự tính nhiệm của đoàn viên, thanh niên, anh Lợi được bầu làm Phó Bí thư Đoàn xã Thành Trung và là Ủy viên BCH huyện Đoàn từ năm 2017 đến nay.
Trong quá trình công tác, anh Lợi luôn gắn bó, bám sát các công việc của địa phương, chủ động tham mưu, triển khai các hoạt động thiết thực vì lợi ích của nhân dân như kêu gọi ĐVTN phát hoang các tuyến đường liên ấp, trồng hoa; thu gom vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật, rác thải; vận động thanh niên, nhân dân tham gia hiến máu nhân đạo, vận động các nguồn lực để giúp đỡ cho các hoàn cảnh đặc biệt trong công tác an sinh xã hội…
Nữ Bí thư đoàn xã tiên phong làm giàu từ cá thát lát
Chị Phương Hà kiểm tra chất lượng cá trước khi chuyển đi chế biến
|
Là một người con lớn lên trên mảnh đất thuần nông, chị Nguyễn Thị Phương Hà - Bí thư đoàn xã Tân Phú, Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang đã phát triển mô hình nuôi cá thát lát cườm mang lại hiệu quả kinh tế cao, giải quyết việc làm và tạo thêm thu nhập cho nhiều đoàn viên, thanh niên xã Tân Phú.
Xã Tân Phú là một xã tương đối khó khăn của Thị xã Long Mỹ, đời sống nhân dân chủ yếu bằng nghề nông, thu nhập chính dựa vào cây lúa, kinh tế không ổn định. Thanh niên địa phương thường là lao động chính, phải bỏ xứ đi làm ăn xa gì nhu cầu kinh tế của gia đình.
Xuất phát từ thực tế trên, với vai trò là một thủ lĩnh thanh niên, Bí thư đoàn xã Tân Phú Nguyễn Thị Phương Hà luôn trăn trở và không ngừng tìm những giải pháp mới, cách làm hay để có thể thu hút được thanh niên vào tổ chức đoàn, hội và tự làm giàu trên chính quê hương mình.
Sau khi nghiên cứu về đặc điểm, yêu cầu và lợi ích kinh tế mang lại của việc nuôi cá thác lát cườm, chị Phương Hà đã quyết định thành lập mô hình ươm, nuôi và chế biến loại cá này.
Ban đầu khi thực hiện không thể tránh khỏi những khó khăn như thiếu vốn, chưa có kinh nghiệm, đặc điểm loài cá thát lát nuôi cần chi phí cao nên thanh niên không mặn mà, sản phẩm làm ra người tiêu dùng e ngại không dám sử dụng vì không có nhãn mác cũng như chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm… Nhưng với sự tâm huyết với tuổi trẻ, chị Phương Hà vẫn quyết tâm phải làm bằng được.
Với mức thu nhập từ mô hình hơn 150 triệu đồng/năm, qua 02 năm thực hiện mô hình, hiện tại chị Hà đã thành lập được 01 CLB nuôi cá để cung ứng đầu vào cho cơ sở với 7 thành viên tham gia.
Tham gia CLB, các thành viên được hỗ trợ về con giống, khoa học kỹ thuật, được bao tiêu sản phẩm, đảm bảo đầu ra có lãi. Mỗi năm 02 đợt nuôi đã mang lại thu nhập cho các thành viên từ 15 - 30 triệu đồng. Bên cạnh đó, CLB nuôi cá thát lát cườm đã giải quyết được việc làm cho 10 đoàn viên, thanh niên tại địa phương, với mức thu nhập từ 150 – 200 nghìn đồng/ngày.
Ngoài quan tâm về phát triển kinh tế gia đình cho đoàn viên, thanh niên, Bí thư đoàn xã Tân Phú Nguyễn Thị Phương Hà cũng luôn bám sát các hoạt động an sinh xã hội, quan tâm, chăm lo cho các đối tượng khó khăn.
Trong Tháng thanh niên năm 2019, Đoàn xã Tân Phú đã vận động xây dựng 01 căn nhà “Mái ấm đoàn viên”, tổng trị giá 95 triệu đồng; tổ chức khám và cấp phát thuốc miễn phí cho hơn 500 bà con nhân dân, trao 350 phần quà tổng kinh phí trên 100 triệu đồng.
Ngoài ra, Đoàn thanh niên xã còn thành lập 01 CLB thanh niên tình nguyện vì cộng đồng, hỗ trợ người dân từ thủ tục hành chính, sửa nhà giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn… đã thu hút đông đảo đoàn viên tham gia, được bà con nhân dân tin yêu và quý mến.
Dưới sự hướng dẫn, định hướng của Bí thư Đoàn Nguyễn Thị Phương Hà, nhiều năm Đoàn Thanh niên xã Tân Phú luôn dẫn đầu trong công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi của huyện.
Được trải nghiệm trong quá trình công tác và trưởng thành từ những hoạt động tình nguyện, chị Phương Hà nhắn nhủ: “Tuổi trẻ chúng ta là lực lượng trụ cột của nước nhà, hãy đem sức trẻ để cống hiến cho xã hội, làm những điều có ích, có ước mơ, có hoài bão, có cố gắng thì chúng ta nhất định thành công”.
Nguồn: thanhgiong.vn
Hành trình tuổi 20
Sáng tác: Nguyễn Văn Hiên
Hành trình tuổi hai mươi chúng ta vẫn còn nhớ,
một đoạn đường chông gai hiến dâng cho ngày nay.
Hành trình tuổi hai mươi qua núi cao sông dài,
từ mọi miền quê hương về đây chung bài ca.
Băng qua Trường Sơn, cát trắng biển xanh.
Băng qua Phước Long còn in dấu chân hùng anh.
Về Tây Nguyên xanh lòng vui như mở hội.
Tuổi hai mươi đẹp sao ước mơ xanh.
Hành trình tuổi hai mươi tiếng quê hương vọng mãi,
Sài Gòn ngày ba mươi, Bắc Nam chung bài ca.
Hành trình tuổi hai mươi theo bước chân anh hùng,
từ mọi miền quê xa xôi về đây chung bài ca.
Đi trong tình yêu, đất nước đẹp tươi.
Đi trong tiếng ca, tuổi xuân góp tay dựng xây,
về Tây Nguyên xanh lòng vui như mở hội.
Tuổi hai mươi đẹp sao ước mơ xanh. |